Lý Anh Tông

Lý Anh Tông
李英宗
Hoàng đế Việt Nam
Tiền thời Lý Anh Tông
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì31 tháng 10 năm 1138 – 14 tháng 8 năm 1175
36 năm, 287 ngày
Tiền nhiệmLý Thần Tông
Kế nhiệmLý Cao Tông
Thông tin chung
Sinh10 tháng 4 năm 1136
Thăng Long
Mất14 tháng 8 năm 1175
Thăng Long, Đại Việt
An tángThọ Lăng (寿陵)
Hoàng hậuChiêu Linh
Linh Đạo
Tên thật
Lý Thiên Tộ (李天祚)
Niên hiệu
Thiệu Minh 紹明: 1138 - 1139
Đại Định 大定: 1140 - 1162
Chính Long Bảo Ứng 政隆寶應: 1163 - 1173
Thiên Cảm Chí Bảo 天感至寶: 1174 - 1175
Tôn hiệu
Thể Thiên Thuận Đạo Duệ Văn Thần Võ Thuần Nhân Hiển Nghĩa Huy Mưu Thánh Trí Ngự Dân Dục Vật Quần Linh Phi Ứng Đại Minh Chí Hiếu Hoàng Đế
(體天順道睿文神武純仁顯義徽謀聖智御民育物群靈丕應大明至孝皇帝)
Miếu hiệu
Anh Tông (英宗)
Triều đạiNhà Lý
Thân phụLý Thần Tông
Thân mẫuLinh Chiếu Thái hậu
Tôn giáoPhật giáo

Lý Anh Tông (chữ Hán: 李英宗 10 tháng 4 năm 1136 - 14 tháng 8 năm 1175) là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1138 tới năm 1175, tổng cộng 37 năm.

Vua Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, con thứ của vua Lý Thần Tông. Năm 1138, vua Thần Tông mất sớm, nên thái tử Thiên Tộ mới 3 tuổi đã lên ngôi, lấy hiệu là Anh Tông. Mẹ ông là Thái hậu họ Lê được tôn làm nhiếp chính. Nhưng bản thân thái hậu lại dựa vào Thái úy Đỗ Anh Vũ, một đại thần chuyên quyền, khiến nhiều quan lại căm ghét. Năm 1150, một số tôn thất và quan viên làm binh biến bắt Đỗ Anh Vũ, nhưng thái hậu gây sức ép buộc nhà vua phục chức cho ông ta. Ngay sau đó, Đỗ Anh Vũ mở đường tổ chức các cuộc thanh trừng đẫm máu đối với những người chống đối. Kể cả khi vua Anh Tông đã trưởng thành, Đỗ Anh Vũ vẫn nắm đại quyền trong triều.

Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, vua Anh Tông phong Tô Hiến Thành làm thái úy. Tô Hiến Thành giúp Anh Tông rất đắc lực; tiến hành đem quân đi tuần nơi biên giới, đánh quân Chiêm Thành, Ngưu Hống, ngăn Ai Lao xâm nhập biên cương phía tây. Vua Anh Tông còn đích thân vi hành khắp các xứ, biết sự đau khổ của dân gian cũng như đường đi xa gần.

Nhà vua đặt ra Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập binh pháp. Cuối đời, vua Anh Tông lập hoàng tử thứ 6 là Lý Long Trát làm thái tử, vì con trưởng là Lý Long Xưởng ve vãn cung nữ của cha. Khi vua Anh Tông chết năm 1175, Long Trát lên ngôi khi mới 2 tuổi, tức vua Lý Cao Tông.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Lý Thiên Tộ (李天祚), sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136) tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội), là con trai thứ hai của Lý Thần Tông, mẹ là Cảm Thánh Phu nhân Lê thị, xuất thân từ dòng họ Lê ở châu Chân Đăng.

Năm 1138, tháng 9, Thần Tông Hoàng đế bệnh nặng. Cảm Thánh Phu nhân cùng hai vị phu nhân là Nhật Phụng Phu nhânPhụng Thánh Phu nhân đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông, và dặn rằng: "Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba phu nhân". Văn Thông nhận lời. Khi Thần Tông ốm nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông chần chừ không viết[1].

Ba phu nhân vào khóc lóc, nói rằng: "Bọn thiếp nghe người xưa lập con nối thì lập con đích chứ không lập con thứ; Thiên Lộc là con nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì ả mẫu thân lại sinh lòng ghen ghét tất tiếm lấn, làm hại mẹ con thần thiếp. Như thế chúng thiếp làm thế nào được?"

Thần Tông Hoàng đế cho là phải, xuống chiếu rằng: "Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo vương".

Theo nghiên cứu của các nhà sử học Hàn QuốcViệt Nam, khi Lý Thần Tông qua đời, Thái tử Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi, triều thần muốn tôn Kiến Hải vương Lý Dương Côn, một người con nuôi khác của Lý Nhân Tông, vốn là con đẻ của Thành Quảng hầu. Nhưng lúc đó, mẹ ông là Cảm Thánh Phu nhân dựa vào Đỗ Anh Vũ là người nắm binh quyền, đã loại hết các địch thủ của Thiên Tộ, nên ông được đưa lên ngôi[2].

Ngày 26 tháng 9 năm đó, Thần Tông Hoàng đế băng hà. Con trai là Thái tử Thiên Tộ kế vị, tức là Lý Anh Tông. Cảm Thánh Phu nhân được tôn làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu là Hiến Chí Hoàng thái hậu (憲至皇太后), ở Quảng Từ cung (瀇慈宮).

Lý Anh Tông lên kế vị khi mới 3 tuổi, Lê Thái hậu có quyền nghe việc chính sự. Theo đó, Đỗ Anh Vũ do là em trai của Chiêu Hiến Hoàng thái hậu Đỗ thị nên được Lê Thái hậu phong làm Phụ quốc Thái úy, kiêm thêm Cung điện Lệnh tri Nội ngoại sư, nắm quyền quyết đoán mọi việc.

Theo ĐVSKTT, trong cung Lê Thái hậu khi đó lại tư thông với Đỗ Anh Vũ,[3][4] khiến triều đình bất bình. Bên cạnh đó, Anh Vũ còn sai vợ là Tô phu nhân ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà Anh Vũ mặc nhiên qua lại với Lê Thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói.

Loạn Thân Lợi

[sửa | sửa mã nguồn]

Người thầy bói Thân Lợi tự xưng là con của Lý Nhân Tông, đem đồ đảng theo đường thủy đến châu Thái Nguyên[a], từ châu Tây Nông[b] kéo ra, qua châu Lục Lệnh, vào chiếm châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông[c], thu nạp những kẻ trốn tránh, chiêu mộ thổ binh, có đến hơn 800 người, cùng mưu làm loạn.

Năm 1141, mùa xuân, tháng giêng, Thân Lợi tiếm xưng là Bình Vương, lập vợ cả, vợ lẽ làm Vương hậu và Phu nhân, con làm Vương hầu, cho đồ đảng quan tước theo thứ bậc khác nhau. Khi ấy đồ đảng của Thân Lợi chỉ hơn nghìn người, đi đến đâu nói phao là Lợi giỏi binh thuật để hiếp chế người miền biên giới. Người các khe động dọc biên giới đều khiếp sợ, không dám chống lại.

Tháng 2, Anh Tông sai Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ và Thái phó là Hứa Viêm theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Thân Lợi, bị thua to, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về. Nhân đó, Thân Lợi đánh chiếm thêm Tuyên Hóa[d], Cảm Hóa[e], Vĩnh Thông[f], Phú Lương[g], Lợi chiếm giữ phủ trị, ngày đêm hợp bè đảng mưu cướp kinh sư. Khi đó, Anh Tông phái Đỗ Anh Vũ đem quân chặn đánh, cuộc chiến diễn ra khốc liệt, quân của Lợi thua, chết không kể xiết. Anh Vũ sai chém lấy đầu.

Tháng 10, Anh Tông lại sai Đỗ Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa Lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Anh Tông xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, Anh Tông ngự Thiên khánh điện xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người, đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo.

Loạn Đỗ Anh Vũ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1150[5] Anh Tông Hoàng đế đã lên 14 tuổi nhưng Đỗ Anh Vũ vẫn dựa vào Lê Thái hậu mà chuyên quyền. Chướng mắt quyền thế của họ Đỗ, tướng Vũ Cát Đái và một số người trong hoàng tộc như Phò mã Dương Tự MinhTrí Minh vương đã mang quân bắt giữ, tạo ra binh biến chấn động. Bọn họ hô to rằng: "Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau". Bọn họ dùng binh bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình úy tra xét.

