Lễ hội đua ghe | |
---|---|
Tên chính thức | Bon Om Thook, Bon Om Touk |
Tên gọi khác | Lễ hội nước |
Cử hành bởi | Người Khmer |
Kiểu | Lễ hội Phật giáo, Lễ hội của người Khmer, Lễ hội văn hóa dân gian |
Bắt đầu | trăng tròn vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 |
Kết thúc | kéo dài 3 ngày |
Hoạt động | dâng bông lên chùa, dâng y cà sa, đua ghe, đút cốm dẹp trong lúc cúng trăng |
Liên quan đến | Ok om bok, Lễ hội hoa đăng Thái Lan |
Tần suất | thường niên |
Lễ hội Bon Om Touk (Khmer: បុណ្យអុំទូក, IPA: [bon om tuːk], còn gọi là Lễ hội nước, lễ hội đua ghe, Um-tuk) tại Campuchia bắt nguồn từ rất lâu trong lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào đúng lúc nước sông Mê Kông bắt đầu chu kỳ cạn của nó. Có rất nhiều nơi tổ chức lễ hội đua ghe nhưng tập trung đông nhất là lễ hội tổ chức tại thủ đô Phnom Penh trên sông Tonle Sap (có nghĩa là sông ngọt) ngay phía trước mặt Cung điện Hoàng Gia Campuchia. Đây cũng chính là thời điểm duy nhất trong năm Tonle Sap có hiện tượng đổi dòng chảy của nó. Lễ này được tổ chức vào dịp trăng tròn vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, và thường kéo dài 3 ngày, còn gọi là lễ dâng bông lên chùa hay lễ dâng y cà sa hay là lễ Kathina.[1][2]
Ngày thứ hai của lễ hội là ngày Og Ambok (Ok om bok, nghĩa là đút cốm dẹp), thường là vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, và liên quan đến việc thờ cúng Mặt trăng.[3]
Lễ hội đua ghe (Um-tuk) diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 11 trùng với cuối mùa mưa. Vào thời điểm này, nước trong các hồ và đầm lầy tràn ngập, tạo ra các cánh đồng nước mênh mông bồi đắp phù sa cho vụ mùa sắp tới. Khi nước sông Mê Kông dâng lên vào mùa mưa từ tháng 8 cho tới tháng 11, nước từ dòng Mê Kông tràn vào sông Tonlé Sap chảy ngược lên Biển Hồ phía Tây Bắc. Khi kết thúc mùa mưa, nước từ Biển hồ lại chạy xuôi xuống sông Mê Kông từ tây bắc đến Đông Nam, tạo nên sự điều tiết tự nhiên vô cùng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở Campuchia và Tây Nam Bộ Việt Nam.
Tại Việt Nam, lễ hội đua thuyền tương tự là lễ hội đua ghe ngo được cộng đồng người Khmer tổ chức vào dịp Ak Ambok (Khmer: អកអំបុក, IPA: [ʔɑk ɑmboːk]) hoặc Ok om bok vào ngày rằm tháng 10 âm lịch.
Lễ hội đua ghe đã được ghi chép từ rất lâu trong lịch sử của Campuchia cũng như một số quốc gia lân cận. Trên các bức tường tại kinh đô Angkor xây dựng từ thế kỷ 12 đã có tạc cảnh của lễ hội đua ghe rất rõ ràng. Hiện nay có 3 giả thuyết về nguồn gốc của lễ hội này, với một số khác biệt đáng kể:
Nhưng có lẽ thuyết phục nhất vẫn là ý nghĩa xuất phát từ những cuộc tuyển chọn binh sĩ và những trận đấu của thủy binh thời Angkor. Bằng chứng là những hình ảnh điêu khắc trên đền thờ Bayon và Banteay Chmar có rất nhiều miêu tả về những trận đấu tuyển chọn binh sĩ thông qua những cuộc đua thuyền hay những trận chiến tàn khốc của thủy binh lúc bấy giờ.
Lễ hội là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, tài năng, sự nhanh nhẹn. Dũng cảm, sự kiên trì, nghệ thuật, hạnh phúc, sự yêu chuộng hòa bình, sự đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào dân tộc và trên hết là lòng yêu nước cũng như ý thức bảo vệ đất nước, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ dân tộc. Lễ hội này cũng là dịp để người dân Khmer thể hiện sự phát triển rất đa dạng của nền nông nghiệp lúa nước với rất nhiều sản vật làm ra từ những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ.
Lễ hội vừa là cuộc tranh tài, vừa là lễ hội cảm ơn Đức Phật đã ban cho mùa bội thu và cầu mong no ấm. Là dịp để ôn lại sức mạnh không thể chia cắt của lực lượng thủy quân của Đế chế Khmer cổ và giới thiệu sự đa dạng của các phương tiện giao thông đường thủy của dân tộc Khmer.
Có rất nhiều hoạt động diễn ra suốt lễ hội như đua thuyền, đốt pháo hoa, trình diễn thuyền đăng trên sông thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về Phnôm Pênh. Dịp này cũng là dịp người dân Campuchia khắp nơi đổ về Phôm Pênh du lịch, gặp gỡ họ hàng,..v..v... Lễ hội đua thuyền được xem là cái đinh của lễ hội với sự tham gia của các đội thuyền đến từ các tỉnh khắp cả nước của Campuchia và cả đội thuyền của các quốc gia khác đến tham dự như: Việt Nam, Thái Lan, v..v..
Đua thuyền hay lễ hội nước năm 2010 ở Phnompênh - Campuchia trở thành tai họa khi thảm cảnh giẫm đạp lên nhau tại cầu Vồng (Đảo Kim Cương) làm gần 1000 người chết và bị thương.