Khu tự quản (tiếng Anh: municipality, tiếng Pháp: municipalité) thông thường là một phân cấp hành chính tại đô thị có địa vị hội đồng tự quản và thường thường có quyền lực của một chính quyền tự quản hay thẩm quyền tự quản. Trong tiếng Anh, thuật từ municipality cũng được sử dụng để chỉ cơ quan chính quyền của một khu tự quản.[1] Khu tự quản có thể là đô thị hay nông thôn và là địa khu dành cho mục đích tổng thể (general-purpose district), khác biệt với các loại địa khu dành cho mục đích đặc biệt (special-purpose district), ví dụ như khu học chánh là địa khu đặc biệt dành cho mục đích giáo dục, khu bưu chính là địa khu đặc biệt dành cho dịch vụ thư tín, khu quốc hội là địa khu đặc biệt dành cho mục đích bầu cử một đại biểu quốc hội. Thuật từ tiếng Anh "municipality" được lấy từ tiếng Pháp "municipalité" và tiếng Latin "municipalis".[2]
Thuật từ tiếng Anh "Municipality" được lấy từ khế ước xã hội Latin "Municipium", có nghĩa là những người nắm trọng trách nhằm ám chỉ đến các cộng đồng Latin cung cấp binh sĩ cho La Mã để đổi lấy sự hợp nhất cộng đồng của mình vào trong quốc gia La Mã (ban quyền công dân La Mã cho các cư dân) trong khi đó La Mã vẫn cho phép các cộng đồng này giữ lại chính quyền địa phương của mình (quyền tự trị giới hạn).
Thuật từ "khu tự quản" là thuật từ chung chung, và có thể mô tả bất cứ thẩm quyền chính trị nào từ một quốc gia có chủ quyền như Công quốc Monaco hay một ngôi làng nhỏ như West Hampton Dunes, New York.
Lãnh thổ mà một khu tự quản có thẩm quyền trong đó có thể bao gồm:
Tại một số quốc gia như Phần Lan, tất cả đất đai phải thuộc một khu tự quản. Ngược lại, tại các quốc gia khác, khu tự quản chỉ bao gồm một nơi định cư đơn độc và phần còn lại trở thành phần đất chưa hợp nhất mà có thể có dân số đáng kể, ví dụ như các làng được một quận trực tiếp quản lý. Các khu tự quản có thể được chia thành một số loại phân cấp nhỏ nữa, ví dụ như các thành phố, thị trấn hay khu tự quản nông thôn có thể được chia thành các phân cấp hành chính bậc thấp hơn.
Quyền lực của các khu tự quản có tầm mức từ gần như tự trị đến hoàn toàn dưới quyền của quốc gia. Các khu tự quản có thể có quyền đánh thuế cá nhân và công ty bằng thuế lợi tức, thuế bất động sản và thuế lợi tức công ty nhưng cũng có thể nhận được nguồn quỹ đáng kể từ quốc gia.
Tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, một khu tự quản là một phân cấp hành chính nhỏ nhất có đại biểu được bầu lên một cách dân chủ. Các khu tự quản đôi khi được gọi là "xã" (Ví dụ như commune của Pháp, ayuntamiento của Tây Ban Nha, comune của Ý, comună của România, kommun của Thụy Điển, kommune của Na Uy/Đan Mạch và Kommune của Đức).
Thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam được xem là một dạng khu tự quản, có địa vị ngang bằng một tỉnh. Việt Nam hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.