Sầm Sơn
|
|||
---|---|---|---|
Thành phố thuộc tỉnh | |||
Thành phố Sầm Sơn | |||
Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải: Bãi biển Sầm Sơn, đường lên đền Độc Cước, hòn Trống Mái, hoàng hôn tại chân núi Trường Lệ, đền thờ Tô Hiến Thành | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Bắc Trung Bộ | ||
Tỉnh | Thanh Hóa | ||
Trụ sở UBND | 505 đường Lê Lợi, phường Quảng Châu | ||
Phân chia hành chính | 8 phường, 2 xã | ||
Thành lập | |||
Loại đô thị | Loại III | ||
Năm công nhận | 2017[3] | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Lê Văn Tú | ||
Chủ tịch HĐND | Lương Tất Thắng | ||
Bí thư Thành ủy | Lương Tất Thắng | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 19°45′11″B 105°54′3″Đ / 19,75306°B 105,90083°Đ | |||
| |||
Diện tích | 44,94 km²[4] | ||
Dân số (2022) | |||
Tổng cộng | 129.801 người[4] | ||
Thành thị | 109.897 người (84,67%) | ||
Nông thôn | 19.904 người (15,33%) | ||
Mật độ | 2.888 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh,... | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 382[5] | ||
Mã bưu chính | 402xx | ||
Biển số xe | 36-AN | ||
Website | samson | ||
Sầm Sơn là một thành phố ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.
Thành phố Sầm Sơn được thành lập vào năm 2017 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Sầm Sơn theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội[2]. Thành phố hiện là đô thị loại III và là một địa điểm du lịch biển nổi tiếng tại Việt Nam.
Thành phố Sầm Sơn cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 16 km về phía đông, cách thủ đô Hà Nội 176 km về phía đông nam, có vị trí địa lý:
Thành phố Sầm Sơn có diện tích tự nhiên 44,94 km², là thành phố có diện tích nhỏ nhất cả nước, dân số năm 2022 là 129.801 người, mật độ dân số đạt 2.888 người/km².[4] Dân cư Sầm Sơn chủ yếu là người Kinh.
Sầm Sơn nằm trên vùng đồng bằng phù sa, độ cao dưới 50 mét.
Khoảng cách từ bãi biển Sầm Sơn tới các điểm du lịch biển lân cận khác như sau:
Trước thế kỷ 20, Sầm Sơn chưa xuất hiện trên bản đồ địa lý Việt Nam, vùng đất này thuộc huyện Quảng Xương và chỉ có dãy núi Gầm án ngữ phía nam vùng đất mà ngư dân đi biển quen gọi là Mũi Gầm, sau dần dần đổi thành núi Sầm (Sầm Sơn), địa danh này cũng còn được gọi là núi Trường Lệ (làng chân núi này cũng gọi là Làng Núi hay làng Trường Lệ). Từ năm 1907, người Pháp đã nhận thấy và bắt đầu khai thác giá trị du lịch của bãi biển Sầm Sơn để xây dựng thành nơi nghỉ mát phục vụ người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của du lịch Sầm Sơn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5 năm 1954), cảng Lạch Hới xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), Sầm Sơn được giao nhiệm vụ là điểm tập kết đón người dân, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (ngoài ra còn tập kết ở Cửa Hội, Nghệ An). Ngày 28 tháng 10 năm 2014, tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện này.
Trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945), vùng đất Sầm Sơn thuộc tổng Giặc Thượng, sau đổi là Kính Thượng, rồi Cung Thượng, tổng này gồm các xã:
Sau Cách mạng tháng Tám, vùng đất Sầm Sơn được đặt tên mới là xã Lương Niệm, thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 6 năm 1946, xã Lương Niệm được chia làm 2 xã: Sầm Sơn và Bắc Sơn. Xã Sầm Sơn gồm làng Núi (Sầm Thôn) và làng Giữa (Lương Trung); xã Bắc Sơn gồm làng Trấp, làng Hới, làng Trung, làng Triều, làng Vạn, làng Bến.
Tháng 11 năm 1947, sáp nhập 2 xã Sầm Sơn và Bắc Sơn thành xã Quảng Tiến thuộc huyện Quảng Xương.
Tháng 6 năm 1954, xã Quảng Tiến được chia thành 4 xã: Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Tường và Quảng Sơn.
Ngày 19 tháng 4 năm 1963, Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 50/CP thành lập thị trấn Sầm Sơn bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn.
Thị xã Sầm Sơn chính thức được thành lập ngày 18 tháng 12 năm 1981 theo Quyết định số 157-HĐBT trên cơ sở tách thị trấn Sầm Sơn và 3 xã: Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Tiến và xóm Vinh Sơn (xã Quảng Vinh) thuộc huyện Quảng Xương.[1]
Ngày 29 tháng 9 năm 1983, thành lập 2 phường: Bắc Sơn và Trường Sơn trên cơ sở giải thể thị trấn Sầm Sơn.[6]
Ngày 6 tháng 12 năm 1995, chuyển xã Quảng Tường thành phường Trung Sơn.
Ngày 8 tháng 12 năm 2009, chuyển xã Quảng Tiến thành phường Quảng Tiến.[7]
Từ đó, thị xã Sầm Sơn có 4 phường và 1 xã.
Ngày 23 tháng 4 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 378/QĐ-BXD công nhận thị xã Sầm Sơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.[8]
Ngày 15 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13.[9] Theo đó, mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn trên cơ sở sáp nhập 6 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại thuộc huyện Quảng Xương. Thị xã Sầm Sơn có 4 phường và 7 xã.
Ngày 27 tháng 2 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định công nhận thị xã Sầm Sơn mở rộng là đô thị loại III.[3]
Ngày 19 tháng 4 năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14.[2] Theo đó:
Sau khi thành lập, thành phố Sầm Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 8 phường và 3 xã.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025);[10] trong đó có việc thành lập xã Đại Hùng trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quảng Đại và Quảng Hùng.
Sau khi sắp xếp, thành phố Sầm Sơn có 8 phường và 2 xã như hiện nay.
Thành phố Sầm Sơn có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 8 phường: Bắc Sơn, Quảng Châu, Quảng Cư, Quảng Thọ, Quảng Tiến, Quảng Vinh, Trung Sơn, Trường Sơn và 2 xã: Đại Hùng, Quảng Minh.
Đơn vị hành chính | Phường Bắc Sơn |
Phường Quảng Châu |
Phường Quảng Cư |
Phường Quảng Thọ |
Phường Quảng Tiến |
Phường Quảng Vinh |
Phường Trung Sơn |
Phường Trường Sơn |
Xã Đại Hùng |
Xã Quảng Minh |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Diện tích (km²) | 1,73 | 8,00 | 6,43 | 4,69 | 3,00 | 4,74 | 2,33 | 4,11 | 6,05 | 3,87 |
Dân số (người) | 10.118 | 10.389 | 13.924 | 10.188 | 21.136 | 11.564 | 16.927 | 15.651 | 14.295 | 5.609 |
Mật độ dân số (người/km²) | 5.849 | 1.299 | 2.165 | 2.172 | 7.045 | 2.440 | 7.265 | 3.808 | 2.363 | 1.449 |
Hành chính | 6 tổ dân phố | 8 tổ dân phố | 10 tổ dân phố | 7 tổ dân phố | 11 tổ dân phố | 9 khu phố | 10 tổ dân phố | 9 tổ dân phố | 11 thôn | 5 thôn |
Nguồn: Phương án số 25/PA-UBND,[4] Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15.[10] |
Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Thành phố Sầm Sơn không những được quan chức người Pháp biết đến mà còn có vua quan nhà Nguyễn và khách du lịch biết đến như một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng với những bãi cát trắng mịn dài hơn 10 km, sóng đánh mạnh. Đây là một vùng trời nước mênh mông, nhiều hải sản quý và đặc biệt có dãy núi Trường Lệ với các thắng tích như hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, đền Độc Cước, chùa Khải Nam, rừng thông,...
Năm 1981, Sầm Sơn chỉ có gần 10 khách sạn, nhà nghỉ của các bộ, ngành. Cho đến năm 2022; Sầm Sơn có hơn 700 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 20.000 phòng tiêu chuẩn[11].
Năm 2016; lượng khách du lịch đến Sầm Sơn tăng đột biến, đạt 4,1 triệu lượt khách, vượt 9,3% so kế hoạch cả năm, tăng 11% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 2.855 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch, tăng 24% so vơi cùng kỳ. Kinh tế du lịch phát triển mạnh, góp phần đưa tốc độ phát triển kinh tế của thành phố tăng khá, đạt 17,3%, tăng 0,8% so kế hoạch.
Năm 2017, quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC được khánh thành đã thay đổi diện mạo của bãi biển Sầm Sơn. Dự án có quy mô 300ha với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng gồm các khách sạn 5 sao, sân golf, khu nghỉ dưỡng, bể bơi nước mặn,...
Năm 2022, Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Tính đến tháng 10 năm 2022, Sầm Sơn đón được 6.848.880 lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7 % kế hoạch năm.[12]
Hiện nay dự án Quảng trường Biển - Tổ hợp đô thị du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn của tập đoàn Sungroup đã được khởi công xây dựng nhằm mục tiêu đưa Sầm Sơn trở thành trung tâm kinh tế động lực, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đầu tư kết cấu hạ tầng, đô thị, phát triển du lịch trở thành trụ cột tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, tạo nền tảng vững chắc để sớm đưa thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của cả nước. Các sản phẩm của Sun Group sẽ góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch, giúp thu hút thêm dòng khách hạng sang, khách quốc tế đến với thành phố biển Sầm Sơn, kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp bao gồm các dự án tầm cỡ để qua đó cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thu hút thêm các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều công ăn việc làm với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung.
Núi Trường Lệ, còn được gọi là Sầm Sơn hay Núi Sầm, là dãy núi thấp nằm ven biển phía nam thành phố Sầm Sơn. Dãy núi này hiện được bao phủ bởi một diện tích rừng đặc dụng, được đánh giá là có cảnh quan thiên nhiên đẹp và là khu vực đa dạng về sinh học. Núi Trường Lệ gồm có 16 ngọn trên diện tích 150 ha, trong đó đỉnh cao nhất là Hòn Kèo chỉ cao 84,7 m so với mực nước biển.[13][14]
Năm 1962, khu vực Sầm Sơn gồm núi Trường Lệ, hòn Trống Mái, đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền Tô Hiến Thành được công nhận là di tích cấp quốc gia.[15] Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn.[16]
Nhà thờ Sầm Sơn tọa lạc tại số 121 Nguyễn Du, nhà thờ Sầm Sơn không chỉ là nơi hành lễ của giáo dân, nơi cầu an của các ngư dân theo đạo mà còn là một di tích lịch sử quan trọng của thành phố Sầm Sơn. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1920, theo kiến trúc Pháp giữa một không gian mở có khuôn viên rộng và nhiều cây xanh, mang đến cảm giác linh thiêng và lại rất thanh tịnh, yên bình.