Một phần của chuỗi bài về |
Chủ nghĩa tư bản |
---|
|
Chủ nghĩa tư bản thân hữu,[1] (tiếng Anh: crony capitalism, tiếng Pháp: le capitalisme de connivence), còn gọi là tư bản thân tộc, tư bản lợi ích nhóm, hay đôi khi là doanh nghiệp sân sau, là một khái niệm để chỉ các nhà tư bản phát triển kinh doanh dựa trên mối quan hệ khắng khít giữa họ và quan chức chính phủ. Sự thành công (hay thất bại) của doanh nghiệp bị lệ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào ơn huệ, ưu đãi của những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền dành cho doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp thân với họ. Do đó, mối quan hệ với những người cầm quyền là tối quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại của các doanh nghiệp này, chứ không phải là nhờ cạnh tranh thành công trên thương trường và tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp. Những hình thức ưu đãi, trợ giúp của thành viên chính quyền bao gồm: chính sách thuế ưu đãi, những khoản trợ giúp (đầu tư) từ ngân sách, hoặc những hình thức trợ giúp kín đáo khác được thiết kế riêng dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp bên ngoài khác không thể tiếp cận được. Điển hình cho khái niệm này là các Chaebol tại Hàn Quốc, Zaibatsu và Keiretsu tại Nhật Bản, Tơ-rớt tại Hoa Kỳ.
Những kinh tế gia theo trường phái ủng hộ thị trường tự do lẫn ủng hộ kế hoạch hóa nền kinh tế đều có những quan niệm đối nghịch, chỉ trích lẫn nhau khi luận bàn về nguyên nhân, nguồn gốc của tình trạng nền kinh tế bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Trường phái ủng hộ kế hoạch hóa luôn tin rằng chủ nghĩa tư bản thân hữu là hệ quả của chủ nghĩa tư bản thuần túy. Niềm tin này được dựa trên quan niệm rằng những người nắm quyền lực trong tay (bất kể là chính phủ hay doanh nghiệp) đều muốn duy trì quyền lực này và cách duy nhất để đảm bảo duy trì quyền lực là tạo ra những mạng lưới liên kết giữa chính phủ và doanh nghiệp thân hữu để hỗ trợ lẫn nhau.
Trong khi đó, trường phái ủng hộ thị trường tự do thì tin rằng chủ nghĩa tư bản thân hữu đã thoát thai từ việc nhà nước kiểm soát tuyệt đối và nắm quyền quản lý đối với các nguồn tư bản, tài nguyên quan trọng của quốc gia. Nhà nước thể hiện quyền kiểm soát và quyền quản lý của mình bằng cách chi phối các tập đoàn kinh tế bằng nhiều hình thức ưu đãi, thuế, trợ giúp khác nhằm đạt được các mục đích của các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Việc nhà nước nắm quá nhiều nguồn lực khiến các doanh nghiệp tư nhân phải sử dụng các mối quan hệ với nhà nước để khai thác các nguồn lực do nhà nước nắm giữ. Từ đó hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu ngăn cản thị trường tự do phát huy tác dụng tích cực của nó.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người thì tình hình lợi ích nhóm ở Việt Nam đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch.[2] Theo Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, trong hoạt động ngân hàng, “lợi ích nhóm” rất rõ thông qua sở hữu chéo, quản lý rủi ro lỏng lẻo. Những tổ chức tín dụng này bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo ngân hàng. Nhóm cổ đông này lợi dụng ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình, dẫn đến nợ xấu.[3]
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |