Tượng Chúa Kitô Vua | ||
Vị trí | Núi Nhỏ Vũng Tàu, Việt Nam | |
Tọa độ | ||
Khánh thành | Ngày 01 tháng 12 năm 1995 | |
Chủ quản | Giáo xứ Vũng Tàu Giáo phận Bà Rịa | |
Thiết kế | Văn Nhân và Nguyễn Quảng Đức | |
Chịu trách nhiệm giai đoạn 1 | Phaolô Nguyễn Minh Tri linh mục quản xứ Vũng Tàu Ông bà Lê Quang Tuyến | |
Chịu trách nhiệm giai đoạn 2 | Đa Minh Nguyễn Chu Trinh |
Tượng Chúa Kitô Vua (hoặc Tượng Đức Chúa dang tay, Tượng Chúa Kitô trên đỉnh Núi Tao Phùng) là một bức tượng Chúa Giêsu được đặt trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu (được xây từ năm 1974). Tượng đã được xác lập là "Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực châu Á" vào năm 2012[1][2][3].
Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, giáo xứ Vũng Tàu do linh mục Nguyễn Minh Tri cai quản đã dự định xây một tượng đài Chúa Giêsu ở mũi Nghinh Phong, Ô Quắn cao 10 mét và bệ tượng cao 5 mét. Công việc được khởi sự từ năm 1972 nhưng đến ngày 17 tháng 01 năm 1973, thị trưởng Vũng Tàu là đại tá Vũ Duy Tạo ra lệnh tạm ngưng thi công vì có đơn khiếu nại của bên Giáo hội Phật giáo nói rằng đây là vùng đất của họ. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa hai bên tôn giáo diễn ra với sự chủ trì của chính quyền, kết quả đã dẫn đến thoả hiệp kết ngày 16 tháng 2 năm 1974. Theo đó, Giáo hội Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo hội Công giáo thì xây dựng các công trình trên núi Nhỏ với diện tích 10 hecta.
Ngày 16 tháng 02 năm 1974, Giáo hội Công giáo đã dỡ bỏ bức tượng ở Nghinh Phong theo thỏa hiệp[4]. Ngày 18 tháng 03 năm 1974, chính quyền địa phương cấp văn thư số 140/VT/HC/LA cho phép Giáo hội Công giáo xây dựng tượng đài Chúa Giêsu trên núi Nhỏ (Tao Phùng) và họ bắt đầu tiến hành xây dựng. Công trình hoàn thành giai đoạn 1 thì xảy ra Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nên phải ngưng lại. Cùng lúc đó, do không có ai quản lý nên xảy ra tình trạng người dân khai thác đá tràn lan dưới chân núi.
Đầu năm 1990, Giám mục Nguyễn Minh Nhật có văn thư xin sửa chữa và được bảo quản tượng Chúa tại núi Tao Phùng và xin cấp đất mặt bằng xung quanh tượng Chúa. Ngày 31/08/1990, UBND Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo có văn bản trả lời số 464/TB.UB, nội dung: "Khu vực này đã được quy hoạch khu du lịch, văn hoá bao gồm cả khu có tượng Chúa này. Hiện nay, UBND Đặc khu đã giao cho Công ty Du lịch cựu binh quản lý và xây dựng, vì vậy không để thể quyết theo đơn xin của ông được".
Ngày 28 tháng 01 năm 1992, sau nhiều lần Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn số 233/QĐ.UB cho phép linh mục Trần Văn Huyên - quản xứ Vũng Tàu "...được sữa chữa, tu bổ lại pho Tượng Chúa nên Núi Tao Phùng (Núi nhỏ), kể cả chân đế nhưng không được thay đổi thiết kế. Được làm 01 con đường bậc thang rộng 3m đến 5m từ phía Bãi Nghinh Phong (Ô Quắn) đến trước tượng Chúa, được trồng cây 2 bên đường và cây cảnh xung quanh khu vực Tượng. Tuyệt đối không được tôn tạo sửa chữa các đường hào, hầm ngầm, công sự và các nhà xung quanh khu vực tượng..."[4].
Năm 1995, Linh mục Trần Văn Huyên, chánh xứ Giáo xứ Vũng Tàu xin mua lại nhà Lữ Quán Nghinh Phong với số tiền 190.815.000 đồng (đã nộp đủ tiền vào Ngân sách Nhà nước), thoả thuận giữa bên bán là Sở Tài chính - Vật giáo và bên mua là Giáo xứ Vũng Tàu là bênh mua sẽ tháo dỡ nhà Lữ quán để làm Hoa viên và đường đi. Tuy nhiên, thực tế thì Giáo xứ Vũng Tàu không tháo dỡ nhà như thoã thuận mua bán, mà lại sữa chữa, xây dựng lại nhà Lữ Quán kiên cố hơn để làm nhà ở, buôn bán và trạm dừng chân (các hạng mục sữa chữa trên không có giấy phép xây dựng).
Thời điểm này, bức tượng đã bị hoang phế và xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, cuộn cáp đồng chống sét cũng bị mất trộm. Rất nhiều công việc phải làm, nhưng với những nỗ lực của Giáo phận Xuân Lộc và Giáo hội Công giáo Việt Nam thì tượng đài được hoàn thiện sau hai năm tu sửa.
Ngày 01 tháng 12 năm 1994, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đã chính thức khánh thành khu tượng đài Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Tao Phùng[4].
Ban xây dựng do linh mục Tổng đại diện Đa Minh Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban, giáo dân Công giáo trong và ngoài nước góp công, góp của[4].
Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách; phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Điêu khắc gia Văn Nhân (hiện đang định cư ở nước ngoài) đã hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Vì tuổi cao, không đủ sức leo 800 bậc đá nên ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò làm việc từng ngày cho đến khi hoàn tất[4].
Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Đường lên tượng có 1.000 bậc thang cao 500m[3]. Trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc[4].
Ngày 15 tháng 05 năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và Công ty Văn hóa Đầm Sen đã trao cho bức tượng này kỷ lục là "Tượng chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam".[5] và trong dịp này theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, giai đoạn một của cuộc xác lập kỷ lục châu Á, tượng Chúa Kitô là một trong số mười kỷ lục Việt Nam trên tổng số 30 hồ sơ đề nghị công nhận kỷ lục vừa được Hội đồng xác lập kỷ lục châu Á thông qua.[6]
Ngày 09 tháng 01 năm 2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố 10 sự kiện của kỷ lục Việt Nam năm 2012 với các nội dung mang giá trị về văn hóa, ẩm thực đặc sắc của dân tộc. Trong 4 điểm đến tâm linh Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á, có "Tượng Chúa Kitô Vua (Vũng Tàu)" với kỷ lục xác nhận là "Tượng Chúa Kitô lớn nhất"[7].
Ngày 26 tháng 05 năm 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức chương trình trao danh hiệu kỷ lục châu Á cho Tượng Chúa Kitô Vua (Vũng Tàu).[2].
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Tượng Chúa Kitô Vua (Vũng Tàu). |