Đàn đáy

Đàn đáy.

Đàn đáy (chữ Nôm: 彈帶), hay còn gọi là Vô đề cầm (chữ Hán: 無題琴) là một loại nhạc cụ có 3 dây, phần cán rất dài và mặt sau của thùng âm có một lỗ lớn. Đây là nhạc cụ dân tộc cổ truyền của người Việt, không chỉ độc đáo ở hình dáng, âm thanh, mà còn được kết hợp với các nhạc cụ như pháchtrống đế, tạo nên loại hình ca trù nổi tiếng.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Âm vực của đàn đáy

Không rõ đàn đáy xuất hiện lần đầu vào thời điểm nào nhưng nó có mặt ít ra đã 500 năm hơn. Theo phó giáo sư tiến sĩ Thụy Loan, thì các mảng điêu khắc ở đình Lỗ Hạnh, đình Hoàng Xáđền Tam Lang (niên đại thế kỷ 16-18) cho ta biết đàn đáy đã phổ biến trong dân gian vào thời nhà Mạc. Thời điểm xuất hiện của đàn đáy theo đó được các nhà nghiên cứu nghi nhận sớm nhất là thế kỷ 15. Niên đại xuất hiện này hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong thư tịch cổ và những tư liệu mỹ thuật đã được phát hiện.[1]

Đàn đáy có tên gốc là "đàn không đáy" tức "vô đề cầm", vì nó không có đáy (hậu đàn). Do đó người ta gọi tắt là đàn đáy lâu ngày thành tên chính thức như hiện nay. Một giả thuyết khác cho rằng nhạc cụ này có dây đeo bằng vải, dây này trong chữ Hán là "đái" (đai) nên mới gọi là "đàn đái", đọc chệch lâu ngày thành "đàn đáy".

Cấu tạo

[sửa | sửa mã nguồn]
Biểu diễn đàn đáy.

Đàn đáy có 4 bộ phận chính:

  1. Bầu đàn, còn gọi là thùng đàn: bằng gỗ, hình thang cân. Đáy lớn nằm phía trên, rộng khoảng 23–30 cm, đáy nhỏ nằm phía dưới rộng khoảng 18–20 cm. Cạnh 2 bên khoảng 31–40 cm. Thành đàn vang bằng gỗ cứng, dày khoảng 8–10 cm. Mặt đàn bằng gỗ ngô đồng, có một bộ phận để móc dây đàn (cái thú). Có khi mặt đàn khoét một lỗ hình chữ nhật. Đáy đàn thủng hình chữ nhật.
  2. Cần đàn: dài 1,10-1,30 m gắn phía trên từ 10 đến 12 phím đàn bằng tre nhưng đàn đáy cổ có 16 phím[2]. Các phím này dày và cao, phần đỉnh dài hơn phần chân phím. Tính từ đầu đàn trở xuống, phím đầu tiên không gắn sát vào sơn khâu như nhiều nhạc cụ khác mà lại nằm ở quãng giữa cần đàn.
  3. Đầu đàn: hình lá đề, hốc luồn dây có 3 trục chỉnh dây.
  4. Dây đàn: 3 dây bằng tơ se, dài, mềm và dễ nhấn mang tên dây Hàng, dây Trungdây Liễu. Ngày nay, những dây này có thể bằng nilon với kích thước to nhỏ khác nhau, mỗi dây cách nhau 1 quãng bốn đúng. Dây đàn được chia làm năm cung: cung Nam, cung Bắc, cung Nao, cung Huỳnhcung Pha.

Đàn đáy có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm sắc giống đàn tranh geomungo của Triều Tiên, ấm áp dịu ngọt và có thể diễn tả tình cảm sâu sắc.

Kỹ thuật biểu diễn

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày xưa nghệ sĩ cần miếng gảy bằng que tre để đánh, ngày nay họ thường dùng miếng gảy nhựa.

Kỹ thuật tay phải gồm có ngón gảy, hất, lia (vê) giống như cách diễn đàn nguyệtđàn tam. Kỹ thuật tay trái gồm có ngón chùn, nhấn, láy, đánh chồng âm và hợp âm...

Ở loại đàn đáy cổ truyền người ta không đánh dây buông mà bấm vào phím thứ nhất để gảy, cách này coi như đánh dây buông.

Sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Người biểu diễn thường dùng đàn đáy đệm cho giọng nữ cao hoặc phối hợp với những nhạc cụ gõ có âm thanh khô (ít vang). Đàn đáy là nhạc cụ độc đáo chỉ duy nhất dùng để biểu diễn ca trù cùng với pháchtrống chầu. Ngày nay nó còn được dùng trong một số dàn nhạc dân tộc để hòa tấu.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2021.
  2. ^ Tô Đông Hải. "Đàn Đáy". Văn hóa Việt Nam Tổng hợp 1989-1995 Hà Nội: Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, 1989. Trang 302.