Lê Thái hậu buồn rầu, dùng vàng đút lót cho Vũ Đái và các người canh giữ, do đó Vũ Đái không giết Anh Vũ. Anh Tông theo lời nghị tội của các quan, ra chiếu giáng Anh Vũ làm Cảo điền nhi, đi cày ruộng công[3].

Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái úy phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt[3].

Sau đó, Đỗ Anh Vũ mật tâu với Anh Tông rằng: "Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được".

Anh Tông thế cô, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước Phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị "cưỡi ngựa gỗ"[h], bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền Đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp.[3]

Thân chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lê Thái hậu trao lại quyền hành và về ở cung riêng. Từ đó, Anh Tông chính thức nắm lại mọi quyền vị, dựa vào Tô Hiến Thành và những hiền thần khác như Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín để tiến hành thân chính. Tô Hiến Thành giúp Anh Tông đánh đông dẹp bắc, giữ cho nước được yên mà còn luyện tập quân lính kén chọn những người tài giỏi cho làm tướng, coi quân trị dân. Bởi vậy, nước Đại Việt duy trì được sự hùng mạnh và thịnh vượng kế thừa được từ các thời trước.

Năm 1164, Tống Hiếu Tông sai sứ sang phong ông làm An Nam quốc vương.[cần dẫn nguồn]

Năm 1170, ông lập Xạ Đình để tập bắn cung và cưỡi ngựa. Sau đó, ông sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến phá trận.

Từ năm 1171 đến năm 1172, Anh Tông xa giá đi tới những vùng núi non hiểm trở trong nước, quan sát sinh hoạt của dân, rồi sai quan lại làm tập bản đồ nước Đại Việt, soạn ra cuốn sách Nam Bắc phiên giới đề. Tuy nhiên tập bản đồ đó tới nay không còn[4].

Phế lập Thái tử

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng tử Lý Long Xưởng (李龍昶) do hoàng hậu thân sinh, vốn là con trưởng, nên được lập làm Thái tử. Khi ấy, Anh Tông sủng ái Từ Nguyên phi, nên Hoàng hậu ghen ghét, xui Long Xưởng quyến rũ nhằm đổ tội cho Từ phi, không dè Từ phi không chịu mà bẩm báo cho Anh Tông.[6] Anh Tông tức giận, xuống chiếu giáng tội Long Xưởng phạm lỗi tư thông với các phi tần trong cung cấm, phế truất làm Bảo Quốc vương (保國王).

Một hôm, Anh Tông gọi Tể tướng đến bảo rằng: "Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?" Bấy giờ có nội nhân ẵm hoàng tử thứ 6 Lý Long Trát ra, thấy Anh Tông đội mũ, khóc đòi đội. Nhà vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Anh Tông bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Anh Tông càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm Thái tử bèn quyết định.

Năm 1175, mùa xuân, Anh Tông sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở Đông Cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó bình chương Quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Đông cung.

Cuối đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 4 năm 1175, Anh Tông se mình ốm nặng, Hoàng hậu mẹ của Bảo Quốc vương Long Xưởng xin lập lại con mình làm người kế nghiệp nhiều lần, nhưng Anh Tông không đổi ý, nói rằng: "Làm con mà không biết kính trọng đấng song thân (cha mẹ) thì làm sao làm ông vua yêu dân được ?" Sau đó, ông di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp lập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ.

Ngày Ất Tỵ, tháng 7 năm Ất Mùi (tức ngày 14 tháng 8 năm 1175), Anh Tông qua đời tại Thụy Quang điện (瑞光殿). Ông trị vì 37 năm, thọ 40 tuổi. Trước khi mất, Anh Tông dặn lại Thái tử Long Cán:

Thái tử Long Trát (hoặc Long Cán) mới 2 tuổi lên nối ngôi, tức là Lý Cao Tông.

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Nói về Lý Anh Tông, sách Đại Việt sử ký toàn thư có nhận xét sau:

Sau khi Anh Tông qua đời, lại có nhận xét sau:

Gia quyến

[sửa | sửa mã nguồn]

Hậu Cung

[sửa | sửa mã nguồn]
STT Danh hiệu Tên Sinh mất Ghi chú
1 Chiêu Linh Hoàng hậu

(昭灵皇后)

Vũ Thị

(武氏)

Bà là mẹ của phế thái tử Lý Long Xưởng,từng mưu giành lại ngôi cho con nhưng thất bại rồi bị giam lỏng trong cung u uất đến khi qua đời. Thụy hiệu của bà không được đề cập trong chính sử
2 Linh Đạo Hoàng Hậu

(灵道皇后)

Đỗ Thụy Châu

(杜瑞珠)

?-1190 Bà sinh hạ Lý Long Cán, tức là vua Lý Cao Tông.
3 Nguyên Phi Từ Thị (徐氏) Vũ Hoàng hậu ghen với Từ thị được sủng nên sai Lý Long Xưởng quyến rũ nhưng Từ thị tố cáo lên Anh Tông khiến Long Xưởng bị phế ngôi thái tử.
4 Thần Phi Bùi Chiêu Dương
5 Quý Phi Hoàng Ngân Hoa
6 Đức Phi Đỗ Kim Hằng
7 Hiền phi Lê Mỹ Nga Thân mẫu của Hoa Sơn Tướng quân Lý Long Tường.
8 Thứ phi Ngô Ngọc Anh
9 Thứ phi Chế Thị (制氏) Bà là con gái của vua Jaya Harivarman I nước Chiêm Thành

Hậu Duệ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Giả thuyết về hậu duệ của vua Lý Anh Tông qua Đại Việt Sử Lược và Trần tộc vạn thế ngọc phả.
    • Đại Việt sử lược ghi nhận Lý Anh Tông có ít nhất 6 người con, nhưng chỉ đề cập tới 3 người:[3]
    • Theo "Trần tộc vạn thế ngọc phả", Anh Tông có bảy người con trai, nhưng lại không đề cập tới Lý Nguyên vương:[7]
      • Bảo Quốc vương Lý Long Xưởng (保國王李龍昶 1151 - 1181), mẹ là Chiêu Linh Hoàng hậu Vũ thị.
      • Kiến Ninh vương Lý Long Minh (建寧王李龍明 1152 - 1175), mẹ là Thần phi Bùi Chiêu Dương. Tước phong Kiểm hiệu Thái sư, Thượng trụ quốc, Khai phủ Nghị đồng tam tư, Trung vũ quân Tiết độ sứ, lĩnh Đại Đô đốc.
      • Kiến Tĩnh vương Lý Long Hoa (建靖王李龍華 1152 - 1175), mẹ là Quý phi Hoàng Ngân Hoa. Tước phong Dao thụ Thái bảo, Khu mật viện sứ, Thượng thư Tả Bộc xạ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Long thành Tiết độ sứ.
      • Kiến An vương Lý Long Đức (建安王李龍德 1153 - 1175), mẹ là Thần phi Bùi Chiêu Dương. Tước phong Đặc tiến Thiếu sư, Khu mật viện sứ, Thượng thư tả thừa, Trấn Nam Tiết độ sứ, Thượng thư lệnh, Tả kim ngô Thượng tướng, Tổng lĩnh Thiên tử binh.
      • Kiến Khang vương Lý Long Ích (建康王李龍益 1167 - 1212), mẹ là Đức phi Đỗ Kim Hằng. Chức tước: Dao thụ Thái phó, Trấn Nam Tiết độ sứ, Thượng thư tả thừa.
      • Lý Cao Tông, tên gọi Long Cán (龍翰), mẹ là Linh Đạo Hoàng hậu Đỗ Thụy Châu.
      • Kiến Bình vương Lý Long Tường (建平王李龍祥), mẹ là Hiền phi Lê Mỹ Nga. Tước phong: Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ Nghị đồng tam tư, Thượng thư Tả Bộc xạ, lĩnh Đại Đô đốc. Tới năm 1226 thời Trần Thái Tông, Lý Long Tường cùng gia quyến sang Cao Ly tị nạn và trở thành ông tổ họ Lý gốc Việt ở Triều Tiên.
Danh sách các hoàng tử
STT Danh hiệu Tên húy Sinh mất Mẹ Ghi chú
1 Bảo Quốc vương

(保國王)

Lý Long Xưởng

(李龍昶)

1151-? Chiêu Linh Hoàng hậu Vũ thị Ngay sau khi chào đời, ông được vua cha phong tước Hiển Trung vương rồi lập Đông cung thái tử, chuẩn bị sẳn ngôi kế vị.

Năm Giáp Ngọ, cung phi của Lý Anh Tông là Từ thị tố cáo chuyện Thái tử quyến rũ mình và có ý bất chính. Anh Tông đã rất giận dữ và ông quyết định phế ngôi Thái tử của Long Xưởng.

Ngay sau đó ông bị phế làm thứ nhân với tước hiệu Bảo Quốc Vương (保國王) và bị bắt giam một thời gian.

2 Kiến Ninh vương

(建寧王)

Lý Long Minh

(李龍明)

1152-1175 Thần phi Bùi Chiêu Dương Tước phong Kiểm hiệu Thái sư, Thượng trụ quốc, Khai phủ Nghị đồng tam tư, Trung vũ quân Tiết độ sứ, lĩnh Đại Đô đốc.
3 Kiến Tĩnh vương

(建靖王)

Lý Long Hoa

(李龍華)

1152-1175 Quý phi Hoàng Ngân Hoa Tước phong Dao thụ Thái bảo, Khu mật viện sứ, Thượng thư Tả Bộc xạ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Long thành Tiết độ sứ.
4 Kiến An vương

(建安王)

Lý Long Đức

(李龍德)

1153-1175 Thần phi Bùi Chiêu Dương Tước phong Đặc tiến Thiếu sư, Khu mật viện sứ, Thượng thư tả thừa, Trấn Nam Tiết độ sứ, Thượng thư lệnh, Tả kim ngô Thượng tướng, Tổng lĩnh Thiên tử binh.
5 Kiến Khang vương

(建康王)

Lý Long Ích

(李龍益)

1167-1212 Đức phi Đỗ Kim Hằng Chức tước: Dao thụ Thái phó, Trấn Nam Tiết độ sứ, Thượng thư tả thừa.
6 Lý Cao Tông

(李高宗)

Lý Long Cán

(李龍翰)

1173-1210 Linh Đạo Hoàng hậu

Đỗ Thụy Châu

Kế vị Anh Tông trở thành vị vua thứ 7 của triều Lý.
7 Kiến Bình vương

(建平王)

Lý Long Tường

(李龍祥)

1174-? Hiền phi Lê Mỹ Nga Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ Nghị đồng tam tư, Thượng thư Tả Bộc xạ, lĩnh Đại Đô đốc.

Tới năm 1226, Lý Long Tường cùng gia quyến sang Cao Ly tị nạn và trở thành ông tổ họ Lý gốc Việt ở Triều Tiên.

  1. ^ Thái Nguyên: tên châu thời Lý, tức đất tỉnh Bắc Thái ngày nay.
  2. ^ Châu Tây Nông: nay là đất huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái.
  3. ^ Châu Hạ Nông: miền Thượng Nông và Hạ Nông huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái. Như vậy châu Lục Lệnh và châu Thượng Nguyên ở vào khoảng giữa huyện Phú Bình và huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.
  4. ^ Tuyên Hóa: nay là đất huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái.
  5. ^ Cảm Hóa: nay là đất huyện Ngân Sơn, Na Rì và một phần phía Bắc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.
  6. ^ Vĩnh Thông: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.
  7. ^ Phú Lương: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.
  8. ^ Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã): thứ hình phạt thời cổ, đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ ĐVSKTT - Lý triều Thần Tông Hoàng đế.
  2. ^ Dòng họ Lý Tinh Thiện ở Hàn Quốc trở về cố quốc[liên kết hỏng]
  3. ^ a b c d e f Đại Việt sử lược, quyển 3.
  4. ^ a b Vũ Ngọc Khánh, sách đã dẫn, tr. 104.
  5. ^ Đại Việt sử lược ghi năm 1148, Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục ghi năm 1140.
  6. ^ Đại Việt sử lược - Lý Anh Tông.
  7. ^ Theo "Trần tộc vạn thế ngọc phả", chi bốn, thuộc dòng dõi Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, để tại nhà từ ở thành phố cấp huyện Lãnh Thủy, huyện Chiêu Đương, Hồ Nam, Trung Quốc; phần chép về Ninh Tổ Hoàng đế Trần Lý đoạn nói về các con Lý Anh Tông (theo Trần Đại Sỹ).

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Vũ Ngọc Khánh (2003), Tám vị vua triều Lý, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin.