Chủ nghĩa tư bản và tâm thần phân liệt: Phản-Ơđíp | |
---|---|
Capitalisme et schizophrénie L'anti-Œdipe | |
Thông tin sách | |
Quốc gia | Pháp |
Ngôn ngữ | Tiếng Pháp |
Chủ đề | |
Nhà xuất bản | Les Éditions de Minuit |
Ngày phát hành | 1972 |
Kiểu sách | In ấn (Bìa cứng và bìa mềm) |
Số trang | 494 (ấn bản tiếng Pháp) 400 (ấn bản tiếng Anh của NXB Đại học Minnesota) |
Cuốn sau | Ngàn cao nguyên (1980) |
Capitalisme et schizophrénie: L'anti-Œdipe (tiếng Việt: Chủ nghĩa tư bản và tâm thần phân liệt: Phản-Ơđíp) là một chuyên luận triết học năm 1972 được viết bởi triết gia người Pháp Gilles Deleuze và nhà phân tâm học người Pháp Félix Guattari. Đây là tập sách đầu tiên thuộc công trình Capitalisme et schizophrénie (Chủ nghĩa tư bản và tâm thần phân liệt) hợp tác giữa hai học giả. Tập còn lại có nhan đề Mille plateaux (Ngàn cao nguyên), xuất bản vào năm 1980.
Trong tác phẩm này, Deleuze và Guattari phát triển các khái niệm và các lí thuyết xoay quanh schizoanalyse (phân tích tâm thần phân liệt) — một thực hành phê phán theo nghĩa rộng xuất phát từ quan điểm tâm thần phân liệt và loạn thần, cũng như từ diễn trình xã hội mà chủ nghĩa tư bản đã dấy lên. Họ đặt các lĩnh vực phân tâm học, kinh tế học, nghệ thuật, văn học, nhân chủng học và lịch sử vào trong sự suy xét tương quan với những khái niệm ấy.[1] Đối lập với cách dùng đương đại các thuật ngữ của Sigmund Freud, họ đã dựng lên một khung lí thuyết "tâm thần duy vật" dựa trên vô thức được nhìn nhận như sự tổng hợp các quá trình sản xuất ham muốn, kết hợp khái niệm của họ về sự sản xuất-ham muốn có liên quan đến các bộ máy-ham muốn và cơ-thể-không-cơ-quan, và tái áp dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx nhằm bày ra các chi tiết của các tổ chức khác nhau của sự sản xuất xã hội, "các bề mặt ghi nhận", lập trình, sự lãnh thổ hóa và hành động "khắc ghi". Khái niệm ý chí hùng cường và vĩnh cửu luân hồi của Friedrich Nietzsche cũng có vai trò đáng kể trong thuật schizoanalyse của Deleuze và Guattari.
Deleuze và Guattari cũng rút ra nhiều ý tưởng, đồng thời cũng chỉ trích, các triết lý của nhiều vị triết gia như: Spinoza, Kant, Charles Fourier, Charles Sanders Peirce, Carl Jung, Melanie Klein, Karl Jaspers, Lewis Mumford, Karl August Wittfogel, Wilhelm Reich, Georges Bataille, Louis Hjelmslev, Jacques Lacan, Gregory Bateson, Pierre Klossowski, Claude Lévi-Strauss, Jacques Monod, Louis Althusser, Victor Turner, Jean Oury, Jean-François Lyotard, Michel Foucault, Frantz Fanon, R. D. Laing, David Cooper, và Pierre Clastres.[2]
Hơn nữa, họ cũng lấy cảm hứng từ nhiều tác giả và nghệ sĩ thể hiện quan điểm tâm thần phân liệt trong các tác phẩm của họ, như là "tổng thể những cỗ máy-ham muốn sản xuất và tái sản xuất",[3] chẳng hạn Antonin Artaud, Samuel Beckett, Georg Büchner, Samuel Butler, D. H. Lawrence, Henry Miller, Marcel Proust, Arthur Rimbaud, Daniel Paul Schreber, Adolf Wölfli, Vaslav Nijinsky, Gérard de Nerval và J. M. W. Turner.[2]
Khái niệm "phân tích tâm thần phân liệt" của Deleuze và Guattari là một lối phân tích xã hội và chính trị nhằm đối đáp những gì họ coi là khuynh hướng phản động của phân tâm học. Họ đề xuất một đánh giá chức năng về sự đầu tư trực tiếp của ham muốn - dù theo khuynh hướng cách mạng hay phản động đi chăng nữa - vào một lĩnh vực xã hội, sinh học, lịch sử và địa lý.[4] Deleuze và Guattari nêu bốn luận đề tâm thần phân liệt sau đây:
Trái ngược với quan niệm phân tâm học, phân tích tâm thần phân liệt giả định rằng dục năng không cần được phi-tình dục hóa, thăng hoa hoặc biến thái để đầu tư vào các yếu tố kinh tế hoặc chính trị. "Sự thật là," Deleuze và Guattari giải thích, "tình dục ở khắp mọi nơi: trong cái cách mà một quan chức mơn trớn hồ sơ của mình, một thẩm phán đưa ra công lý, một doanh nhân lưu thông dòng tiền, [cái cách mà] giai cấp tư sản địt giai cấp vô sản, v.v. [...] Hiệu kỳ, quốc gia, quân đội, ngân hàng khiến rất nhiều người thấy nứng."[phụ chú 1][8] Nếu sử dụng thuật ngữ Mácxít, ham muốn chính là một phần cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, không phải kiến trúc thượng tầng ý thức hệ có tính chủ quan.