Tiếp quản Thủ đô Hà Nội, hoặc Giải phóng thủ đô theo cách gọi trên các văn kiện chính trị Việt Nam,[1] là sự kiện diễn ra từ lúc 08 giờ ngày 10 tháng 10 năm 1954, khi các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào 2 cửa ô Hà Nội,[a] tiếp nhận bàn giao chính quyền từ Quốc gia Việt Nam và một số cơ sở quân sự Pháp. Sự kiện này được coi là kết quả trực tiếp của Hội nghị Trung Giã[2] và đánh dấu thời khắc kết thúc Chiến tranh Đông Dương về hiện trạng, đồng thời khởi động tiến trình 2 năm thi hành Hiệp định Genève 1954.[3]
Ngày 1/8/1954, Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh được ấn định. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành ưu thế, được quyền kiểm soát Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vĩ tuyến 17 thay Quốc gia Việt Nam.[4] Căn cứ theo Hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời chia thành 2 khu tập kết quân sự phi quốc gia để chờ tổng tuyển cử thống nhất năm 1956. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc vĩ tuyến 17, các lực lượng viễn chinh Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam tại phía Nam vĩ tuyến 17. Tập kết dân sự theo hình thức tự nguyện, các hoạt động vui chơi giải trí và du lịch của thường dân được tự do đến hết năm 1956.[5]
Cũng theo Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp. Pháp và Việt Nam đàm phán về các phương án tiếp quản thủ đô tại Phủ Lỗ từ 15/9/1954 đến 20/9/1954.[6]
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp quản và quản lý thành phố. Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới tiếp quản, "chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới tiếp quản; Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về tiếp quản Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại".
Ngày 30/9/1954, tại Hội nghị Trung Giã, đại diện quân chính Việt Nam và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và Quốc gia Việt Nam, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7/10/1954.[7]
Về mặt pháp lý, thời điểm sau Hiệp định Genève, Hà Nội vẫn giữ vai trò thủ phủ Bắc phần Quốc gia Việt Nam, vì thế các hoạt động hành chính vẫn do Quốc gia Việt Nam quản, chính phủ Pháp chỉ hiện diện bằng vài cơ sở quân sự và các tổ chức cứu tế hoặc tôn giáo. Trước ngày 10 tháng 10 năm 1954, đại diện chính quyền Hà Nội (Quốc gia Việt Nam) và lực lượng Pháp tại Đông Dương đã tiến hành các hoạt động viếng mộ tử sĩ cùng những cơ sở quân sự trong địa hạt Hà Nội để úy lạo, đồng thời chuẩn bị các phương án thuyên chuyển xuống phía Nam vĩ tuyến 17.
Lực lượng tuần tra cứu hộ Pháp tại đồng bằng sông Hồng được lệnh chở nhân sự và khí tài của chính quyền Quốc gia Việt Nam tới điểm tập kết là Hải Phòng để chuyển lên tàu lớn đưa vào Sài Gòn, trách nhiệm này không gồm các thành phần dân sự. Đồng thời, phía Pháp cũng chấp thuận cung cấp phương tiện cơ giới và chở cán bộ chiến sĩ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tiếp quản Hà Nội, Hải Phòng và một số thành thị phía Bắc, kể cả chở cán bộ Việt Minh từ Nam Bộ ra Bắc, nhưng kèm điều kiện phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chuyển hết tù binh Pháp và Quốc gia Việt Nam xuống các thành thị đồng bằng.
Đối với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc tiếp quản Hà Nội đồng nghĩa khẳng định tính chính danh pháp lý của chính quyền, vì từ lúc này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có địa điểm tập trung được các cơ quan trung ương thay vì phân tán rất khó quản như ở Việt Bắc. Ngày 19/9/1954, Hồ Chủ tịch gặp các chiến sĩ xuất sắc thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng (quần thể Đền Hùng) để động viên. Đây là lực lượng trọng yếu được giao trách nhiệm về tiếp quản thủ đô, gồm Trung đoàn Thủ Đô và các đơn vị quân chính quân y lẻ tẻ khác. Cũng tại Đền Giếng, Bác Hồ có một tuyên ngôn nổi tiếng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Trong ngày 10 tháng 10, đại diện ủy ban quân sự Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc với các đại diện chính quyền Quốc gia Việt Nam tại Bắc phần để nhận bàn giao trước sự chứng kiến của phái viên Ủy ban giám sát thi hành Hiệp định Genève. Hà Nội tạm thời đặt ở tình trạng quân quản và giới nghiêm, chỉ cán bộ và quân nhân được tùy tiện ra công lộ. Sau ngày 10 tháng 10, quyền hạn của Quốc gia Việt Nam chỉ từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản trách nhiệm hành chính từ vĩ tuyến 17 ra Bắc. Các hoạt động cứu tế và quân sự vẫn được tự do tiến hành phi giới hạn cho đến năm 1956, nhưng giữa các bên không được phép để xảy ra bất kì xung đột vũ trang nào.
Theo truyền thông Việt Nam, Giải phóng Thủ đô mang một ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh.[10][11] Giải phóng Thủ đô là một thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.[12] Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của lực lượng đế quốc nước ngoài. Nhân dân lao động của Thủ đô được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.[13]
“ | Tám năm qua, Chính phủ phải rời xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về với Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết...[14] | ” |