Trận Bô Cô | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Minh-Việt (1407-1414) | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Quân khởi nghĩa nhà Hậu Trần | Đế quốc Minh | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Giản Định Đế Đặng Tất Đặng Dung |
Mộc Thạnh Lưu Tuấn † Lữ Nghị † Lưu Dục † Liễu Tông † | ||||||
Lực lượng | |||||||
khoảng 5-6 vạn quân |
6 vạn quân (số liệu của sử Trung Quốc)[1] 10 vạn quân (số liệu của sử Việt Nam)[2]. | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
Không rõ | gần 10 vạn(số liệu của sử Việt Nam)[2]. |
Trận Bô Cô hay Bồ Cô diễn ra vào ngày 30 tháng 12 năm 1408 (tức 14 tháng 12 năm Mậu Tý) tại bến Bô Cô bên sông Đáy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Đây có lẽ là trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến giữa nhà Minh (Trung Quốc) với quân khởi nghĩa người Việt do nhà Hậu Trần lãnh đạo. Quân Minh do Chinh Di tướng quân Mộc Thạnh chỉ huy đã bị quân nhà Hậu Trần do Giản Định đế chỉ huy đánh bại.
Giữa năm 1407, nhà Hồ bị quân Minh đánh bại. Nước Đại Ngu bị diệt và bị quân Minh chiếm đóng. Tuy ban đầu dùng danh nghĩa giúp nhà Trần chống nhà Hồ nhưng khi chiếm được Đại Ngu, Minh Thành Tổ lại hạ lệnh lùng bắt con cháu họ Trần và biến Đại Ngu thành quận Giao Chỉ nội thuộc Trung Quốc. Sự đô hộ tàn bạo của nhà Minh đã dẫn đến việc nhân dân Đại Việt nổi dậy mong muốn giành lại độc lập, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổi ra trên phạm vi cả nước.[3]
Tháng 11 năm 1407, Trần Triệu Cơ tôn tông thất nhà Trần cũ là Trần Ngỗi lên làm vua, lập lại nhà Trần tại Yên Mô (Ninh Bình), dấy binh chống lại quân Minh.
Thời gian đầu, nhà Hậu Trần yếu thế và bị mãnh tướng Trương Phụ nhà Minh đánh bại, quân Hậu Trần phải rút vào Hóa châu. Ngay lúc đó, chiến tranh giữa nước Minh và các bộ tộc Bắc Nguyên lại bùng phát dữ dội. Trương Phụ đã nhận được lệnh triệu hồi, cùng Mộc Thạnh rút về Đông Quan (Hà Nội) rồi phải mang đại quân về nước, giao quyền đánh dẹp lại cho các tướng người Hán và các hàng tướng người Việt.
Nắm bắt thời cơ, nhà Hậu Trần mở đợt tấn công mới đánh thẳng ra Nghệ An, sau đó đến cuối năm 1408 thì tiến chiếm toàn bộ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa. Theo lệnh của Giản Định Đế, Đặng Tất mang toàn quân tấn công ra bắc. Khi quân Hậu Trần đến Tràng An thì rất đông hào kiệt ra hưởng ứng.
Ngày 31 tháng 8 âm lịch năm 1408, Đô ty Giao Chỉ cùng ty Bố chính, Án sát tâu với Minh Thành Tổ:
Nhận được lời tâu, vua Minh dụ Đô Chỉ huy Sứ ty Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Thành Đô điều 4 vạn quân, lại sai Kiềm quốc công Mộc Thạnh đeo ấn Chinh di tướng quân, chỉ huy quân từ Vân Nam sang bình định Giao Chỉ. Vua Minh còn sai Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn làm tham mưu quân sự cho Mộc Thạnh. Ngoài ra, Minh Thành Tổ sắc dụ Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Hoàng Trung ở Đô ty Giao Chỉ chuẩn bị 2 vạn thủy quân cùng thuyền bè, khí giới để hiệp lực với Mộc Thạnh. Mộc Thạnh đem quân tới Vân Nam, họp quân với Lữ Nghị tiến về hướng nam. Quân Giản Định đế sau khi giải phóng được một vùng rộng lớn thì cũng ra sức dưỡng quân, tuyển quân, trữ lương, rèn khí cụ, đóng chiến thuyền.
Sử sách Việt Nam không ghi rõ số quân nhà Hậu Trần, chỉ ghi khi quân Hậu Trần gồm 5 trấn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa và khi ra đến Tràng An thì số người theo rất đông[2]. Quân chủ lực theo Đặng Tất tiến ra bắc tham chiến vào khoảng 5-6 vạn.
Về lực lượng quân Minh, bộ Hoàng Minh thực lục dẫn lời vua Minh THành Tổ, ghi nhận đạo quân viện binh của Chinh Di tướng quân Mộc Thanh và Thượng thư Bộ Binh Lưu Tuấn gồm 4 vạn; còn quân của Đô ty Lã Nghị ở Giao Chỉ là 2 vạn quân[1]. Sử Việt Nam cũng ghi chép khác nhau, Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng quân Minh có ít nhất 10 vạn người, trong đó đạo viện binh của Mộc Thạnh là 5 vạn[2], còn Việt sử tiêu án không ghi số quân Minh, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi số quân viện binh của Mộc Thạnh là 4 vạn[4].
Chi tiết về trận đánh được các sách sử mô tả rất sơ sài. Theo mô tả trong sử sách, đạo quân viện binh của Mộc Thạnh từ Vân Nam kéo sang, hợp với quân của Lã Nghị và tiến đến Bô Cô. Phía quân Hậu Trần được mô tả là "quân ngũ nghiêm chỉnh"[5] hay "quân dung nghiêm chỉnh"[2], dưới quyền chỉ huy của Quốc công Đặng Tất, có vua Giản Định cùng đi thân chinh, tiến từ Tràng An đến Bô Cô và chạm trán quân Minh.
Cả quân Hậu Trần và quân Minh đều chia ra hai cánh thủy và bộ cầm cự với nhau[4].
Nhân lúc gió to và nước triều thổi mạnh, Giản Định Đế và Đặng Tất lệnh cho quân sĩ đóng cọc để giữ và đắp lũy hai bên bờ. Mộc Thạnh chia quân thủy bộ để chống lại hai cánh quân Hậu Trần[5].
Hai bên giáp chiến ác liệt, vua Giản Định Đế tự mình cầm dùi đánh trống khích lệ tướng sĩ, thúc các cánh quân Hậu Trần xông vào trận[4][5]. Hai bên giao chiến từ giờ Tỵ (khoảng 11 giờ) đến giờ Thân (16 giờ)[2]. Sử sách Việt Nam ghi nhận quân Hậu Trần chém được Binh bộ thượng thư là Lưu Tuấn, Đô ty Lã Nghị[2][4] và Tham chính ty Bố Chính Giao Chỉ là Lưu Dục[5]. Sử Trung Quốc cho rằng Lưu Tuấn không phải tử trận mà đã thắt cổ tự vẫn trong lúc bị vây hãm[6].
Quân Minh đại bại, Mộc Thạnh dẫn tàn quân chạy vội vào thành Cổ Lộng gần đó[2].
Về thiệt hại của quân Minh, Đại Việt sử ký toàn thư ghi là 10 vạn người[2], nhưng các sử gia hiện đại căn cứ theo số quân Minh cũ và mới chỉ có khoảng 6 vạn nên cho rằng con số của Toàn thư mang tính khuếch trương[7]. Các sách Việt sử tiêu án và Khâm định Việt sử thông giám cương mục không ghi thiệt hại của quân Minh. Riêng Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ thận trọng hơn, cho rằng có trên 10 vạn quân Minh tham chiến, gần như toàn bộ bị giết và tan vỡ chạy[8].
Không có tài liệu nào nói về thiệt hại của quân Hậu Trần.
Trận Bô Cô là trận thắng lớn nhất của quân Hậu Trần. Một bộ phận lớn quân Minh đồn trú và viện binh sang Giao Chỉ đã bị tiêu diệt[7].
Trước thời cơ lớn, Giản Định Đế muốn nhân đà thắng lợi đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất lại chủ trương đánh xong số quân địch còn sót lại rồi mới tiến. Vua tôi bàn mãi chưa quyết định được, viện binh quân Minh ở Đông Quan đã tiếp ứng cho Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan. Đặng Tất chia quân vây các thành và gửi hịch đi các lộ kêu gọi hưởng ứng đánh quân Minh[2]
Do bất đồng về sách lược, vua Giản Định không bằng lòng với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, nội bộ vua tôi nhà hậu Trần trở nên chia rẽ. Vài tháng sau, sau khi nghe theo lời gièm pha, vua Giản Định sợ uy tín của hai người quá cao, lại nghi ngờ hai tướng "có ý khác" nên tháng 3 năm 1409, vua Giản Định giết chết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.[9]
Hai người con hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình vì cha bị giết oan, bỏ đi lập Trần Quý Khoáng làm vua, tức là Trần Trùng Quang Đế.[9]
Vì bất đồng ý kiến về chiến thuật sau trận đánh, nhà Hậu Trần đã không tận dụng được trận thắng lớn để đánh quân Minh mà cuối cùng lại chia rẽ và tự suy yếu.