Trận đồi C1

Trận đồi C1
Một phần của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Chiến tranh Đông Dương
Thời gianTiến công lần 1: 30 - 31 tháng 3, 1954
Chống phản kích đến 2 tháng 5.
Địa điểm
Kết quả QĐNDVN chiếm đồi và đẩy lui các đợt phản kích
Thay đổi
lãnh thổ
QĐNDVN chiếm Đồi C1, tiêu diệt một phần trung tâm đề kháng Eliane.
Tham chiến

Quân đội Liên hiệp Pháp

Quân đội Nhân dân Việt Nam
Chỉ huy và lãnh đạo
Pháp Jules Gaucher  
Pháp Maurice Chenel
Pháp Marcel Bigeard
Lê Quảng Ba
Vũ Lăng
Lực lượng
3 đại đội giữ đồi, 3 tiểu đoàn Dù phản kích; có pháo binh, không quân và 3 xe tăng hỗ trợ. 1 trung đoàn được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75 mm, 1 đại đội cối 120 mm, 1 trung đội cối 82 mm, 1 trung đội trọng liên 12,7 mm; được 1 đại đội lựu pháo 105 mm chi viện
Thương vong và tổn thất
chừng vài trăm chết, bị thương, bị bắt khoảng 300 chết, 500 bị thương

Trận đồi C1, mở màn ngày 31 tháng 3 năm 1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane, một trong dãy cứ điểm phía đông Điện Biên Phủ, mà phía Việt Nam gọi là đồi C1.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, xây dựng trận địa vững chắc, triệt để lợi dụng địa hình có lợi nên ngày 30 tháng 3, chỉ sau 45 phút chiến đấu, Trung đoàn 98 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng tiêu diệt C1. Tuy nhiên, việc đột phá sang C2 đã không thành công. Từ ngày 31-3 đến 2-5, suốt 31 ngày trung đoàn liên tục phòng ngự, đánh lui 12 đợt phản kích của quân Pháp. Đây là một trong những trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ.

Địa hình, bố trí phòng ngự đồi C1 của Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Cao điểm C bố trí trên 3 điểm cao thuộc dãy đồi phía đông Điện Biên Phủ, nằm ở giữa các điểm cao A1, D1, D3. Dãy đồi này chạy dài từ bắc xuống nam là bức tường chắn bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Pháp cho đóng 8 cứ điểm trên dãy đồi này, hình thành hướng phòng ngự chủ yếu đề ngăn chặn đối phương từ phía đông và đông bắc đánh vào trung tâm. Ngoài những điểm cao này, các cứ điềm khác thuộc khu trung tâm đều ở vị trí thấp. Giữ được các điềm cao phía đông, quân Pháp mới có chỗ dựa để cố thủ.

Cứ điểm C1 nằm trên điểm cao 493, cao 50 m, là một quả đồi nhọn; sườn phía đông dốc thoải hơn sườn phía tây, đỉnh cao là khu Cột cờ, có thể quan sát và khống chế được xung quanh. Sườn phía đông có một mỏm nhô ra phía trước. So với D1, C1 ở thụt vào phía trong, do đó hỏa lực bắn thẳng của PhápD1 có thể kiểm soát tới chân C1.

Sát chân C1 về phía đông là điểm cao 473 (còn gọi là đồi Mâm xôi) thấp hơn 20 m, nhưng hỏa lực bắn thằng từ đây có thể kiểm soát khu vực giữa Cl, D2đồi Yên Ngựa giữa Cl, C2.

Đông nam C1 có 1 mỏm thấp nhô ra chân C2 (điểm cao 437), hỏa lực từ C1 có thể khống chế. Tây Nam C1 là cứ điểm C2 nằm trên 2 mỏm đồi 485484, cao 42 m, C1C2 cùng nằm trên một dãy dồi, chỉ cách nhau khoảng 100 mét qua một sườn đồi võng xuống như hình yên ngựa. C2 dài hơn nhưng thấp hơn C1, phía nam C2 khoảng 490m là A1, cao gần bằng Cl, lại nhô ra phía ngoài, cùng với hỏa lực ở C1, C2 tạo thành lưới lửa dày đặc trước tiền duyên. Phía tây C1 khoảng 200 m có đường số 41 chạy từ bắc xuống nam. Từ C1 có đường về Mường Thanh, sang C2, A1, D1, xe tăng có thể đi được.

Bố trí phòng ngự của Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi mất các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, khu trung tâm của Pháp được tổ chức thành hai phân khu đông và tây. Pháp chú ý phòng ngự phần khu đông nên đã tăng cường 2 tiểu đoàn Dù (6è BPC và 5è BPVN) để chiếm đóng thêm một số cứ điểm nhằm củng cố khu vực phòng thủ, đồng thời làm lực lượng cơ động phản kích. Cứ điểm C1, C2 do Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn bộ binh Maroc số 4 (1/4è RTM) là một đơn vị quen phòng ngự rừng núi chiếm giữ. Trang bị có 2 súng cối 60 mm, 3 đại liên, 8 trọng liên, 2 súng phun lửa, còn lại là súng trường, tiểu liên. Đội hình bố trí như sau:

  • Chỉ huy đại đội ở đỉnh cao nhất (khu Cột cờ), các trung đội bố trí ở các khu vực xung quanh cứ điểm. Riêng trung đội Lê dương bố trí ở khu Cột cờ làm lực lượng phản kích khi bị tiến công, đột nhập.
  • Hỏa lực bố trí thành hai tầng. Tầng dưới hướng ra ngoài gồm một hệ thống 9 lô cốt quanh cứ điểm, bố trí trung liên, đại liên để kiểm soát mặt đất. Tầng trên bố trí trọng liên 12,7 mm, cối 60 mm, cối 81 mm; súng phun lửa bố trí trên hướng bị uy hiếp. Trong trung tâm cũng có bố trí hỏa lực.
  • Ở những nơi hỏa lực của bản thân cứ điểm không kiểm soát được thì dùng hỏa lực bắn thẳng, cầu vồng của các cứ điểm lân cận không chế (D1, D3, A1 bắn tới chân C1, C2; đại liên ở đồi Mâm xôi, 12,7 mm ở Mường Thanh bắn ra đồi Yên ngựa giữa C1-C2). Đồng thời quân Pháp cũng chuẩn bị cho 1 tiểu đoàn pháo (12 khẩu) ở Hồng Cúm, cối 120mm ở Mường Thanh và hỏa lực ở các cứ điềm lân cận bắn vào những nơi đối phương có thể triển khai lực lượng tiến công.
  • Công sự trận địa theo kiểu dã chiến lâu dài, tương đối vững chắc, nhất là ở hướng đông. Cấu trúc hệ thống chiến hào nhiều tầng, xen kẽ các lô cốt, có giao thông hào nối liền, hình thành điểm tựa vòng tròn. Giao thông hào sâu 1,7 mét, rộng 0,8m nhiều đoạn có nắp, nhưng gấp khúc, khó cơ động. Ụ súng, lô cốt bằng bao cát, gỗ đất dày 0,8 - 1,5 m chống được đạn cối 82 mm. Những công sự quan trọng như hầm chỉ huy, trung tâm thông tin lát bằng gỗ hoặc ghi đường băng máy bay, trên đắp đất dày. Vật cản được bố trí kết hợp với địa hình vả hỏa lực, khoảng cách giữa 2 hàng rào 7–15 m. Trong cứ điểm, giữa các trung đội có hàng rào đơn ngăn cách; các ụ súng lớn, hầm chỉ huy đều có hàng rào dây thép gai bao bọc. Mìn bố trí dày đặc trong và ngoài các hàng rào.
  • Khi bị tiến công, C1-C2 có thể được tiểu đoàn pháo cối chi viện. Về không quân có thể được chi viện 10 - 20 lần chiếc/ngày: lực lượng phản kích ứng cứu có thể 1-3 tiểu đoàn bộ binh, có 2 - 3 xe tăng yểm hộ theo 2 hướng: Từ C2 qua đồi Yên ngựa và từ C1 lên, hoặc ngay từ chân C2 phản kích theo giao thông hào.

Tóm lại, cứ điểm phòng ngự có binh lực, hỏa lực mạnh, công sự dày đặc, vững chắc, hướng phòng ngự chủ yếu là hướng đông; khi bị tiến công được hỏa lực của các cứ điểm lân cận và của tập đoàn cứ điểm chi viện.

Kế hoạch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau thắng lợi của đợt tiến công thứ nhất, Bộ Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định mở đợt tiến công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm: "tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt địch ở khu đông Mường Thanh, chiếm lĩnh dãy đồi phía đông, uy hiếp trung tâm, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".

Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm C1. Trung đoàn 98 từ đầu chiến dịch đã tham gia tiến công Lai Châu, chặn đánh quân Pháp ở Mường Pồn. Trung đoàn có kinh nghiệm tiến công phòng ngự công sự vững chắc ở địa hình rừng núi. Cán bộ chiến sĩ có tinh thần chiến đấu dũng cảm và được rèn lyện thử thách trong quá trình xây dựng trận địa, nắm được quy luật hoạt động của địch, thông thuộc địa hình.

Phân khu trung tâm của Pháp cuối tháng 3-1954. C1Eliane 1, C2Eliane 4.

Trung đoàn 98 (thiếu Tiểu đoàn 938) được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75 mm, 1 đại đội cối 120 mm, 1 trung đội cối 82 mm, 1 trung đội 12,7 mm, được 1 đại đội lựu pháo 105 mm chi viện, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt C1, phát triển sang C2; sau đó phối hợp cùng đơn vị bạn tiêu diệt một bộ phận của Tiểu đoàn Dù 6 ở chân C1, C2. Tiểu đoàn 938 không tham chiến, làm dự bị cho đại đoàn.

Sau khi nhận mệnh lệnh của đại đoàn, trung đoàn trưởng và chính ủy hội ý quán triệt nhiệm vụ, đánh giá tình hình, địa hình, thuận lợi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, sơ bộ dự kiến quyết tâm chiến đấu. Tiếp đó, Đảng ủy trung đoàn họp thảo luận quyết tâm chiến đầu sơ bộ: sử dụng lực lượng, cách đánh, thuận lợi khó khăn và hướng khắc phục; phân công cán bộ trung đoàn tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch tác chiến.

Trung đoàn tổ chức cho các cán bộ từ trung đội đến trung đoàn và cơ quan đi trinh sát thực địa. Tại đài quan sát ở điểm cao 516, trung đoàn trưởng sơ bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Ban đêm các cán bộ tiềm nhập xác định điểm, hướng đột phá, trận địa xuất phát xung phong các tiểu đoàn, trận địa hỏa lực. Sau đó, Đảng ủy họp lần thứ hai mở rộng đến thủ trưởng quân chính các tiểu đoàn, các đơn vị tăng cường, phối thuộc, thủ trưởng các cơ quan, xác định quyết tâm chiến đấu cuối cùng.

Qua trinh sát, trung đoàn xác định: Đông C1, C2 là ruộng thấp bằng phẳng trống trải chạy từ điểm cao ra xa 200–300 m, tiện cho triển khai lực lượng tiến công; tiếp đó là những dãy đồi, càng về phía sau càng cao dần, có các điểm cao 183, 470, 516… có thể bố trí hỏa lực, đặt đồi quan sát. Đông nam C2 400 m có điểm cao 493 (còn gọi là đồi F), nếu chiếm được thì có thể đặt trung liên, đại liên, ĐKZ bắn vào C1, C2 rất tốt. Sau dãy đồi là những vạt rừng bằng phẳng chạy từ Pom Loi đến Long Bua, sau đó là đồi núi, rừng rậm liên tiếp tiện cho cơ động tiếp cận.

Với địa hình như trên, đột phá C1 chỉ có một hướng độc nhất là hướng đông theo dãy đồi vào lô cốt số 1 là ít bị hỏa lực Pháp ngăn chặn, có điều kiện tiếp cận, triển khai lực lượng, đặt trận địa hỏa lực, xung phong vào khu Cột cờ nhanh và từ đó theo đồi Yên ngựa đột phá sang C2. Cũng có thể lợi dụng các mỏm nhô ra để đột phá vào C2, nhưng địa hình ít thuận lợi hơn, phải xây dựng trận địa vững chắc và kiềm chế chặt hỏa lực địch. Đông nam điểm cao 470, cách C1 khoảng 200 m có bản Hồng Líu không có dân, cạnh bản có điềm cao 491 có thể đặt sở chỉ huy trung đoàn.

