Di-lặc là một vị Phật hay bồ-tát của Phật giáo. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Trong Phật giáo Trung Hoa, từ thế kỷ 10, hòa thượng Bố Đại được xem là hiện thân của Di-lặc. Điều này dẫn đến rất nhiều hình tượng Di-lặc bị khắc họa là một ông già to béo đang cười.
Theo kinh điển Phật giáo, Di-lặc là vị bồ-tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di-lặc sẽ là vị Phật kế tiếp Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Cõi giáo hóa của bồ-tát hiện nay là nội viên của cõi trời Đâu-suất. Bồ-tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp, khi nhân thọ là 80.000 năm trở đi vào 5 đại kiếp về sau, tức khoảng hơn 5 tỉ năm nữa theo năm Trái Đất, khi Phật pháp đã hoàn toàn bị loài người lãng quên. Sự tích về Phật Di-lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các truyền thống Phật giáo, và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất, và Bồ-tát Di-lặc sẽ là bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh, tương tự như những vị Phật lịch sử đã làm trong quá khứ.
Ăn chay là việc thực hành kiêng ăn thịt và cũng có thể bao gồm kiêng các sản phẩm phụ của quá trình giết mổ động vật. Trong giới luật của Phật giáo, giới đầu là giới tránh sát sinh, hơn thế nữa phật tử còn thực hành tránh gây khổ đau cho chúng sinh, cho nên trên căn bản Phật giáo khuyến khích việc ăn chay nhưng cũng không cấm đoán ăn mặn.
Phật giáo Nam Tông thường không ăn chay. Tuy nhiên, những người xuất gia nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết để thết đãi mình thì không được ăn, nếu ăn thì sẽ phạm vào giới luật. Mỗi tông phái của Phật giáo Đại thừa lại lựa chọn những kinh điển khác nhau để làm theo, cho nên một số tông phái, bao gồm cả phần lớn các tông phái của Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Nhật Bản đều ăn thịt, trong khi nhiều tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc thực hành ăn chay.
Pháp Loa là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thế kỷ 13. Ông tu theo pháp môn cả Mật Tông và Thiền tông, là môn đệ của Trúc Lâm đại sĩ, và làm tổ sư thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ông xuất gia 1304, hành đạo suốt 26 năm cho tới khi qua đời ở tuổi 47. Trong quá trình tu đạo, ông đã xây cất nhiều chùa tháp trong nước, truyền bá rộng rãi những lời dạy của Phật Thích-ca Mâu-ni và Tổ sư Thiền, kết nạp nhiều tăng ni, cư sĩ trong đó có các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cùng nhiều thành viên hoàng gia và đại thần. Ông còn là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Hiện nay, bộ sách chủ yếu còn sót lại về cuộc đời ông là Tam Tổ thực lục, ra đời khoảng thế kỷ 14, kể tiểu sử 3 vị tổ sư phái Thiên Tông Trúc Lâm.
Kinh Giải thâm mật là một bộ kinh Đại thừa. Cùng với kinh Nhập Lăng-già, Giải thâm mật là bộ kinh căn bản của Duy thức tông, nói về A-lại-da thức, Tam tự tính của thế giới hiện hữu theo Duy thức học.
Kinh này bao gồm tám phẩm. Phẩm thứ nhất là phẩm mở đầu, nói về thời điểm, nguyên do Phật thuyết kinh này. Phẩm thứ hai nói về sắc thái của chân lý tuyệt đối, về lý Bất nhị và tính siêu việt của Tâm. Phẩm 3-5 nói về Tâm ý, Thức tướng, về Tự tính và Vô tự tính tướng, nói bao gồm là "Tâm chính là cảnh sở quán". Phẩm 6-7 nói rằng Tâm chính là hạnh năng quán và phẩm 8 nói về Phật sự, quả sở đắc.
Thượng tọa bộ là một trong 3 truyền thống lớn của Phật giáo hiện đại. Khởi nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo Thượng tọa bộ được hình thành và phát triển đầu tiên ở Sri Lanka, sau đó được truyền bá rộng rãi tại nhiều quốc gia ở vùng Đông Nam Á. Được cho là nhánh Phật giáo bảo tồn nhiều tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Thượng tọa bộ ngày nay có hơn 150 triệu tín đồ trên toàn thế giới, không chỉ giữ vai trò như quốc giáo tại một số quốc gia như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia mà còn hồi sinh tại Ấn Độ, quê hương của Phật giáo, cũng như bắt đầu bén rễ ở phương Tây.
Borobudur là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9 toạ lạc ở Magelang, miền trung Java, Indonesia, là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn. Ngôi đền được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ.
Một phần của loại bài về |
Phật giáo |
---|
Cổng thông tin Phật giáo |
Nội dung khác : Lịch sử Phật giáo, Âm nhạc Phật giáo (+), Nghệ thuật Phật giáo