tế công 濟公 | |
---|---|
Tên khai sinh | Lý Tu Duyên |
Pháp danh | Đạo Tế |
Tên khác | Tế Điên Hòa thượng, Tế công Hoạt Phật, Tế Điên Đạo Tế Thiền sư |
Hoạt động tôn giáo | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Trường phái | Phật giáo Bắc tông |
Tông phái | Thiền tông |
Lưu phái | Lâm Tế tông |
Chi phái | Dương Kì phái |
Sư phụ | Hạt Đường Huệ Viễn |
Thụ giới | chùa Linh Ẩn |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Lý Tu Duyên |
Ngày sinh | 22 tháng 12, 1130 (hoặc 1148) |
Nơi sinh | Thiên Thai |
Mất | |
Ngày mất | 16 tháng 5 năm 1209 (79 tuổi hoặc 61 tuổi) |
Nơi mất | Tịnh Từ tự, Hàng Châu |
Giới tính | nam |
Thân quyến | |
Lý Mậu Xuân | |
Vương thị | |
Nghề nghiệp | tì-kheo |
Quốc gia | Nam Tống |
Quốc tịch | Nam Tống |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Tế Công (chữ Hán: 濟公, 22 tháng 12 năm 1130 - 16 tháng 5 năm 1209), tên khai sinh là Lý Tu Duyên, pháp danh là Đạo Tế, là Thiền sư Trung Quốc đời Nam Tống. Sư là đệ tử của Thiền sư Huệ Viễn Hạt Đường, nối pháp đời thứ 13 tông Lâm Tế, phái Dương Kỳ. Sư còn được gọi với các tên gọi như Tế Điên Hòa thượng, Tế công Hoạt Phật, Tế Điên Đạo Tế Thiền sư.
Những gì người ta biết về sư phần lớn bắt nguồn từ các sự tích, truyền thuyết được truyền miệng trong dân gian. Phổ biến nhất là việc sư thường dùng thần thông để trừ yêu diệt ma, giúp đỡ người khó khăn và chống lại những bất công trong xã hội đương thời. Không giống với các tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ, sư thích ăn thịt, uống rượu. Về ngoại hình, sư thường mặc bộ tăng bào rách được vá lại, đội mũ có thêu chữ Phật (佛), tay phải cầm một bình rượu, tay trái cầm một cái quạt tre rách và trên cổ đeo tràng hạt. Mục đích chính của Tế công khi ăn thịt, uống rượu, ăn mặc lôi thôi như vậy là để giúp cho phàm phu phá đi sự chấp tướng, ngã mạn của mình.
Sau khi mất, Tế công trở thành một huyền thoại lưu truyền trong văn hóa dân gian Trung Quốc, được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc thần thánh hóa trở thành một vị thần và được thờ cúng ở nhiều nơi. Dựa trên cảm hứng từ sư, có nhiều tác phẩm, tiểu thuyết đã ra đời. Nổi tiếng nhất là bộ Tế Công Toàn Truyện do Quách Tiểu Đình, người đời Thanh sáng tác.
Sư quê ở làng Vĩnh Ninh, huyện Thiên Thai, Thai Châu, tỉnh Chiết Giang; họ Lý, tên Tu Duyên (hoặc Tu Nguyên), Tâm Viễn, tự là Hồ Ấn, hiệu Phương Viên Tẩu. Cha tên là Lý Mậu Xuân, ông vốn là cố vấn quân sự, mẹ là Vương phu nhân. Sư sinh vào năm 1130, một số tài liệu khác nói là năm 1148. Trước lúc sinh ra sư, Vương phu nhân nằm mộng thấy mình nuốt mặt trời.[1][2]
Năm 18 tuổi, cha mẹ đều đã qua đời cả. Sư bèn đến xuất gia và thọ giới tại Linh Ẩn Thiền tự và được ban pháp danh là Đạo Tế. Trong quá trình tham học, sư từng đến yết kiến nhiều vị Thiền sư đương thời như Thiền sư Pháp Không Nhất Bản ở Quốc Thanh tự, Thiền sư Đạo Thanh ở Kỳ Viên tự, Thiền sư Đạo Tịnh ở Quan Âm tự. Cuối cùng, sư đến núi Hổ Khâu, Bình Giang học Thiền với Thiền sư Hạt Đường Huệ Viễn (cũng là trụ trì chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu) và khai ngộ.[1][2]
Không giống với các tăng sĩ Phật giáo bình thường, sư không giữ giới luật, không tụng kinh cũng không ngồi Thiền mà lại thích uống rượu, ăn thịt. Sư hay đến những nơi như quán rượu, lầu xanh, không quan tâm đến việc bị người đời bàn tán, gièm pha.[2] Các vị sư trong chùa Linh Ẩn vì không hiểu được hành động quái lạ của Tế Công và cũng sợ hành vi của sư ảnh hưởng đến thanh danh của chùa nên lên thưa với trụ trì là Lão Thiền sư Huệ Viễn để đuổi Tế công ra khỏi chùa. Lão Thiền sư Huệ Viễn bèn nói với họ: "Cửa Phật rộng lớn, chẳng lẽ chúng ta lại không thể rộng lòng tha thứ cho tên tăng điên này sao?" Từ đó, sư có biệt hiệu là Tế Điên. Nhờ sự bảo hộ của thầy mình, Tế công được tiếp tục cư trú tại chùa Linh Ẩn.[3]
Sau khi Hòa thượng Huệ Viễn thị tịch, Tế công lại bị các vị sư khác trong chùa dèm pha. Sư bèn rời khỏi chùa Linh Ẩn đến trú tại Tịnh Từ Thiền tự ở Hàng Châu. Khi chùa Tịnh Từ bị hỏa hoạn đổ nát, sư đến vùng Nghiêm Lăng hoằng hóa.[1][3]
Tuy có ngoại hình rách rưới và hành động quái dị, Tế công rất tốt bụng và thường thể hiện tinh thần nhập thế cứu đời của Bồ Tát. Theo lịch sử ghi lại, Tế công rất giỏi về y thuật, vì sư thường xuyên cứu sống được nhiều người thoát khỏi cửa tử nên được mọi người tôn kính gọi là Phật sống Tế công. Thậm chí, còn có truyền thuyết nói rằng Tế công là hóa thân của Hàng Long La Hán, một trong thập bát La Hán.[3] Về khả năng thần thông của Tế công, có một truyền thuyết kể lại rằng cư dân ở vùng Tần Hồ rất thích ăn ốc nhưng họ chỉ ăn phần đuôi, sư bèn xin hết chỗ ốc họ bỏ đi đó đem thả xuống sông, ốc sống lại nhưng cụt đuôi.[1]
Vào ngày 16 tháng 5[4] năm Gia Định thứ 2 (1209), sư an nhiên ngồi kiết già thị tịch tại chùa Tịnh Từ, hưởng thọ 79 tuổi (hoặc 61 tuổi theo các tài liệu khác). Trước khi tịch, sư có để lại một bài kệ:
Đệ tử đem nhục thân của sư an táng tại tháp Hổ Bào (nay nằm ở phía Nam của sở thú Hàng Châu). Thiền sư Bắc Giản Cư Giản (zh. 北礀居簡, 1164-1253), trụ trì đời thứ 37 của chùa Tịnh Từ, soạn Hồ Ẩn Phương Viên Tẩu Xá Lợi Tháp Bi để đề lên tháp Hổ Bào. Bia này mô tả Tế công như sau:
Sau khi Tế công thị tịch, truyền thuyết kể rằng có người gặp được Tế công ở Tháp Lục Hoà và được sư gửi một bài kệ:
Cơ phong và pháp ngữ của Thiền sư Đạo Tế được Tống Trầm biên tập thành Tế Điên Đạo Tế Thiền Sư Ngữ Lục (濟顚道濟禪師語錄), 1 quyển.
Tế công được tín ngưỡng Đạo giáo Trung Quốc tôn thờ như một vị thần bảo hộ, sư cũng được các tông phái Phật giáo ở Trung Quốc tôn kính và thờ phụng. Các cuộc vấn đáp của sư với mọi người cũng mang nhiều sắc thái của công án Thiền trong Thiền tông Trung Quốc.
Ít nhất kể từ năm 1869, một số nhà ngoại cảm ở Trung Quốc nói rằng họ đã nhận được chỉ dạy của Tế công thông qua hình thức phù kê (扶乩). Điều này đã làm cho văn hóa thờ cúng Tế công trở nên rầm rộ hơn.
Tế công được Đông Tĩnh Viên Phật Hội (東井圓佛會), một tổ chức tôn giáo có trụ sở ở Hồng Kông thờ phụng. Nhất Quán Đạo tôn xưng Tế công là Cổ Phật và phối thờ với các vị Bồ Tát, thần khác theo triết lý của họ như Quan Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Quan công... Các tín đồ Nhất Quán Đạo tin rằng Trương Thiên Nhiên, người sáng lập của đạo này là hóa thân của Tế công.
Ngoài ra, tại Đài Loan và những nơi có người Hoa Kiều sinh sống như Malaysia, có hàng nghìn nơi thờ cúng Tế công theo hình thức đền miếu và tại gia.
Tín ngưỡng thờ Tế công tại Đài Loan được cho rằng bắt nguồn từ năm Quang Tự thứ 7 (1881) đời Thanh. Trong chiến tranh Trung-Pháp, quân Hoài đã mang kim thân của Tế công sang Đài Loan để thờ cúng. Đến thập niên 1950 và 1960, hình thức này phát triển khắp nơi, với giáng kê và phù loan là hoạt động tín ngưỡng chính.
Vào thời Nam Tống, các câu chuyện về Tế công chủ yếu được truyền miệng ở vùng Thai Châu, Chiết Giang. Đến thời Minh và thời Thanh, những người kể chuyện trong dân gian đã sáng tạo thêm nhiều câu chuyện về Tế công để làm cho câu chuyện trở nên sinh động, đa dạng. Sau đó, nhà văn đời Thanh là Quách Tiểu Đình đã biên soạn tiểu thuyết nhiều chương mang tên Tế Công Toàn Truyện.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số câu chuyện là liên quan đến cuộc đời Tế công, những câu chuyện khác là hư cấu hoặc được lấy cảm hứng từ các vị cao tăng khác. Ví dụ như truyện Tế Công đi hóa duyên gỗ xây Đại Bi lầu, dùng cà sa che hết ngọn núi được lấy từ sự tích của Hòa thượng Kim Địa Tạng đời Đường (ngườI được coi là hóa thân của Bồ tát Địa Tạng). Hoặc chuyện Tế công ăn thịt chó nôn ra con chó sống được lấy từ sự tích của Đại sư Bảo Chí đời Lương (Quốc sư của Vua Lương Vũ Đế) ăn thịt chim bồ câu và nôn ra chim bồ câu sống.