William Hamilton, Công tước thứ 12 xứ Hamilton


Công tước xứ Hamilton
Chân dung bởi Franz Xaver Winterhalter, năm 1863
Công tước xứ Hamilton
Công tước xứ Brandon
Tại vị15 tháng 7 năm 1863 – 16 tháng 5 năm 1895
(31 năm, 305 ngày)
Tiền nhiệmWilliam Hamilton
Kế nhiệmAlfred Douglas-Hamilton
Công tước xứ Châtellerault
Tại vị1864 – 16 tháng 5 năm 1895
Tiền nhiệmJames Hamilton
Kế nhiệmKhông có
Thông tin chung
Tên đầy đủ
William Alexander Louis Stephen Douglas-Hamilton[1]
Các tước hiệu khác
  • Hầu tước xứ Douglas
  • Hầu tước xứ Clydesdale
  • Bá tước xứ Selkirk
  • Bá tước xứ Angus
  • Bá tước xứ Lanark
  • Bá tước xứ Arran và Cambridge
  • Nam tước Dutton
  • Lãnh chúa Abernethy và Jedburgh Forest
  • Lãnh chúa Machanshire và Polmont
  • Lãnh chúa Aven và Innerdale
Sinh(1845-03-12)12 tháng 3 năm 1845
Paddington, Luân Đôn, Anh
Mất16 tháng 5 năm 1895(1895-05-16) (50 tuổi)
Algiers, Algérie
An tángLăng Hamilton (1895)
Đảo Arran (1921)
Gia tộcNhà Hamilton
Phối ngẫuMary Louise Elizabeth Montagu
Hậu duệMary Louise Hamilton, Công tước phu nhân xứ Montrose
ChaWilliam Hamilton, Công tước thứ 11 xứ Hamilton
MẹMarie Amelie xứ Baden
Phù hiệu áo giáp
Huy hiệu của Công tước xứ Hamilton và Brandon

William Hamilton, Công tước thứ 12 xứ Hamilton, Công tước thứ 9 xứ Brandon, Công tước thứ 2 xứ Châtellerault, Bá tước thứ 7 xứ Selkirk[2] (12 tháng 3 năm 1845 tại Luân Đôn – 16 tháng 5 năm 1895 tại Algiers) là một nhà quý tộc người Scotland.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]
William Hamilton năm 1860.

William Alexander Louis Stephen Hamilton sinh ngày 12 tháng 3 năm 1845 tại Connaught Place, Luân Đôn, là con trai thứ hai của William Hamilton, Công tước thứ 11 xứ Hamilton (bấy giờ được gọi là hầu tước xứ Douglas và Clydesdale với tư cách là trưởng tử của ông nội là Alexander Hamilton, Công tước thứ 10 xứ Hamilton) và Marie Amelie xứ Baden.[3] William có một anh trai sinh non, một em trai là Charles Hamilton, Bá tước thứ 7 xứ Selkirk và một em gái là Mary Victoria Hamilton, từng là Thân vương thế tử phi xứ Monaco và là sinh mẫu của Louis II xứ Monaco.[4][5] Cái tên William được đặt nhằm vinh danh cha và ông cố là William Thomas Beckford.[3]

Thông qua mẹ, William Hamilton có quan hệ họ hàng với nhiều gia đình Vương thất châu Âu. Trong số đó gồm có người anh họ là Carol I của România, chị họ là Stephanie xứ Hohenzollern-Sigmaringen, Vương hậu Bồ Đào Nha (Carol I và Stephanie là con của người bác gái là Josephine xứ Baden) và Carola của Wasa, Vương hậu Sachsen (con gái của người bác lớn là Luise Amelie xứ Baden). Bên cạnh đó, William là cháu cố ngoại của Napoléon Bonaparte,[a] một người họ hàng xa của Hoàng đế Pháp Napoléon III và được coi là thành viên mở rộng của Hoàng thất Pháp.[6] Trong gia đình, William được gọi là "Willie".[7]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

William Hamilton được đào tạo tại Eton College và trường Christ Church, Oxford. Tuy nhiên William không hoàn thành việc học ở Christ Church và bị đuổi vì "hành vi ngỗ ngược".[3] Có một mô tả về William Hamilton liên quan khoảng thời gian William theo học ở Christ Church rằng:

"...At Christchurch. He went in for boxing, as he went in later for horse-racing, yachting and other amusing occupations.. He was full bodied, of a rudely ruddy complexion, had a powerful neck, and seemed strong enough to fell an ox with his fist... They had all a frankness of speech bordering on rudeness".[8]

Công tước xứ Hamilton

[sửa | sửa mã nguồn]
Chân dung William Hamilton trong Suffolk Celebrities, năm 1893.

Ngày 15 tháng 7 năm 1863, Công tước thứ 11 xứ Hamilton qua đời. William, bấy giờ được 18 tuổi, đã trở thành Công tước kế nhiệm. Tuy nhiên, vì cha của ngài tân Công tước đã tiêu xài xa hoa nên tài sản William được kế thừa không nhiều.[9] Lúc sinh thời, ngài cố Công tước đã mua lại tòa nhà phố ở Luân Đôn từ Henry Somerset, Công tước thứ 7 xứ Beaufort với số tiền khổng lồ là 60.000 bảng Anh và tiếp tục chi thêm tiền vào tòa nhà đó trong suốt một thập kỷ.[10]

Khi qua đời, cố Công tước đã để lại khoản đất đai trị giá khoảng 140.000 bảng Anh cho vợ và các con.[11] Năm 1867, Công tước xứ Hamilton đã gần như phá sản nhưng may mắn thay, chú ngựa đua Cortolvin của ngài Công tước đã giành chiến thắng tại Giải Đua ngựa vượt rào Grand National ở Aintree và William nhận được khoảng 16.000 bảng Anh tiền thắng cược, giúp khôi phục đáng kể tài sản của mình.[9][12][3] William còn sở hữu 157.000 mẫu Anh, chủ yếu ở Bute, Lanark và Suffolk.[13] Bên cạnh đó, William cũng được Napoléon III tấn phong là Công tước xứ Châtellerault, một tước hiệu từng được phong cho James Hamilton, Bá tước thứ 2 xứ Arran và được các thế hệ Công tước xứ Hamilton tuyên bố là người kế vị tước hiệu với tư cách là hậu duệ của James Hamilton.[9]

Với tước hiệu mới, William sống một cách xa hoa. Trong suốt những năm 1870, William cho cải thiện phần đất Eastern Park ở Suffolk. Năm 1874, sau khi kết hôn, William cho xây dựng chuồng ngựa, nhà chứa gas và cho lắp đặt thiết bị chiếu sáng bằng gas trong cả ngôi nhà. Năm kế tiếp, Công tước cho xây dựng trang trại, khu vực sản xuất sữa và nhà giết mổ trên khu đất Eastern Park để phục vụ cho nhu cầu giải trí của vợ và khách của hai vợ chồng. Ngài Công tước cũng chi tiền vào những buổi tiệc với vô vàn đồ ăn, thức uống và những buổi săn bắn. Năm 1878, WIlliam tổ chức một bữa tiệc săn bắn, có sự góp mặt của Edward VII của Anh (bấy giờ là Thân vương xứ Wales), Victoire xứ Sachsen-Coburg-Saalfeld, thân mẫu của Victoria của AnhEugenia xứ Montijo, Hoàng hậu Pháp.[3]

Sau khi cho bán hai chiếc du thuyền của mình, Công tước xứ hamilton đã chi 17.000 bảng Anh để mua một chiếc du thuyền sang trọng tên là Thistle vào năm 1882, chưa kể đến khoảng phí đắt đỏ được chi để vận hành. Với chiếc du thuyền mới, William đã đi khắp châu Âu. Những các Công tước đời trước, William cũng chi tiền để sưu tập. Thói quen sưu tập của ngài Công tước cũng phản ánh yêu thích cuối ngựa và rượu chè của William.[3]

Hôn nhân và hậu duệ

[sửa | sửa mã nguồn]
Mary Louise Hamilton, Công tước phu nhân xứ Montrose, con gái duy nhất của William Hamilton, Công tước thứ 12 xứ Hamilton và Mary Louise Elizabeth Montagu.

Ngày 10 tháng 12 năm 1873, Công tước xứ Hamilton kết hôn với Mary Louise Elizabeth Montagu, con gái của William Montagu, Công tước thứ 7 xứ Manchester và nữ quý tộc người Đức Luise von Alten, tại Lâu đài Kimbolton.[14] Hai vợ chồng chỉ có một cô con gái là Mary Louise Hamilton (1 tháng 11 năm 1884 – 21 tháng 2 năm 1957). Mary kết hôn với James Graham, Công tước thứ 6 xứ Montrose vào ngày 14 tháng 6 năm 1906. Hai vợ chồng có bốn người con.[15][3][16]

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Lối sống của William đã góp phần khiến cho Công tước gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, gồm có bệnh gút, phù nề và bệnh về thận. Được khuyên đi du lịch để cải thiện sức khỏe, William khởi hành đến Địa Trung Hải vào tháng 1 năm 1895. Sức khỏe của William tiếp tục yếu dần vào vào tháng 5, Công tước phu nhân xứ Hamilton đã đến Algiers để ở bên chồng. Công tước xứ Hamilton qua đời tại Algiers vào ngày 16 tháng 5 năm 1895 ở độ tuổi 50. Thi hài của cố Công tước được ướp xác và đưa về Anh và chôn cất ở Lăng Hamilton. Năm 1921, thi hài của William và cha được dời sang sườn đồi phía trên Lâu đài Brodick sau khi Lăng Hamilton bị hư hại nặng nề vì sụt lún và lũ lụt.[3] Theo điều khoản kế vị của tước hiệu Công tước xứ Hamilton, con gái của William không trở thành tân Công tước mà thay vào đó là người em họ là Alfred Douglas-Hamilton. Tước hiệu Công tước xứ Châtellerault cũng không thể được thừa kế bởi con gái Mary vì trở ngại giới tính.[9]

Tước hiệu và nhã xưng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • 12 tháng 3 năm 1845 – 18 tháng 8 năm 1852: Earl of Angus (Bá tước xứ Angus)[1]
  • 18 tháng 8 năm 1852 – 15 tháng 7 năm 1863: Marquess of Douglas (Hầu tước xứ Douglas)[1]
  • 15 tháng 7 năm 1863 – 16 tháng 5 năm 1895: His Grace The Duke of Hamilton (Đức ngài Công tước xứ Hamilton)

Tổ tiên

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Napoléon Bonaparte đã nhận Stéphanie de Beauharnais, bà ngoại của William Hamilton, Công tước thứ 12 xứ Hamilton làm con gái nuôi.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Cokayne 1892, tr. 150.
  2. ^ Wardolf 1891, tr. 237.
  3. ^ a b c d e f g h Beattie 2021.
  4. ^ Davis 2022, tr. 179–181.
  5. ^ Lodge's Peerage and Baronetage (knightage & Companionage) of the British Empire (bằng tiếng Anh). Hurst & Blackett. 1861. tr. 285.
  6. ^ Davis 2022, tr. 178–179.
  7. ^ Edwards, Anne (1 tháng 9 năm 2017). The Grimaldis of Monaco: Centuries of Scandal, Years of Grace (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield. tr. 138. ISBN 978-1-4930-2922-8.
  8. ^ “Notes From Paris”. Truth (bằng tiếng Anh). XXXVII. 23 tháng 5 năm 1895. tr. 1267.
  9. ^ a b c d Davis 2022, tr. 179.
  10. ^ Chancellor, E. Beresford (Edwin Beresford) (1908). The private palaces of London past and present. University of California Libraries. London : K. Paul, Trench, Trübner & Co. Ltd. tr. 366–367.
  11. ^ “William Alexander, 11th Duke of Hamilton (1811–63)”. National Trust for Scotland (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.
  12. ^ Walker 2017, tr. 388.
  13. ^ Bateman, John (1883). The great landowners of Great Britain and Ireland; a list of all owners of three thousand acres and upwards ... also, one thousand three hundred owners of two thousand acres and upwards in England, Scotland, Ireland and Wales, their acreage and income from land culled from The modern Domesday book . Robarts - University of Toronto. London, Harrison. tr. 203.
  14. ^ Cokayne 1892, tr. 151.
  15. ^ Waldorf 1891, tr. 237.
  16. ^ “Mary, Duchess of Montrose (1884–1957), née Douglas-Hamilton”. National Trust for Scotland (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2024.

Nguồn tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Quý tộc Scotland
Tiền nhiệm
William Hamilton
Công tước xứ Hamilton
1863–1895
Kế nhiệm
Alfred Douglas-Hamilton
Tiền nhiệm
Charles Hamilton
Bá tước xứ Selkirk
1886–1895
Quý tộc Đại Anh
Tiền nhiệm
William Hamilton
Công tước xứ Brandon
1863–1895
Kế nhiệm
Alfred Douglas-Hamilton
Quý tộc Pháp
Tiền nhiệm
James Hamilton
Công tước xứ Châtellerault
1864–1895
Tranh chấp
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan