Lợn Móng Cái là giống lợn có nguồn gốc từ khu vực thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Do có các đặc tính ưu việt hơn lợn ỉ nên giống lợn này nhanh chóng phát triển ra các vùng lân cận. Ở miền Bắc Việt Nam, hiện lợn Móng Cái dùng làm nái nền chủ yếu để lai với lợn đực ngoại như Đại Bạch, Yorkshire cho sản phẩm con lai dùng để nuôi lấy thịt.
Tổ tiên của loài Lợn Móng Cái cũng là một loại lợn rừng. Xuất xứ từ những con lợn rừng nhiệt đới châu Á, được người dân địa phương đưa về thuần hoá và nuôi tại nhà, từ 150 năm trước đây. Vùng biển với khí hậu trong lành, giàu thức ăn có lẽ là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra giống lợn có màu lông đặc thù đen, trắng và hồng tím không có ở nơi khác.
Lợn Móng Cái có ba loại: xương to, xương nhỡ và xương nhỏ. Những con xương càng nhỏ thì thịt càng thơm ngon. Thịt thơm ngon, dễ nuôi, đẻ mắn, đẻ sai, thân thiện với con người, chịu được kham khổ,chống đỡ bệnh tật tốt là những đặc điểm của lợn Móng Cái. Chỉ có điều lợn nuôi lâu lớn, về sau không được người dân chuộng nuôi vì năng suất kém mà mất dần vị thế trong bữa ăn, chỉ được biết đến như một loại thực phẩm thịt lợn rất thơm ngon, mềm dẻo vượt trội so với những loại thịt lợn khác. Lợn Móng Cái có hướng sản xuất chung là hướng mỡ, tầm vóc trung bình, có số vú từ 12 vú trở lên, thể chất yếu.
- Nòi xương to: Dài mình, chân cao, xương ống to, móng chẽ nhìn như 4 ngón, mõm dài và hơi hớt, tai to đưa ngang, tầm vóc to, khối lượng 140– 170 kg, có con tới 200 kg, xuất hiện động dục chậm hơn, có thể từ 7-8 tháng mới bắt đầu, đa số có 14 vú, một số ít 12 vú, số con đẻ trung bình 10- 12 con/ lứa.
- Nòi xương nhỏ: Mình ngắn, chân thấp, xương ống nhỏ, hai móng to chụm lại, mõm ngắn, thẳng, tai nhỏ dỏng lên trên, tầm vóc bé, khối lượng 85 kg là tối đa, lập mỡ sớm từ 6 tháng, đa số có 12 vú, số ít có 14 vú, số con đẻ trung bình 8-9 con/1 lứa.