Diễn biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công lần 1 (đêm 30-3)

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo đúng kế hoạch, từ mọi hướng, chiến hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam được đào tới gần trận địa trung tâm của Pháp, tiến vào những trung tâm đề kháng mục tiêu của đợt tiến công sắp tới. Ở phía đông, nó đã vào gần các cao điểm E, D1, C1, A1. Ở phía tây, ngày 24 tháng 3, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.

18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Các cao điểm phía đông, một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía tây, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động Pháp bị nã pháo. Cũng như đợt tiến công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh Pháp không thể lên tiếng đáp trả.

Những giờ đầu cuộc chiến đấu tại cao điểm C1 tiến triển khá thuận lợi. Lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam mở rào bằng vũ khí phá rào mới là đạn phóng bộc lôi. Bộc lôi nổ phá tung từng đoạn rào. Khi pháo chuyển làn, các chiến sĩ bộc phá chỉ còn giải quyết nốt những đoạn sót lại.

Sau 5 phút Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn xong cửa mở qua bảy lần rào dây thép gai. Chớp thời cơ hỏa lực Pháp đang còn tê liệt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc sở chỉ huy của quân Pháp. Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía tây, gọi pháo bắn vào trận địa ta. Các chiến sĩ xung kích Quân đội Nhân dân Việt Nam dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan ba đợt phản kích.

Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội 140 lính thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4 Maroc bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ bị thương vong nhẹ với 10 người (tuy nhiên cả Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán và chiến sĩ cắm cờ Nguyễn Thiện Cải đều hy sinh).

Trung đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo về đầu tiên: "98 đã chiếm hoàn toàn C1". Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Trung đoàn 98 và thưởng Huân chương Quân công hạng ba cho Tiểu đoàn 215 vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhanh gọn nhất mặt trận.[1]

Phía đồi C1, Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 sau khi chiếm C1 đã quyết định điều Đại đội 35 lên thay thế Đại đội 38 vừa hoàn thành nhiệm vụ về phía sau làm lực lượng dự bị, tuy đại đội này mới thương vong 10 người còn rất sung sức. Như vậy là đã để lỡ thời cơ khi quân Pháp ở C2 đang hoang mang vì mất C1. Giữa lúc Quân đội Nhân dân Việt Nam đang điều chỉnh lực lượng, bộ đội ùn lại trên đồi thì pháo binh Pháp bắn dồn dập. C1 địa hình hẹp, công sự ít, nhiều chiến sĩ phải đứng ở giao thông hào nên số thương vong lên cao. Việc tổ chức tiến công C2 bị chậm lại. Mãi gần 21 giờ, tiểu đoàn mới triển khai chiến đấu.

Đồi C2 khá rộng nối với C1 bằng một yên ngựa, sườn đồi phía trong thoai thoải đổ xuống đường 41, rất tiện cho quân cơ động Pháp lên phản kích. Trên đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố, phía ngoài là nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn. Đây là nơi chỉ huy Pháp là Bigia đặt sở chỉ huy tạm thời.

23 giờ, một trung đội của Đại đội 35, do đại đội phó và chính trị viên chỉ huy, vượt qua Yên ngựa đột nhập được một đoạn hào của C2. Trung đội nhanh chóng phát triển chiếm liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Nhưng lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của Pháp cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tạo điều kiện tiến công C2 ban ngày.

Về khuya, đại bác Pháp càng hoạt động mạnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định đây chính là sự khác nhau giữa chiến đấu ở ngoại vi với khu trung tâm, quân Pháp không thể không đối phó quyết liệt. Chỉ trong đêm 30 tháng 3, quân Pháp đã bắn 13.000 viên đạn 105 ly, 855 viên đạn 155 ly, 1.200 viên đạn súng cối 120 ly.

Sở Chỉ huy nhận định: Bộ đội đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, Trung đoàn 98 đánh xuống C2 không thành công, đã bị tiêu hao, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh quân Pháp phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại.

Các đợt phản kích của quân Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đợt thứ nhất (31-3)

[sửa | sửa mã nguồn]

Rạng sáng ngày 31, Chỉ huy trưởng de Castries họp với các phụ tá Pierre Langlais, Hubert de Séguin-PazzisMarcel Bigeard, bàn cách đối phó với tình hình. Langlais đề nghị tập trung toàn bộ Binh đoàn Không vận số 2, gồm Tiểu đoàn Dù 1, Tiểu đoàn Dù 8, một bộ phận của Tiểu đoàn Dù Việt số 5, cùng với Tiểu đoàn Lê dương số 3 và xe tăng từ Hồng Cúm tới để tiến hành phản kích. Toàn bộ lực lượng pháo cũng như xe tăng của tập đoàn cứ điểm sẽ được huy động vào cuộc phản kích.

7 giờ 45, tướng René Cogny mới tới gặp Tổng chỉ huy Henri Navarre báo cáo tình hình Điện Biên Phủ đã nhận được từ lúc nửa đêm. Navarre nổi xung quở trách, Cogny cũng ra sức phản bác lại. Nhưng rồi hai người vẫn phải ngồi với nhau bàn cách giải quyết yêu cầu của de Castries. Hai viên đại tá Nicot (?), chỉ huy không quân vận tải, và Sauvngnac (?), chỉ huy lực lượng Dù tăng viện đều thấy không thể thả lính dù ban ngày xuống Mường Thanh.

Thiếu tá Bigeard sau khi nhận thấy không còn gì để trông chờ, quyết định tập hợp toàn bộ lực lượng cơ động của Mường Thanh gồm các tiểu đoàn đã sứt mẻ để tiến hành phản kích. Tiểu đoàn Dù thuộc địa 6 cùng với một bộ phận của Tiểu đoàn Dù Việt số 5 được trao nhiệm vụ chiếm lại Éliane 1 (C1).

1 giờ 30 chiều, Bigeard trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn Dù 6 và 5 tiến lên C1. Đại đội 273 của Trung đoàn 102 đã có mặt trên cao điểm từ buổi sáng cùng với bộ phận còn lại của Đại đội 35 Trung đoàn 98 tổ chức phòng ngự. Lần này quân Pháp đông lại có không quân, pháo binh yểm hộ và xe tăng mở đường. Các chiến sĩ QĐNDVN không nao núng, đợi lính dù Pháp tới thật gần mới nổ súng đánh lui nhiều đợt tiến công. Hết lựu đạn, các chiến sĩ dùng bộc phá lắp thêm kíp nổ lao vào xe tăng và đội hình Pháp. Xạ thủ ĐKZ 57 ly Vũ Văn Kiểm vác nòng súng trên vai di chuyển trong giao thông hào, bắn vào những vị trí tập trung đông quân Pháp. Nòng súng cháy bỏng, Kiểm cởi áo trấn thủ lót vai, tiếp tục bắn.

Quân Pháp ngừng lại củng cố, rồi lại cho đại bác bắn dữ dội rồi dùng súng phun lửa và xung phong lên đồi. Lần này quân Pháp chiếm được điểm cao Cột cờ, đẩy những chiến sĩ phòng ngự vào thế bất lợi. Pháo binh Việt Nam không thể tiếp tục yểm hộ vì không phân biệt được vị trí 2 bên. Các chiến sĩ đã lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm chuẩn cho pháo binh. Trong lúc pháo nổ dồn dập, trung đoàn đưa một bộ phận tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D, cùng với những người phòng ngự đánh bật quân Pháp khỏi Cột cờ, khôi phục lại trận địa.

16 giờ, Bigeard buộc phải ra lệnh rút lui, để lại trận địa gần 100 lính chết. Trong ngày, QĐNDVN đã đánh lui 7 đợt phản kích của hai tiểu đoàn dù. Chiến sĩ ĐKZ Vũ Văn Kiểm được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.

Những cuộc phản kích của Pháp ngày 31 tháng 3 đã hoàn toàn thất bại. 10 giờ tối, Langlais gọi điện thoại cho Bigeard, hỏi có thể giữ được những gì còn lại của gian trong đêm nay không! Bigeard trả lời: "Thưa Trung tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Éliane". Éliane lúc này có nghĩa là A1 (tức Eliane 2), vì các cứ điểm quan trọng C1 (Éliane 1) và D1 (Dominique 2) đã không còn.

Đợt thứ hai (10-4)

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước mắt, những người lính của Trung đoàn 98 trên đồi C1 đẩy khu đông của Pháp vào tình thế rất nguy hiểm. Cao điểm này trực tiếp uy hiếp đồi C2 ở phía trong, thấp hơn nó, và A3 (Eliane 3) nằm bên bờ sông, là nơi tập trung lực lượng phản kích. Binh lính Pháp rời khỏi công sự lập tức trở thành mục tiêu của hỏa lực QĐNDVN. Súng phóng lựu đạn đặt trên đồi đe dọa cả binh lính đi lại trong chiến hào. Rút kinh nghiệm cách đánh của QĐNDVN, Bigeard ra lệnh đào một đường hào từ C2 lên C1 chuẩn bị một đòn phản kích có tính quyết định.

Đêm 9 tháng 4, quân Pháp tăng viện cho Mường Thanh Tiểu đoàn Lê dương Dù số 2 (2è BEP). Vì trời mưa, tiểu đoàn này mới tới được hai đại đội và một bộ phận của sở chỉ huy.

5 giờ 50 ngày 10, Bigeard ngồi trong hầm trú ẩn ở Eliane 4 (C2) với sáu chiếc điện đài quanh người, ra lệnh tiến công. Toàn bộ 20 khẩu pháo 105 ly còn lại ở Mường ThanhHồng Cúm tập trung bắn 1.800 quả đạn vào C1. Máy bay bổ nhào ném bom. Dứt đợt hỏa pháo chuẩn bị, bốn xe tăng tiến lên Elian 4 chĩa nòng đại bác trút đạn lên đỉnh đồi phối hợp với hai cỗ trọng liên bốn nòng đặt tại Epervier. Cùng lúc, gần hai chục khẩu đại liên và trung liên từ A1 cũng nhắm vào tất cả những mục tiêu di động trên đồi C1 nhả đạn. Đại bác chuyển làn dọn đường cho các đơn vị dù tiến lên. Máy bay bắn chặn những con đường tiếp viện của QĐNDVN. Bigeard chủ trương dùng sức mạnh hỏa lực tối đa để tiết kiệm số lính dù vốn không còn nhiều.

Xe tăng M-24 Chaffee của quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ.

Trên đồi C1, QĐNDVN đã có chuẩn bị. Đêm hôm trước công binh đã chuyển gỗ ra để củng cố công sự. Một đại đội của Tiểu đoàn 439, do Tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng trực tiếp chỉ huy, đã sẵn sàng đón đợi quân địch. Đại bác của QĐNDVN lập tức nã xuống những trận địa pháo của Pháp ở Mường Thanh, và bắn vào những lính dù đang tiến lên đồi.

Đại đội Dù đi đầu, do Trung úy Trapp chỉ huy, phải dán mình xuống sườn đồi phía tây. Đại đội thứ hai của Đại úy Lepage mang theo súng phun lửa và một phân đội súng máy liều chết vượt qua hỏa lực bắn chặn cố xông lên đồi. Phân đội súng máy bị tiêu diệt, Trung úy Combaneyre bị thương nặng. Tuy thế phân đội súng phun lửa đã vượt qua, trùm lửa lên lô cốt Cột cờ, QĐNDVN phải lùi xuống giữ nửa đồi phía đông. Quân Pháp rượt theo định đẩy QĐNDVN khỏi C1.

Giữa lúc đó, hai trung đội tăng viện của trung đoàn vượt qua bom đạn của không quân Pháp vừa tới nơi. Toàn bộ các chiến sĩ ném một loạt lựu đạn rồi nhất tề xông lên với những khẩu súng cắm lưỡi lê nhọn hoắt. Sau trận giáp lá cà, quân Pháp lui về giữ Cột cờ, Bigeard phải điều hai đại đội của Tiểu đoàn Lê dương Dù 2 mới tới Mường Thanh đêm trước lên C1 thay thế cho lực lượng tiến công đã bị tổn thất gần một nửa.

18 giờ 45, những đơn vị Dù số 2 đang củng cố lại những hầm hào sụp lún vì những trận đánh ban ngày, thì đạn đại bác và đạn súng cối trùm xuống trận địa. Sau đợt hỏa pháo của chiến dịch, Tiểu đoàn 439 và một tiểu đoàn của Quân đoàn 312 vừa tăng cường chia làm hai cánh xung phong lên chiếm lại Cột cờ và những lô cốt phía tây. Đại úy Charles chết tại trận. Đại úy Minaud bị thương nặng. Cả hai đại đội Dù, không còn người chỉ huy, tan ra thành những nhóm nhỏ cố chống cự.

21 giờ, Bigeard vội vét toàn bộ lực lượng Dù dự bị tiến lên cứu nguy. Quân hai phía lao vào đánh giáp lá cà vô cùng quyết liệt. 2 giờ sáng ngày 11, mỏm cao Cột cờ không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Cả hai bên đều kiệt sức nên phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự, mỗi bên giữ một nửa đồi.

Do vị trí quan trọng, QĐNDVN cần duy trì cao điểm C1 để làm một bàn đạp cho đợt tiến công cuối cùng. Ngày 11 chỉ diễn ra những cuộc chiến đấu lẻ tẻ. Cả hai bên đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu. Quân Pháp phải đưa đại đội thứ ba của Tiểu đoàn Lê dương Dù 2 vừa tới Mường Thanh, thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm qua đã quá rệu rã.

Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại C1 cũng được tăng cường Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176, Đại đoàn 316. Tiểu đoàn này trước đó chuyên làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Nhưng họ cũng đã có lần gây khó khăn cho những tiểu đoàn Dù trên đỉnh Pu San hồi đầu chiến dịch.

Chiều ngày 11 tháng 4, Đại đội 811 của Tiểu đoàn 888, do Đại đội trưởng Lê Văn Di chỉ huy, được đưa ra phòng ngự tại C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt hai ngày rút về phía sau. Họ phải xây dựng những đường hào, ụ súng, hầm ngủ, rồi lấy dây thép gaimìn của Pháp để xác định ranh giới giữa 2 bên.

Trận đánh ngày 10 và 11 tháng 4 là cuộc phản kích lên cuối cùng của Bigeard lên những trái đồi phía đông, lực lượng dự bị của Pháp đã cạn kiệt không thể tiến công tiếp được nữa. Quân Pháp buộc phải luân phiên đưa từng đại đội lên phòng ngự ở phần đồi đã chiếm được để bảo vệ cho những cứ điểm ở phía trong. Hai phía chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng. Thỉnh thoảng vẫn có những trái lựu đạn, những loạt súng qua lại, những luồng súng phun lửa, những cuộc đột kích chớp nhoáng để quấy rối đối phương.

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công lần 2 (đêm 1-5)

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối tháng 4, Quân đội Nhân dân Việt Nam xúc tiến kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho tổng công kích.

Trung đoàn 98 được lệnh tiến công cứ điểm C1 lần thứ hai. Thiếu tá Jean Bréchignac, vẫn đặt sở chỉ huy trên Eliane 4, đã linh cảm trận đánh Eliane 1 (C1) sắp nổ ra trên đầu mình. Ngày 1 tháng 5, Bréchignac quyết định đưa Đại đội 3 của Tiểu đoàn Dù tiêm kích số 2 lên thay thế cho đại đội của Đại úy Marcel Clédic đã bị thiệt hại nặng, đồng thời ra lệnh cho Đại đội 1 sẵn sàng tham gia phản kích.

Đại đội 811 của Việt Nam đã có hai mươi ngày đêm phòng ngự tại C1, được lệnh rời khỏi trận địa 200 mét cho hỏa pháo chuẩn bị. Đại đội trưởng Lê Văn Di thấy công sự đã được củng cố vững chắc đủ sức chịu đựng đạn pháo, quyết định chỉ cho bộ phận dự bị lui về phía sau, toàn đơn vị vẫn bám trận địa để không lỡ thời cơ xung phong.

Những cao điểm QĐNDVN chiếm được ở khu đông phát huy tác dụng. Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn chính xác. Dứt tiếng pháo, Di lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa 2 bên, đưa bộ đội xông lên phía Cột cờ. Chiến sĩ Thắng cầm cờ lao lên cách mục tiêu 10 mét thì trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Ân lấy chiếc chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu, lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi. Cả tiểu đội mũi nhọn bám sau anh. Chỉ sau năm phút xung phong, QĐNDVN đã chiếm được Cột cờ.

Đại đội Dù tiêm kích số 3 Pháp mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt. Quân dù bắn xối xả vào khu vực Cột cờ. Đại đội 1480 của QĐNDVN từ phía dưới tiến lên kịp thời, cùng với 811 hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân Pháp để tiêu diệt.

Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Trung úy Leguère chỉ huy Đại đội 3 cố chống cự, chờ lực lượng tiếp viện. Bréchignac quyết định đưa Đại đội 1 lên tăng viện nhưng đã quá muộn. Trung úy Périou chỉ huy đại đội chết ngay khi mới đặt chân lên đồi. Lát sau, đến lượt Trung úy Leguère chỉ huy Đại đội 3 bị trọng thương. Quân PhápC1 mất dần sức chiến đấu. Nửa đêm, toàn bộ quân Pháp bị tiêu diệt. Dây thép gaimìn QĐNDVN lấy từ trận địa của Pháp lập tức được trải ra sườn đồi thành một bãi chướng ngại dày đặc, đề phòng phản kích.

Sau hơn 30 ngày đêm liên tục chiến đấu, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. C2 nằm gọn dưới nòng súng không giật của QĐNDVN. Trời sáng, không thấy quân phản kích của Pháp. Chỉ có những cỗ trọng liên bốn nòng đặt tại Epervier tuôn đạn về phía trận địa QĐNDVN trên đỉnh đồi để ngăn chặn bộ binh xung phong vào hầm chỉ huy của de Castries.

Kết quả, ý nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật từng mét đất, cuối cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát đồi, quân Pháp không còn lực lượng khả dĩ để phản kích lại. Phân khu Đông của tập đoàn cứ điểm bị vỡ một mảng lớn, khu trung tâm chỉ huy của Pháp giờ đây bị hỏa lực bắn thẳng uy hiếp trực tiếp.

Việc Pháp thất thủ C1 mà không có hành động đáp trả nào cũng cho QĐNDVN khẳng định: quân Pháp trong cứ điểm đã kiệt sức, lực lượng phản kích tinh nhuệ cũng đã hao mòn hết. QĐNDVN đẩy nhanh việc chuẩn bị đánh dứt điểm A1, nhằm tiêu diệt hoàn toàn phân khu Đông để từ đó thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy Pháp, kết thúc chiến dịch.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Hồi ký Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ Điểm hẹn lịch sử, Chương 5: Dãy cao điểm phía đông.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hữu Mai, Không phải huyền thoại, Nhà Xuất bản Trẻ, 2010.
  • Hoàng Cầm, Chặng đường 10.000 ngày, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 2001.
  • Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử.
  • Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ.
  • Nhiều tác giả, Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ.
  • Jean Pouget, Nous étions à Dien Bien Phu.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Các thuật ngữ thông dụng của dân nghiền anime
Các thuật ngữ thông dụng của dân nghiền anime
Khi thưởng thức một bộ Manga hay Anime hấp dẫn, hay khi tìm hiểu thông tin về chúng, có lẽ không ít lần bạn bắt gặp các thuật ngữ
Sách Tội ác và Hình phạt (Crime and Punishment - CAP) của Doetoevsky
Sách Tội ác và Hình phạt (Crime and Punishment - CAP) của Doetoevsky
Câu chuyện bắt đầu với việc anh sinh viên Raxkonikov, vì suy nghĩ rằng phải loại trừ những kẻ xấu
Caffeine ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào
Caffeine ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào
Là một con nghiện cafe, mình phải thừa nhận bản thân tiêu thụ cafe rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.
Tết Hàn thực cổ truyền của dân tộc
Tết Hàn thực cổ truyền của dân tộc
Tết Hàn Thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch.