Tương Mai

Tương Mai
Phường
Phường Tương Mai
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
QuậnHoàng Mai
Thành lập1973
Địa lý
Diện tích0,74 km²[1]
Dân số (2022)
Tổng cộng31.779 người[2]
Mật độ42.944 người/km²
Dân tộcHầu hết là Kinh
Khác
Mã hành chính00313[3]

Tương Mai là một phường thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Diện tích và dân số

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Tương Mai có diện tích 0,74 km², dân số năm 2022 là 31.779 người, mật độ dân số đạt 42.944 người/km².[1][2]

Địa giới hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa giới hành chính phường Tương Mai như sau:

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Tương Mai trước kia là làng Tương Mai.

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng Tương Mai là một xã thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội).

Năm 1899 cắt về tổng Thịnh Liệt.[4]

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Tương Mai nằm trong quận VII của Hà Nội.

Hòa bình lập lại (năm 1954), làng nằm trong xã Hoàng Văn Thụ, quận VII của Hà Nội.

Năm 1961, xã này nhập thêm làng (thôn) Mai Động và cùng với các xã trong quận VII hợp với các xã của huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông thành huyện Thanh Trì của Hà Nội.

Tháng 8 năm 1973, thôn Tương Mai được tách khỏi xã Hoàng Văn Thụ để thành lập phường Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng.[4]

Ngày 1 tháng 1 năm 2004, phường Tương Mai được chuyển đến quận Hoàng Mai từ quận Hai Bà Trưng.[5]

Phường Tương Mai hiện nay gồm có Khu tập thể Trương Định, làng Tương Mai (một phần của làng Tương Mai cổ) và một số khu dân cư lân cận.

Đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phố Tương Mai: từ số nhà 131 phố Nguyễn An Ninh, qua cầu Khỉ đến số 252 đường Giải phóng; có chiều dài 300m, rộng 8m[6]. Trước đây là một đoạn phố Nguyễn An Ninh.
  • Phố Nguyễn An Ninh: chiều dài 950m, rộng từ 8-10,5m, đi từ số nhà 303 phố Trương Định đến 303 phố Vọng[6]. Trước đây phố này nối với đường Giải Phóng, nhưng sau khi xây cầu Nguyễn An Ninh bắc qua sông Sét thì phố Nguyễn An Ninh được nắn thẳng để nối vào phố Vọng.
  • Phố Nguyễn Đức Cảnh: từ điểm giao cắt với đường Trương Định đến Nhà máy nước Tương Mai.
  • Phố Lương Khánh Thiện: từ điểm giao cắt với phố Nguyễn Đức Cảnh đến khu dân cư phường Tân Mai.
  • Đường Trương Định (một phần): từ đoạn giáp địa phận phường Trương Định đến đoạn giáp địa phận phường Tân Mai.

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Tương Mai có một số trường học:

  • Trường Mẫu giáo 10-10
  • Trường Mẫu giáo Tương Mai
  • Trường Tiểu học Tân Định
  • Trường Trung học cơ sở Tân Định.

Các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Học viện Y học hàng không (trước đây là Bệnh viện Phòng không - Không quân)
  • Công ty Cổ phần Tân Mai (chế biến thực phẩm)
  • Công ty Cổ phần Cơ điện Thống Nhất (sản xuất quạt điện với thương hiệu Vinawind)
  • Nhà máy nước Tương Mai (thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội)
Xây dựng năm 1992 với công suất 32.000 m3/ngày đêm. Sản lượng nước sản xuất bình quân 22.000 m3/ngày đêm[7].

Di tích văn hoá, lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Chùa Tương Mai
  • Đình Tương Mai, thờ Trần Khát Chân (thành hoàng làng).

Khu vui chơi giải trí

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Công viên Hoàng Văn Thụ (trước đây là trường bắn của Thực dân Pháp).

Làng Tương Mai

[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Tương Mai là một trong 4 làng của vùng Kẻ Mơ, nằm ở cửa ngõ phía nam Kinh thành Thăng Long, trên con đường từ phía nam lên Thăng Long, từ Quán Gánh về Duyên Trường, Hạ Thái (Thường Tín) lên, qua các làng Yên Kiện, Lạc Thị (xã Ngọc Hồi) đến đầu làng Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) để vào Chợ Mơ (đường này đến cuối thế kỷ XIX mới nắn lại theo đường Ngọc Hồi - Văn Điển - Giáp Bát như hiện nay).[4]

Trên đường thiên lý này, ở đầu làng Hoàng Mai, nhà nước phong kiến đặt một trạm (trạm Hà Mai) để chuyển công văn giấy tờ từ Kinh đô Huế ra Hà Nội và ngược lại. Người buôn bán, quan lại các nơi về Kinh đô Thăng Long (thời ) và tỉnh thành Hà Nội (thời Nguyễn) đều đi trên con đường này và thường lấy các làng Mơ làm trạm nghỉ chân. Dân làng Tương Mai mở nhiều quán cơm phục vụ khách, vì thế làng có tên là Mơ Cơm, để phân biệt với làng Hoàng Mai bên cạnh là Mơ Rượu (chuyên nấu rượu) và làng Bạch Mai là Mơ Thịt (chuyên bán thịt).[4]

Làng Tương Mai nằm ở ngã ba sông Kim Ngưu, sông Sét, thông lên Kinh đô Thăng Long. Bao quanh làng còn có một hệ thống ao hồ. Điều kiện tự nhiên, vị trí sát Kinh đô Thăng Long cùng hệ thống giao thông thủy - bộ này tạo điều kiện thuận lơi để làng phát triển kinh tế. Ngoài nông nghiệp, dân làng còn khai thác các nguồn thủy sản trong ao hồ, trên sông; mở hàng cơm, làm gốm, làm tương, làm đậu phụ. Đậu phụ Tương Mai nổi tiếng ngon, chế biến thành các miếng hình vuông, được duy trì đến ngày nay. Tương của làng được làm từ những quả mơ ngon nên cũng nổi tiếng khắp vùng.[4]

Thời Trần, cùng với các làng trong vùng Kẻ Mơ, làng Tương Mai nằm trong thái ấp của Thượng tướng quân Trần Khát Chân (? - 1399). Ông là dòng dõi của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (có sách chép là dòng dõi của Lê Hoàn, được phong quốc tính, đổi thành họ Trần). Ông có nhiều công lao trong cuộc chiến đấu chống các đợt xâm lược của quân Chiêm Thành ra Thăng Long cuối thời Trần. Năm 1390, ông giết được vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, từ đây, quân Chiêm không còn đánh ra Thăng Long nữa. Do có công đó, ông được phong tước Hầu và được phong vùng Kẻ Mơ làm thái ấp. Dấu tích của Thái ấp Kẻ Mơ của Trần Khát Chân còn lại ở làng Tương Mai hiện nay là địa danh Đống Sành, giáp làng Hoàng Mai, nơi sản xuất đồ sành sứ. Nhớ công ơn của Trần Khát Chân, làng Tương Mai và cả vùng Kẻ Mơ tôn ông làm thành hoàng.[4]

Thời Pháp thuộc, làng Tương Mai có ba người tham gia vụ Hà Thành đầu độc (tháng 6/1908) là vợ chồng ông Sáu Tỉnh mở quán cơm, trực tiếp bỏ thuốc độc vào cơm cho binh lính Pháp và ông Đặng Đình Nhân, tức Đội Nhân.[4]

Tại làng Tương Mai, thực dân Pháp lập một trường bắn để quân lính tập bắn, đồng thời để làm pháp trường xử bắn những người yêu nước. Ngày 24/5/1944, tại đây, thực dân Pháp đã xử bắn Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Đông Dương.[4]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
  2. ^ a b “Thông báo 24/TB-UBND Hà Nội 2022 đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 cập nhật 09h00 ngày 07/01/2022”. LuatVietnam. 7 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ a b c d e f g h Làng Tương Mai. TS Bùi Xuân Đính[liên kết hỏng]
  5. ^ Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội[liên kết hỏng]
  6. ^ a b Đặt tên và điều chỉnh độ dài cho 15 đường, phố của Hà Nội[liên kết hỏng]
  7. ^ Nhà máy nước Tương Mai[liên kết hỏng]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan