Đế quốc Gao
|
|||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Tên bản ngữ
| |||||||
k. thế kỷ 9–1430 | |||||||
Vị thế | Đế quốc | ||||||
Thủ đô | Gao[1] | ||||||
Ngôn ngữ thông dụng | Songhai | ||||||
Tôn giáo chính | Hồi giáo, Tôn giáo bản địa châu Phi | ||||||
Chính trị | |||||||
Chính phủ | Đế quốc | ||||||
Lịch sử | |||||||
Thời kỳ | Thời kỳ hậu cổ điển | ||||||
• Thành lập | k. thế kỷ 9 | ||||||
• Giải thể | 1430 | ||||||
| |||||||
Hiện nay là một phần của | Mali |
Đế quốc Gao là một nhà nước ở vùng trung lưu sông Niger và tiền thân của Đế quốc Songhai. Thủ đô của nó là thành phố cùng tên nằm ở khúc quanh phía đông sông Niger. Vào thế kỷ thứ 9, nó được coi là vương quốc Tây Phi hùng mạnh nhất.
Quốc gia này được thành lập vào thế kỷ thứ 7. Do nằm dọc theo sông Niger, nó là một địa điểm thuận lợi cho ngư dân định cư. Gao là một trong những trung tâm thương mại lâu đời nhất ở miền tây châu Phi. Với vị trí của mình, Gao đã trở thành thủ đô của Đế quốc Songhai (hay Songhay) vào đầu thế kỷ 11. Kinh tế của khu vực bao gồm các hoạt động buôn bán vàng, đồng, nô lệ và muối xuyên Sahara. Gao bị sáp nhập bởi các nhà cai trị của Đế quốc Mali vào năm 1325, nhưng Songhai cuối cùng đã giữ quyền kiểm soát nó 40 năm sau đó.[2]
Không có tài liệu bản địa nào còn sót lại với niên đại từ trước giữa thế kỷ 17.[3] Thông tin về lịch sử ban đầu của Gao dựa trên các bài viết của các nhà địa lý Ả Rập sống ở Maroc, Ai Cập và Andalusia, những người chưa bao giờ đến thăm khu vực này.
Gao được thành lập vào thế kỷ thứ 7 trên sông Niger và sớm trở thành nơi sinh sống của ngư dân và trung tâm thương mại. Thành phố phát triển từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10 và trở thành một vương quốc có quyền lực thấp hơn Wagadou. Gao thịnh vượng vì tầm quan trọng thương mại mà nó có dọc theo sông Niger. Đây cũng là một trung tâm sản xuất lớn. Những người thủ công đã chế tác carnelian thành những chuỗi hạt có niên đại sớm nhất là vào thế kỷ thứ 3, và được đánh giá rất cao tại vùng rừng nhiệt đới Tây Phi và Sudan.[4]
Ngoài một số văn bia Ả Rập được phát hiện vào năm 1939 tại nghĩa trang ở Gao-Saney (cách thành phố hiện đại 6 km về phía đông),[5] không có tài liệu bản địa nào còn sót lại có niên đại từ trước giữa thế kỷ 17.[5] Các tác giả người Ả Rập gọi thành phố là Kawkaw hoặc Kuku. Hai biên niên sử quan trọng của thế kỷ 17, Tarikh al-Sudan và Tarikh al-Fattash, cung cấp thông tin về nơi này khi Đế chế Songhai tồn tại nhưng chúng chỉ chứa những dữ liệu mơ hồ về thời điểm trước đó.[6] Nhìn chung, các biên niên sử không thừa nhận các nguồn của chúng.[7] Những bản miêu tả về các thời kỳ trước đó hầu như chắc chắn dựa trên truyền khẩu và đối với các sự kiện trước nửa sau thế kỷ 15, chúng có vẻ ít đáng tin cậy hơn. Đối với những giai đoạn trước đó, hai biên niên sử đôi khi cung cấp thông tin trái ngược nhau.
Bản báo cáo sớm nhất về Gao là của al-Khwārizmī. Ông ghi chép rằng vào nửa đầu thế kỷ thứ 9,[8] Gao đã là một cường quốc quan trọng trong khu vực. Al-Yaqubi đã ghi trong cuốn Tarikh của mình vào khoảng năm 872:
Đây là vương quốc Kawkaw, là vương quốc vĩ đại nhất, quan trọng nhất và hùng mạnh nhất trong các vương quốc vùng Sudan. Tất cả các quốc gia khác tuân lệnh vị vua của nó. Al-Kawkaw là tên của thành phố thủ đô. Bên cạnh đó, có một số vương quốc mà những người cai trị trung thành với vua Kawkaw và thừa nhận chủ quyền của ông, mặc dù họ cai trị lãnh thổ của riêng mình.[9]
Ibn al-Faqih đã đề cập đến một tuyến đường caravan từ Ai Cập đến Ghana cổ đại qua Kawkaw vào năm 903,[10] nhưng Ibn Hawqal nói rằng tuyến đường cũ từ Ai Cập đến Sudan đã bị bỏ hoang dưới triều đại của lãnh đạo Ai Cập Ibn Tulun (trị vì 868-884) vì một số đoàn lữ hành bị cướp tấn công trong khi những đoàn khác bị thiệt hại bởi bão cát.[11] Các tuyến đường ngắn hơn đã được thay thế bằng một tuyến đường đi đến Sijilmasa trước khi đi về phía nam, băng qua Sahara.
Vào thế kỷ thứ 10, Gao trở thành một quốc gia Hồi giáo và được mô tả là bao gồm hai thành phố riêng biệt. Al-Muhallabi (? – 990), đã viết trong một tác phẩm bị thất lạc trích dẫn trong từ điển tiểu sử do Yaqut biên soạn:
Trước thần dân của mình, nhà vua giả vờ là một người Hồi giáo và hầu hết trong số họ cũng vậy. Ông có một thị trấn ở bờ phía tây sông Niger tên là Sarnāh, nơi có chợ, cửa hàng và có giao thông liên tục từ mọi nơi đến đó. Nhà vua có một thị trấn khác ở phía tây sông Niger, nơi ông cùng người của mình và những người trung thành với ông sinh sống. Có một nhà thờ Hồi giáo nơi vua cầu nguyện nhưng khu vực cầu nguyện chung nằm giữa hai thành phố.[12]
Bằng chứng khảo cổ học cho thấy có hai khu định cư ở bờ phía đông của sông Niger:[13] Gao Ancien nằm trong thành phố hiện đại, về phía đông của Lăng mộ Askia, và khu khảo cổ Gao-Saney (Sané trong tiếng Pháp) nằm khoảng 4 km về phía đông. Đồ gốm và thủy tinh nhập khẩu được khai quật ở Gao-Saney cho thấy rằng địa điểm này đã bị chiếm đóng giữa thế kỷ 8 và 12.[14] Có thể Gao-Saney chính là thành Sarnāh theo mô tả của al-Muhallabi.[15] Các ghi chép của Al-Bakri vào năm 1068 cũng ghi lại sự tồn tại của hai đô thị,[16] nhưng al-Idrisi lại phản bác điều đó vào năm 1154.[17] Cả al-Muhallabi (xem phần trích dẫn ở trên) và al-Bakri[18] đều nói rằng Gao nằm ở bờ tây của sông Niger. Tarikh al-Fattash, một tác phẩm sử học thế kỷ 17, cũng ghi nhận điều đó.[19] Một cồn cát lớn, La Dune Rose, nằm trên bờ phía tây đối diện với Gao. Tuy nhiên tại Koima, trên rìa cồn cát tại một địa điểm cách Gao 4 km về phía bắc, các trầm tích trên bề mặt cho thấy sự tồn tại của một khu định cư trước thế kỷ 9. Đây có thể là bờ Tây mà Gao được các tác giả thế kỷ 10 và 11 đề cập. Khu vực này vẫn chưa được khai quật.[20]
Trong tác phẩm Tarikh al-Sudan của mình, Al-Sadi cho rằng đạo Hồi du nhập vào vùng này trong thời gian muộn hơn. Ông liệt kê 32 lãnh đạo của triều đại Zuwa và nói rằng vào năm 1009-1010, nhà cai trị thứ 15, Zuwa Kusoy, là người đầu tiên cải sang đạo Hồi.[21] Tuy nhiên ông không thực sự nói rõ họ sống ở đâu ngoại trừ người sáng lập huyền thoại của vương triều, Zuwa Alayman, người mà Al-Sadi khẳng định đến từ Yemen và di cư sang Kukiya.[22][23]
Việc phát hiện ra các bia mộ của Gao-Saney vào năm 1939 đã cung cấp cho các nhà sử học bằng chứng mới của Đế quốc Gao. Ba vị vua Hồi giáo thuộc triều đại Zaghe qua đời lần lượt vào các năm 1100, 1110 và 1120 có thể là các lãnh đạo của nhà Zuwa. Do đó, quá trình Hồi giáo hóa của vương triều không phải diễn ra vào đầu mà là vào cuối thế kỷ 11 trong thời kỳ nhà Almoravid. Vai trò của Almoravid trong quá trình này đã được tranh luận nhiều. Trước đó, các vị vua của Gao-Saney được coi là dòng dõi của Almoravid (John Hunwick, 1980), nhưng gần đây họ được cho là những nhà cai trị đã cải đạo, có thể có nguồn gốc từ Ghana cổ đại (Dierk Lange, 2004).
Người dân của Đế quốc Gao nói tiếng Songhai, một ngôn ngữ thuộc nhánh Sahara-Sahel của ngữ hệ Nin-Sahara. Ngôn ngữ này ban đầu được nói ở khu vực dọc theo khúc uốn lớn của sông Niger vào đầu thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên.[4]
Vào cuối thế kỷ 13, Gao mất vị thế độc lập và trở thành một phần của Đế quốc Mali đang bành trướng.[24] Những gì đã xảy ra với vua nhà Zuwa không được ghi lại.[25] Ibn Battuta đến thăm Gao vào năm 1353 khi thành phố trở thành một phần của Đế chế Mali. Ông đến bằng thuyền từ Timbuktu trong chuyến hành trình trở về từ thủ đô của đế quốc:
Sau đó, tôi ghé thăm Kawkaw, một thành phố lớn trên sông Niger, một trong những thành phố vĩ đại nhất, lớn nhất và màu mỡ nhất của Sūdān. Ở đó có nhiều gạo, sữa, gà, cá và dưa chuột. Người dân thành phố tiến hành mua và bán bằng vỏ ốc, giống như người dân Mālī.[26]
Sau khi ở lại thị trấn một tháng, Ibn Battuta rời đi với một đoàn lữ hành đến Takedda. Từ đó, ông đi về phía bắc băng qua Sahara để đến một ốc đảo ở Tuat với một đoàn lữ hành lớn bao gồm 600 hầu gái.
Vào khoảng thế kỷ 14, Ali Kulun, nhà cai trị đầu tiên của triều đại Sunni, nổi dậy chống lại quyền bá chủ của Mali nhưng bị đánh bại.[27][28] Phải đến nửa đầu thế kỷ 15, Sunni Sulayman Dama mới có thể giành độc lập người Mali. Người kế vị của ông, Sunni Ali Ber (1464–1492), đã mở rộng đáng kể lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Songhay và thành lập Đế chế Songhay.
Lăng mộ của hoàng đế Songhai Askia Mohamed được xây dựng ở Gao vào năm 1495. Công trình này cho thấy sự thịnh vượng của Gao dưới sự cai trị của người Songhai cũng như thể hiện phong cách xây dựng bằng bùn của họ.[2]