Sennacherib

Sennacherib
Phù điêu Sennacherib khắc đá từ chân núi Judi, gần Cizre
Vua Đế quốc Tân Assyria
Tại vị705–681 TCN
Tiền nhiệmSargon II
Kế nhiệmEsarhaddon
Thông tin chung
Sinhk. 745 TCN[1]
Nimrud[2] (?)
Mất20 tháng 10 năm 681 TCN (thọ k. 64 tuổi)
Nineveh
Phối ngẫuTashmetu-sharrat
Naqi'a
Hậu duệAshur-nadin-shumi
Arda-Mulissu
Esarhaddon
Thân phụSargon II
Thân mẫuRa'īmâ

Sennacherib (chữ hình nêm Tân Assyria: Sîn-ahhī-erība[3] hay Sîn-aḥḥē-erība,[4] có nghĩa "Sîn thế chỗ các anh")[5][6][a] là vua của Đế quốc Tân Assyria từ khi kế vị Sargon II năm 705 TCN đến khi bị giết năm 681 TCN. Làm vua đời thứ hai nhà Sargon, Sennacherib là một trong những vua Assyria nổi tiếng nhất vì được Kinh Thánh Hebrew ký thuật lại về chiến dịch Levant. Dưới thời cai trị, ông cho phá hủy thành Babylon năm 689 TCN, kiến thiết và mở rộng kinh đô vĩ đại cuối cùng của AssyriaNineveh.

Tuy là một trong những vị vua Assyria hùng mạnh và có ảnh hưởng rộng rãi nhất nhưng Sennacherib gặp khó khăn đáng kể trong việc kiểm soát Babylon thuộc miền nam đế chế. Nhiều rắc rối ở Babylon là do thủ lĩnh Chaldea Marduk-apla-iddina II,[7] nhân vật này từng là vua Babylon cho đến khi bị Sargon II đánh bại. Ngay sau khi Sennacherib thừa kế ngai vàng năm 705 TCN, Marduk-apla-iddina chiếm lại Babylon và liên minh với người Elam. Năm 700 TCN, Sennacherib giành lại được miền nam nhưng Marduk-apla-iddina tiếp tục di họa, như xúi giục chư hầu của Assyria ở Levant nổi dậy, dẫn đến Chiến tranh Levant năm 701 TCN. Bản thân Marduk thì gây chiến với vua chư hầu của Sennacherib là Bel-ibni. Sau khi Babylon và Elam bắt giết trưởng nam Sennacherib là Ashur-nadin-shumi đang làm vua chư hầu Babylon, Sennacherib tiến đánh cả hai vùng. Do Babylon nằm bên trong lãnh thổ đế quốc cũng như đã gây ra cái chết của con trai, Sennacherib phá hủy thành phố năm 689 TCN.

Trong chiến tranh Levant, các nước phía nam không dễ chịu khuất phục như phía bắc, đặc biệt là vương quốc Judah dưới quyền vua Hezekiah. Do đó, quân Assyria tiến hành xâm lược Judah. Dù chuyện Kinh Thánh ghi lại rằng Chúa đã sai thiên sứ xuống giúp tiêu diệt quân Sennacherib đánh Jerusalem nhưng khó có thể cho rằng quân Assyria thua trận, vì cuối cùng Hezekiah cũng phải quy thuận Sennacherib.[8] Những ghi chép đương thời, kể cả từ phía kẻ thù của Assyria đều không hề đề cập đến việc quân Assyria bại trận tại Jerusalem.[9]

Sennacherib dời kinh đô tới Nineveh, nơi ông từng ở nhiều khi còn là thái tử. Mong muốn biến Nineveh thành kinh đô xứng tầm đế chế, Sennacherib khởi động một trong những dự án xây dựng tham vọng nhất trong lịch sử cổ đại. Ông mở rộng thành và dựng những tường thành vĩ đại, nhiều đền thờ và vườn thượng uyển. Công trình nổi tiếng nhất trong thành là Cung điện Tây Nam, được Sennacherib gọi là "Cung điện không đối thủ". Sau khi trưởng nam thái tử Ashur-nadin-shumi qua đời, Sennacherib ban đầu chỉ định nhị hoàng tử là Arda-Mulissu kế vị. Sau đó, không rõ lý do nào mà hoàng tử nhỏ hơn Esarhaddon lại được làm thái tử năm 684 TCN. Arda-Mulissu nhiều lần xin được phục hồi kế vị nhưng không được. Năm 681 TCN, hai anh em Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur sát hại tiếm ngôi Sennacherib.[b] Dân Babylon và Levant mừng rỡ khi biết tin Sennacherib chết, coi đây là bị thần phạt. Còn Assyria kinh hoàng và phẫn nộ. Lễ đăng quang của Arda-Mulissu bị trì hoãn, còn Esarhaddon dấy binh và chiếm giữ Nineveh, tự tuyên bố là vua như Sennacherib đã sắp đặt.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc và thuở nhỏ

[sửa | sửa mã nguồn]
Phù điêu khắc họa phụ vương Sargon II của Sennacherib

Sennacherib là con trai kế vị vua Tân Assyria Sargon II. Sargon làm vua Assyria trong khoảng năm 722-705 TCN và là vua Babylon năm 710-705 TCN. Danh tính mẹ Sennacherib là chưa chắc chắn. Quan điểm phổ biến nhất trong lịch sử cho rằng bà là Ataliya, vợ Sargon, dù điều này hiện coi là rất khó xảy ra. Nếu là mẹ Sennacherib, Ataliya phải ra đời muộn nhất vào năm 760 TCN và sống được ít nhất đến 692 TCN[13] với tư cách là "thái hậu" được nhắc đến khi ấy.[14] Nhưng mộ Ataliya tại Nimrud[13] được phát hiện vào thập niên 1980,[15] cho bà sống tối đa được đến 35 tuổi. Nhà Assyria học Josette Elayi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu mẹ Sennacherib là Ra'īmâ, một người vợ khác của Sargon. Một tấm bia từ Assur (từng là kinh đô Assyria) được phát hiện năm 1913 có nhắc đến bà là "mẹ của Sennacherib". Việc này phải đến 2014 khi giải nghĩa dòng chữ trên mới khám phá được sự tồn tại của Ra'īmâ.[13] Sargon tự nhận là người kế vị Tiglath-Pileser III, nhưng điều này không chắc chắn vì thực ra ông đã soán ngôi Shamaneser V.[16]

Sennacherib sinh k.745 TCN tại Nimrud. Nếu Sargon thực sự là con trai kế vị của Tiglath-Pileser thì chắc chắn tuổi thơ và tuổi trẻ Sennacherib lớn lên trong cung điện hoàng gia ở Nimrud. Sargon tiếp tục ở tại Nimrud rất lâu sau khi lên ngôi, đến năm 710 TCN mới chuyển qua Babylon, tới năm 706 TCN thì dời đến kinh đô mới Dur-Sharrukin. Khi Sargon chuyển đến Babylon, thái tử Sennacherib cũng rời đến Nineveh.[2] Nineveh cũng là đất các thái tử Assyria cai quản từ thời Tiglath-Pileser.[17] Ngoài ra, ở Tabisu cũng có điền trang thái tử. Sennacherib và các anh chị em được thầy là Hunnî dạy dỗ. Họ được hưởng nền giáo dục gọi là Eduba, học số học, học đọc viết bằng tiếng SumerAkkad.[2]

Sennacherib có vài anh em trai và ít nhất một chị em gái. Một số anh trai chết trước khi Sennacherib chào đời, một số em trai thì còn sống đến tận năm 670 TCN, phục vụ dưới triều con trai Sennacherib là Esarhaddon. Người chị em gái duy nhất được biết đến là Ahat-abisha. Bà được gả cho vua Tabal Ambaris nhưng có thể đã trở về Assyria ngay khi Sargon đánh bại Tabal lần đầu.[18]

Trong tiếng Akkad, tên của Sennacherib Sîn-aḥḥē-erība có nghĩa là "Sîn (thần mặt trăng) đã thay thế các anh". Có lẽ tên này bắt nguồn từ việc Sennacherib không phải là trưởng nam mà do tất cả các anh trai đều chết trước khi ông ra đời. Tên ông trong tiếng Do TháiSnḥryb và trong tiếng AramŠnḥ'ryb.[5] Theo một văn bản từ năm 670 TCN khi Sennacherib đã là cựu vương, dân thường vẫn không được phép dùng tên này, nếu làm trái sẽ bị coi là phạm thượng.[13]

Thời thái tử

[sửa | sửa mã nguồn]
Sargon II (trái) đối mặt với một quan chức cao cấp, có thể chính là thái tử Sennacherib

Với tư cách thái tử, Sennacherib có quyền lực hoàng gia cùng với phụ vương hoặc một mình nhiếp chính khi Sargon tuần du viễn chinh. Trong thời gian Sargon không có mặt tại kinh đô, hành cung của Sennacherib sẽ giữ vai trò trung tâm triều đình, thái tử đảm nhận trách nhiệm chính trị và hành chính trọng yếu. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng nhất định giữa vua và thái tử. Các phù điêu khắc họa cả Sargon và Sennacherib cho thấy hai người ngang hàng nhau. Nhiếp chính Sennacherib sẽ duy trì liên hệ với các quan tổng đốc và tướng lĩnh Assyria, giám sát mạng lưới quân báo rộng lớn. Sennacherib giám sát nội vụ và tấu trình cho Sargon về tiến độ xây dựng khắp đế chế.[19] Sargon cũng ủy quyền cho thái tử tiếp nhận cống phẩm và quyết định ban phát tặng phẩm. Sau khi xong việc, Sennacherib thường gửi thư cho cha báo về các quyết định của mình.[20]

Qua một lá thư có thể thấy Sennacherib kính trọng Sargon và có mối quan hệ cha con thân tình. Ông không bao giờ làm trái ý vua cha. Những thư khác cho thấy ông thấu hiểu và muốn cha hài lòng. Không rõ vì sao Sargon không bao giờ mang theo Sannecherib trong các chuyến chinh phạt. Elayi tin rằng Sennacherib có thể tức giận vì bỏ lỡ mất nhiều vinh quang chiến thắng. Tuy vậy, Sennacherib không bao giờ chống lại Sargon hoặc định tiếm đoạt để tự lên ngôi.[21]

Assyria và Babylon

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Cận Đông năm 900 TCN, trước khi Đế quốc Tân Assyria trỗi dậy. Bản đồ hiển thị các lãnh thổ cốt lõi trước đây của Assyria (Aššur) và Babylon.

Khi Sennacherib lên ngôi, đế chế Tân Assyria đã là cường quốc thống trị ở Cận Đông trong hơn 30 năm, chủ yếu là binh lực hùng hậu thiện chiến so với bất kỳ vương quốc đương đại nào khác. Mặc dù Babylon ở phía nam cũng từng là một vương quốc lớn nhưng thường yếu hơn nước láng giềng phía bắc, do nội bộ chia rẽ và thiếu một đội quân được tổ chức tốt. Dân số Babylon gồm nhiều nhóm sắc tộc với những mối ưu tiên và lý tưởng khác nhau. Dù người Babylon bản địa nắm hầu hết các thành như Kish, Ur, Uruk, Borsippa, Nippur và thành Babylon, các thủ lĩnh bộ tộc Chaldea thống trị hầu hết vùng đất cực nam và cũng thường xung đột với nhau.[22] Người Aram sống ở rìa những vùng định cư và nổi tiếng vì việc tấn công cướp bóc các vùng lân cận. Trước ba phe nội bộ lớn thường có tranh chấp, quân Assyria coi Babylon là mục tiêu hấp dẫn để tiến đánh.[23] Hai vương quốc cạnh tranh nhau từ khi Đế quốc Trung Assyria trỗi dậy vào thế kỷ 14 TCN. Đến thế kỷ 8 TCN, Assyria liên tục chiếm thế thượng phong.[24] Các yếu điểm bị khai thác và vua Assyria Tiglath-Pileser III chinh phục Babylon năm 729 TCN.[23]

Trong quá trình bành trướng trở nên đế chế lớn, Assyria chinh phục nhiều vương quốc láng giềng, sáp nhập thành các tỉnh trực thuộc hoặc biến chúng thành các chư hầu thần phục đế quốc. Với sự ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa Babylon lâu đời, Assyria đã bảo tồn nơi này thành vương quốc trọn vẹn, chỉ định vua cai trị hoặc do chính vua Assyria đứng đầu bằng liên minh cá nhân.[23] Mối quan hệ giữa Assyria và Babylon có thể so sánh với Hy LạpLa Mã về sau; phần lớn văn hóa, văn bản và truyền thống Assyria được du nhập từ phía nam. Assyria và Babylonia cũng chia sẻ cùng một ngôn ngữ là tiếng Akkad.[25] Assyria và Babylon theo nghĩa nào có quan hệ được ví von như tình cảm khác giới: các bản khắc Tân Assyria ẩn dụ gọi Assyria là "chồng" còn Babylon là "vợ". Theo lời nhà Assyria học Eckart Frahm, "Assyria yêu nhưng cũng muốn thống trị Babylon". Dù được coi là cội nguồn văn minh nhưng Babylon vẫn bị động về chính trị trong quan hệ với Assyria.[26]

Bản đồ Cận Đông năm 700 TCN cho thấy phạm vi Đế quốc Tân Assyria (Aššur)

Năm 705 TCN, Sargon tuổi lục tuần dẫn quân Assyria đánh vua Gurdî của Tabal tại trung Anatolia. Chiến trận thảm khốc, quân Assyria đại bại, Sargon tử trận, mất xác về tay quân Anatolia.[27] Sargon chết khiến thất bại càng trầm trọng vì quân Assyria tin rằng họ bị thần trừng phạt do các lỗi lầm trước đây. Thần thoại Lưỡng Hà cho rằng những kẻ chết trận mà không được chôn cất sẽ chịu số phận đau khổ đời đời như người ăn mày.[28] Tháng 8 năm 705 TCN, Sennacherib lên ngôi khi khoảng 35 tuổi.[29] Ông có nhiều kinh nghiệm cai trị đế chế từ lúc làm thái tử.[30] Đối diện với số phận bi thảm của Sargon, ông muốn cách xa những gì liên quan đến vua cha.[31] Frahm mô tả phản ứng của Sennacherib là "một trong những sự phủ nhận gần như hoàn toàn", Sennacherib "dường như cảm thấy không thể thừa nhận và trong lòng không chịu được về những gì đã xảy ra với Sargon". Sennacherib ngay lập tức chuyển kinh đô Dur-Sharrukin do Sargon lập nên về Nineveh. Một trong những hành động đầu tiên của Sennacherib trên ngôi vua là tái thiết đền thờ thần Nergal, thần chết, thảm họa và chiến tranh, tại thành Tarbisu.[28]

Ngay cả khi tâm trí đã phủ nhận ra bên ngoài, Sennacherib vẫn mê tín và dành nhiều thời gian hỏi các nhà tiên tri rằng liệu Sargon đã phạm tội gì để phải chịu số phận như vậy, phải chăng việc kiểm soát Babylon đã xúc phạm thần linh tại đó.[32] Người ta tìm được một văn bản trong đó Sennacherib tuyên bố đang điều tra bản chất "tội lỗi" mà cha mình phạm phải, dù có thể văn bản này ra đời sau khi Sennacherib đã chết.[33] Năm 704 TCN, Sennacherib mở chiến dịch nhỏ[34] (không được đề cập trong các ghi chép lịch sử sau này về Sennacherib) đánh Gurdî ở Tabal để báo thù cho Sargon, vua không thân chinh mà sai quan tướng dẫn quân đi. Sennacherib dành nhiều thời gian và tâm sức để loại bỏ hình ảnh Sargon khỏi đế chế. Vua cho nâng nền sân lên để người ta không còn nhìn thấy những hình ảnh Sargon tạo ra tại ngôi đền ở Assur. Khi vợ Sargon là Ataliya qua đời, bà được chôn cất vội vàng vào cùng một quan tài với hoàng hậu tiên vương Tiglath-Pileser. Sargon không bao giờ được nhắc đến trong các bia ký thời Sennacherib.[35]

Chiến dịch Babylon thứ nhất

[sửa | sửa mã nguồn]
Mô tả kẻ thù không đội trời chung của Sennacherib là Marduk-apla-iddina II (trái), vua Babylon năm 722–710 TCN và 704/703–703 TCN và là kẻ xúi giục nhiều cuộc xung đột sau này chống lại Sennacherib

Sargon II chết trận mất xác làm dấy lên nhiều cuộc nổi loạn khắp đế quốc.[8] Sargon đã cai trị Babylonia từ năm 710 TCN sau khi đánh bại thủ lĩnh bộ tộc Chaldea Marduk-apla-iddina II. Marduk vốn thống lĩnh miền nam sau khi Shalmaneser V chết năm 722 TCN.[7] Giống như các tiên vương, Sennacherib nắm giữ các tước vị thống trị cả Assyria và Babylonia khi lên ngôi, nhưng sự trị vì của ông tại Babylonia bất ổn hơn.[32] Khác với Sargon và các thủ lĩnh Babylon trước đó chỉ dám xưng shakkanakku (phó vương) để tôn kính thần Marduk mới là "vua" Babylon, Sennacherib tuyên bố rõ ràng mình là vua Babylon. Hơn nữa, ông cũng không "nắm tay" tượng thần Marduk nghĩa là không tôn vinh thần bằng cách trải qua nghi lễ đăng quang truyền thống của Babylon.[36]

Phẫn nộ trước sự bất kính này, các cuộc nổi dậy cách nhau một tháng năm 704[7] hoặc 703 TCN[32] đã lật đổ quyền cai trị của Sennacherib ở phía nam. Đầu tiên, Marduk-zakir-shumi II lên ngôi nhưng bị Marduk-apla-iddina (người từng kiểm soát thành và giao chiến với Sargon) phế truất chỉ sau hai[32] hay bốn tuần.[7] Marduk-apla-iddina tập hợp đông đảo người Babylon dưới trướng, cả người Babylon thành thị và người Chaldea bộ tộc, ông cũng chiêu mộ thêm quân từ nước láng giềng Elam (tây nam Iran ngày nay). Việc huy động lực lượng này mất nhiều thời gian nhưng do Sennacherib chậm phản ứng đã cho phép Marduk-apla-iddina đồn trú lượng quân binh lớn tại thành Kutha và Kish.[37]

Năm 704 TCN, một số lực lượng Assyria vẫn đang ở Tabal. Sennacherib có thể cảm thấy rủi ro khi phải đối đầu trên hai mặt trận nên để yên cho Marduk-apla-iddina trong vài tháng. Năm 703 TCN, sau khi chinh phạt xong Tabal, Sennacherib tập hợp quân Assyria tại Assur, nơi thường hội quân khi đánh miền nam.[34] Sennacherib chỉ huy quân Assyria tấn công bất thành ở gần thành Kish, liên quân đối kháng được đà thắng lợi chính danh.[38] Tuy nhiên, Sennacherib cũng nhận ra rằng lực lượng đối kháng đang bị chia rẽ nên dốc toàn quân giao chiến, tiêu diệt quân đối phương đóng tại Kutha. Sau đó, ông chuyển sang đánh Kish và giành thắng lợi. Marduk-apla-iddina phải bỏ chạy khỏi chiến trường để bảo toàn mạng sống.[37] Các bia ký Sennacherib chép rằng trong số tù binh bị bắt có con riêng của Marduk-apla-iddina cũng như anh trai nữ hoàng Ả Rập Yatie tham gia liên minh đối kháng.[39]

Sennacherib sau đó hành quân đến Babylon.[40] Khi mới thấy quân Assyria xuất hiện nơi chân trời, Babylon đã mở cổng đầu hàng. Thành bị Sennacherib trách phạt, cướp bóc một ít[38] nhưng dân chúng thì không bị tổn hại gì.[41] Sau một thời gian ngắn nghỉ tại Babylon, Sennacherib dẫn quân tề chỉnh tới miền nam Babylon vẫn đang chống đối, ông bình định cả các thành lẫn những bộ tộc.[40] Bản khắc ghi lại hơn 200.000 tù nhân đã bị bắt.[39] Bởi vì chính sách làm vua cả Assyria lẫn Babylon không hiệu quả, Sennacherib thử phương án khác. Ông bổ nhiệm Bel-ibni là một người Babylon được nuôi dưỡng lớn lên tại triều đình Assyria làm vua chư hầu phương nam. Sennacherib mô tả Bel-ibni là "một người gốc Babylon lớn lên trong cung điện của ta như một con cún con".[32]

Chiến tranh Levant

[sửa | sửa mã nguồn]
Phù điêu thời Sennacherib khắc họa chiến thuyền Assyria (trên) và quân lính Assyria cùng tù binh và chiến lợi phẩm (dưới)
Cảnh trong phù điêu Lachish của Sennacherib
Relief depicting an Assyrian siege engine attacking the city wall of Lachish</img>
Máy hãm thành Assyria tấn công tường thành Lachish
Relief depicting an Assyrian soldier about to behead a man</img>
Lính Assyria chuẩn bị chặt đầu một tù nhân Lachish
Relief depicting the Judean people being deported by the Assyrians</img>
Người Judah bị lưu đày sau khi Lachish thất thủ
</img>
Sennacherib (ngồi trên ngai ngoài cùng bên phải) tại Lachish, tiếp quan tướng và xem xét tù nhân

Sau chiến tranh Babylon, chiến dịch thứ hai của Sennacherib là ở dãy núi Zagros. Tại đây, ông đã khuất phục được người Yasubigallia, một dân tộc đến từ phía đông sông Tigris, và người Kassite từng cai trị Babylon nhiều thế kỷ trước.[42][43] Chiến dịch thứ ba là tiến đánh các vương quốc và thành bang ở Levant. Cuộc chiến này được ghi chép rất rõ ràng so với nhiều sự kiện Cận Đông cổ đại khác và được ký thuật tốt nhất tron lịch sử Israel thời Đền Thờ thứ nhất.[4] Năm 705 TCN, vua Judah Hezekiah ngừng cống nạp hàng năm cho Assyria và bắt đầu theo đuổi chính sách đối ngoại hiếu chiến rõ rệt, có lẽ do làn sóng nổi dậy khắp đế quốc. Sau khi âm mưu với Ai Cập (thời Kush) và vua thành Ashkelon Sidqia nhằm có thêm ủng hộ, Hezekiah tấn công các thành của người Philistine trung thành với Assyria và bắt vua chư hầu Ekron Padi về giam tại Jerusalem.[8] Ở phía bắc Levant, các thành chư hầu Assyria tập hợp xung quanh vua TýrosSidonLuli.[39] Marduk-apla-iddina lợi dụng xúi lên tinh thần chống Assyria trong một số chư hầu phía tây. Ông đã trao đổi thư từ và tặng phẩm cho các thủ lĩnh phía tây như Hezekiah với hy vọng thiết lập liên minh rộng lớn chống Assyria.[32]

Năm 701 TCN, Sennacherib lần đầu hành quân đánh các thành Syro-HittitePhoenicia phía bắc. Giống như các thủ lĩnh trước đây, Luli lên thuyền tháo chạy thay vì đối đầu với quân Assyria hung bạo. Sennacherib đưa nhà quý tộc Ethbaal lên làm vua Sidon trở thành chư hầu thần phục mình, đồng thời cho ông ta cai trị các thành xung quanh. Trước đội quân Assyria khổng lồ gần đó, nhiều thủ lĩnh Levant như Budu-ilu dân Ammon, Kamusu-nadbi dân Moab, Mitinti thành AshdodMalik-rammu thành Edom đã nhanh chóng quy thuận Sennacherib để tránh bị trừng phạt.[44]

Miền nam Levant tiếp tục kháng cự, buộc Sennacherib phải xâm chiếm khu vực này. Quân Assyria khởi chiếm Ashkelon và đánh bại Sidqia, rồi tiếp tục bao vây và chiếm nhiều thành khác. Khi quân Assyria chuẩn bị tái chiếm Ekron, đồng minh Ai Cập của Hezekiah liền can thiệp vào. Assyria đánh bại hoàn toàn đoàn viễn chinh Ai Cập trong trận chiến gần thành Eltekeh. Họ chiếm các thành Ekron và Timnah, chỉ còn lại Judah với Jerusalem lọt vào tầm ngắm.[44] Điều một phần quân lực chuẩn bị phong tỏa Jerusalem, Sennacherib đích thân dẫn phần còn lại đánh thành Lachish trọng yếu của Judah. Thế trận bao vây cả Jerusalem lẫn Lachish đã cắt đứt viện trợ từ Ai Cập cho Hezekiah, đồng thời đe dọa các vua thành bang nhỏ xung quanh. Lachish thất thủ và bị phá hủy sau thế trận vây hãm lâu đến mức trong thành cạn sạch tên, quân thủ thành buộc phải dùng cả xương để thay thế. Để chiếm thành, quân Assyria dựng gò đất đá cao xung quanh chạm đến tường thành. Sau khi phá hủy Lachish, những người sống sót bị điều đi phục dịch xây dựng khắp đế chế, một số khác trở thành cận vệ riêng của nhà vua.[45]

Tại cổng thành Jerusalem

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh khắc gỗ thế kỷ 19 của Gustave Doré mô tả chuyện Kinh Thánh về một thiên sứ tiêu diệt quân đội của Sennacherib ngoài thành Jerusalem

Tường thuật của Sennacherib về diễn biến chiến sự Jerusalem bắt đầu bằng câu "Còn Hezekiah... như con chim bị ta nhốt trong lồng là thành phố hoàng gia Jerusalem của hắn. Ta khóa chặt hắn bằng các tiền đồn, ngăn chặn hắn trên các lối ra thành." Thực ra Jerusalem chỉ bị phong tỏa ở một mức độ nào đó, không có các hoạt động quân sự quy mô lớn cùng những thiết bị công thành lớn cho thấy đây có thể không phải trận bao vây toàn diện.[46] Kinh Thánh ký thuật lại tướng Assyria Rabshakeh đứng trước vách thành kêu gọi đầu hàng đồng thời đe dọa dân Do Thái sẽ phải 'ăn phẩn mình và uống nước tiểu mình' khi bị bao vây.[47] Ghi chép của Assyria rằng Sennacherib đích thân hiện diện nhưng điều này là chưa rõ ràng và các phù điêu mô tả trận chiến cho thấy Sennacherib ngồi trên ngai vàng tại Lachish thay vì đốc quân đánh Jerusalem. Kinh Thánh cũng chép khi các sứ thần Assyria sau khi tới gặp Hezekiah quay về thì thấy Sennacherib đang lâm trận đánh thành Libnah.[48]

Câu chuyện vây Jerusalem khác với biên niên sử Sennacherib cũng như các phù điêu lớn tại Nineveh mô tả chiến thắng vây hãm Lachish hơn là diễn tiến tại Jerusalem. Dù đây không phải là một trận vây hãm đúng nghĩa nhưng tất cả các nguồn tư liệu đều chỉ ra rằng đạo binh Assyria lớn đã đóng gần thành, có thể ở phía bắc.[49] Rõ ràng trận bao vây kết thúc mà không có giao tranh đáng kể, nhưng chi tiết thế nào thì không rõ, nhất là điều gì đã ngăn được đội quân đông đảo của Sennacherib. Kinh Thánh thì ký thuật dù quân lính Hezekiah trấn giữ tường thành, nhưng một thiên thần hủy diệt do Yahweh sai đến đã giết chết 185.000 lính Assyria trước cổng thành Jerusalem.[50] Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotos mô tả "vô số chuột đồng" tràn xuống trại quân Assyria, ngấu nghiến hết cả ống tên và dây cung, khiến không còn vũ khí và quân Assyria phải tháo chạy.[48] Có thể câu chuyện về chuột là ám chỉ đến một loại dịch bệnh nào đó lây lan trong trại Assyria, rất có thể là dịch hạch.[51] Một giả thuyết khác được nhà báo Henry T. Aubin đưa ra lần đầu năm 2001 cho rằng Jerusalem nhờ quân Kush đến từ Ai Cập can thiệp vào giải vây.[52] Nói chung thì quân Assyria cũng không phải thất bại hoàn toàn, chỉ là các biên niên sử Assyria đều không nhắc đến trận thua này.[9]

Dù cho việc phong tỏa Jerusalem bất phân thắng bại hay ra sao đi nữa, Assyria đã giành phần thắng trong chiến dịch Levant. Sau khi nhiều thành kiên cố rơi vào tay quân Assyria, nhiều thành và làng mạc khác bị phá hủy, Hezekiah nhận ra chống lại Assyria chỉ là sai lầm nên quay lại đầu phục. Hezekiah buộc phải cống nạp nặng nề hơn trước, có thể cộng với cả khoản cống phẩm đã không dâng từ 705-701 TCN.[8] Ông cũng buộc phải trả tự do vua Ekron Padi đang bị tù.[53] Sennacherib cũng cắt nhiều phần đất đai của Judah cho các nước xung quanh là Gaza, Ashdod và Ekron.[54]

Giải quyết vấn đề Babylon

[sửa | sửa mã nguồn]
Phù điêu thời Sennacherib mô tả lính Assyria ném đá vào thành đối phương

Đến năm 700 TCN, tình hình Babylon lại tồi tệ đến mức Sennacherib phải đưa quân xâm lăng tái khẳng định quyền lực mình. Bel-ibni khi ấy phải đối mặt với hai thủ lĩnh bộ tộc công khai nổi loạn: Shuzubu (về sau làm vua Babylon Mushezib-Marduk) và Marduk-apla-iddina đã cao tuổi.[55] Sennacherib đi nước đầu tiên phế bỏ Bel-ibni do bất tài hoặc đồng lõa[32] rồi đưa về Assyria, từ đó các tư liệu không nhắc gì đến nhân vật này nữa.[56] Quân Assyria lục soát vùng đầm lầy phía bắc Babylon nỗ lực săn tìm bắt giữ Shuzubu nhưng thất bại. Sennacherib liền cho săn lùng gắt gao đến nỗi Marduk-apla-iddina phải cùng thuộc hạ lên thuyền vượt vịnh Ba Tư đến trốn tại thành Nagitu của dân Elam. Sau thắng lợi này, Sennacherib thay đổi phương án cai trị khi đặt con trai mình Ashur-nadin-shumi làm vua chư hầu Babylon.[57]

Ashur-nadin-shumi cũng được gọi là māru rēštû mang nghĩa "con trai ưu tú" hoặc "trưởng nam". Việc được chỉ định làm vua Babylon cùng danh hiệu mới cho thấy rằng Ashur-nadin-shumi đang được chuẩn bị để kế vị Sennacherib làm vua Assyria. Danh hiệu Māru rēštû với nghĩa "ưu tú" thì cũng chỉ có thể dùng cho thái tử nên cả hai nghĩa đều cho thấy Ashur-nadin-shumi sẽ kế vị. Đa phần người Assyria đều tuân theo nguyên tắc trưởng nam thừa kế.[58] Thêm bằng chứng ủng hộ Ashur-nadin-shumi trở thành thái tử là việc Sennacherib xây cung điện tại Assur cho con trai mình,[59] giống như về sau Sennacherib cũng làm điều tương tự cho thái tử Esarhaddon. Là vua người Assyria của Babylon, vị trí Ashur-nadin-shumi rất quan trọng về mặt chính trị, đồng thời giúp ông có kinh nghiệm quý giá để có thể kế thừa cả đế quốc Tân Assyria.[60]

Những năm sau đó, Babylonia tương đối yên bình, không có bất kỳ hoạt động quan trọng nào được chép trong các biên niên sử.[56] Trong cùng thời gian, Sennacherib mở chiến dịch tới các vùng khác. Năm 699 TCN, ông thân chinh một loạt các cuộc tấn công vào làng mạc quanh chân núi Judi đông bắc Nineveh. Các chiến dịch nhỏ khác do tướng lĩnh chỉ huy như đánh dẹp tổng đốc Kirua nổi dậy ở Cilicia năm 698 TCN và đánh thành Tegarama năm 695 TCN.[61] Năm 694 TCN, Sennacherib xâm lược Elam với mục tiêu rõ ràng là nhổ tận gốc Marduk-apla-iddina và những người Chaldea đang lẩn trốn.[56]

Chiến dịch Elam và báo thù

[sửa | sửa mã nguồn]
Phù điêu thời Sennacherib khắc họa chiến thuyền Assyria (trên) và binh lính Assyria cùng tù nhân và chiến lợi phẩm (dưới)

Chuẩn bị đánh Elam, Sennacherib tập hợp hai hạm đội lớn trên sông Euphrates và Tigris. Hạm đội sông Tigris về sau dùng để chở quân Assyria đến thành Opis, tại đó thuyền được kéo lên bờ, vận chuyển đường bộ tới kênh nối với sông Euphrates. Hai hạm đội nhập làm một tiếp tục đi xuống vịnh Ba Tư. Ở đầu vịnh Ba Tư, một cơn bão ập xuống trại làm quân Assyria phải trú trên thuyền.[62] Sau đó, thuyền đi qua vịnh Ba Tư, các bia ký thời Sennacherib chỉ ra rằng hải trình đầy khó khăn, nhiều lần phải dâng tế cho thần biển sâu Enki.[63]

Đổ bộ thành công lên bờ biển Elam, quân Assyria liền săn lùng và tấn công dân Chaldea tị nạn, tư liệu Babylon và Assyria đều viết quân Assyria thực hiện suôn sẻ.[64] Sử về Sennacherib mô tả chiến dịch là một "chiến thắng vĩ đại", liệt kê một số thành chiếm được và cướp phá. Sennacherib cuối cùng cũng báo thù được nhưng Marduk-apla-iddina lại không sống đến lúc đó mà đã chết trước khi quân Assyria đổ bộ Elam.[63] Bất ngờ tiếp theo là vua Elam Hallutash-Inshushinak I lợi dụng quân Assyria cách xa quê nhà để xâm chiếm Babylonia. Được quân Chaldea còn sót lại hỗ trợ, Hallutash-Inshushinak chiếm được thành Sippar, bắt sống Ashur-nadin-shumi và giải về Elam.[64] Từ đó không còn thông tin gì về Ashur-nadin-shumi nữa, có lẽ đã bị hành quyết.[65][66] Một người Babylon bản xứ Nergal-ushezib lên làm vua Babylon thay cho Ashur-nadin-shumi.[65] Sử liệu Babylon viết Hallutash-Inshushinak đặt Nergal-ushezib lên nắm quyền, trong khi phía Assyria lại cho rằng chính người Babylon bầu ông lên làm vua.[64]

Bị quân Elam bao vây tại miền nam Babylon, quân Assyria hạ sát con trai Hallutash-Inshushinak trong một trận giao tranh nhưng vẫn bị kẹt lại trong ít nhất chín tháng. Mong muốn củng cố ngôi báu, Nergal-ushezib lợi dụng tình hình chiếm và cướp thành Nippur. Vài tháng sau, quân Assyria tổ chức tấn công và chiếm được thành Uruk phía nam. Nergal-ushezib sợ hãi bèn kêu gọi quân Elam trợ giúp. Chỉ bảy ngày sau khi chiếm Uruk, quân Assyria giành chiến thắng quyết định trước quân Babylon trong trận Nippur, đánh tan liên quân Elam-Babylon và bắt được Nergal-ushezib, khai thông bế tắc phía nam. Theo một số nguồn chưa rõ, Sennacherib đã lén rút khỏi giao tranh vài tháng trước đó nên không hiện diện trong trận cuối, có thể vua đang trên đường dẫn quân tiếp viện từ Assyria tới. Khi vua hội quân phía nam, chiến tranh Babylon đã kết thúc.[67]

Ngay sau đó, Elam xảy ra bạo loạn, Hallutash-Inshushinak bị phế truất, Kutur-Nahhunte lên ngôi. Quyết tâm dứt điểm hậu họa từ Elam, Sennacherib tái chiếm thành Der rồi tiến quân vào phía bắc Elam. Kutur-Nahhunte không thể tổ chức phòng thủ hiệu quả trước quân Assyria nên đành chạy lên thành Haidalu trên núi. Thời tiết khắc nghiệt buộc Sennacherib phải rút quân về nước.[68]

Phá hủy Babylon

[sửa | sửa mã nguồn]
Khối lăng trụ Sennacherib ghi chép các chiến dịch quân sự của ông, đỉnh điểm là Hủy diệt Babylon

Bất chấp Nergal-ushezib thua trận và quân Elam tháo chạy, Babylon không chịu đầu hàng. Năm 692 TCN, Mushezib-Marduk lên ngôi vua Babylon mà không cần ngoại viện, đây vốn là Shuzubu gây loạn bị Sennacherib săn lùng khi xâm lược phía nam năm 700 TCN. Cho đến năm 691 TCN, sử liệu Assyria cũng không coi đây là "nổi loạn" nên có thể Sennacherib đã chấp nhận việc này. Đồng thời khi ấy, Elam cũng đổi chủ khi phế truất Kutur-Nahhunte và Humban-menanu lên thay đã tập hợp lại liên minh chống Assyria. Mushezib-Marduk mua chuộc để được Humban-menanu hỗ trợ.[69] Ghi chép của Assyria coi quyết định ủng hộ Babylon của Humban-menanu là thiếu khôn ngoan, gọi ông là "không biết nhận định hay đoán xét gì cả".[70]

Sennacherib đối mặt kẻ thù trong trận chiến gần thành Halule. Humban-menanu và thống lãnh Humban-undasha chỉ huy quân Babylon và Elam. Không rõ chính xác kết quả trận chiến ra sao vì cả hai bên đều tuyên bố thắng lợi vẻ vang. Sennacherib tuyên bố trong biên niên sử rằng Humban-undasha bị giết và các vua khác chạy thoát thân nhưng biên niên sử Babylon lại viết chính quân Assyria mới phải tháo lui. Kể cả nếu Babylon thắng trận thì tổn thất phía Assyria cũng không đáng kể vì Babylon vẫn đang bị bao vây cuối hè năm 690 TCN (và dường như đã bị bao vây ít lâu rồi). Tuy nhiên, các chiến dịch đánh những nơi khác được chép lại cho thấy Assyria không hành quân tới Babylon ngay.[71] Năm 1973, nhà Assyria học John A. Brinkman viết rằng có khả năng là quân miền nam đã thắng trận dù chịu nhiều thương vong, bằng chứng là cả hai kẻ thù của Sennacherib vẫn yên vị trên ngai vàng sau trận giao tranh.[72] Năm 1982, nhà Assyria học Louis D. Levine lại viết quân Assyria thắng khiến quân miền nam phải bỏ chạy, nhưng đây không phải là chiến thắng quyết định, và Assyria tạm dừng đánh tiếp Babylon. Việc quân Assyria chuyển hướng chiến dịch có thể bị các sử gia Babylon diễn giải thành hành động rút lui.[73]

Hình minh họa thế kỷ 20 về sự hủy diệt Babylon của Sennacherib

Năm 690 TCN, Humban-menanu bị đột quỵ, cứng hàm không nói được.[74] Lợi dụng tình hình, Sennacherib bắt tay vào chiến dịch cuối cùng đánh Babylon.[74] Mặc dù Babylon có thắng lợi ban đầu nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cùng năm ấy, Babylon dễ dàng bị vây hãm.[72] Có thể sau 15 tháng vây hãm, tình thế Babylon đã rất nguy ngập khi rơi vào tay Sennacherib năm 689 TCN.[75] Sennacherib từng lo lắng xem xét việc Sargon tử trận do xúc phạm thần linh khi đánh Babylon, nhưng thời điểm này thì không còn do dự nữa. Cuối cùng, Sennacherib quyết định hủy diệt Babylon. Brinkman cho rằng Sennacherib thay đổi thái độ vì muốn báo thù cho con trai và cũng không thể chịu nổi một thành cứ liên tục nổi dậy chống lại mình. Theo Brinkman, Sennacherib có thể không còn sợ các thần Babylon nữa vì chính những vị thần này đã truyền cảm hứng cho dân chúng chống lại mình. Chính Sennacherib cũng viết về sự hủy diệt Babylon:[75]

Ta đã giải vua Babylon Mušēzib-Marduk cùng gia tộc quan tướng về xứ mình. Ta đếm của cải thành đó—bạc, vàng, đá quý, tài sản và hàng hóa—vào tay dân ta làm của riêng. Tay dân ta đặt lên các thần tại đó và đập nát chúng; họ lấy hết của cải của chúng.
Ta phá hủy thành và nhà cửa, từ nền đến nóc; ta tàn phá và thiêu hủy chúng. Ta san bằng gạch và đất nung trên tường thành nội và ngoại, các đền tháp, rồi đổ xuống kênh Araḫtu. Ta đào kênh xuyên qua thành, cho nước tràn ngập, nhấn chìm hết các nền, phá hủy chúng hoàn toàn còn hơn trận lụt lớn. Để về sau không ai còn nhận ra được nơi thành và đền tháp đã đứng, ta chìm ngập nó trong nước, biến nó thành một vùng ngập nước.[75]

Tuy phá hủy thành nhưng dường như Sennachrib vẫn còn chút sợ các thần Babylon cổ. Trong đoạn tường thuật chiến dịch, ông đề cập cụ thể các thần điện Babylon đã hỗ trợ tài chính cho kẻ thù mình. Đoạn mô tả việc đập phá tượng thần và chiếm đoạt tài sản trong điện thờ là một trong số ít đoạn Sennacherib viết là "dân ta" thay vì "ta".[75] Năm 1973, Brinkman giải thích là không phải do cá nhân Sennachrib ra chỉ thị diệt thần, mà chính là những kẻ trông giữ đền thờ quyết định và dân Assyria đã làm điều đó.[76]

Trong khi hủy diệt thành, Sennacherib phá hủy đền thờ và hình ảnh các vị thần, ngoại trừ hình ảnh Marduk được mang về Assyria.[77] Chính Assyria cũng kinh hoàng về điều này vì họ rất coi trọng Babylon và thần linh tại đó.[78] Sennacherib cố gắng biện minh cho hành động mình với dân Assyria bằng một chiến dịch tuyên truyền tôn giáo.[79] Một trong số đó là huyền thoại thần Marduk bị đưa ra xét xử trước thần Assyria Ashur. Chuyện này chỉ còn vài mảnh rời rạc, nhưng có vẻ như thần Marduk bị quy kết một số trọng tội.[80] Sennacherib mô tả việc mình đánh bại quân nổi dậy Babylon bằng ngôn ngữ thần thoại sáng thế Babylon, đồng nhất Babylon với nữ ác quỷ Tiamat còn mình là Marduk.[81] Trong lễ hội năm mới, thần Ashur đã thay thế thần Marduk, và ông đặt vào trong đền đống gạch vụn tượng trưng lấy từ Babylon.[82] Chính sách của Sennacherib đã gây ra lòng căm thù sâu sắc trong phần lớn dân chúng Babylon.[83]

Mục tiêu của Sennacherib là xóa bỏ hoàn toàn Babylon như một thực thể chính trị.[84] Dù cho một số lãnh thổ miền bắc Babylon đã trở thành các tỉnh thuộc Assyria nhưng người Assyria không nỗ lực xây dựng lại Babylon, các biên niên sử miền nam gọi thời kỳ này là "không vua".[76]

Kiến thiết Nineveh

[sửa | sửa mã nguồn]
Phục dựng Nineveh vào thế kỷ 19 của nhà khảo cổ học Anh Austen Henry Layard
"Cung điện không đối thủ" của Sennacherib tại Nineveh do John Philip Newman phục dựng năm 1876

Sau cuộc chiến cuối cùng với Babylon, Sennacherib dành thời gian kiến thiết kinh đô mới Nineveh thay vì lại đánh đông dẹp bắc.[74] Nineveh từng là một thành trọng yếu phía bắc Lưỡng Hà qua nhiều thiên niên kỷ. Dấu vết con người định cư lâu đời nhất là từ thiên niên kỷ 7 TCN. Từ thiên niên kỷ 4 TCN trở đi, tại đây hình thành trung tâm hành chính quan trọng ở phía bắc.[85] Khi được chọn làm kinh đô, Nineveh trải qua một trong những dự án xây dựng tham vọng nhất lịch sử cổ đại, được biến đổi hoàn toàn khỏi tình trạng có phần bị lãng quên trước khi Sennachrib trị vì.[86] Trong khi kinh đô mới Dur-Sharrukin của phụ vương ít nhiều bắt chước kinh đô Nimrud trước đó, Sennacherib dự định biến Nineveh thành một thành phố có quy mô và vẻ đẹp lộng lẫy khiến thế giới văn minh phải kinh ngạc.[87]

Những bản khắc sớm nhất thảo luận về dự án xây dựng tại Nineveh có từ năm 702 TCN liên quan đến việc xây dựng Cung điện Tây Nam.[88] Sennacherib gọi cung điện này là ekallu ša šānina la išu "Cung điện không đối thủ".[89] Trong quá trình xây dựng, một cung điện nhỏ hơn bị phá bỏ, dòng nước làm xói mòn chân đế được cho chuyển hướng, nền cung điện mới được dựng lên và nâng lên độ cao 160 lớp gạch. Tuy các bản khắc thời trước đề cập đến cung điện như thể đã hoàn thành nhưng đây chỉ là cách viết thông thường về việc xây dựng của Assyria cổ. Hình ảnh Nineveh được mô tả trong những lời kể sớm nhất về quá trình xây dựng kiến thiết thực ra chỉ mới nằm trong trí tưởng tượng của Sannecherib.[88]

Đến năm 700 TCN, tường ngai phòng Cung điện Tây Nam đang được xây dựng, tiếp theo là đắp nhiều phù điêu bên trong. Bước cuối cùng là dựng tượng bò đực và sư tử khổng lồ đặc trưng cho kiến trúc Hậu Assyria. Tại Nineveh đã khai quật được những tượng đá như vậy, nhưng tượng tương tự bằng kim loại quý được đề cập trong bia ký thì hiện vẫn không thấy đâu. Mái cung điện làm từ gỗ bách và tuyết tùng trên núi miền tây, cung điện có nhiều cửa sổ lấy sáng và được trang trí bằng các chốt bạc hay đồng ở bên trong và gạch men ở bên ngoài. Toàn bộ cấu trúc chạy dọc hết gò đất dài 450 mét (1.480 ft) và rộng 220 mét (720 ft). Trên một con sư tử đá có khắc chữ dành tặng hoàng hậu Tashmetu-sharrat mong muốn vua và hoàng hậu khỏe mạnh và trường thọ trong cung điện mới.[90] Nội dung thân mật lạ thường như sau:[91]

Dành tặng hoàng hậu Tashmetu-sharrat, nương tử yêu dấu của ta, nàng mang nét Belet-ili diễm lệ hơn bất kỳ phụ nữ nào khác, ta đã xây dựng cung điện tình ái, hân hoan và khoái lạc.[...] Theo ý chỉ Ashur, cha các vị thần và thiên hậu Ishtar, mong rằng cả hai chúng ta có thể trường thọ mạnh khỏe, hạnh phúc và tận hưởng viên mãn![91]

Sơ đồ kinh thành Nineveh (trái) và cận cảnh gò Kuyunjik (phải) nơi đặt cung điện của Sennacherib. Cung điện phía bắc trên bản đồ được khởi công dưới triều đại cháu trai Sennacherib Ashurbanipal

Tuy cùng ý tưởng với cung điện Sargon tại Dur-Sharrukin, cung điện của Sennacherib cho thấy điểm khác biệt, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng bên trong. Phù điêu Sargon thường khắc họa nhà vua gần gũi với các quý tộc Assyria, còn tranh khắc Sennacherib thường để nhà vua cao hơn tất cả xung quanh do được ngồi trên cỗ xe. Phù điêu về Sannechrib thể hiện khung cảnh lớn hơn, một số là toàn cảnh nhìn từ trên xuống. Hoặc cũng thể hiện nghệ thuật tự nhiên hơn; tượng bò đực khổng lồ trong cung điện Sargon có đến năm chân để từ hai bên có thể nhìn thấy hai chân, còn từ phía trước thì nhìn được hai chân, trong khi tất cả tượng bò đực của Sannechrib đều có bốn chân.[90] Sennacherib cho xây dựng những khu vườn xinh đẹp tại cung điện mới, mang về nhiều loại cây từ khắp đế chế và còn từ xa hơn nữa. Cây bông có thể đã được nhập về từ những nơi xa xôi như Ấn Độ. Một số ý kiến cho rằng kỳ quan cổ đại Vườn treo Babylon nổi tiếng thực ra chính là những khu vườn của Sannecherib tại Nineveh. Eckhart Frahm phản đối ý tưởng khó xảy ra này với lập luận vườn hoàng gia tại chính Babylon mới thực ấn tượng.[92]

Ngoài cung điện, Sennacherib cũng giám sát những việc xây dựng khác tại Nineveh. Vua xây dựng một cung điện lớn thứ hai tại gò đất phía nam thành, để làm kho vũ khí và một phần quân đội Assyria đồn trú thường trực. Một lượng lớn đền thờ được xây dựng hoặc trùng tu, nhiều trong số đó nằm trên gò Kuyunjik (nơi có Cung điện Tây Nam), bao gồm một ngôi đền dâng lên thần Sîn (gọi theo tên vua). Sennacherib nhanh chóng mở rộng thành về phía nam, dựng lên tường thành mới khổng lồ, có hào bao quanh cao tới 25 mét (82 ft) và dày 15 mét (49 ft).[92]

Bị mưu sát và người kế vị

[sửa | sửa mã nguồn]
Adrammelech chạy trốn, hình minh họa từ Hình ảnh Kinh Thánh của Dalziel (1881), mô tả Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur trốn thoát sau khi giết cha.

Khi thái tử Ashur-nadin-shumi biến mất và rất có thể đã bị giết chết, Sennacherib chọn người con kế tiếp Arda-Mulissu làm thái tử mới. Đến năm 684 TCN, Sennacherib bất ngờ đưa người em Esarhaddon lên thay thế làm thái tử. Không rõ vì sao Arda-Mulissu mất quyền kế vị và các bia ký đương thời cho thấy ông rất thất vọng.[93] Có thể mẹ Esarhaddon là Naqi'a đã thuyết phục thành công Sennacherib trong thay đổi người kế vị.[94] Arda-Mulissu vẫn là một nhân vật nổi bật, một số chư hầu ngầm ủng hộ ông kế thừa ngôi báu.[95]

Sennacherib buộc Arda-Mulissu phải thề trung thành với Esarhaddon nhưng Arda-Mulissu nhiều lần xin cha phục hồi kế vị cho mình.[93] Sennacherib thấy danh tiếng Arda-Mulissu ngày càng tăng, nên lo ngại cho ngôi vị thái tử liền phái Esarhaddon đến các tỉnh miền tây. Việc Esarhaddon ở xa khiến cho Arda-Mulissu ở đỉnh cao danh tiếng nhưng lại không động vào được em trai mình. Arda-Mulissu quyết định cần hành động nhanh và chiếm lấy ngai vàng bằng vũ lực.[95] Ông lập "thỏa ước nổi dậy" với một người em trai khác là Nabu-shar-usur. Ngày 20 tháng 10 năm 681 TCN, họ tấn công và hạ sát cha mình trong một ngôi đền tại Nineveh,[93] có thể là điện thờ Sîn.[92]

Vụ ám sát người đứng đầu một trong những đế quốc mạnh nhất khi ấy đã gây chấn động thế giới đương thời. Dân chúng Cận Đông kinh động nhận tin và có cảm xúc lẫn lộn. Dân Levant và Babylonia hoan hỉ và coi đây là do thần phạt tội Sennacherib đã tấn công họ. Còn ở Assyria có lẽ là bầu không khí phẫn nộ kinh hoàng. Nhiều nguồn tư liệu chép lại vụ này, trong đó có cả Kinh Thánh[96] gọi Arda-Mulissu là Adrammelech (A-tra-mê-léc).[95]

Mưu sát thành công nhưng Arda-Mulissu không thể chiếm ngôi. Những người vốn ủng hộ ông cũng cảm thấy phẫn nộ về việc này, nên ngày đăng quang dự kiến bị trì hoãn. Trong lúc đó, Esarhaddon tập hợp binh mã. Quân của Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur chạm trán với binh lực Esarhaddon tại Hanigalbat thuộc miền tây đế quốc. Hầu hết binh lính đã đào ngũ sang phe Esarhaddon. Esarhaddon dẫn quân tiến về Nineveh mà không gặp kháng cự nào và trở thành tân vương Assyria. Ngay khi lên ngôi, Esarhaddon xử tử tất cả những kẻ chủ mưu và kẻ thù chính trị bị mình nắm trong tay, kể cả gia đình anh em mình. Các đầy tớ canh gác cung điện Nineveh cũng bị hành quyết. Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur sống sót qua đợt thanh trừng này, đào thoát lưu vong sang vương quốc phía bắc Urartu.[93][97]

Gia đình và con cái

[sửa | sửa mã nguồn]
Tấm bia khắc hình hoàng tử Assyria vào thời Sennacherib, có thể là Ashur-nadin-shumi, Arda-Mulissu hoặc Esarhaddon.

Theo truyền thống quân vương Assyria, Sennacherib có hậu cung đông đảo. Hai người vợ có danh tính ghi lại là Tashmetu-sharrat (Tašmetu-šarrat)[98]Naqi'a (Naqiʾā). Không chắc cả hai có phải cùng là hoàng hậu hay không, nhưng các nguồn tư liệu đương thời cho rằng vua có thể nhiều vợ, nhưng tại mỗi thời điểm chỉ có một là hoàng hậu chính thất mà thôi. Trong phần lớn thời gian Sennacherib trị vì, Tashmetu-sharra nghĩa là "Tashmetum là hoàng hậu" có thể giữ vị trí mẫu nghi thiên hạ.[18] Các bản khắc cho thấy Sennacherib và Tashmetu-sharrat yêu nhau, vua gọi bà là "nương tử yêu dấu của ta" và công khai khen ngợi sắc đẹp của bà.[98]

Chưa rõ liệu Naqi'a có từng là hoàng hậu hay không. Bà được gọi là "thái hậu" dưới triều Esarhaddon, nhưng vì bà là mẹ đẻ Esarhaddon nên nghiễm nhiên có được danh hiệu này vào cuối triều Sennacherib hoặc do con trai phong dâng.[18] Tashmetu-sharrat giữ ngôi chính thất lâu hơn nhưng ngày nay người ta biết nhiều hơn về vị thế Naqi'a dưới thời Esarhaddon. Khi làm vợ Sennacherib, bà lấy tên trong tiếng Akkad là Zakututu (Naqi'a là tiếng Aram). Hai cái tên có thể chỉ ra rằng Naqi'a sinh ra bên ngoài Assyria như Babylonia hoặc ở Levant, nhưng không có bằng chứng đáng kể để truy được gốc tích.[94]

Phù điêu khắc họa con trai kế vị của Sennacherib là Esarhaddon (phải) với mẹ là Naqi'a (trái)

Sennacherib có ít nhất bảy con trai và một con gái. Ngoại trừ Naqi'a là mẹ Esarhaddon thì không rõ ai là mẹ của những người con còn lại. Tashmetu-sharrat có thể là mẹ của một trong số đó:[99]

  • Ashur-nadin-shumi (Aššur-nādin-šumi)[58] – có lẽ là trưởng nam của Sennacherib. Được đặt làm vua Babylon và ngôi vị thái tử năm 700 TCN. Đến năm 694 TCN, ông bị quân Elam bắt và giết chết.[100]
  • Ashur-ili-muballissu (Aššur-ili-muballissu)[98] – có lẽ là con trai thứ hai (còn được gọi là māru terdennu - "con trai thứ hai"). Với tên gọi "được sinh ra dưới bệ chân Ashur" có thể cho thấy ông giữ chức thầy tư tế.[98] Ông được vua cha ban nhà ở Assur khoảng trước năm 700 TCN. Người ta cũng khai quật được một chiếc lọ quý tại Nineveh xác chứng là ban cho ông.[101]
  • Arda-Mulissu (Arda-Mulišši)[102] – con trai lớn nhất còn sống khi Ashur-nadin-shumi bị giết năm 694 TCN, Giữ ngôi thái tử 694-684 TCN rồi bị phế bỏ không rõ lý do. Năm 681 TCN, ông mưu sát phụ hoàng để đoạt ngôi. Bị Esarhaddon đánh bại, ông trốn đến Urartu.[93]
  • Ashur-shumu-ushabshi (Aššur-šumu-ušabši) - một người con trai không rõ thứ mấy. Sennacherib ban nhà tại Nineveh. Những viên gạch khắc nội dung xây nhà được tìm thấy tại Nineveh có thể cho thấy rằng Ashur-shumu-usabshi đã qua đời chết trước khi nhà xây xong.[101]
  • Esarhaddon (Aššur-aḫa-iddina)[103] – con trai thứ từng là thái tử 684–681 TCN rồi kế vị làm vua Assyria, trị vì 681-669 TCN.[93]
  • Nergal-shumu-ibni (Nergal-šumu-ibni) [101] – tên này không được ghi đầy đủ trên các văn tự nên chỉ phỏng dựng lại. Ông được nhắc đến là người thuê đông đầy tớ, hẳn cả một giám mã riêng tên Sama. Ông cũng thể đồng nhất với viên tín quan đề cập vào năm 683 TCN. Tên ông cũng có thể là Nergal-shumu-usur,[101] và giữ chức thái tử bên cạnh Arda-Mulissu để kế vị ngôi Babylon, nhưng không có bằng chứng thuyết phục.[104]
  • Nabu-shar-usur (Nabû-šarru-uṣur)[105] – người cùng với Arda-Mulissu mưu giết Sennacherib. Ông cùng Arda-Mulissu trốn đến Urartu.[93]
  • Shadditu (Šadditu)[101] – con gái duy nhất của Sennacherib được nhắc đến tên, tên Shadditu xuất hiện trong các giấy bán đất và nghi lễ phòng vệ được thực hiện đại diện cho bà. Có thể mẹ là Naqi'a vì bà cũng có vị thế dưới triều Esarhaddon. Bà hoặc người con gái khác kết hôn với quý tộc Ai Cập tên là Shushanqu năm 672 TCN.[99]

Một bảng nhỏ được khai quật tại Nineveh, trên đó liệt kê tên các anh hùng thần thoại Lưỡng Hà (như Gilgamesh) cùng một số tên riêng khác. Vì Ashur-ili-muballissu xuất hiện trong danh sách tên riêng, cùng một tên khác có thể viết thành Ashur-nadin-shumi (hoặc Ashur-shumu-ushabshi) và Esarhaddon, có thể suy đoán phần còn lại cũng là các hoàng tử của Sennacherib. Những tên này gồm Ilee-bullutu-Aššur, Aššur-mukkaniš-ilija, Ana-Aššur-taklak, Aššur-bani-beli, Samaš-andullašu (hoặc Samaš-salamšu) và Aššur-šakin-liti.[101]

Tính cách

[sửa | sửa mã nguồn]
Hình ảnh Sennacherib trên phù điêu Lachish khắc họa chiến tranh Levant. Tranh vẽ chi tiết bên phải lấy từ sách Từ điển Thánh Kinh năm 1887 của Philip Schaff.

Nguồn tư liệu chính có thể luận được tính cách con người Sennacherib cơ bản là các bản khắc triều đình dưới thời ông, không phải vua tự tay viết nhưng do các thư lại chép. Các văn bản thường nhằm tuyên truyền xưng tụng vua tốt đẹp hơn tất cả vua cùng thời hoặc trước đó.[106] Hơn nữa, bia ký hoàng gia Assyria thường chỉ nói về chiến trận và xây dựng theo một công thức chung, nên có ít khác biệt giữa các vua.[107] Soi xét các bản này, đối chiếu với bia ký các vua khác hoặc những văn bản không thuộc hoàng gia có thể suy ra một số khía cạnh tính cách Sennacherib. Giống như các vua Assyria khác, ông thể hiện niềm tự hào và lòng tự trọng cao, chẳng hạn: "Ashur, cha các thần, để mắt vững vàng nhìn ta giữa các vua, ngài chế cho ta vũ khí lớn hơn những kẻ trên ngai khác". Một số chỗ lại nhấn mạnh sự khôn ngoan trác tuyệt của Sennachrib "thần Ninshiku ban cho ta sự khôn ngoan bằng với hiền triết Adapu (và) phú cho ta tri thức rộng". Một số bia ký gọi ông là "người đứng đầu tất cả các vua" (ašared kal malkī) và "người toàn hảo" (eṭlu gitmālu).[106][108] Sennacherib quyết định giữ nguyên tên khai sinh khi làm vua thay vì dùng tên hiệu như ít nhất 19 trong số 21 tiên vương đã làm, điều này cho thấy ông có sự tự tin. Sennacherib còn được xưng tụng bằng những mỹ từ mà chưa được dùng cho bất cứ vua Assyria nào khác "người bảo vệ lẽ phải" và "người yêu công lý", cho thấy mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong khởi đầu kỷ nguyên mới do ông trị vì.[30]

Khi lên ngôi, Sennacherib thực sự đã trưởng thành với 15 năm làm thái tử, hiểu rõ cách điều hành đế chế. Khác với nhiều quân vương Assyria trước đó và về sau (kể cả vua cha Sargon), Sennacherib không thể hiện mình là một kẻ chinh phạt hay có mong muốn chinh phục thế giới. Thay vào đó, các văn bản thường mô tả về việc xây dựng quy mô lớn của ông. Hầu hết các chiến dịch quân sự của Sennacherib không nhằm mục đích chinh phạt mà nhằm trấn áp các cuộc nổi loạn, khôi phục lãnh thổ bị chiếm và đảm bảo ngân khố chi cho việc xây dựng.[109] Việc để cho các tướng lĩnh chỉ huy một số chiến dịch chứ vua không thân chinh cho thấy Sennacherib không đặt nặng chiến trận như các tiên vương.[110] Việc trừng phạt kẻ thù thảm khốc có thể không phản ánh sự thật, mà đơn thuần có khi chỉ dùng để tuyên truyền gây sợ hãi và chiến tranh tâm lý.[111]

Văn bản tiếng Akkad và bản dịch tiếng Anh lấy từ phía trên đầu Sennacherib trong các phù điêu khắc họa trận vây hãm Lachish, trích từ sách Khám phá trong đống đổ nát Nineveh và Babylon của Austen Henry Layard.

Dù rõ ràng không quan tâm đến việc thống trị thế giới, Sennacherib có được các danh hiệu Lưỡng Hà truyền thống về quyền lực này như "vua vũ trụ" và "vua bốn phương thế gian". Các danh hiệu khác như "vua mạnh mẽ" và "vua hùng mạnh" nhấn mạnh sức mạnh và sự vĩ đại của ông, cùng với các biệt danh như "chiến binh dũng mãnh" (zikaru qardu) và "bò rừng hung tợn" (rīmu ekdu). Sennacherib ký thuật toàn bộ chiến dịch quân sự của mình là chiến thắng, kể cả thực tế không phải như vậy. Điều này không nhất thiết là do tự hào cá nhân mà đơn thuần vì thần dân có thể sẽ coi thất bại là không còn được thần linh ủng hộ vua trị vì nữa.[109] Sennacherib hoàn toàn tin rằng các thần đã tiếp trợ mình và các cuộc chiến đều phải theo đường hướng này.[110]

Frahm tin rằng có thể Sennacherib bị hậu chấn tâm lý trước số phận thảm khốc của vua cha. Các nguồn tư liệu cho thấy có vẻ như tin xấu dễ dàng khiến Sennacherib nổi giận và phát triển thành các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Vua Esarhaddon về sau viết rằng "quỷ alû " làm hại Sennacherib mà lúc đầu không có thầy tiên tri nào dám nói với vua rằng họ nhận thấy các dấu hiệu của quỷ.[35] Không rõ "quỷ alû" là gì nhưng triệu chứng điển hình được đề cập là bệnh nhân không biết mình là ai, đồng tử co lại, tay chân căng cơ, không nói được và ù tai.[30]

Frahm và nhà Assyria học Julian E. Reade cân nhắc ý tưởng rằng Sennacherib có thể được xếp loại thành người vì nữ quyền. Triều đình Sennacherib có phụ nữ nổi bật và hưởng đặc quyền hơn so với những tiền triều. Hiện không rõ chính sách thời đó dành cho phụ nữ hoàng tộc ra sao. Có thể vua muốn lấy quyền từ tướng lĩnh và thủ lĩnh hùng mạnh chuyền về gia tộc mình, học theo các nữ hoàng Ả Rập quyền lực lãnh đạo quân đội và tự quyết. Hoặc vua muốn cân bằng lại điều này theo ký ức về sự cai trị của cha mình. Bằng chứng về gia tăng vị thế phụ nữ hoàng tộc có thể thấy thông qua số lượng lớn văn bản nói đến các hoàng hậu vào thời Sennacherib so với thời kỳ trước, họ cũng có quân đội thường trực riêng giống như vua. Phản ánh vị thế phụ nữ hoàng tộc gia tăng, các nữ thần cũng được mô tả thường xuyên hơn. Chẳng hạn thần Ashur thường được kèm với một nữ thần như Mullissu.[112]

Bất chấp sự mê tín của Sennacherib liên quan đến số phận vua cha và niềm tin được thần linh tiếp trợ,[32][110] Reade tin rằng vua hoài nghi tôn giáo ở một mức độ nào đó; minh chứng là dám phạm thượng phá hủy Babylon và các điện thờ tại đó, đồng thời vua cũng dường như bỏ bê các đền thờ Assyria cho đến cuối triều đại mới tiến hành cải tạo đền thờ Ashur ở Assur.[113]

Ký ức phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh khắc gỗ thế kỷ 16 mô tả Sennacherib của họa sĩ Đức Georg Pencz, từ loạt tranh khắc gỗ Bạo chúa trong Cựu Ước

Suốt hàng thiên niên kỷ trôi qua, hình ảnh phổ biến về Sennacherib chủ yếu là tiêu cực. Lý do đầu tiên do Kinh Thánh khắc họa ông là kẻ chinh phục độc ác định chiếm Jerusalem; thứ hai là việc hủy diệt Babylon, một trong những thành nổi bật nhất thế giới cổ đại. Quan điểm tiêu cực này vẫn tồn tại cho đến thời hiện đại. Sennacherib được miêu tả giống như con thú săn mồi tàn nhẫn, tấn công Judah như "sói giữa bầy cừu" trong bài thơ nổi tiếng của Lord Byron năm 1815 The Destruction of Sennacherib (Sự hủy diệt của Sennacherib):[114]

The Assyrian came down like the wolf on the fold,
And his cohorts were gleaming in purple and gold;
And the sheen of their spears was like stars on the sea,
When the blue wave rolls nightly on deep Galilee.

Tạm dịch nghĩa
Quân Assyria tràn xuống như sói vào bầy,
Và đoàn cohort lập lòe ánh tím và vàng;
Và ngọn giáo lấp lánh như sao trên biển,
Khi sóng xanh cuộn đêm trên Galilee sâu thẳm.

— Lord Byron (1815), khổ thứ nhất.[114]
Tranh minh họa Cựu Ước trong sách tại Sicily khoảng năm 1300 mô tả ba cảnh riêng biệt trong trận chiến Sennacherib đánh người Israel. Bên phải là thiên sứ đang tiêu diệt đạo quân. Phần giữa là Sennacherib và tàn quân trên đường trở về. Bên trái là Sennacherib bị hai con trai giết khi đang cầu nguyện với thần.

Năm 2014, nhà khảo cổ học Kinh Thánh Isaac Kalimi và nhà sử học Seth Richardson gọi cuộc tấn công năm 701 TCN của Sennacherib vào Jerusalem là một "sự kiện thế giới" vì kéo theo số phận của nhiều nhóm dân khác nhau. Theo Kalimi, sự kiện này ảnh hưởng và để lại hậu quả không chỉ với người Assyria và Israel, mà còn cả người Babylon, Ai Cập, Nubia, Syro-Hitti và Anatolia. Trận vây hãm không chỉ được đề cập trong nguồn tư liệu đương thời, mà còn ghi nhận trong văn hóa dân gian và truyền thống sau này, chẳng hạn như văn hóa dân gian Aram, lịch sử Hy La Cận Đông về sau, rồi trong các câu chuyện Ả RậpCơ Đốc giáo Syria trung cổ.[115] Chiến dịch Levant là sự kiện quan trọng trong nhiều phân đoạn Kinh Thánh, đáng chú ý là Các Vua II 18:13–19:37, 20:6 và Sử ký II 32:1–23.[116] Phần lớn phần Kinh thánh về triều đại của vua Hezekiah trong sách Các Vua là dành cho chiến dịch của Sennacherib, xác định đây như là sự kiện quan trọng nhất thời Hezekiah.[31] Trong Sử ký đã nhấn mạnh thất bại của Sennacherib và thắng lợi của Hezekiah. Chiến dịch quân sự này (bị coi là xâm lược hơn là hành động trấn áp Hezekiah nổi loạn) bị coi là thất bại ngay từ đầu. Theo như ký thuật, không kẻ thù nào kể cả vua Assyria hùng mạnh có thể đánh thắng vì Đức Chúa Trời đứng về phía Hezekiah.[117] Trận chiến được khắc họa theo tinh thần thánh chiến: cuộc chiến của Chúa chống lại Sennacherib ngoại giáo.[118]

Có hơn một trăm vị vua trong lịch sử Assyria lâu đời, Sennacherib (cùng con trai là Esarhaddon và các cháu là AshurbanipalShamash-shum-ukin) là một trong số vẫn còn được tưởng nhớ và khắc họa trong văn hóa dân gian Aram và Syria rất lâu sau khi vương quốc sụp đổ. Truyện cổ Aram về Ahikar miêu tả Sennacherib như người bảo trợ cho nhân vật chính, còn Esarhaddon thì tiêu cực hơn. Truyện Syria trung cổ mô tả Sennacherib là vị vua ngoại giáo điển hình bị ám sát trong thảm kịch gia tộc, mà con cái đều cải đạo sang Cơ Đốc giáo.[119] Truyền thuyết các thánh Behnam và Sarah thế kỷ 4 đã lấy Sennacherib dưới cái tên Sinharib để làm người cha trong hoàng tộc của các thánh. Khi Behnam cải đạo sang Cơ Đốc giáo liền bị Sinharib ra lệnh xử tử, nhưng Sinharib bị bệnh hiểm nghèo và được chữa lành nhờ thánh Matthew rửa tội ở Assur. Với lòng biết ơn, Sinharib cũng cải đạo sang Cơ Đốc giáo và thành lập tu viện quan trọng Deir Mar Mattai ở gần Mosul.[120]

Hình ảnh Sennacherib cũng giữ nhiều vai trò khác nhau trong truyền thống Do Thái sau này. Trong Midrash, các sự kiện năm 701 TCN thường được khám phá chi tiết; nhiều lần nhắc đến đạo binh khổng lồ và Sennacherib liên tục cầu hỏi các nhà chiêm tinh khiến cho hành động bị trì hoãn. Trong các câu chuyện này, quân đội Sennacherib bị tiêu diệt khi Hezekiah đọc thi thiên Hallel vào đêm trước lễ Vượt Qua. Sự kiện này thường được miêu tả như kịch bản mạc khải, Hezekiah tượng trưng cho nhân vật thiên sai còn Sennacherib cùng quân lính là hiện thân của Gog và Magog.[121] Với vị trí xuất hiện trong Kinh Thánh, Sennacherib vẫn là một trong những vua Assyria nổi tiếng nhất cho đến ngày nay.[122]

Khám phá khảo cổ

[sửa | sửa mã nguồn]
Phù điêu từ cung điện của Sennacherib mô tả hai người lính Assyria

Sư phát hiện ra dòng văn tự của chính Sennacherib vào thế kỷ 19 kỷ, trong đó có những hành động tàn bạo và độc ác như ra lệnh cắt cổ, chặt tay và cắt môi kẻ thù Elam, đã nhân gấp bội danh tiếng vốn đã hung bạo của ông. Ngày nay đã biết đến nhiều bản khắc như vậy, hầu hết nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cận ĐôngBerlinBảo tàng AnhLuân Đôn, còn nhiều bản khác thuộc về các tổ chức và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới. Một số di vật lớn có chữ khắc của Sennacherib vẫn ở lại Nineveh, thậm chí còn được chôn trở lại.[123] Những ghi chép của chính Sennacherib về việc xây dựng và chiến tranh thường gọi là "biên nên sử", được sao chép nhiều lần và lan truyền khắp Đế quốc Tân Assyria khi ông còn trị vì. Sáu năm đầu triều đại Sennacherib, chữ được khắc lên các trụ gốm, sau đó được thay bằng lăng trụ để bề mặt viết được nhiều hơn.[29]

Thư từ liên quan đến Sennacherib có ít hơn so với lượng thu thập được từ thời Sargon cha ông và thời Esarhaddon con trai ông, hầu hết lại đến từ thời kỳ ông làm thái tử. Các văn tự không thuộc hoàng gia thì nhiều hơn vào thời Sennacherib, chẳng hạn như tài liệu hành chính, kinh tế và sử ký.[124] Ngoài các văn tự, nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng đã tồn tại từ thời Sennacherib, đặc biệt các phù điêu của vua trong cung điện Nineveh. Chúng thường khắc họa những cuộc chinh phạt của Sennacherib, đôi khi có đoạn văn ngắn giải thích cho hình ảnh. Được nhà khảo cổ học người Anh Austen Henry Layard phát hiện và khai quật lần đầu tiên năm 1847-1851, phù điêu tại Cung điện Tây Nam khắc họa trận vây hãm Lachish là bằng chứng khảo cổ đầu tiên xác nhận về một sự kiện được nhắc đến trong Kinh Thánh.[89]

Các nhà Assyria học Hormuzd RassamHenry Creswicke Rawlinson vào năm 1852-1854, William Kennett Loftus năm 1854-1855 và George Smith năm 1873-1874 đã dẫn đầu các cuộc khai quật tiếp theo tại Cung điện Tây Nam.[89] Trong số nhiều văn bản tìm được, Smith phát hiện ra bản tường thuật không trọn vẹn về trận lụt, gây nhiều hứng khởi cho giới học giả lẫn công chúng. Kể từ thời Smith, địa điểm này trải qua nhiều giai đoạn khai quật và nghiên cứu ráo riết; Rassam trở lại năm 1878-1882, nhà Ai Cập học E. A. Wallis Budge giám sát khai quật năm 1889-1891, nhà Assyria học Leonard William King năm 1903-1904 và Reginald Campbell Thompson vào năm 1905 và 1931-1932. Bộ Cổ vật Iraq dưới sự chỉ đạo của nhà Assyris học Tariq Madhloom tiến hành thám sát gần đây nhất năm 1965-1968. Nhiều phù điêu của Sennacherib ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Cận Đông, Bảo tàng Anh, Bảo tàng IraqBagdad, Bảo tàng Mỹ thuật MetropolitanNew YorkBảo tàng LouvreParis.[125]

Học thuật hiện đại dần không còn đánh giá tiêu cực Sennacherib như một kẻ chinh phục tàn bạo giống như trước đây nữa. Năm 1978, Reade đánh giá Sennacherib là người nổi bật trong số các vua Assyria với tư tưởng cởi mở cùng tầm nhìn xa và rằng ông là người "không chỉ đối phó hiệu quả với các khủng hoảng thông thường mà thậm chí còn biến chúng thành lợi thế khi dự định hoặc thực sự tạo cấu trúc đế quốc ổn định miễn nhiễm với những vấn đề truyền đời". Reade tin rằng đế quốc Assyria sụp đổ trong vòng 70 năm sau khi Sennacherib chết có thể một phần là do các vua về sau bỏ đi chính sách và cải cách do ông đưa ra.[113] Năm 2018, Elayi kết luận rằng Sennacherib khác biệt với hình ảnh tiêu cực thường thấy cũng như hình ảnh hoàn hảo mà vua muốn đánh bóng bản thân thông qua văn tự, nhưng phần nào trong đó thì cả hai đều có chỗ chính xác. Theo Elayi, Sennacherib "chắc chắn thông minh, khéo léo, có khả năng thích ứng", nhưng "sự sùng đạo thì trái nghịch, vì một mặt ông ngang nhiên phá hủy tượng thần và đền thờ Babylon nhưng mặt khác, ông lại thường cầu xin ý thần linh trước khi hành động". Elayi tin rằng khuyết điểm lớn nhất của Sennacherib là "tính cách nóng nảy, hay thù hận và thiếu kiên nhẫn" và khi xúc động, ông có thể bị thúc đẩy đi đến những quyết định phi lý.[126]

Năm 2011, một con dốc lớn được phát hiện ở đồi Qasr Shemamok-Kilizu tại Erbil, cầu thang nhiều bậc có chiều cao rất thấp, bậc thang làm bằng gạch chắc, một viên có khắc dòng chữ hình nêm rằng cầu thang được dựng mang tên vua Assyria Sennacherib. Người Pháp tiến hành khai quật và tìm thấy nhiều bản khắc chữ hình nêm, hầu hết đề cập đến các danh hiệu của Sennachrib, việc xây dựng tường thành và cung điện.[127][128][129]

Danh hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Sennacherib dùng các danh hiệu sau đây trong những ghi chép ban đầu về chiến dịch Babylon năm 703 TCN:

Sennacherib, vua vĩ đại, vua hùng mạnh, vua Assyria, vua không có đối thủ, mục tử chính nghĩa, người được các vị thần vĩ đại yêu thích, mục tử nguyện cầu, người kính sợ các vị thần vĩ đại, người bảo vệ lẽ phải, người yêu công lý, người mang tiếp trợ đến, người giúp đỡ kẻ què quặt và mưu cầu việc thiện, anh hùng hoàn hảo, dũng sĩ, người đứng đầu các vua, người không cúi đầu khuất phục, người tấn công kẻ thù như sấm sét, ngọn núi lớn Ashur đã ban cho ta vương quyền vô song và khiến vũ khí ta mạnh mẽ hơn vũ khí tất cả các vua đang ngồi trên ngai.[130]

Các danh hiệu này được thay đổi trong bản khắc ở Cung điện Tây Nam tại Nineveh, được viết sau chiến dịch Babylon năm 700 TCN:

Sennacherib, vua vĩ đại, vua hùng mạnh, vua vũ trụ, vua Assyria, vua bốn phương; người yêu mến các vị thần vĩ đại; người khôn ngoan và xảo quyệt; anh hùng mạnh mẽ, người đứng đầu tất cả thân vương; ngọn lửa thiêu đốt kẻ bất phục, người dùng sấm sét đánh kẻ ác. Vị thần vĩ đại Assur ban cho ta vương quyền vô song, và khiến vũ khí của ta mạnh hơn (tất cả) những ai ngự trong cung điện. Từ vùng biển cao mặt trời lặn đến vùng biển thấp mặt trời mọc, tất cả thân vương bốn phương (thế gian), ngài đều đem quy phục dưới chân ta.[131]

  1. ^ Các chữ hình nêm Akkad cổ tương ứng với "Sennacherib" () là 𒀭𒌍𒉽𒈨𒌍𒋢 có nghĩa tương tự
  2. ^ Phần lớn các học giả đều coi hiển nhiên Arad-Mulissu đã phạm tội.[10] Có các giả thuyết khác do một số kẻ không rõ danh tính ủng hộ Babylon gây ra hoặc thậm chí là chính Esarhaddon.[11] Năm 2020, Andrew Knapp gợi ý rằng Esarhaddon có thể thực sự có đứng sau vụ mưu sát, dựa trên những mâu thuẫn tồn tại trong tường thuật về Arad-Mulissu thi hành, và có khả năng Esarhaddon cũng có mối quan hệ không tốt với Sennacherib, rồi đến Esarhaddon tập hợp quân rất nhanh để đánh bại các anh em mình, cùng nhiều bằng chứng cho các tình huống khác.[12]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Elayi 2017, tr. 29.
  2. ^ a b c Elayi 2018, tr. 18.
  3. ^ Harmanşah 2013, tr. 120.
  4. ^ a b Kalimi & Richardson 2014, tr. 11.
  5. ^ a b Elayi 2018, tr. 12.
  6. ^ “Sin-ahhe-eriba [SENNACHERIB, KING OF ASSYRIA] (RN)”. Open Richly Annotated Cuneiform Corpus. University of Pennsylvania. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2023.
  7. ^ a b c d Frahm 2003, tr. 129.
  8. ^ a b c d Kalimi & Richardson 2014, tr. 20.
  9. ^ a b Luckenbill 1924, tr. 13.
  10. ^ Knapp 2020, tr. 166.
  11. ^ Knapp 2020, tr. 165.
  12. ^ Knapp 2020, tr. 167–181.
  13. ^ a b c d Elayi 2018, tr. 13.
  14. ^ Kertai 2013, tr. 115.
  15. ^ Melville 2016, tr. 56.
  16. ^ Elayi 2017, tr. 27.
  17. ^ Elayi 2018, tr. 30.
  18. ^ a b c Elayi 2018, tr. 15.
  19. ^ Elayi 2018, tr. 30–31.
  20. ^ Elayi 2018, tr. 38.
  21. ^ Elayi 2018, tr. 40, 204.
  22. ^ Brinkman 1973, tr. 89.
  23. ^ a b c Brinkman 1973, tr. 90.
  24. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 209.
  25. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 208.
  26. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 212.
  27. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 20, 201.
  28. ^ a b Kalimi & Richardson 2014, tr. 202.
  29. ^ a b Elayi 2018, tr. 3.
  30. ^ a b c Kalimi & Richardson 2014, tr. 204.
  31. ^ a b Kalimi & Richardson 2014, tr. 15.
  32. ^ a b c d e f g h Brinkman 1973, tr. 91.
  33. ^ Frahm 2002, tr. 1113.
  34. ^ a b Frahm 2003, tr. 130.
  35. ^ a b Kalimi & Richardson 2014, tr. 203.
  36. ^ Luckenbill 1924, tr. 9.
  37. ^ a b Levine 1982, tr. 36.
  38. ^ a b Bauer 2007, tr. 384.
  39. ^ a b c Luckenbill 1924, tr. 10.
  40. ^ a b Levine 1982, tr. 37.
  41. ^ Grayson 1991, tr. 106.
  42. ^ Levine 1973, tr. 313.
  43. ^ Matty 2016, tr. 26.
  44. ^ a b Luckenbill 1924, tr. 11.
  45. ^ Barnett 1958, tr. 161–164.
  46. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 38.
  47. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 25, 40.
  48. ^ a b Luckenbill 1924, tr. 12.
  49. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 39–40.
  50. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 19.
  51. ^ Caesar 2017, tr. 224.
  52. ^ Ogden Bellis 2020, tr. 4.
  53. ^ James 2005, tr. 92.
  54. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 48.
  55. ^ Levine 1982, tr. 40.
  56. ^ a b c Levine 1982, tr. 41.
  57. ^ Levine 1982, tr. 40–41.
  58. ^ a b Porter 1993, tr. 14.
  59. ^ Porter 1993, tr. 15.
  60. ^ Porter 1993, tr. 16.
  61. ^ Luckenbill 1924, tr. 14.
  62. ^ Levine 1982, tr. 42–43.
  63. ^ a b Luckenbill 1924, tr. 15.
  64. ^ a b c Levine 1982, tr. 43.
  65. ^ a b Brinkman 1973, tr. 92.
  66. ^ Bertman 2005, tr. 79.
  67. ^ Levine 1982, tr. 43–45.
  68. ^ Levine 1982, tr. 45.
  69. ^ Levine 1982, tr. 40, 47–49.
  70. ^ Luckenbill 1924, tr. 16.
  71. ^ Levine 1982, tr. 49–50.
  72. ^ a b Brinkman 1973, tr. 93.
  73. ^ Levine 1982, tr. 50.
  74. ^ a b c Luckenbill 1924, tr. 17.
  75. ^ a b c d Brinkman 1973, tr. 94.
  76. ^ a b Brinkman 1973, tr. 95.
  77. ^ Grayson 1991, tr. 118.
  78. ^ Leick 2009, tr. 156.
  79. ^ Grayson 1991, tr. 118–119.
  80. ^ Grayson 1991, tr. 119.
  81. ^ McCormick 2002, tr. 156, 158.
  82. ^ Grayson 1991, tr. 116.
  83. ^ Grayson 1991, tr. 109.
  84. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 210.
  85. ^ Frahm 2008, tr. 13.
  86. ^ Frahm 2008, tr. 14.
  87. ^ Reade 1978, tr. 47, 50.
  88. ^ a b Frahm 2008, tr. 15.
  89. ^ a b c Elayi 2018, tr. 5.
  90. ^ a b Frahm 2008, tr. 16.
  91. ^ a b Kertai 2013, tr. 116.
  92. ^ a b c Frahm 2008, tr. 17.
  93. ^ a b c d e f g Radner 2003, tr. 166.
  94. ^ a b Elayi 2018, tr. 16.
  95. ^ a b c Parpola 1980.
  96. ^ II Vua 19:37; Êsai 37:38
  97. ^ Encyclopædia Britannica 1911 vol.9, tr. 759-760.
  98. ^ a b c d Frahm 2002, tr. 1114.
  99. ^ a b Elayi 2018, tr. 17.
  100. ^ Porter 1993, tr. 14–16.
  101. ^ a b c d e f Frahm 2002, tr. 1115.
  102. ^ Baker 2016, tr. 272.
  103. ^ Postgate 2014, tr. 250.
  104. ^ Šašková 2010, tr. 152.
  105. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 193.
  106. ^ a b Elayi 2018, tr. 19.
  107. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 171.
  108. ^ Frahm 2014, tr. 193.
  109. ^ a b Elayi 2018, tr. 20.
  110. ^ a b c Elayi 2018, tr. 21.
  111. ^ Elayi 2018, tr. 22.
  112. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 213–217.
  113. ^ a b Reade 1978, tr. 47.
  114. ^ a b Elayi 2018, tr. 1.
  115. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 1.
  116. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 12.
  117. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 21.
  118. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 37.
  119. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 5.
  120. ^ Radner 2015, tr. 7.
  121. ^ Kalimi & Richardson 2014, tr. 6.
  122. ^ Mark 2014.
  123. ^ Elayi 2018, tr. 2.
  124. ^ Elayi 2018, tr. 4.
  125. ^ Elayi 2018, tr. 6.
  126. ^ Elayi 2018, tr. 203.
  127. ^ Kopanias, MacGinnis & Ur 2015, tr. 54.
  128. ^ Furlani 1934, tr. 119-142.
  129. ^ Masetti-Rouault 2020, tr. 253–264.
  130. ^ Frahm 2003, tr. 141.
  131. ^ Luckenbill 1927, tr. 140.

Tư liệu

[sửa | sửa mã nguồn]
Ấn bản
Trang web

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Sennacherib
Sinh: , k. 745 TCN Mất: 20 tháng 10, 681 TCN
Tiền nhiệm
Sargon II
Vua Assyria
705 – 681 TCN
Kế nhiệm
Esarhaddon
Vua Babylon
705 – 704/703 TCN
Kế nhiệm
Marduk-zakir-shumi II
Tiền nhiệm
Mushezib-Marduk
Vua Babylon
(de facto, Babylon bị phá hủy)

689 – 681 TCN
Kế nhiệm
Esarhaddon
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Sách Tội ác và Hình phạt (Crime and Punishment - CAP) của Doetoevsky
Sách Tội ác và Hình phạt (Crime and Punishment - CAP) của Doetoevsky
Câu chuyện bắt đầu với việc anh sinh viên Raxkonikov, vì suy nghĩ rằng phải loại trừ những kẻ xấu
Nhiệm vụ ẩn – Khúc bi ca của Hyperion
Nhiệm vụ ẩn – Khúc bi ca của Hyperion
Là mảnh ghép cuối cùng của lịch sử của Enkanomiya-Watatsumi từ xa xưa cho đến khi Xà thần bị Raiden Ei chém chết
Đàn ông có để ý đến việc phụ nữ bị béo không?
Đàn ông có để ý đến việc phụ nữ bị béo không?
Cùng xem các bạn nam có quan tâm đến cân nặng không nhé
Mao Trạch Đông - Mặt trời đỏ của nhân dân Trung Quốc (P.1)
Mao Trạch Đông - Mặt trời đỏ của nhân dân Trung Quốc (P.1)
Trên cao có một mặt trời tỏa sáng, và trong trái tim mỗi người dân Trung Quốc cũng có một mặt trời không kém phần rực đỏ - Mao Trạch Đông