Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Khalip (tiếng Ả Rập ⓘ, tiếng Anh: caliph, tiếng Pháp: calife) là vị chức sắc cao nhất đối với tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Trong nhiều thế kỷ, khalip cũng giữ vai trò hoàng đế chung của tất cả các nước mà Hồi giáo là quốc đạo.
Về mặt tôn giáo, so với chức giáo hoàng của Công giáo Rôma thì khalip có ít quyền hơn, chẳng hạn như không có quyền phong thánh. Khalip cũng không được phép sửa đổi giáo điều hay giáo luật nên gọi là "giáo chủ" cũng không được thích hợp lắm.
Giới học giả Việt Nam vốn chưa quan tâm nhiều đến lịch sử các quốc gia Hồi giáo, mà các từ điển thường thức Âu Mỹ cũng không định nghĩa rõ ràng hoặc chưa đúng lắm, nên trong các từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt, danh từ caliph/calife thường được dịch là "quốc vương", "vua" hoặc đôi khi là "hoàng đế" kèm thêm "ở một nước Hồi giáo" hay "ở các nước Hồi giáo". Trong các tình huống thông thường, cách dịch này thỏa mãn nhu cầu của người dùng từ điển.
Nhưng để tìm hiểu lịch sử các nước như Ai Cập, Syria, Iraq, Iran, Maroc v.v. trong giai đoạn từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 hoặc sau nữa, thì các danh từ này dễ gây hiểu lầm một số sự kiện. Nhất là vào những giai đoạn mà vừa có khalip, vừa có sultan, mà danh từ sultan cũng thường được các từ điển dịch là "hoàng đế", "quốc vương", "vua" kèm thêm "ở Thổ Nhĩ Kỳ", hay "ở các nước Hồi giáo".
Sau đây là mô hình phong kiến của các nước Hồi giáo xưa:
Một số sultan cũng không thần phục khalip, nhưng không tranh chức với những người này.
Ngoài ra, trong thời gian các khalip tồn tại (632 – 1922), các lãnh tụ quốc gia trong các xứ Hồi giáo cũng được gọi theo các tước hiệu khác như:
Danh từ خليفة Khalīfah tiếng Ả Rập có nghĩa là "người đại diện" hoặc "người nối nghiệp". Sau khi thiên sứ Muhammad của đạo Hồi qua đời, những người nối nghiệp của ông được gọi là "Khalifat Rasul Allah", nghĩa là "Người đại diện/nối nghiệp khâm sai của Thượng đế", lâu ngày gọi tắt thành khalīfah, người châu Âu gọi trại thành caliph/calife.
Khalip cũng thường được gọi là:
Riêng cụm từ "Amir al-Mu'minin" rất thông dụng trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm khi kể về các thần dân gọi khalip. Cụm từ này thường được dịch sang tiếng Việt là "Người dẫn dắt các tín đồ".
Bốn vị khalip đầu tiên được coi là chính thống vì được đa số chi phái công nhận. Trong tiếng Ả Rập họ được gọi là "Rashidun"[2] ("được dẫn dắt đúng đắn") vì được tin là những người tuân theo đúng kinh Koran, và làm đúng theo đường lối cư xử (sunnah) của nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi. Bốn vị khalip này là:
Các vị khalip này đều đóng đô ở Medina, trên lãnh thổ nguyên thủy của người Ả Rập, ngoại trừ vị khalip cuối là Ali dời đô tới Kufa (ngày nay thuộc Iraq).
Đến khalip Ali thì có sự chia rẽ, vùng Iraq và Iran ngày nay theo khalip Ali, từ Syria trở về tây thì theo tổng đốc Syria là Mu'Awiya. Sau cái chết của khalip Ali năm 661, Mu'Awiya thống nhất lãnh thổ và lập nhà Omeyyad.
Nhà Omeyyad, (cũng viết là "Umayyad") bỏ tuyển cử, truyền ngôi theo phụ hệ, và dần dần biến quốc gia Hồi giáo thành đế quốc Ả Rập. Lãnh thổ tiếp tục bành trướng đến Trung Á, đồng bằng sông Ấn ở phía đông và Tây Ban Nha ở phía tây. Đó là triều đại khalip có lãnh thổ rộng lớn nhất.
Hệ phái Shia, của những người tuyệt đối trung thành với khalip Ali, tuy sống dưới sự cai trị của nhà Omeyyad, nhưng không coi nhà này là chính thống. Hệ phái Sunni, tuy rất quý mến khalip Ali, nhưng vẫn tạm công nhận nhà Omeyyad. Do sự công nhận của hệ phái Sunni, với khoảng 90% tín đồ, nhà Omeyyad được coi là có độ chính thống cao, và được xếp nối tiếp theo bốn vị khalip kể trên.
Nhà Omeyyad đóng đô ở Damas, nay là thủ đô Syria. Từ thời nhà Omeyyad trở đi, do sự truyền ngôi theo phụ hệ, nhiều khalip chỉ là những ông vua thừa hưởng ngôi báu của cha ông, mà không có tác phong của một nhà lãnh đạo tinh thần. Chức khalip tuy có người xưng, và thường có tranh chấp, nhưng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dân thì thực sự ít khi có ai làm.
Nhà Abbas nổi lên, đánh bại và thay thế nhà Omeyyad. Thời này đế quốc Ả Rập được một thời hoàng kim của thanh bình, thịnh trị và văn minh vào đời các khalip Al-Mansur, Harun Al-Rashid và Al-Mamun.
Thiếu người tài năng lãnh đạo, nhà Abbas suy dần. Các quan tổng đốc tỉnh dần dần trở thành các triều đại cha truyền con nối, và thôn tính lẫn nhau. Ở một cấp bậc thấp hơn, các 'êmia' cũng ngày càng tự lập. Vào đầu thập niên 940, loạn lớn, nhà Abbas tưởng đã mất ngôi, nhưng có ba anh em nhà Buya đứng ra dẹp loạn và vãn hồi an ninh. Nhà Buya được phong chức Đại Êmia và từ đó nắm thực quyền trong triều. Nhà Abbas bị nhà Buya thao túng như tình cảnh vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam.
Khoảng năm 1055, một thủ lĩnh người Thổ Nhĩ Kỳ là Toghrul Bey[3] chinh phục được nhiều nước ở Trung Á, Afghanistan, Pakistan và Iran. Nhà Abbas đón ông vào Bagdad, diệt nhà Buya, và phong ông chức Sultan. Từ đó chức sultan giữ vai trò trên phò khalip, dưới thống lĩnh chư hầu. Tại Bagdad, các sultan cũng kế tục các đại êmia trong thói quen áp chế khalip.
Từ năm 1096, những lớp Thập Tự Quân từ châu Âu sang chiếm nhiều vùng đất ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Palestin, và từ đó mở những cuộc tấn công vào Iraq và Ai Cập. Đến thập niên 1170, Saladin thống nhất được Ai Cập, Palestin và Nam Syria và quy tụ được các chư hầu chống với Thập Tự Quân. Ông được khalip nhà Abbas phong chức sultan. Đến thập niên 1190, vua xứ Delhi miền bắc Ấn Độ cũng lấy chức sultan.
Năm 1258, quân Mông Cổ, do Húc Liệt Ngột (Hulagu) thống lĩnh, vào chiếm Baghdad và chấm dứt nhà Abbas.
Năm 1260, bước tiến của Mông Cổ bị sultan xứ Ai Cập chặn đứng trên đất Palestin trong trận Ain Jalut. Năm sau, một hậu duệ của nhà Abbas là Ahmad al-Mustansir được rước về tôn làm khalip ở Cairo. Nhà Abbas lại tiếp tục được hơn 250 năm nữa. Nhiều sử gia gọi nhà Abbas trong giai đoạn này là "triều đại bóng mờ". Trong thời gian này, các vị khalip chỉ còn giữ vai trò về dẫn đầu nghi lễ và một ít vấn đề tôn giáo.
Năm 1517, sultan xứ Thổ Nhĩ Kỳ là Selim I chiếm Ai Cập, và đem vị khalip cuối cùng của Cairo về thủ đô Constantinopolis.
Năm 1299, nhà Ottoman lập quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, có các vua xưng sultan. Họ nhanh chóng trở thành một triều đại hùng mạnh, có lãnh thổ trên hai châu Á-Âu. Mehmed II (1451 - 1481) chiếm được Đông La Mã và đã tự xưng là khalip trong khi "triều đại bóng mờ" còn tồn tại ở Ai Cập. Nhưng đến năm 1517, tại Constantinopolis, khi Selim I ép vị khalip cuối cùng của nhà Hậu Abbas là Al-Mutawakkil III nhường ngôi cho mình thì chức khalip nhà Ottoman mới được hợp thức hóa.
Tuy nhiên, nhà Ottoman không dùng tước hiệu khalip một cách liên tục. Các vị vua của triều đại này dùng các tước hiệu Padishah ("Vương Chủ" theo tiếng Ba Tư) và "Đại Sultan" đều đặn hơn.
Theo học giả Barthold, lần đầu tiên chức khalip nhà Ottoman được một thế lực lớn nước ngoài công nhận là năm 1774. Năm ấy, khalip nhà Ottoman là Abdul Hamid I ký hoà ước với đế quốc Nga, và nhượng cho đế quốc Chính thống giáo phương Đông này nhiều vùng đất đông tín đồ Hồi giáo như Krym phía bắc Biển Đen. Bù lại, đế quốc Nga công nhận ông là người bảo vệ cho các tín đồ Hồi giáo trên đất Nga.
Từ khoảng năm 1780, nhà Ottoman đã yếu so với các đế quốc châu Âu, nhưng lại là thế lực độc lập mạnh nhất của người Hồi giáo. Chức khalip của Abdul Hamid II được tín đồ Hồi giáo tại Ai Cập, Ấn Độ và Trung Á công nhận.
Năm 1922, đế quốc Ottoman sụp đổ, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Ngày 3 tháng 3 năm 1924, tại Hội nghị Đại quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ, theo lệnh của tổng thống Mustafa Kemal Atatürk, chức khalip bị tuyên bố bãi bỏ.
Từ 1924 đến nay, một số đoàn thể và cá nhân tín hữu Hồi giáo vẫn kêu gọi sự tái lập chức vị khalip.[4]
Mặc dù tính cách chính thống của các triều đại sau đây, theo lẽ công bình, có thể không kém gì các triều đại kể trên, nhưng họ chỉ được số ít tín đồ Hồi giáo và thế lực nước ngoài công nhận.
Năm 909, thủ lĩnh Said ibn Husayn nổi lên ở Bắc Phi, xưng là khalip và là hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi qua người con gái út tên là Fatima. Triều đại của ông lập ra do đó mang tên là nhà Fatimid. Vài mươi năm sau, lãnh thổ nhà Fatimid bao gồm Maroc, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập, Palestin, Syria và miền tây của bán đảo Ả Rập, trong đó có hai thánh địa chính của Hồi giáo là Mecca và Medina. Sau đó, nhà Abbas chiếm lại được các đất ở châu Á, nhưng nhà Fatimid vẫn giữ được Ai Cập và Bắc Phi.
Nhà Fatimid ít được công nhận vì họ chống lại nhà Abbas, một triều đại đã lập lên từ hơn một thế kỷ trước và đã được lòng dân. Lý do quan trọng khác là họ thuộc phái Ismaili, một chi nhánh ít tín đồ trong hệ phái Shia, mà hệ Shia cũng chỉ chiếm khoảng 8% trên tổng số tín đồ Hồi giáo.
Nhà Fatimid đã ra lệnh xây thành phố Cairo và đã có nhiều đóng góp cho nền văn minh thế giới.
Năm 750, một hoàng tôn của nhà Omeyyad, ông Abd-al-Rahman, thoát khỏi cuộc tàn sát của nhà Abbas và sau một cuộc hành trình nhiều gian lao, ông đến được Tây Ban Nha. Tại đấy ông lập được một tiểu quốc năm 756 mà ông xưng là êmia Abd-al-Rahman I. Năm 929, hậu duệ của ông là Abd-al-Rahman III xưng là khalip.
Triều đại này đóng đô tại Cordoba nên được gọi là nhà Omeyyad ở Cordoba. Một ít tài liệu cũng gọi là nhà Rahman.
Lãnh thổ của triều đại này về tổng thể chỉ giới hạn trong bán đảo Tây Ban Nha, nên không được nhiều người công nhận là khalip.
Năm 1145, Abd al-Mu'min giết vị vua cuối cùng của nhà Almoravid là Ishaq ibn Ali, chấm dứt nhà Almoravid. Ông sau đó xưng làm khalip, đóng đô tại Marakesh. Không giống các triều đại Hồi giáo khác, các khalip nhà Almohad không tự xưng là hậu duệ của Muhammad, nguồn gốc của họ vốn là người Berber. Họ cai trị Ma-rốc từ năm 1145 đến khi vị khalip cuối cùng là Idris II bị ám sát vào năm 1269.
Rất nhiều cá nhân đã tự xưng là khalip, nhưng việc tự xưng này không được công nhận hoặc biết đến ngoài vùng kiểm soát của họ. Phần lớn họ là những thủ lĩnh của những cuộc nổi dậy, và đã chết khi cuộc nổi dậy của họ bị dập tắt. Những người nổi tiếng nhất là: