Đế quốc

Đế quốc Achaemenes với lãnh thổ vắt qua 3 châu lục.

Đế quốc là một nhà nước lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, thống trị nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn hoặc chi phối được nhiều quốc gia khác.

Trong lịch sử đã tồn tại nhiều đế quốc sở hữu diện tích lãnh thổ rộng lớn, trải dài qua nhiều châu lục, đôi khi được gọi là các đế quốc toàn cầu, nhưng chưa từng có bất kỳ một đế quốc nào đủ khả năng để thống trị toàn bộ thế giới. Những nỗ lực xuất phát từ tham vọng cá nhân hay chủ nghĩa dân tộc bá quyền, điển hình như Đế quốc Pháp thời Napoleon hay Phe Trục trong Thế Chiến II,... đều thất bại.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Đế quốc, xét về ngữ nghĩa, là từ Hán Việt có nghĩa là đất nước được cai trị bởi một vị hoàng đế. Đế quốc có cấp bậc cao hơn vương quốc, là đất nước được cai trị bởi một quân vương. Các cấp bậc này nằm trong hệ thống phân chia thứ bậc của chế độ chính trị phong kiến. Đế quốc là rộng lớn và đông dân hơn vương quốc,[1] uy quyền hoàng đế là lớn hơn so với tước vương. Điều này tương tự cách dùng "Empire" (đế quốc) trong tiếng Anh dùng chỉ nước cai trị bởi một "Emperor" (hoàng đế), cấp bậc cao hơn "Kingdom" (vương quốc) là nước cai trị bởi một "King" (quân vương).

Ở Trung Hoa, người nắm lấy thiên hạ sau một cuộc chinh phạt sẽ trở thành hoàng đế, tước vương và đất đai thường do hoàng đế ban cấp cho họ hàng thân thuộc. Ở Châu Âu, quyền lực cao nhất ở từng nước là Vương Thất (một số nước tước vị thậm chí thấp hơn, ví dụ: Đại công quốc Ba Lan,...). Danh hiệu quý tộc cao nhất ở châu Âu là hoàng đế do bầu chọn bởi các nước với danh hiệu Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh. Ở Pháp, đến khi Napoleon Đệ nhất nắm quyền, ông ta trở thành hoàng đế đầu tiên của nước Pháp bởi Napoleon đã chinh phạt và chiếm được gần như toàn bộ phần tây châu Âu. Ở Anh, người được xem là hoàng đế đầu tiên chính là Victoria với danh hiệu Nữ hoàng Ấn Độ, vì lý do chính trị, Victoria giới hạn danh hiệu "nữ hoàng" chỉ sử dụng trên phạm vi Ấn Độ thuộc Anh, trong khi chỉ duy trì danh hiệu "Vương" ở Anh và các phần còn lại của đế quốc Anh.[a]

Hệ thống phân chia thứ bậc phong kiến cũng có tính chất cưỡng ép chứ không phải được đồng thuận. Ví dụ, hoàng đế Trung Quốc qua nhiều thời kỳ chỉ xem Việt Nam như một vương quốc chư hầu, và phong tước An Nam quốc vương cho vua Việt Nam, nhưng trên thực tế không sở hữu hay có bất kỳ thẩm quyền nào đối với Việt Nam.

Về sau, từ Đế quốc (hay "Empire" trong tiếng Anh) vẫn được sử dụng cho các nước lớn không theo chế độ phong kiến, dùng để chỉ một nước với khả năng kiểm soát hệ thống chính trị rộng lớn bao gồm nhiều nước. Từ Đế quốc được sử dụng với hàm nghĩa một nước mở rộng kiểm soát lãnh thổ và quyền lực chính trị, chứ không nhất thiết phải là một nước mang đặc tính chính trị phong kiến. Ví dụ, Đế quốc Mỹ.

Sử dụng nhầm lẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ "đế quốc" và "đế chế" trong tiếng Việt là hai từ riêng biệt với ý nghĩa khác nhau thường được sử dụng nhầm lẫn. Từ "đế quốc" chỉ một hệ thống liên kết nhiều quốc gia, trong khi từ ''đế chế'' chỉ chế độ chính trị quân chủ.

Trường hợp nhầm lẫn điển hình là Đế quốc Việt Nam, từ "đế quốc" ở đây chỉ quốc gia theo chế độ chính trị hoàng quyền nhà Nguyễn vừa giành được độc lập dưới sự hỗ trợ danh nghĩa của Nhật, trong ý nghĩa này "đế quốc" chỉ chế độ chính trị. Trường hợp Đế chế thứ ba của Đức, từ "đế chế" được sử dụng trong khi nước Đức dưới quyền Hitler lúc đó không phải là chế độ quân chủ mà là chế độ độc tài quân sự, trong ý nghĩa này "đế chế" lại được dùng để chỉ quốc gia.

Định nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo định nghĩa của các nhà sử học Marxist thì đế quốc là quốc gia đi xâm lược các nước khác, thống trị các nước chiếm được, tiến hành vơ vét của cải, khai thác tài nguyên và bóc lột sức lao động dân bản xứ. Đế quốc là một nước thống trị nhiều nước, và các nước bị thống trị được gọi là thuộc địa. Trường phái Marxist chỉ trích rất nặng nề đối với "đế quốc" nhất là giai đoạn đối đầu ý thức hệ trong thế kỷ XX.

Theo cách lý giải của những nhà sử học tư bản phương Tây thì đế quốc là tập hợp nhiều quốc gia, trong đó có một quốc gia nắm vai trò lãnh đạo cả hệ thống. Đế quốc theo quan niệm này không phải là một nước, mà là một hệ thống. Những nhà sử học thuộc trường phái này mặc dù thừa nhận sự tiêu cực của đế quốc nhưng vẫn mô tả mặt tích cực của nó, như sự lây lan của văn minh phương Tây với nhiều tiến bộ.

Quan niệm thống nhất giữa hai trường phái sử học đối với "đế quốc" thì quan hệ giữa nước thống trị và bị trị trong hệ thống đế quốc đó là bất bình đẳng. Vì nếu sự bất bình đẳng không tồn tại thì hệ thống sẽ được gọi là "liên bang".

Trong các cách định nghĩa khác, đế quốc là một quốc gia đa sắc tộc hay nhà nước đa quốc gia với sự thống trị về mặt chính trị, quân sự của một dân tộc đối với các dân tộc có sự khác biệt về văn hóa và dân tộc.[3]

Tom NairnPaul James định nghĩa đế chế là thực thể chính trị "mở rộng quan hệ quyền lực trên các không gian lãnh thổ mà họ không có chủ quyền pháp lý trước đó và mở rộng một hoặc nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, họ có được một số đo lường quyền bá chủ rộng rãi trên các không gian đó cho mục đích trích xuất hoặc tích lũy giá trị".[4] Rein Taagepera đã định nghĩa một đế chế là "bất kỳ thực thể chính trị có chủ quyền tương đối lớn nào đối với các thành phần không có chủ quyền".[5]

Tuy vậy, trong lịch sử tồn tại những trường hợp rất khác biệt nhau khiến cho việc hiểu đế quốc theo một định nghĩa chung không phải là điều đơn giản. Điển hình như trường hợp Đế quốc La Mã Thần thánh (từ thế kỷ 8 đến năm 1806) không có thẩm quyền ở nhiều nước châu Âu nhưng vẫn được duy trì như một hệ thống phân chia thứ bậc chính trị hoàng quyền, một hệ thống Công giáo được nhiều nước thần phục và đóng thuế tượng trưng. Trường hợp khác là Trung Quốc với hệ thống thần phục và triều cống chứ không có chủ quyền thực tế chính trị và lãnh thổ đối với các nước láng giềng. Hay như trường hợp phức tạp của Hoa Kỳ vẫn gây tranh cãi hiện nay.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Cấu trúc chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Một cấu trúc chính trị đế quốc có thể được thiết lập và duy trì theo hai cách:[6]

  • Chinh phục và kiểm soát trực tiếp bằng vũ lực: Phương pháp này cho phép chiếm dụng chặt chẽ hơn và kiểm soát chính trị trực tiếp hơn, nhưng hạn chế mở rộng lãnh thổ hơn nữa vì nó hấp thụ lực lượng quân sự đế quốc vào việc đóng quân cố định.
  • Cưỡng chế, bá quyền trong việc chinh phục và kiểm soát gián tiếp bằng quyền lực: Phương pháp thứ hai này chiếm dụng lỏng lẻo hơn và kiểm soát gián tiếp, nhưng ngược lại cho phép gia tăng khả năng quân sự lớn có thể dùng để tiếp tục mở rộng đế quốc hơn nữa.

Hình thức chính trị đế quốc

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hình thức nhà nước: 1) nhà nước đơn nhất như nhiều nước, Nga, Pháp, Nhật Bản,...; 2) liên bang: trường hợp Đế quốc Đức mặc dù thống nhất vào năm 1871, nhưng đó là một liên bang gắn kết nhiều quốc gia mà các tầng lớp quý tộc địa phương vẫn còn ảnh hưởng, do Vương quốc Phổ đứng đầu và quốc vương Phổ trở thành hoàng đế Đức, hoặc trường hợp liên bang khác là Hoa Kỳ, 3) liên minh: như Liên minh Delian, hay Đế quốc Tây Ban Nha ban đầu là liên minh gắn kết giữa Vương quốc CastileVương quốc Aragon vốn không thống nhất chính trị,[7]...
  • Hình thức chính phủ: quân chủ hay cộng hòa. Các trường hợp điển hình là Hà Lan đã nhiều lần thay đổi chế độ, nhưng vẫn đồng thời duy trì hệ thống thuộc địa hải ngoại. Hoặc trường hợp Đế quốc thuộc địa Pháp lần thứ nhất dưới chính quyền quân chủ của triều đại Bourbon, trong khi Đế quốc thuộc địa Pháp lần thứ hai diễn ra dưới chế độ cộng hòa. Đế quốc của La Mã trong thời cổ đại đã liên tục bành trướng từ thế kỷ 5 TCN - thế kỷ 1 TCN dưới chế độ cộng hòa và từ thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 5 dưới chế độ quân chủ, lãnh thổ đã không ngừng mở rộng và kết nối cho đến khi hoàn tất bao bọc Địa Trung Hải.

Cấu trúc lãnh thổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Về phạm vi và hình lãnh thổ, đế quốc có hai dạng chủ yếu:

  • Đế quốc tiếp giáp: là đế quốc mà phạm vi lãnh thổ mở rộng trên đất liền và có sự liên tục, nối dài các vùng đất chiếm được từ biên giới ban đầu.[8]
  • Đế quốc hàng hải: là đế quốc bao gồm tập hợp các lãnh thổ rời rạc trải rộng qua nhiều lục địa và đại dương. Việc xây dựng và bảo vệ phụ thuộc vào lực lượng hải quân hùng mạnh.[9]

Văn hóa-Xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Các đế quốc thường được hình thành từ nhiều thành phần dân tộc, đa quốc gia, đa dạng văn hóa và tôn giáo khác nhau.[10]

Nguồn gốc và lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Mục đích cơ bản của đế quốc và các cuộc chiến tranh chinh phục liên quan mở rộng phạm vi lãnh thổ, chiếm hữu của cải và tài nguyên, chiếm hữu nô lệ, duy trì hoạt động thương mại, trong đó bao gồm độc quyền thương mại, truyền giáo hoặc duy trì hệ thống trưng thu thuế và triều cống lên nhiều nước. Không chỉ chiếm dụng mà còn duy trì lâu dài việc chiếm dụng đó để phục vụ và duy trì sự thịnh vượng của đế quốc.

Mục đích riêng mỗi đế quốc trong quá trình bành trướng có thể khác nhau đôi chút từ mục đích cơ bản, do các điều kiện kinh tế-xã hội và lịch sử khác nhau.

Các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mở rộng đế quốc xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Công giáo. Trong bối cảnh nổi lên của Đế quốc Ottoman đã chiếm con đường sang phương Đông, mở rộng Hồi giáo và các cuộc tấn công lấn sâu vào châu Âu đang diễn ra trên vùng Balkan. Sứ mệnh truyền đạo Công giáo để cạnh tranh trở thành nhu cầu bức thiết. Bên cạnh đó, người Bồ Đào Nha, mà sau đó là Hà Lan đặc biệt chú trọng thương mại vì nhu cầu thịnh vượng, củng cố mạnh mẽ quốc gia trước các cường quốc ở châu Âu. Bồ Đào Nha do đất nước nhỏ bé và dân số ít hơn các nước châu Âu không cho phép họ khả năng lấn sâu vào châu Âu, buộc họ bành trướng hải ngoại, chiếm lấy những vùng đất lạc hậu mà khả năng quân sự và công nghệ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ có thể cho phép họ dễ dàng thực hiện hơn so với ở châu Âu. Còn trường hợp Hà Lan, họ được thôi thúc bởi nhu cầu củng cố thịnh vượng, là nhu cầu đảm bảo cho cuộc chiến tranh dài nhiều thập niên chống Tây Ban Nha để giành độc lập ở miền Bắc và sau đó là các tỉnh miền Nam.

Nước Pháp từ thế kỷ 17 đã đẩy mạnh bành trướng thuộc địa hải ngoại bởi nhu cầu xây dựng quyền lực và sự thịnh vượng khắp các lục địa, qua đó, thúc đẩy vinh quang và uy tín chính trị của triều đại Bourbon ở châu Âu.

Vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, theo cách lý giải của các nhà sử học Marxist, mở rộng của đế quốc liên quan đến chủ nghĩa thực dân, với động cơ kinh tế rõ ràng hơn, trong giai đoạn phát triển tột cùng của chủ nghĩa tư bản, các lý do của bành trướng đế quốc chủ yếu từ:

  • Thị trường.
  • Tài nguyên.
  • Lao động thuộc địa.

Thuộc địa là nơi cung cấp tài nguyên, là nơi tiêu thụ hàng hóa cùng nguồn nhân công rẻ mạt, và là nơi để đế quốc trút các gánh nặng của "khủng hoảng thừa". Từ đó thôi thúc các nước đế quốc chạy đua xâm lược và tranh giành thuộc địa trên khắp thế giới.

Ở một số nước đế quốc, động cơ xây dựng đế quốc đạt mức cực đoan, như trường hợp Đế chế Đức III, dưới chính quyền Đức Quốc xã. Mục tiêu cơ bản là Không gian sinh tồn, xâm chiếm các quốc gia Tây châu Âu, sau đó là Nga, chiếm đất đai dân tộc khác, thuyên chuyển, cưỡng bức họ di cư đến những vùng đất xa xôi, nô lệ hóa hoặc diệt chủng.

"Thực tế là các bộ tộc, dân tộc và các quốc gia đã tạo nên những quan điểm cho một nền tảng chính trị cơ bản, giúp giải thích tại sao đế quốc không thể bị giới hạn ở một địa điểm hay thời đại cụ thể mà đã xuất hiện và tái lập qua hàng ngàn năm và trên tất cả các châu lục".[11]

Những đế quốc đầu tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thế kỷ 24 trước Công nguyên (TCN), Đế quốc Akkad do vua Sargon Đại đế trị vì là một đế chế lớn đầu tiên trong lịch sử. Trong thế kỷ 15 TCN, Ai Cập bước vào thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập, dưới sự thống trị của pharaon Thutmose III. Đế chế đầu tiên có uy lực sánh ngang với La Mã trong giai đoạn sau là Đế quốc Assyria (2000 - 612 TCN). Ngoài ra, gần Đế quốc Assyria, người Media cũng có một "đế quốc" và chính họ đã chinh phạt luôn cả kinh thành Assyria với sự hỗ trợ của Đế quốc Tân Babylon. Cận kề với Đế quốc Media có đế quốc Lydia,[12] với ông vua giàu có nổi tiếng Kroisos.[13] Nhưng rồi Media bị vua chư hầu xứ Ba Tư là Cyrus Đại Đế tiêu diệt[14], và lập nên Đế quốc Ba Tư của nhà Achaemenes (550-330 TCN). Dưới sự chỉ huy của vua Cyrus Đại Đế, quân Ba Tư chinh phạt được Lydia và Babylon.[15] Ba Tư là một đế quốc vinh quang, rộng lớn và đa văn hóa, thâu tóm cả Lưỡng Hà, Ai Cập, một phần của Hy Lạp, xứ Thrace, phần còn lại là Trung Đông, nhiều khu vực tại Trung ÁPakistan, cho đến khi đế quốc này bị Alexandros Đại Đế đánh đổ và thay thế bằng Đế quốc Macedonia, nhưng rồi đế quốc này cũng yểu mệnh như ông.

Sự mở rộng lãnh thổ của các đế quốc thuộc địa Châu Âu

Sử dụng hoán dụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đế chế được dùng chỉ một doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn (ví dụ một công ty xuyên quốc gia), một tổ chức chính trị được kiểm soát bởi một cá nhân duy nhất (một ông chủ chính trị) hoặc một nhóm (các ông chủ chính trị).[16]

  1. ^ Ban đầu, Victoria xem xét danh hiệu "Empress of Great Britain, Ireland, and India" (Nữ hoàng Đại Anh, Ailen và Ấn Độ) nhưng thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã thuyết phục Victoria giới hạn danh hiệu ở Ấn Độ để tránh tranh cãi.[2]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Webster's Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language, Portland House, New York, 1989, tr. 468.
  2. ^ L. A. Knight, "The Royal Titles Act and India", The Historical Journal, Cambridge University Press, Vol. 11, No. 3 (1968), tr. 488
  3. ^ The Oxford English Reference Dictionary, Second Edition (2001), tr. 461, ISBN 0-19-860046-1
  4. ^ James, Paul; Nairn, Tom (2006). Globalization and Violence, Vol. 1: Globalizing Empires, Old and New. London: Sage Publications. tr. xxiii.
  5. ^ Taagepera, Rein (1979). “Size and Duration of Empires: Growth-Decline Curves, 600 B.C. to 600 A.D.”. Social Science History. 3 (3/4): 117. doi:10.2307/1170959. JSTOR 1170959.
  6. ^ Ross Hassig, Mexico and the Spanish Conquest (1994), tr. 23–24, ISBN 0-582-06829-0
  7. ^ Gibson 1966, tr. 4.
  8. ^ Howe 2002, tr. 35.
  9. ^ Howe 2002, tr. 66.
  10. ^ Howe, Stephen (2002). Empire. New York: Oxford University Press. tr. 15. ISBN 978-0-19-280223-1.
  11. ^ Jane Burbank and Frederick Cooper, Empires in World History: Power and the Politics of Difference, (Princeton & Oxford, Princeton University Press, 2010, tr 8.
  12. ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 1
  13. ^ Herodotus, George Rawlinson, The Histories, trang 258
  14. ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 42
  15. ^ Josef Wiesehöfer, Ancient Persia, trang 50
  16. ^ “Empire”. Oxford Dictionary Online. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2014.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Hoa thần Nabu Malikata - Kiều diễm nhân hậu hay bí hiểm khó lường
Hoa thần Nabu Malikata - Kiều diễm nhân hậu hay bí hiểm khó lường
Đây là một theory về chủ đích thật sự của Hoa Thần, bao gồm những thông tin chúng ta đã biết và thêm tí phân tích của tui nữa
Làm thế nào để hiểu thấu tâm lý người khác
Làm thế nào để hiểu thấu tâm lý người khác
Những câu truyện nhỏ này sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong nắm bắt tâm lý người khác
Noel nên tặng quà gì cho độc đáo
Noel nên tặng quà gì cho độc đáo
noel nên tặng quà gì cho bạn gái, giáng sinh nên tặng quà gì và kèm với đó là thông điệp cầu chúc may mắn, an lành đến cho người được nhận quà
Nhân vật Yuki Tsukumo - Jujutsu Kaisen
Nhân vật Yuki Tsukumo - Jujutsu Kaisen
Yuki Tsukumo là một trong bốn pháp sư jujutsu đặc cấp