Tổng dân số | |
---|---|
5.000 | |
Khu vực có số dân đáng kể | |
Hồng Kông | |
Ngôn ngữ | |
tiếng Việt, tiếng Hồng Kông | |
Tôn giáo | |
Phật giáo, Công giáo | |
Sắc tộc có liên quan | |
người Việt |
Sau Chiến tranh Việt Nam, có nhiều người Việt đã tị nạn ở Hồng Kông giữa thập niên 1970. Do chính sách nhân đạo của chính quyền thuộc địa[1], và dưới sự bảo hộ của Liên Hợp Quốc, một cộng đồng người Việt Nam, chủ yếu là người gốc Hoa, đã được cho phép định cư ở Hồng Kông.
Việc nhập cư bất hợp pháp của người tị nạn Việt Nam đã là một vấn đề đau đầu đối với chính quyền Hồng Kông trong 25 năm. Vấn đề chỉ được giải quyết năm 2000. Giữa năm 1975 và 1999, 143.700 người nhập cư Việt Nam đã được tái định cư tại các quốc gia khác và hơn 67.000 người đã bị cho hồi hương[2].
Cộng đồng người Việt Nam ở Hồng Kông, hiện có khoảng 5.000-6.000 người và có một số người thành công trên nhiều lĩnh vực. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, nhiều Hoa kiều và cả người Việt Nam đã sang Hồng Kông, sau đó có một bộ phân đi sang các nước phương Tây. Những người còn lại ở lại Hồng Kông và cũng thành công trong kinh doanh. Có những doanh nhân hiện có những dự án đầu tư lớn trở lại Việt Nam. Nhìn chung, cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở Hồng Kông khá ổn định, vì Hồng Kông là một thành phố phát triển, thu nhập rất cao, lương bình quân tối thiểu của người làm việc tại đây là khoảng 8.000 HKD (đô-la Hongkong), tức khoảng 1.000 USD. Tuy vậy, còn có một bộ phận người Việt có cuộc sống còn khó khăn do trình độ học vấn thấp. Ở Hồng Kông có một khu gọi là Làng Việt Nam ở đảo Lantau (một hòn đảo lớn nhất Hồng Kông). Bà con ở đây sống co cụm lại với nhau, nhiều người không có điều kiện học hành, không biết tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ chính ở Hồng Kông, bên cạnh tiếng Anh).
Trước đây, đối với người Việt Nam, việc xin visa vào Hồng Kông để làm việc tương đối dễ dàng, nhưng mấy năm gần đây do một số người Việt vào Hồng Kông bất hợp pháp, hay ở lại quá hạn cho phép… nên ảnh hưởng đến việc xin visa. Người Việt Nam ở Hồng Kông-Macau đã có nhiều hoạt động tích cực để quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch… Việt Nam ở nơi sở tại. Ở Hồng Kông có nhiều hoạt động quảng bá như sự kiện giới thiệu văn hoá các nước châu Á, thì người Việt cũng tham gia biểu diễn văn nghệ dân tộc tại đây[3].