Cao Điển

Cao Điển (1848 - 1896) hay Cao Điền[1], là một võ quan nhà Nguyễn và là một cộng sự đắc lực của Tống Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887-1892) chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Cao Điển sinh ngày 11 tháng 11 năm 1848 tại làng Trinh Sơn( thuộc xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) Khi bắt đầu tham gia phong trào Cần Vương tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), ông chỉ là một viên suất đội, sau thăng dần đến chức Đề đốc.

Năm 1886, ông và Sơn phòng sứ Tống Duy Tân nhận lệnh của thủ lĩnh Đinh Công Tráng đến Phi Lai (nay thuộc xã Hà Lai, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) lập căn cứ, nhằm hỗ trợ cho căn cứ chính là Ba Đình. Ngoài căn cứ Phi Lai trong sự nghiệp chung, ông còn theo Tống Duy Tân lập thêm một căn cứ nữa, đó là căn cứ Hùng Lĩnh, nằm ở vùng thượng nguồn sông Mã thuộc Vĩnh Lộc, tức nơi quê hương của Tống Duy Tân.

Đầu năm 1887, đông đảo quân Pháp kéo đến đàn áp dữ dội phong trào Cần Vương ở tỉnh này. Căn cứ Ba Đình và căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ...Trước tình thế hiểm nguy, Cao Điền và Tống Duy Tân bèn mang quân chạy lên Hùng Lĩnh, lập nên một trung tâm kháng chiến mới. Tuy nhiên, nghĩa quân Hùng Lĩnh chỉ mở được vài trận tập kích, thì bị thiếu tá Térillon dẫn quân đến vây đánh gắt.

Xét thấy lực lượng Hùng Lĩnh vừa gầy dựng bị cô thế và yếu sức hơn, Tống Duy Tân giao quyền chỉ huy lại cho Cao Điền, để đi ra Bắc rồi sang Trung Quốc tìm nguồn hỗ trợ và liên kết với các lực lượng kháng Pháp khác. Nghe lời tướng Tôn Thất Thuyết (lúc bấy giờ đang ở Quảng Đông), đầu năm 1889, Tống Duy Tân về lại quê nhà. Sau khi tập hợp lại lực lượng, Tống Duy Tân trở thành người tổng chỉ huy phong trào, thì Cao Điển và Cầm Bá Thước đều trở thành người phụ tá cho ông[2]. Kể từ đó Cao Điển và Tống Duy Tân luôn gắn bó với nhau để thúc đẩy mọi hoạt động của công cuộc kháng Pháp.

Sau khi bị nghĩa quân Hùng Lĩnh tập kích nhiều trận, bị thiệt hại đáng kể, quân Pháp bèn tập trung lực lượng mở cuộc truy quét quy mô nhằm tiêu diệt nghĩa quân Hùng Lĩnh. Vì vậy, nghĩa quân ngày càng lâm vào tình thế bị cô lập nên bị thiếu thốn về mọi mặt, nhất là sau trận Thanh Khoái xảy ra vào ngày 29 tháng 5 năm 1890.

Tháng 3 năm 1892, từ sông Đà, Đốc Ngữ dẫn quân vượt sông Mã vào Thanh Hóa. Sau khi bàn bạc, Cao Điển, Đốc Ngữ và Tống Duy Tân cùng hợp quân đi tấn công quân Pháp ở Niên Kỷ (nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Mặc dù thu được một số thắng lợi, nhưng cũng không thể nào cứu vãn được tình thế.

Hoạt động ở đây một thời gian ngắn, Đốc Ngữ dẫn quân trở lại mạn sông Đà[3]; còn Cao Điển và Tống Duy Tân, thì ở lại cầm cự một thời gian nữa. Nhưng trước cuộc bao vây và càn quét ngày càng ác liệt của đối phương, khoảng tháng 9 năm 1892, hai ông ra tuyên bố giải tán quân sĩ để tránh thêm thương vong [4].

Sau đó, Tống Duy Tân về ẩn náu ở hang Niên Kỷ, còn Cao Điển cùng một số thuộc hạ quyết chí theo thì đóng trên một ngọn đồi gần bên. Chẳng lâu sau, Cao Ngọc Lễ (vừa là học trò cũ, vừa là cháu kêu Tống Duy Tân bằng cậu) đi mật báo cho Pháp đến bủa vây và bắt được Tống Duy Tân vào ngày 4 tháng 10 năm 1892 [5].

Trước hôm đó một ngày (ngày 3 tháng 10), một toán quân Pháp khác gồm 30 người đi vây bắt Cao Điển. Hai bên đụng độ ác liệt. Nghĩa quân bị bắt 2, chết 6; nhưng Cao Điền đã kịp chạy thoát cùng bốn năm người với hai khẩu súng...

Không chiêu hàng được, Tống Duy Tân bị thực dân Pháp cho xử tử tại Thanh Hóa ngày 5 tháng 10 (âm lịch) năm Nhâm Thìn (1892)[6], lúc 55 tuổi. Đến đây, cuộc khởi nghĩa mà ông cùng đồng đội đã cố công gầy dựng coi như kết thúc.

Phần Cao Điền, trú ẩn ở đất Bắc được một thời gian, ông định đến với Hoàng Hoa Thám (thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Thế), nhưng vừa tới Bắc Giang thì đã bị quân Pháp bắt được vào ngày 16 tháng 1 năm 1896[7]. Quân giặc đã dùng mọi biện pháp dụ dỗ rồi tra tấn nhưng ông không chịu khuất phục. Ngày 28 tháng 12 năm 1896, ông bị xử trảm tại Cầu Hạc (nay thuộc TP.Thanh Hóa) cùng với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân khác. Nhân dân địa phương và gia đình đã đem xác ông về an táng tại cánh đồng Cồn Thần Ngừa - làng Trinh Sơn

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phạm Văn Sơn chép tên là Cao Điền.
  2. ^ Sách Việt sử tân biên (sách đã dẫn, tr, 137) chép Cao Điển và Cầm Bá Thước đều làm phụ tá cho Tống Duy Tân. Sách Lịch sử 11 thì ghi Tống Duy Tân và Cầm Bá Thước đều là lãnh đạo chính của cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh (tr. 253).
  3. ^ Về đến sông Đà, quân Đốc Ngữ còn chiến đấu thêm một vài tháng nữa thì tan rã hẳn, sau khi Đốc Ngữ bị quân Pháp sát hại vào ngày 7 tháng 8 năm 1892.
  4. ^ Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần, tr. 128.
  5. ^ Phần nhiều các sách sử trong đó có: Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1, tr. 128), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2. tr. 78) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 848) đều ghi theo ý này. Tuy nhiên theo nhà sử học Phạm Văn Sơn thì vì bị hăm dọa mà vợ của một viên thổ ty (khi trước có chứa chấp nghĩa quân) phải dẫn thiếu úy Hensxhell cùng 20 lính đi bắt sống Tống Duy Tân vào chiều ngày 4 tháng 10 năm 1892. Còn phần Cao Ngọc Lễ làm chỉ điểm, ông chỉ chú thích thêm là có sách chép như vậy (Việt sử tân biên, quyển 5, tập trung, tr. 141).
  6. ^ Ngày Tống Duy Tân hy sinh, chép theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 846.
  7. ^ Theo Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 5, tập trung, tr. 142.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn. 1963.
  • Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.
  • Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1. Nhà xuất bản Giáo dục, 1979.
  • Nhiều người soạn (Phan Ngọc Liên chủ biên). Lịch sử 11 (nâng cao). Nhà xuất bản Giáo dục, 2007.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Xilonen – Lối chơi, hướng build và đội hình
Xilonen – Lối chơi, hướng build và đội hình
Là một support với nhiều tiềm năng và liên tục được buff, Xilonen đã thu hút nhiều chú ý từ những ngày đầu beta
Tổ chức Blue Roses trong Overlord
Tổ chức Blue Roses trong Overlord
Blue Roses (蒼 の 薔薇) là một nhóm thám hiểm được xếp hạng adamantite toàn nữ. Họ là một trong hai đội thám hiểm adamantite duy nhất của Vương quốc Re-Esfying.
Tất tần tật về nghề Telesales
Tất tần tật về nghề Telesales
Telesales là cụm từ viết tắt của Telephone là Điện thoại và Sale là bán hàng
Phản ứng tăng cường Genshin Impact
Phản ứng tăng cường Genshin Impact
Trước tiên ta sẽ làm quen với phản ứng, khi ấn lôi + thảo sẽ tạo ra phản ứng và đưa quái vài trạng thái sinh trưởng