Thành phố chủ nhà | Băng Cốc | ||
---|---|---|---|
Quốc gia | Thái Lan | ||
Quốc gia tham dự | 6 | ||
Vận động viên tham dự | 518 | ||
Môn thể thao | 12 | ||
Lễ khai mạc | 12 tháng 12 năm 1959 | ||
Lễ bế mạc | 17 tháng 12 năm 1959 | ||
Tuyên bố khai mạc bởi | Bhumibol Adulyadej Quốc vương Thái Lan | ||
Tuyên bố bế mạc bởi | Bhumibol Adulyadej Quốc vương Thái Lan | ||
Địa điểm nghi thức | Sân vận động Suphachalasai | ||
|
Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á lần thứ 1 là đại hội thể thao đa môn đầu tiên của khu vực Đông Nam Á do Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á tổ chức. Đại hội tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 12 - 17 tháng 12 năm 1959 với 518 vận động viên thi đấu ở 12 môn thể thao. Campuchia, một trong sáu thành viên sáng lập của Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á đã không tham dự đại hội khai mạc lần đầu tiên vì lý do chính trị. Đại hội được khai mạc và bế mạc bởi Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, tại sân vận động Suphachalasai. Tổng số huy chương cuối cùng được dẫn đầu bởi nước chủ nhà Thái Lan, tiếp theo là các quốc gia láng giềng là Miến Điện và Mã Lai[1].
Đại hội Thể thao Đông Nam Á khi đó gọi là Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games), được tổ chức ở Băng Cốc năm 1959. Đây là lần đầu tiên đại hội được tổ chức sau khi Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games Federation) được thành lập vào năm 1958. Ngày 22 tháng 5 năm 1958, đại biểu đến từ các nước ở bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á 1958 tại Tokyo, Nhật Bản đã họp và thống nhất thành lập một Đại hội thể thao. Tên gọi SEAP Games khi đó được đặt bởi ông Luang Sukhum Nayaoradit, người mà sau đó làm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Thái Lan. Lý do đề nghị đưa ra thành lập một đại hội thể thao khu vực sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác, sự hiểu biết và sự gắn kết các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đại hội thể thao Bán Đảo Đông Nam Á (khi đó được gọi tắt là SEAP Games) lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 17 tháng 12 năm 1959 tại Băng Cốc, Thái Lan. Đại hội lần đầu chỉ có số thành viên tham dự tương đương số lượng của một đoàn thể thao của một nước ngày nay, 800 quan chức và vận động viên. Trong đó, Thái Lan đã cử 194 quan chức, vận động viên với 155 nam, 21 nữ và 18 quan chức. Tham dự đại hội có 6 thành viên của Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á: Miến Điện, Mã Lai, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Số lượng môn thi đấu cũng rất khiêm tốn, chỉ có 12 môn.
Hạng | Đoàn | Vàng | Bạc | Đồng | Tổng số |
---|---|---|---|---|---|
1 | Thái Lan (THA) | 35 | 26 | 15 | 76 |
2 | Miến Điện (BIR) | 11 | 15 | 14 | 40 |
3 | Malaysia (MAL) | 8 | 15 | 11 | 34 |
4 | Singapore (SIN)[1] | 8 | 7 | 18 | 33 |
5 | Việt Nam (VIE) | 5 | 5 | 6 | 16 |
6 | Lào (LAO) | 0 | 0 | 2 | 2 |
Tổng số (6 đơn vị) | 67 | 68 | 66 | 201 |
1Singapore là một thuộc địa tự quản của Vương quốc Anh vào thời điểm đó.