Trong hệ thống nghị viện hoặc bán tổng thống, quyền lực dự trữ, còn gọi là quyền tuỳ ý, cho phép nguyên thủ quốc gia (hoặc đại diện của họ) hành động mà không cần sự chấp thuận từ nhánh chính phủ khác. Khác với hệ thống tổng thống, nơi nguyên thủ có quyền hành pháp độc lập, trong hệ thống nghị viện, quyền này thường bị hạn chế bởi nội các hoặc quốc hội và chỉ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt.
Trong các nền quân chủ lập hiến có hiến pháp bất thành văn hoặc một phần không được ghi chép đầy đủ (như Vương quốc Anh, Canada), hoặc có hiến pháp thành văn nhưng bổ sung bằng tập quán và sắc lệnh hoàng gia, quân chủ thường nắm giữ quyền lực dự trữ.
Các quyền này thường bao gồm: ân xá, bãi nhiệm thủ tướng, từ chối giải tán quốc hội, và từ chối hoặc trì hoãn phê chuẩn luật. Từ chối phê chuẩn đồng nghĩa với phủ quyết, trong khi trì hoãn phê chuẩn là kéo dài quyết định vô thời hạn. Việc sử dụng quyền này bị ràng buộc bởi các quy tắc hiến pháp và áp lực dư luận. Nếu nguyên thủ sử dụng trái với thông lệ, có thể gây ra khủng hoảng hiến pháp.
Hầu hết các nền quân chủ lập hiến áp dụng nguyên tắc chính phủ chịu trách nhiệm, trong đó quyền lực dự trữ giúp quân chủ và đại diện của họ đóng vai trò người bảo vệ hiến pháp, đảm bảo rằng nội các và quốc hội tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.[1] Một số học giả như George Winterton cho rằng quyền này hữu ích vì giúp nguyên thủ xử lí khủng hoảng bất ngờ và cho phép hiến pháp phát triển linh hoạt mà không cần sửa đổi chính thức.[2] Ngược lại, Herbert Evatt coi quyền lực dự trữ là tàn dư dễ bị lạm dụng và đề xuất mã hoá chúng vào luật,[3] như đã thực hiện ở Ireland, Nhật Bản và Thuỵ Điển.[4]
Tại Vương quốc Bỉ, hiến pháp quy định rõ rằng không hành động nào của nhà vua có hiệu lực nếu không có chữ kí của một hoặc nhiều thành viên chính phủ, khiến họ chịu hoàn toàn trách nhiệm và loại bỏ mọi quyền lực dự trữ của quân chủ. Trên thực tế, "Nhà vua" trong các văn bản pháp lí thường chỉ chính phủ, ngoại trừ các luật cần đa số nghị viện thông qua.
Tiền lệ hiến pháp còn thiết lập nguyên tắc nhà vua phải phê chuẩn mọi quyết định của quốc hội ngay khi chính phủ trình kí và chịu trách nhiệm chính trị hoàn toàn, dù ông có quan điểm cá nhân khác.
Năm 1990, khi quốc hội thông qua luật hợp pháp hoá phá thai, Vua Baudouin từ chối kí, đây là lần thứ hai trong lịch sử Bỉ nhà vua làm vậy. Ông đề nghị chính phủ tuyên bố tạm thời mất năng lực cai trị trong một ngày, cho phép nội các tiếp quản quyền lực của hoàng gia và tự kí ban hành luật. Hôm sau, quốc hội phê chuẩn việc khôi phục ngôi vua cho Baudouin.
Trước những năm 1920, tại các Lãnh thổ (Dominions) tại Vương quốc Thịnh vượng chung, quyền lực dự trữ chủ yếu do toàn quyền thực thi theo khuyến nghị của chính quyền địa phương hoặc chính phủ Anh, trong đó chính phủ Anh có quyền ưu tiên.
Sau Tuyên bố Balfour 1926, khẳng định các chính phủ thuộc Khối Thịnh vượng chung có quyền tự chủ và bình đẳng, toàn quyền không còn nhận chỉ đạo từ chính phủ Anh.
Ví dụ, năm 1922, Tim Healy, Toàn quyền đầu tiên của Nhà nước Tự do Ireland, nhận lệnh từ Bộ Lãnh thổ Anh yêu cầu từ chối phê chuẩn bất kì dự luật nào của Quốc hội Ireland nhằm thay đổi hoặc bãi bỏ Lời thề Trung thành. Tuy nhiên, trong nhiệm kì của Healy, không có dự luật nào như vậy được đề xuất. Đến năm 1933, khi lời thề bị bãi bỏ, Toàn quyền Ireland chỉ còn nhận chỉ đạo từ chính phủ Ireland.
Quyền dự trữ để cách chức chính phủ không được sử dụng ở Vương quốc Anh từ năm 1834, nhưng đã được áp dụng gần đây tại Thịnh vượng chung Úc trong hai trường hợp:
Cả hai lần, cuộc bầu cử diễn ra ngay sau đó và chính phủ bị bãi nhiệm đều thất bại nặng nề trước lá phiếu của cử tri.
Tại Queensland năm 1987, trong giai đoạn căng thẳng về chuyển giao lãnh đạo, Toàn quyền Walter Campbell từ chối thực hiện đề nghị phân chia lại nội các của Thủ hiến Joh Bjelke-Petersen, vì ông này đã mất sự ủng hộ từ nội các. Khi Queensland có "Thủ hiến không phải là lãnh đạo đảng" và "Lãnh đạo đảng không phải là Thủ hiến",[5] dư luận lo ngại Campbell có thể sử dụng quyền lực dự trữ để cách chức Thủ hiến mà không cần một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Cuối cùng, ông được ca ngợi vì đã xử lí tình huống này một cách khéo léo.[6]
Đây là một trong nhiều lần quyền dự trữ được thực thi tại Úc trong thế kỉ 20, ở cả cấp bang và liên bang.[7]
Quyền dự trữ ở Canada thuộc đặc quyền hoàng gia và thuộc về Quân chủ Canada, do Đạo luật Hiến pháp 1867 trao toàn bộ quyền hành pháp cho nguyên thủ. Năm 1947, Quốc vương George VI ban hành sắc lệnh hoàng gia cho phép Toàn quyền Canada thực thi mọi quyền lực nhân danh Quân chủ.
Quyền dự trữ để cách chức chính phủ chưa từng được sử dụng ở Canada, nhưng đã có hai lần buộc Thủ tướng phải từ chức:
Ở cấp tỉnh, ngày 29/6/2017, Phó Toàn quyền British Columbia, Judith Guichon, sử dụng quyền dự trữ để từ chối đề nghị của Thủ hiến Christy Clark về việc giải tán nghị viện chỉ 51 ngày sau cuộc bầu cử cấp tỉnh. Clark cho rằng việc bổ nhiệm Chủ tịch nghị viện sẽ dẫn đến nhiều lần bỏ phiếu hoà, gây bất ổn. Tuy nhiên, Guichon bác bỏ đề xuất và thay vào đó mời John Horgan thành lập chính phủ mới, đưa ông lên làm thủ hiến.
Chưa có toàn quyền nào thời hiện đại từ chối phê chuẩn một dự luật, nhưng một số phó toàn quyền cấp tỉnh đã từng làm vậy.
Nhà nghiên cứu hiến pháp Peter Hogg cho rằng "một hệ thống chính phủ chịu trách nhiệm không thể vận hành nếu không có nguyên thủ quốc gia nắm giữ một số quyền lực dự trữ.". Trong khi đó, Eugene Forsey khẳng định "quyền lực dự trữ, theo hiến pháp của chúng ta, là một biện pháp bảo vệ dân chủ hoàn toàn cần thiết. Nó thay thế các biện pháp bảo vệ pháp lí và tư pháp mà hiến pháp thành văn của Hoa Kỳ thực hiện thông qua hệ thống toà án.".
Không giống hầu hết các quân chủ lập hiến khác, Thiên hoàng Nhật Bản không có quyền dự trữ. Sau thất bại trong Thế chiến II, vai trò của Thiên hoàng được quy định trong Chương I Hiến pháp Nhật Bản năm 1947, do các cường quốc chiến thắng áp đặt. Hiến pháp xác định chủ quyền thuộc về nhân dân Nhật Bản, còn Thiên hoàng chỉ là biểu tượng của Nhà nước và sự thống nhất dân tộc.
Giống như Thiên hoàng Nhật Bản, Quân chủ Thuỵ Điển không có trách nhiệm hiến pháp trong việc điều hành đất nước và chỉ giữ vai trò nghi lễ và đại diện. Theo Đạo luật Chính phủ năm 1974, quyền hành pháp tối cao thuộc về Chính phủ, bao gồm Thủ tướng và các bộ trưởng, và chịu trách nhiệm trước Riksdag (Quốc hội Thuỵ Điển).
Mặc dù Quân chủ không bị đặt dưới quyền Chính phủ và có thể đóng vai trò độc lập về mặt đạo đức, nhưng theo thông lệ đã được xác lập trong các văn kiện chuẩn bị cho Đạo luật năm 1974, Quân chủ không nên can dự vào các vấn đề có thể bị hiểu là chính trị đảng phái hoặc chỉ trích chính phủ đương nhiệm.
Quyền dự trữ cũng có thể được quy định trong hiến pháp của các nước cộng hoà, nơi nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ là hai chức danh riêng biệt. Điều này từng áp dụng tại Cộng hoà Weimar và vẫn tồn tại trong Đệ Ngũ Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Ý và Cộng hoà Ireland.
Các quyền lực dự trữ có thể bao gồm quyền ban hành luật khẩn cấp hoặc quy định đặc biệt, bỏ qua quy trình thông thường. Ở hầu hết các quốc gia, khả năng thực thi quyền lực dự trữ của nguyên thủ quốc gia được hiến pháp quy định rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ.