Phạm Hữu Nghi

Phạm Hữu Nghi
Hữu Tham tri bộ Lễ
Tên chữTrọng Vũ
Tên hiệuĐạm Trai
Thông tin cá nhân
Sinh1797
Mất1862 (64–65 tuổi)
Học vấnCử nhân
Chức quanHữu Tham tri bộ Lễ
Quốc gia Việt Nam
Thời kỳNhà Nguyễn
Tác phẩmĐạm Trai thi tập

Phạm Hữu Nghi (giản thể: 范有仪; phồn thể: 范有儀; 1797 – 1862) tự Trọng Vũ (仲羽), hiệu Đạm Trai (琰齋),[1] là một quan viên dưới triều nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông từng làm quan qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là người trực tiếp tham gia biên soạn và chỉnh lý bộ Thánh Tổ Nhân hoàng đế thực lục chính biên (tức sách Đại Nam thực lục, phần Chính biên, Đệ nhị kỷ).

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Hữu Nghi, tên cũ là Phạm Hồng Nghi (范洪儀), sinh năm 1797 tại làng Trừng Giang, huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Theo Mộc bản triều Nguyễn, tổ tiên ông vốn là người Nghệ An, sau di cư vào lập nghiệp ở Quảng Nam. Cha ông là Phạm Văn Vận, một nhà nho, cũng là thầy đồ trong làng. Ông có một người chị ruột là Phạm Thị Cẩn, cũng là mẹ ruột của danh thần Phạm Phú Thứ.[2] Bà Cẩn mất sớm, để lại ba người con là Phạm Phú Duy, Phạm Phú Thứ và Phạm Phú Lữ, Phạm Hữu Nghi cùng cha mẹ đã đón các cháu về nuôi dưỡng. Về sau, trừ Phạm Phú Lữ mất sớm vì bệnh, còn Phạm Phú Duy và Phạm Phú Thứ đều đỗ đạt và ra làm quan.[2][3] Phạm Hữu Nghi có hai người con trai là Phạm Hữu Trác và Phạm Hữu Gia, đều từng làm quan bát phẩm trong bộ Binh. Cháu nội ông là tiến sĩ Phạm Liệu, một trong Ngũ Phụng Tề Phi của Quảng Nam dưới triều vua Thành Thái.[4]

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1821, Phạm Hữu Nghi thi đỗ Á nguyên trong kỳ thi Hương trong khoa thi đầu tiên dưới triều vua Minh Mạng. Sau khi thi trượt Tiến sĩ trong kỳ thi Hội, ông không tiếp tục học để thi lại mà trực tiếp ra làm quan. Ông được bổ nhiệm làm Điển bạ, sau thăng dần đến Tu soạn và trở thành Hành nhân sứ bộ trong sứ đoàn sang nhà Thanh để điều đình việc ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến đi sứ đầu tiên này, ông đã biên soạn tập thơ mang tên Sứ Yên tùng vịnh. Tập thơ này bao gồm những bài thơ được ông sáng tác trong suốt thời gian làm sứ, thể hiện cảm nhận về cuộc sống và cảnh vật nơi đất khách. Bên cạnh đó, cũng có những bài thơ được ông ứng tác trong lúc cùng bạn đồng hành thưởng thức rượu và giao lưu với các văn sĩ Trung Hoa thời bấy giờ.[5] Đại Nam liệt truyện trong phần viết về hành trạng của ông, có đoạn: "Hữu Nghi thông các kinh, học rộng, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập Sứ Yên tùng vịnh, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng".[4]

Trên đường về nước, do vi phạm trong đệ trạm không hợp lệ nên Phạm Hữu Nghi bị cách chức, bị phái đi công cán ở Giang Lưu Ba (Jakarta), làm việc để chuộc tội. Sau khi đi công cán trở về, ông được phục chức Tư vụ, rồi thăng làm Chủ sự. Sau đó, ông được điều đi giữ chức Tri phủ tại Bình Định, lần lượt luân chuyển qua các phủ An Nhân, Hoài Đức, Hoài Nhân. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ông được thăng chức làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương Phó hiệu trưởng).[6] Đến năm 1841 dưới triều Thiệu Trị, ông được phái ra Nghệ An giữ chức Án sát tỉnh. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông được điều về kinh, thăng làm Quang lộc tự Khanh, bổ nhiệm làm Toản tu tại Sử quán.[7] Với vai trò Toản tu, ông đã tham gia trực tiếp tham gia biên soạn và chỉnh lý Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ và đệ nhị kỷ.[8]

Dưới thời Tự Đức

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm đầu tiên dưới triều Tự Đức (1848), Phạm Hữu Nghi đã làm bài phú "Nguyệt trung quế". Sau khi đọc xong, nhà vua cảm thấy rất ưng ý và đã thăng chức ông lên Hữu Tham tri bộ Lễ, đồng thời bổ nhiệm ông làm Giảng quan tại tòa Kinh diên để hàng ngày giảng sách cho vua nghe. Đến năm 1854, khi đang Giảng quan, ông đã dâng sớ tâu xin nhà vua cho thực hiện một chương trình sưu tầm các thể loại như sắc, mệnh, chiếu, cáo, tiên, biểu, thư, sớ, bi ký, lộ bố, cùng với các bài tán tụng, tự và bạt của vua và các công thần được soạn từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Mục đích là để chọn ra những bài xuất sắc, phân loại thành từng bộ môn chuyên ngành và in ấn thành từng tập trong một bộ sách chung, mang tên Đại Nam văn uyển thống biên, nhằm làm mẫu mực cho điển chương trong học thuật. Vua Tự Đức đã khen ngợi và lập tức phê duyệt, giao cho ông phụ trách việc sưu tầm và giám sát khâu khắc in. Bộ sách này do ông làm Tổng tài quản lý việc biên soạn, sau khi khắc in đã cho ra 76 quyển, bao gồm 1421 bài. Đây có thể được coi là một phần của di sản văn hóa Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng.[7] Trong giai đoạn này, ông từng kiêm nhiệm nhiều chức vụ như Thiêm sự phủ Thiêm sự,[9] Hữu Tham tri bộ Lễ kiêm quản ấn triện Hàn Lâm viện.[10]

Năm 1858, khi quân đội Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, Phạm Hữu Nghi cùng cháu là Phạm Phú Thứ lúc bấy giờ đang làm việc trong Nội các đã tấu xin vua Tự Đức cho phép các quan lại, thân sĩ, binh lính quê ở Quảng Nam đang ở kinh về tỉnh nhà lập đội nghĩa dũng chống giặc. Tuy nhiên Tự Đức đã từ chối vì cho rằng chưa cần thiết.[11][12] Đến năm 1862, vì vấn đề tuổi tác và sức khỏe, Phạm Hữu Nghi xin trí sĩ về hưu. Vua Tự Đức đồng ý, đồng thời ban thưởng áo mũ, bạc, lụa. Về quê chưa lâu, ông qua đời vào tháng 3 cùng năm, thọ 66 tuổi. Sau khi tin báo tang đến triều đình, Tự Đức đã ban thêm 500 quan tiền.[5]

Tương quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Lúc sinh thời, mặc dù làm quan tại triều đình, nhưng Phạm Hữu Nghi luôn quan tâm đến quê hương. Có lần, khi trở về thăm quê, thấy tình trạng sạt lở bãi sông do mùa lũ, ông đã tổ chức một cuộc họp với người dân trong làng. Ông xin đất đai từ các làng lân cận để người dân có thể khai khẩn, tạo dựng một làng mới làm nơi sinh sống cho mọi người. Trong Đại Nam liệt truyện có chép: "Nghi, lúc ngày thường, lưu ý đến quê hương. Khi Nghi ở làng lúc ấy lo nạn bãi sông lở, Nghi bèn họp người làng, mưu xin ruộng của xã Thẩm Lĩnh để cho dân ở. Đến nay dân làng còn ơn".[4]

Không chỉ chăm lo đời sống người dân, ông còn quan tâm đến tôn tạo các công trình văn hóa của khu vực. Hiện tại, Bảo tàng thị xã Điện Bàn đang lưu giữ một số tấm bia, trong đó nổi bật là bia khắc về Văn Từ Phủ – một công trình văn hóa quan trọng trong khu vực. Công trình này được xây dựng nhờ công sức và tài chính của ông cùng với các trí thức khác như: Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh, Cử nhân Nguyễn Thành Châu, và Tú tài Phạm Phú Hanh... Mục đích là để tôn vinh sự nghiệp giáo dục, tri thức và niềm hiếu học. Riêng ông, ngoài việc đóng góp 20 lạng bạc cho công trình, còn là người trực tiếp soạn thảo văn bia.[13][14]

Hiện nay, tên ông được sử dụng để đặt tên một con đường tại địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.[15][16]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trịnh Khắc Mạnh (2007), tr. 100.
  2. ^ a b Phạm Phú Thứ (1999), tr. 22.
  3. ^ Phạm Đình Nhân (1999), tr. 165.
  4. ^ a b c Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), tr. 481.
  5. ^ a b Nguyễn Trần (ngày 26 tháng 4 năm 2020). "Phạm Hữu Nghi làm quan qua 3 đời vua". Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  6. ^ Trần Văn Hữu (ngày 29 tháng 10 năm 2019). "Tế tửu, Tư nghiệp Quốc tử giám là người Nghệ An". Ban quản lý di tích Nghệ An. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  7. ^ a b UBND thị xã Điện Bàn (ngày 20 tháng 2 năm 2013). "Phạm Hữu Nghi (1797 - 1862)". Cổng thông tin điện tử Thị xã Điện Bàn. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  8. ^ Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (2009), tr. 1783.
  9. ^ Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (2009), tr. 1810.
  10. ^ Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (2009), tr. 1820.
  11. ^ Ngô Văn Minh (2007), tr. 60.
  12. ^ Vân Trình (ngày 17 tháng 4 năm 2022). "Quê hương nghĩa nặng tình sâu". Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  13. ^ Nguyễn Dị Cổ (ngày 27 tháng 12 năm 2020). "Cách người xưa khuyến học trọng văn". Báo Quảng Nam. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  14. ^ Phạm Văn Bính (ngày 11 tháng 7 năm 2010). "Chuyện xưa xứ Quảng: Văn bia Văn từ phủ". Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  15. ^ "Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường TP. Đà Nẵng năm 2016". Báo Đà Nẵng. ngày 17 tháng 11 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
  16. ^ Bùi Văn Tiếng (ngày 24 tháng 1 năm 2023). "Những danh nhân Điện Bàn trên đường phố Đà Nẵng". Cổng thông tin điện tử Thị xã Điện Bàn. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2025.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Genshin Impact] Câu truyện về ma điểu và tràng thiếu niên
[Genshin Impact] Câu truyện về ma điểu và tràng thiếu niên
Khái quát lại câu chuyện trên đảo Tsurumi Genshin Impact
Review phim The Secret Life of Walter Mitty
Review phim The Secret Life of Walter Mitty
Một bộ phim mình sẽ xem tới những giây cuối cùng, và nhìn màn hình tắt. Một bộ phim đã đưa mình đến những nơi unknown
Giới thiệu AG Priscilla - Anti AoE and Penetration tanker
Giới thiệu AG Priscilla - Anti AoE and Penetration tanker
Priscilla là một tanker lợi hại khi đối mặt với những kẻ địch sở hữu khả năng AOE và AOE xuyên giáp như Mami, Madoka, Miki
[Các tộc bài] Runick: Tiếng sấm truyền từ xứ sở Bắc Âu
[Các tộc bài] Runick: Tiếng sấm truyền từ xứ sở Bắc Âu
Trong sử thi Bắc Âu, có một nhân vật hiền triết cực kì nổi tiếng tên là Mímir (hay Mim) với hiểu biết thâm sâu và là 1 kho tàng kiến thức sống