Ngô Nhật Khánh

Ngô Lãm công
吳覽公
Sứ quân
Sứ quân nhà Ngô
Tại vị966 - 979
Thông tin chung
Tên húy
Ngô Nhật Khánh (吳日慶)
Thụy hiệu
An vương (安王)
Tước hiệuLãm công (覽公)
Thân phụNgô Xương Văn (nghi vấn)
Thân mẫuHoàng Thị Thi
Sơ đồ vị trí 12 sứ quân

Ngô Nhật Khánh (chữ Hán: 吳日慶; ? - 979), Tước hiệu Ngô Lãm công (吳覽公) hoặc Ngô An vương (吳安王), là một thủ lĩnh thời 12 sứ quân ở giữa thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam. Xuất thân từ dòng dõi nhà Ngô, rồi trấn giữ quê hương Đường Lâm và trở thành một trong những thế lực quân sự mạnh tạo ra loạn 12 sứ quân. Sau đó ông hàng phục Đinh Bộ Lĩnh, lấy công chúa Phất Kim và trở thành phò mã nhà Đinh hơn 10 năm trong kinh đô Hoa Lư. Cuối triều Đinh, Ngô Nhật Khánh bỏ trốn sang Chiêm Thành và bị bão dìm chết tại cửa biển Đại An trong lần đem quân Chiêm Thành theo đường thủy tiến đánh kinh đô Hoa Lư.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngô Nhật Khánh người Đường Lâm, Hà Nội. Theo các sách sử cũ như Đại việt sử ký toàn thư, Ngô Nhật Khánh là cháu họ của Ngô Quyền. Điều này phù hợp hơn với giả thuyết là con Ngô Xương Văn vì ông cát cứ sớm ở Đường Lâm quê hương nhà Ngô và từng bị Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn đem quân đánh dẹp.

Riêng Phả hệ họ Ngô Việt Nam soạn năm 2003 của Ban liên lạc dòng họ Ngô cho rằng ông là con của Nam Tấn vương Ngô Xương Văn, cháu nội Ngô Quyền và mẹ chính là Dương Vân Nga. Một số nhà nghiên cứu[1] cũng theo đó dè dặt ghi nhận điều này. Tuy nhiên, giả thuyết này có rất nhiều chỗ không hợp lý trong sử sách, nếu căn cứ vào thân thế và cuộc đời của hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga. Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm "Bài sử khác cho Việt Nam"[2] căn cứ sự kiện Đỗ Cảnh Thạc phù trợ Xương Văn trước kia, thấy nơi vùng căn cứ Đỗ Động, khi mà sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đã bị tiêu diệt, lại có "bọn con em Ngô Tiên chúa," để đoán rằng An Vương Ngô Nhật Khánh chính là con Xương Văn; và cho rằng Ngô Nhật Khánh chính là người lãnh đạo 500 con em nhà Ngô tiến đánh lực lượng sứ quân Trần Lãm năm 967 rồi bị Đinh Bộ Lĩnh bức hàng như sử đã ghi:

Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục.

Hiện nay phần lớn các ý kiến chỉ dừng lại ở việc xác định ông là con cháu họ của Ngô Quyền, việc ông ở Đỗ Động Giang lúc này có thể hiểu là quá trình mở rộng lãnh thổ từ căn cứ Đường Lâm.

Sứ quân

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô. Nhiều nơi không chịu thần phục, điển hình như họ Phạm ở Trà Hương đã che chở Ngô Xương Ngập và Loạn hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình.

Ngô Xương Văn khôi phục nhà Ngô từ tay Dương Tam Kha (950), nhưng tới năm 965 khi Xương Văn tử trận, nạn cát cứ lại bùng phát mạnh mẽ hơn. Các thế lực yếu bị tiêu diệt dần, lãnh thổ Tĩnh hải quân chỉ còn mười hai thế lực lớn. Sử gọi đó là Thập nhị sứ quân đại loạn.

Ngô Nhật Khánh là một trong 12 sứ quân, đóng tại quê hương nhà Ngô, tức Đường Lâm, tự xưng là Ngô Lãm Công. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào hành trạng của ông mà suy đoán ông được Ngô Quyền giao trấn thủ đất hương hỏa của nhà Ngô, sau vì không phục Dương Tam Kha mà chiếm đóng và củng cố lực lượng để trở thành sứ quân. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì thôn Đường (cùng thôn Nguyễn, lực lượng khiến Ngô Xương Văn tử trận), tức Đường Lâm thuộc phạm vi chiếm đóng của sứ quân Ngô Nhật Khánh, còn thôn Nguyễn Gia Loan thuộc căn cứ của sứ quân Nguyễn Thái Bình, tức Nguyễn Khoan.[3]

Khi Ngô Xương Xí nối ngôi, Ngô Nhật Khánh là anh em cùng họ cũng kéo quân từ Đường Lâm về Cổ Loa tranh giành.[4] Thần phả đình Văn Cú ở Hải Phòng cho biết sứ quân Ngô Nhật Khánh thường chiêu dụ hào kiệt theo về, khi nghe danh muốn dụ dỗ Đỗ Vĩ nhằm hãm hại ông. Do vậy, Đỗ Vĩ phải đem vợ và hai con trai Đỗ Quang, Đỗ Huy chạy về vùng Hải Phòng lánh nạn.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đã từng có thời gian Ngô Nhật Khánh tự xưng là An vương (安王), nhưng không rõ đó là thời gian cụ thể nào, trước hay sau khi xưng là Ngô Lãm công. Có thể việc xưng An vương chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, do thấy mình không đủ thực lực trội hơn các sứ quân khác nên ông lại tự rút danh hiệu xuống là Lãm Công.

Trong thời loạn lạc đó, Đinh Bộ Lĩnh tỏ ra là sứ quân mạnh nhất nhờ sự liên kết với sứ quân Trần Lãm. Một mặt, Bộ Lĩnh ra tay dẹp các sứ quân, nhưng riêng với các sứ quân họ Ngô là Nhật Khánh và Xương Xí[5], Bộ Lĩnh dùng chính sách chiêu hàng, vì các sứ quân này là dòng họ nhà Ngô vừa mất.

Kết quả cả Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh đều về hàng Đinh Bộ Lĩnh. Sử chép sự kiện sứ quân Trần Lãm sai Đinh Bộ Lĩnh đi đánh các hùng trưởng khác, đều thắng được cả rồi mới đến sự kiện Phạm Phòng Át đem quân về hàng. Kết thúc nhà Ngô bằng sự kiện khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục. Từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất. Như vậy có thể suy đoán được rằng Ngô Nhật Khánh, người lãnh đạo tàn dư cuối cùng của nhà Ngô, chính là sứ quân mà Đinh Bộ Lĩnh hàng phục sau cùng, kết thúc sự nghiệp dẹp loạn để lên ngôi hoàng để vào năm 968 đồng thời phong cho sứ quân này là phò mã nhà Đinh.

Phò mã nhà Đinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, xưng hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, đã lấy mẹ Ngô Nhật Khánh làm hoàng hậu, đồng thời gả con gái là công chúa Phất Kim cho ông và lấy em gái ông gả cho con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn. Ngô Nhật Khánh trở thành phò mã nhà Đinh.

Tuy nhiên, sử chỉ nêu Tiên Hoàng có 5 hoàng hậu mà không chép rõ mẹ Nhật Khánh là ai trong 5 bà: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông. Dã sử gọi bà hoàng hậu mẹ Ngô Nhật Khánh là Ngô phu nhân và bà được thờ ở chùa Bà Ngô thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư.[6]

Theo Dã sử, Vua Đinh còn các phò mã khác nữa như Phò mã Quán Sơn là chồng công chúa Phương Dung được vua cha phong chức Trấn thủ tứ thành, có công đánh quân Tống xâm lược sau này.[7] Sứ quân Trần Lãm có hai người em trai là Trần Thăng, Trần Nguyên Thái. Đinh Tiên Hoàng đã đem Công chúa Minh Châu gả cho tướng quân Trần Thăng và phong cho Trần Thăng làm Phò mã đô uý, vua Đinh cũng gả một nàng công chúa cho Trần Nguyên Thái và giao cho Thái trọng trách trong hoạt động đối ngoại.[8]

Phản quốc hại thân

[sửa | sửa mã nguồn]
Xem thêm: Dương Vân Nga, Hoàng hậu nhà Đinh

Mẹ Ngô Nhật Khánh, dù đã có tuổi khi lấy Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh, chính là người đã sinh ra Đinh Hạng Lang, con thứ của Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng vì bà, và vì để lấy lòng Nhật Khánh nữa, đã lập Hạng Lang làm thái tử. Nhật Khánh chứa chấp ý đồ không thể nói hết khi giục mẹ nài nỉ vua lập em làm thái tử. Khánh định sau này sẽ làm phụ tá cho cậu em ruột còn thơ ấu để nắm quyền bính (và chứa chấp ý định làm Vương Mãng, Tào Tháo). Nhưng việc đó không qua được Nam Việt vương Đinh Liễn vốn là người đã trưởng thành và có nhiều công lao trong việc đánh dẹp, ngoại giao của nước Đại Cồ Việt. Theo chính sử, Đinh Liễn đã sai người lập mưu giết Hạng Lang đầu năm 979. Tuy nhiên, vì yêu con và không thể tiếp tục gây đổ máu, Tiên Hoàng đã không trừng phạt Đinh Liễn bằng cái chết.

Việc Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn bằng án tử hình khiến Nhật Khánh vô cùng tức giận và đây chính là động cơ chủ yếu thúc giục Khánh bỏ sang Chiêm Thành.

Một hôm Khánh mang vợ là công chúa Đinh Phất Kim chạy vào nam, tới cửa biển Nam Giới[9] thì ông rút dao rạch mặt vợ và mắng rằng:

"Cha ngươi lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì ngươi mà quên tội ác của cha ngươi hay sao? Cho ngươi trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta".

Rồi Khánh bỏ trốn sang Chiêm Thành. Sử sách không chép rõ Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm vào thời gian nào, chỉ biết chắc chắn việc này diễn ra sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi và trước khi vua Đinh bị sát hại.

Tháng 10 năm 979, cha con Đinh Tiên HoàngĐinh Liễn bị giết hại. Con trai còn lại là Đinh Toàn lên ngôi vua. Lê Hoàn làm Nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cho rằng Lê Hoàn có ý đồ thoán đoạt đã nổi loạn nhưng bị Lê Hoàn dẹp tan. Trước kia, vua Đinh đã hứa đưa em Khánh (Hạng Lang) lên ngôi, nhưng khi em Khánh bị hại thì kẻ thủ phạm lại không bị trừng phạt đích đáng theo ý muốn của Khánh, bởi thế Khánh mới tìm đến Chiêm Thành để cầu viện báo thù. Ý định của Khánh là mượn quân Chiêm để về nước làm vua, khôi phục nhà Ngô. Nếu Hạng Lang không chết mà được nối ngôi như dự kiến thì sớm muộn Khánh cũng làm Vương Mãng, tiêu diệt họ Đinh, phế truất ấu chúa này mà giành lấy ngôi – giống như tấm gương Triệu Khuông Dận lấy ngôi của cậu bé 6 tuổi Sài Tông Huấn cách đó ít lâu bên phương bắc.

Nghe tin Đinh Tiên Hoàng chết, Nhật Khánh bèn xúi vua Champa là Phê Mị Thuế[10] mang quân để đánh Đại Cồ Việt. Vua Champa nhân cơ hội xâm chiếm đất đai, bèn tự cầm quân đem hơn nghìn binh thuyền ra đánh Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang.

Khi vào cửa Đại Ác (cửa Thần Phù), qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, chìm gần hết. Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát nạn. Ba Mĩ Thuế thu vét tàn quân trở về.

Đối với bà mẹ Ngô Nhật Khánh, sau những diễn biến xấu dồn dập của chồng và con tràn đến, bà Ngô phu nhân xưa đồng thời là hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng đành ra khỏi Hoàng cung, lập một ngôi chùa ở ngoại thành Hoa Lư để tu hành, ngôi chùa đó có tên là Đàm Lư nhưng dân gian vẫn quen gọi là Chùa Bà Ngô[11] (nay nằm ở thôn Hoàng Long, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình).

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong Nhìn lại lịch sử - Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 2003
  2. ^ Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam
  3. ^ Xem bài: "Về quê hương của Ngô Quyền" - Trần Quốc Vượng - Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 101, tháng 8/1967, tr. 60-62
  4. ^ PGS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa trong cuốn "Lễ hội Việt Nam" - Nhà xuất bản VHTT trang 840
  5. ^ Con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập
  6. ^ Cổ tự ngàn tuổi cầu bình an, trường thọ nổi tiếng đất cố đô Hoa Lư
  7. ^ Đình Phù Sa, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây
  8. ^ “Đinh Tiên Hoàng và những cuộc hôn nhân chính trị”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2018.
  9. ^ Tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay
  10. ^ Theo nhà Trung Hoa học Georges Maspero trong sách "Le Royaume De Champa", chương V, thì vua Chiêm bấy giờ là Paramesvaravarman I
  11. ^ “chùa Bà Ngô”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2014.