Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Bài viết hoặc đề mục này có chứa thông tin về công trình hoặc cấu trúc đã được dự kiến trong tương lai. Một vài hoặc toàn bộ thông tin này có thể mang tính suy đoán, và nội dung có thể thay đổi khi việc xây dựng được bắt đầu. |
Khu công nghệ cao Hòa Lạc (tiếng Anh: Hoa Lac Hi-Tech Park, HHTP) là một khu công nghệ cao đã và đang được xây dựng trên địa bàn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Khu công nghệ cao này tọa lạc tại đầu tây đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, cách đường vành đai 3 thành phố Hà Nội 30 km về phía tây, cách sân bay quốc tế Nội Bài 47 km và cảng Hải Phòng trên 130 km.[1]
Nhằm giải quyết các nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ sau thời kỳ Đổi Mới, khu CNC Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 10 năm 1998, trên một khu vực rộng 1.586 ha, trải trên 4 xã Thạch Hòa, Tân Xã, Hạ Bằng và Đồng Trúc của huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (xã Thạch Hòa mới xuất hiện năm 1995, được tách ra từ phần đất trồng trọt và bỏ hoang phía Tây của 3 xã còn lại).
Khu CNC này nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai – Hoà Lạc – Sơn Tây, vốn đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 372/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 6 năm 1997.[2]
Quy hoạch của khu được điều chỉnh hai lần sau đó, một lần được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008, lần khác vào năm 2016 theo Quyết định số 899/QĐ-TTg.
Việc tập trung vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay đối với việc thu hút đầu tư vào Khu. Hạ tầng chính trong khu đã, đang và sẽ được xây dựng từ hai nguồn vốn chính là nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Đối với phần hạ tầng đầu tư bằng nguồn ngân sách, hiện nay Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tập trung hoàn thành các dự án hạ tầng để đưa vào sử dụng. Đến nay, về cơ bản giao thông đã nối được với đường gom của Đại lộ Thăng Long và có hệ thống trục đường vào các khu chức năng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã xây dựng xong và đang tiến hành vận hành thử nhà máy xử lý nước thải công suất 6.000 m3/ngày/đêm và đã hoàn thành 70% khối lượng việc lắp đặt mạng lưới thu gom nước thải của Giai đoạn I.
Để đảm bảo một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc. Ngày 18/3/2010, công tác thiết kế kỹ thuật bắt đầu được triển khai với số vốn vay là 1,005 tỷ Yên tại Hiệp định vay VNXVII-10. Ngày 30/3/2012, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hiệp định vay thứ nhất cho giai đoạn xây dựng với trị giá là 15,218 tỷ Yên Hạ tầng. Theo dự kiến tổng số vốn vay cho công tác xây dựng là khoảng 28 triệu Yên và dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2018, đem lại một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ của Khu.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học, với đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Khu bao gồm những vùng chức năng chính như sau:
Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án trọng điểm của quốc gia, chính vì vậy nhà đầu tư vào Khu được hưởng những ưu đãi đặc biệt so với các khu khác trong cùng địa bàn. Các chính sách ưu đãi về đầu tư như sau:
Thuế suất |
Thời gian |
0% |
04 năm (từ năm đầu tiên phát sinh thu nhập chịu thuế) |
5% |
09 năm tiếp theo của dự án |
10% |
02 năm tiếp theo của dự án |
20 % |
thời gian còn lại của dự án |
Tính đến tháng 12/2016, tại Khu CNC Hòa Lạc hiện có 78 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 60.018,97 tỷ đồng, trên diện tích 346,56ha với khoảng 11.000 người lao động và học tập. Trong đó có các dự án lớn như: dự án Trường Đại học FPT (diện tích 30ha, vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng) và dự án Khu phần mềm (diện tích 6,4ha, vốn đăng ký 924 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Công nghệ FPT, dự án Trung tâm CNC Viettel (diện tích 1,4ha, vốn đăng ký 495 tỷ đồng) và Tổ hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo sản xuất thiết bị viễn thông (diện tích 9,1 ha, vốn đăng ký 2.080 tỷ đồng) của Tập đoàn Viettel, dự án Trung tâm vũ trụ (diện tích 7,4 ha, vốn đăng ký 12.300 tỷ đồng) sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản,...
Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng của Quốc gia cũng đang trong quá trình chuẩn bị triển khai hoạt động như: Dự án Nhà máy in tiền của Ngân hàng Nhà nước, dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (gọi tắt là V-KIST, trên diện tích 20 ha) sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc đang trình Quốc hội cơ chế hoạt động, Dự án Trường Đại học Việt – Nhật (23,4 ha) của Đại học Quốc gia Hà Nội và dự án Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (65 ha) sử dụng vốn vay ADB của Chính phủ Pháp cũng đã được xác định địa điểm đầu tư và đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện.
Mặc dù vậy, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, một số dự án đã không thể triển khai như đã cam kết. Cho đến nay Ban Quản lý đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, trong đó có 4 dự án ĐTNN và 13 dự án trong nước. Một số dự án cũng đã chậm tiến độ và Ban Quản lý đang tiến hành các thủ tục để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.