Bánh mì Việt Nam

Bánh mì
Một ổ bánh mì kẹp thịt lợn, cà rốt, su hào, rau mùi, kèm theo xốt ớt cay
Tên khácBánh mì thịt
LoạiBánh mì kẹp
BữaĂn nhẹ
Xuất xứViệt Nam
Năm sáng chếThập niên 1950
Thành phần chínhBột mì hoặc bột gạo, thịt, giò, , pa tê, rau cùng nhiều loại gia vị
Biến thểXem Biến thể
Món ăn tương tựBaguette

Bánh mì là một loại baguette của Việt Nam với lớp vỏ ngoài giòn tan, ruột mềm, còn bên trong là phần nhân. Tùy theo văn hóa vùng miền hoặc sở thích cá nhân mà người ta có thể lựa chọn nhiều loại đồ ăn kèm khác nhau, ngoài ra tên gọi của bánh cũng phụ thuộc phần lớn vào những biến tấu ấy. Tuy nhiên, những phiên bản phổ biến nhất vẫn thường chứa chả lụa, thịt, hoặc thực phẩm chay, kèm theo một số nguyên liệu phụ khác như pa tê, , rau, ớt, trứngđồ chua. Bên cạnh đó, bánh còn có thể dùng chung với nhiều món ăn đa dạng, chẳng hạn như cá mòi, xíu mại hoặc thịt bò kho. Bánh mì được xem như một loại thức ăn nhanh bình dân phổ biến và thường được tiêu thụ vào bữa sáng hoặc bất kỳ bữa phụ nào trong ngày. Do có giá thành phù hợp nên bánh đã trở thành món ăn rất được nhiều người ưa chuộng.

Về lịch sử, bánh mì có nguồn gốc từ bánh baguette do người Pháp đưa vào miền Nam Việt Nam từ thế kỷ 19. Trong những thập kỷ tiếp theo, bánh mì dần lan rộng ra khắp Việt Nam, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là ở Sài Gòn. Người Sài Gòn sau đó đã cải biên chiếc bánh baguette thành ổ bánh mì nhỏ và ngắn hơn, chỉ còn khoảng 30–40 cm, còn ruột bánh thì rỗng hơn để chứa được nhiều nhân, tương tự như món bánh mì kẹp ở phương Tây. Sau năm 1975, theo chân những cuộc di cư vượt biển của người Việt, bánh mì Việt Nam đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Món ăn này gần như có mặt ở mọi đất nước có người Việt hải ngoại sinh sống vì nguyên liệu dễ tìm cũng như cách chế biến đơn giản, phù hợp với nền văn hóa địa phương.

Trong cách gọi thông thường, người Mỹ Anh hóa từ "bánh mì" thành banh mi thay vì gọi là Vietnamese sandwich như những món ăn tương tự. Nhiều nhà phê bình lẫn giới mộ điệu, chẳng hạn như tờ The Guardian, đã đưa món bánh vào danh sách những loại bánh mì kẹp xuất sắc nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, bánh mì Việt Nam còn là chủ đề chính của một số lễ hội, hội thảo cũng như trong các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, đây cũng là một trong những món ăn làm dấy lên tranh cãi về vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam cũng như một vài khu vực khác trên thế giới.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời điểm mà món bánh mì xuất hiện ở Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Vào thế kỷ 17, các nhà truyền giáo và thám hiểm châu Âu đã nhận thấy rằng đất nước này tuy có nhiều sản vật quý nhưng lại không tồn tại thứ gọi là bánh mì, rượu nho. Theo giáo sĩ Alexandre de Rhodes, hai món đó được đưa từ Ma Cao tới và chủ yếu phục vụ cho việc dâng thánh lễ.[1] Ngoài ra, từ điển Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị do giám mục Jean-Louis Taberd biên soạn cũng có đề cập đến thứ bánh này.[2][3] Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là từ món baguette trứ danh do người Pháp mang đến trong những năm giữa thế kỷ 19, theo chân cuộc xâm lược của Pháp vào Đông Dương.[4][5][6] Khi ấy, họ đã cho xây dựng những lò bánh mì gạch đầu tiên tại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu của tầng lớp thượng lưu.[7] Hầu hết những người Pháp đến đây đều không muốn làm công việc vất vả nhưng lại ít tiền như làm bánh mì. Do đó, các lò bánh ở quốc gia này phần lớn thuê thợ người bản địa hoặc người Trung Quốc, tuy nhiên họ thường làm việc ở phía sau để khách hàng không biết ai là người làm.[8] Đặc biệt, trong dây chuyền sản xuất bánh mì tại lò gạch, thợ được chia ra thành ba loại: thợ chính, chuyên điều khiển quy trình sản xuất, chịu trách nhiệm cao nhất về kỹ thuật và cũng là người lãnh thù lao nhiều nhất; thợ cân, đảm nhận công việc chia và se bột; thợ trộn bột, là nhóm có tiền thù lao thấp nhất. Nguyên liệu làm bánh tại giai đoạn này chủ yếu gồm bột, muối, men và nước, với hương vị truyền thống và không bị tác động bởi quá nhiều thành phần khác trong bánh.[9]

Theo một số ý kiến, bánh baguette chính thức có mặt ở Nam Kỳ vào khoảng cuối thập niên 1850, kế đến xuất hiện ở Bắc Kỳ vào khoảng nửa đầu thập niên 1870, rồi sau cùng là Trung Kỳ khi kinh đô Huế thất thủ.[3] Một khu phố Tây do người Pháp xây dựng phía bờ nam sông Hương đã ra đời và đông đúc dần lên, đồng thời nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng có thể các lò bánh mì chính thức mở ra ở kinh đô Huế vào thời điểm này.[10] Sau đó, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất với Pháp vào năm 1874, cho phép 100 lính Pháp đóng quân ở Đồn Thủy, Hà Nội và đem theo bánh baguette đến nơi đây,[11] với lò bánh thứ nhất nằm tại phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền).[12] Ban đầu, miền Bắc gọi baguette là bánh tây,[13][14] còn miền Nam và miền Trung thì gọi là bánh mì.[15][16] Thời đó, việc chuyển thực phẩm từ Pháp đến là điều không khả thi nên người Pháp buộc phải đưa các loài vật nuôi và cây trồng vào Việt Nam nhằm đảm bảo rằng sữa, cà phê cùng các loại thịt khác có sẵn để tiêu thụ. Mặc dù vậy, lúa mì lại không thể nào trồng được ở quốc gia này.[17] Do giá cả lúa mì nhập khẩu vào thời điểm đó quá cao nên bánh mì baguette của Pháp là một mặt hàng xa xỉ đối với người bản xứ.[18][19] Giới thượng lưu thường thưởng thức món bánh theo phong cách cổ điển của Pháp, ăn kèm với một đĩa giăm bông, thịt nguội, pa tê, phô mai, hay còn được biết đến với cái tên "casse croute".[20] Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có thể là người Việt Nam đầu tiên đề cập đến bánh mì trong văn chương, qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc năm 1861 ở câu "...sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ".[21] Tuyên ngôn "thà đui mà giữ đạo nhà" của ông đã phát động phong trào đối kháng cả về tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây, khi ấy nhiều người đã đồng tâm tẩy chay bánh mì, rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông hay đi về nơi ruộng đồng.[22]

Vào lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra năm 1914, hai công ty nhập khẩu lớn nhất ở Đông Dương – vốn thuộc sở hữu của người Đức – đã bị chính quyền thực dân Pháp chiếm hữu cùng với những kho hàng chứa đầy hàng hóa dễ hỏng của châu Âu. Khi hàng nghìn binh lính và quan chức Pháp bắt đầu quay trở lại nước mẹ để hỗ trợ chiến tranh, thị trường Việt Nam bỗng nhiên tràn ngập những món hàng dư thừa có xuất xứ từ lục địa già với giá thành vô cùng rẻ mạt. Đồng thời, việc nhập khẩu lúa mì bị gián đoạn khiến các nhà sản xuất bánh bắt đầu trộn bột gạo rẻ tiền, qua đó làm cho bánh mì mềm hơn và hình thành nên món "pain de riz".[20] Vì thế, ngay cả người Việt Nam bình thường cũng có thể thưởng thức các mặt hàng chủ lực của Pháp như bánh mì.[23] Do đặc điểm khí hậu Việt Nam làm cho bánh có xu hướng mau hư hơn, nên nhiều cửa hàng thường nướng chúng hai lần một ngày. Mọi người chủ yếu ăn baguette vào bữa sáng với một ít bơ và đường.[24] Bên cạnh đó, họ còn cắt bánh nhỏ ra từng khúc để ăn với xúp, thịt bò bít tết, trứng ốp la hoặc cà phê sữa.[25] Erica Peters, một cây bút chuyên viết về ẩm thực Việt Nam, cho biết: "Đến năm 1910, những chiếc bánh mì baguette nhỏ, hay còn gọi là "petit pain" được bán trên đường phố và người Việt hay mua trên đường đi làm để ăn sáng".[8] Ngoài việc được tiêu thụ bởi thường dân, bánh mì còn trở thành một món ăn quen thuộc trong hoàng gia dưới thời Bảo Đại.[10]

Biến tấu và phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Nửa đầu thế kỷ 20: Biến tấu và ra đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Món bánh có nguồn gốc từ Pháp này đã trở nên phổ biến và được nhiều người ưa thích,[13][18] đồng thời còn xuất hiện thường xuyên trên khắp các mặt báo,[26][27] sách dạy nấu ăn[28] và trong văn học miền Nam.[29] Vào những năm giữa hai cuộc thế chiến, bánh mì ngày càng trở nên phổ biến trong bữa ăn của người Việt, đồng thời các món ăn liên quan tới bánh mì cũng dần được Việt hóa tên gọi. Trong giai đoạn sau này, tinh thần kháng Pháp tăng mạnh khiến cụm từ "bánh tây" bị loại bỏ và người ta chỉ còn sử dụng tên gọi "bánh mì".[20] Sau khi người Pháp rời đi, người dân miền Nam được quyền tự do biến tấu các món ăn Pháp để có thể sử dụng nguyên liệu từ địa phương,[30] chẳng hạn như thay thế bơ bằng mayonnaise, thêm ớt cùng rau củ muối chua vào bánh mì, từ đó làm giảm đi lượng thịt trong bánh – vốn là một mặt hàng đắt đỏ lúc bấy giờ.[19][31] Cùng lúc đó, một số chủ cửa hàng người Bắc cũng chuyển đến miền Nam sinh sống.[32] Đặc biệt, người Sài Gòn đã cải biến món baguette lại thành bánh mì đặc trưng của Việt Nam với chiều dài chỉ vỏn vẹn 30–40 cm.[7][16] Theo Authentic Food Quest, bánh mì Việt Nam đã xuất hiện từ thập niên 1950,[33] và chỉ thật sự định hình khi cửa hàng Hòa Mã của ông Hòa, bà Tịnh xuất hiện vào năm 1958. Do bà Tịnh đã từng làm việc trong hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội, nên khi vào Sài Gòn, hai người đã mở cửa hàng bán bánh mì và thịt nguội phục vụ cho người bản xứ. Sau đó, họ nghĩ ra cách kẹp thịt, chả lụa cùng pa tê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang theo.[7][34][35] Vào khoảng thời gian này, một người di cư khác từ miền Bắc đã bắt đầu bán bánh mì chả cá bằng giỏ trên xe mobylette,[36] còn một quầy hàng ở tỉnh Gia Định thì tung ra món bánh mì phá lấu.[37] Một số cửa hàng khác nhồi bánh với pho mát Cheddar rẻ tiền từ cuộc viện trợ lương thực của Pháp,[38] ngoài ra cộng đồng người Việt sống ở đất nước Tây Âu cũng bắt đầu kinh doanh món ăn này.[39] Sau khi học được cách làm bánh mì với pa tê từ người Pháp thì những quán bánh mì đầu tiên ở Hà Nội do người Việt thành lập cũng lần lượt ra đời. Trong những năm 1960, người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung đã tìm tòi ra cách ăn bánh với trứng do rộ lên phong trào chăn nuôi trên khắp khu vực, trong đó mỗi nhà thường hay nuôi một vài con gà cùng những thứ khác để cải thiện đời sống gia đình.[12]

Những năm 1970: Cột mốc quan trọng

[sửa | sửa mã nguồn]

Dấu mốc lịch sử đầu tiên đặt nền móng cho bánh mì du nhập văn hóa Việt Nam là khi chính quyền Sài Gòn cho phép bánh mì xuất hiện trong khẩu phần ăn của học sinh tiểu học và xây dựng những lò nướng bằng gạch truyền thống.[40] Cụ thể, với chương trình tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Bộ Giáo dục đã có chương trình cung cấp bữa ăn nhẹ cho các trường tiểu học tư thục và công lập.[4] Bữa ăn này gồm có sữa do hãng sữa Foremost cung cấp và bánh mì do các lò tiếp ứng.[41] Trong khi đó, vào đầu thập niên 1970, ngành lương thực ở Hà Nội thường xuyên cấp cho mỗi gia đình trong khu vực nội đô một sổ bánh mì, tùy theo nhân khẩu mà họ quy định mỗi tháng một gia đình phải ăn một lượng bánh nhất định.[11] Cũng vào thời điểm này, những lò nướng bánh mì bằng củi được chuyển thành lò gạch lớn hơn để nướng được nhiều bánh cùng một lúc. Đây là loại lò đóng kín cho phép giữ lại hơi nước khi nướng. Ở nhiệt độ cực cao và hơi nước cực nhiều, chiếc bánh mì trở nên rỗng ruột hơn, bên trong bông xốp còn lớp vỏ ngoài thì giòn rụm.[42] Đồng thời, những lò bánh mì điện đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, mang công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản về để áp dụng cho quy trình sản xuất trong nước. Nguyên liệu làm bánh ở giai đoạn này không có gì khác biệt so với trước đây, tuy nhiên sự tiện lợi của lò điện lại giúp cho ra lò những mẻ bánh lớn, mặc dù màu sắc bánh lại không vàng đẹp như khi nướng trong lò gạch.[9]

Lúc bấy giờ, những lò bánh mì và cơm Tây, cà phê, thuốc lá... phổ biến ở Sài Gòn hơn là các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc. Thậm chí, mãi cho đến trước năm 1975 thì bánh mì ở Sài Gòn vẫn được phổ cập và đa dạng hơn so với những vùng miền khác.[18] Để phục vụ số lượng lớn, người ta đã cải biên lại bánh mì sao cho chúng trở nên nhỏ gọn hơn. Đến năm 1975, những lò nướng bằng gạch đã không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại Sài Gòn, cho nên đã xuất hiện lò nướng bằng điện và loại "bánh mì lò thùng phuy" được chế biến từ những thùng phuy lớn.[40] Quy trình sản xuất của giai đoạn này cũng cần ba nhóm thợ: thợ trộn, thợ cân, se, cuối cùng là thợ chính chịu trách nhiệm đứng lò. Điều đáng chú ý là các khâu thợ tại lò dã chiến này đều có quyền học nghề và truyền nghề cho nhau, khác với lò điện và lò gạch trước kia mỗi người ai làm khâu nấy. Hơn nữa, những người thợ ấy đều làm thủ công các công đoạn của lò thùng phuy; họ làm việc và sinh hoạt gần như trong một gia đình, trung thành, có lương tâm và tự ái nghề nghiệp rất cao.[9] Theo thời gian, bánh mì đã có mặt ở đủ ba miền Việt Nam, được biến tấu lại để làm vừa lòng đa dạng thực khách: ruột ngày một xốp và mỏng, vỏ ngày càng dày lên, kích cỡ bánh cũng nhỏ lại gấp 2–3 lần để tiện mang đi.[7]

Những thập niên tiếp theo: Tái khẳng định vị thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau những biến động năm 1975, do nguồn nguyên liệu không còn nên bánh mì cũng trở thành một mặt hàng được cấp phát, mua theo tiêu chuẩn như hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác. Hơn một thập kỷ sau, Thành phố Hồ Chí Minh (tên mới của Sài Gòn) bắt đầu tiến hành đổi mới. Những lò bánh và tiệm bánh được mở cửa trở lại, đồng thời những cửa hàng mới thì mọc lên ở khắp nơi, khi ấy nhiều xe bánh mì đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được đông đảo người dân xếp hàng chờ mua, ngoài ra nhiều người bán món này cũng trở thành những doanh nhân lớn của thành phố.[28] Có thể nói bánh mì đã tái khẳng định vị thế quan trọng của mình trong nền ẩm thực địa phương.[20] Vào năm 1986, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo đã mang những lò nướng bánh mì từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để phục vụ các đại biểu trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI; sau đó, những lò bánh này đều được tặng lại cho thủ đô Hà Nội.[43] Dưới thời kỳ Đổi mới, làn sóng đầu tư nước ngoài và thời gian làm việc được khai thác tối đa ở thủ đô đã kéo theo một hình thức quan trọng của bánh mì: ăn nhanh. Lúc bấy giờ, thứ bánh ấy không còn dành riêng cho công chức thuộc địa nữa mà dần trở thành một món ăn gọn nhẹ cho công nhân, dân công sở hoặc trẻ con đi học.[44] Ngoài ra, lịch sử phát triển của lò bánh mì Việt Nam cũng chuyển sang giai đoạn thứ tư với dây chuyền hiện đại, tân tiến, đa dạng về kích thước và phù hợp với nhu cầu nướng bánh theo từng loại khác nhau, chủ yếu sử dụng những loại nhiên liệu như gas và điện. Bên cạnh đó, nguyên liệu làm bánh giai đoạn này cũng vô cùng đa dạng và phong phú vì người ta còn cho thêm các loại bơ, ngũ cốc, hoa quả sấy khô, chà bông... Đồng thời, số lượng hình dáng của bánh mì còn được mở rộng hơn so với trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách.[9]

Đặc điểm, nguyên liệu và cách chế biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần bánh

[sửa | sửa mã nguồn]
Ba cỡ bánh mì trắng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bánh mì Việt Nam có lớp vỏ mỏng, giòn, thường có màu vàng của bánh nướng – không quá đậm, chỉ hơi hoe vàng và hơi nứt. Bên dưới lớp vỏ giòn là phần ruột mềm và trắng nên có thể được mô tả vắn tắt là "giòn vỏ mềm ruột". Chiếc bánh có độ dài tầm hơn gang tay một chút, hơi thuôn nhọn ở hai đầu và có ba "mắt" (hoặc một "mắt" duy nhất), tức là những vết khía trên mặt bánh để phần bột có không gian nở ra trong khi nướng.[45] Ngoài ra, bánh cũng có thể được làm từ cả bột mì lẫn bột gạo.[20][46]

Để tạo ra những ổ bánh mì có kích thước và đặc tính khác nhau, thợ làm bánh buộc phải điều chỉnh công thức và cách làm. Trước đây khi bột làm bánh mì được lên men tự nhiên, người ta sẽ thay đổi tỷ lệ chất tạo men và thời gian ủ bột. Hiện nay, với sự hỗ trợ của nhiều loại chất nhũ hoá (hoặc phụ gia) khác nhau nhằm giảm thời gian ủ bột, tỷ lệ các chất này được điều chỉnh lại để tạo ra ổ bánh mì như mong muốn. Do sự đa dạng về khẩu vị tùy theo vùng miền, nên trên thị trường cũng có sẵn những phụ gia tương ứng. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là không chứa đường và sữa để có thể dễ dàng kết hợp hương vị với phần nhân bên trong.[47] Bên cạnh đó, bánh mì cũng cần lò nướng nóng khoảng 450 °F kèm theo hơi nước để tạo nên lớp vỏ giòn và nhẹ đặc trưng. Người chế biến phải đặt một bát nước bên dưới ổ bánh mì để có thể hấp bánh khi nướng trong lò, hoặc phun nước nhẹ lên bánh mì vài lần trong quá trình nướng.[48]

Bánh mì Việt Nam thường được xẻ dọc theo thân và giữ nguyên ổ nên vỏ cần phải mỏng và giòn để có đường cắt như ý. Do đó, bánh mì chỉ nên được thưởng thức trong vòng vài giờ sau khi ra lò vì nếu để lâu hơn thì vỏ bánh sẽ hết giòn và trở nên nhăn nheo do phần ruột rỗng co lại khi nhiệt độ giảm xuống.[47] Ngoài việc chế biến thành bánh mì thịt, người ta cũng ăn bánh mì không nhân cùng với các món thịt như bò kho, lagu,[28][49] cà riphá lấu. Phiên bản không nhân cũng có thể được dùng để chấm kèm với cả ca cao[50] lẫn sữa đặc.[51][52] Cách ăn này xuất phát từ chương trình của Bộ Giáo dục trước đây, cung cấp bữa sáng nhẹ cho học sinh tiểu học với bánh mì và sữa Foremost pha trong ly.[41]

Phần nhân và cách chế biến

[sửa | sửa mã nguồn]
Phần nhân trong một chiếc bánh mì Việt Nam, gồm có rau mùi, su hào, cà rốt, dưa chuột, thịt lợn, pa tê và xốt

Những thực phẩm dùng làm phần nhân bánh mì thay đổi tùy theo vùng miền, thường bao gồm các nhóm sau:

Các nguyên liệu nói trên được bày biện sẵn để phục vụ tùy theo sở thích của người ăn. Người ta thường nướng bánh nóng giòn từ trước, rạch một đường dọc theo thân bánh và cho lần lượt gia vị, phần nguyên liệu chính cùng một chút rau lên trên rồi rưới thêm các loại nước xốt[63][64] – yếu tố quyết định của món ăn.[65] Để giữ được hương vị tươi ngon cũng như kết cấu của bánh mì, thực khách nên thưởng thức ngay sau khi chế biến.[66][67] Theo nhận định, hầu hết các loại bánh mì đều sử dụng chung những thành phần khuôn mẫu,[58] đặc biệt trong số đó phải kể đến pa tê, được người bán làm theo bí quyết truyền thống và mang lại linh hồn cho món ăn.[68] Phiên bản thường thấy nhất của món bánh thường bao gồm thịt lợn, chả lụa, rau củ chua ngọt, rau mùi, ớt, bơ, pa tê hoặc mayonnaise.[32][69] Tuy nhiên, sự khác biệt về vùng miền cũng khiến cho bánh mì ở mỗi nơi có đôi chút khác biệt; thỉnh thoảng, phần ruột sẽ có thêm giò thủ, xúc xích hay các loại rau khác.[55] Cụ thể, người Bắc thích ăn bánh mì với pa tê, giò lụa, giăm bông và ruốc,[29] ngoài ra bánh mì nơi đây thường có kích thước lớn, không quá dày, vỏ bánh giòn xốp, phần ruột rỗng hơn và chuộng tương ớt thay vì các loại nước xốt.[70][71] Trong khi đó, người miền Trung chủ yếu chọn bánh mì với chả bò, chả cá[29] và chan thêm những loại nước xốt rất đậm đà, làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn.[70] Ở Huế, ổ bánh mì có kích thước khá nhỏ nên chỉ nhồi được một số loại nhân vào phần ruột bánh, đồng thời người ta sẽ rưới lên trên đó một thứ nước xốt mặn màu nâu gọi là "nước chan".[10] Cuối cùng, người miền Nam thì lại chuộng bánh mì với heo quay, xíu mại, bì sợi hoặc thịt khìa,[29] với điểm nhấn nằm ở phần nước xốt.[70]

Biến thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Tùy vào thành phần được kẹp bên trong mà bánh mì có những tên gọi khác nhau, ngoài ra người ta cũng hay sử dụng nhiều kiểu nhân phổ biến tương tự như món bánh cùng tên của phương Tây. Chẳng hạn, một cửa hàng bánh mì điển hình ở Hoa Kỳ cung cấp ít nhất mười loại nhân,[72] trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có đến hàng trăm biến tấu đa dạng.[73] Mặt khác, bánh mì ở một số địa phương lại có hình dáng khác biệt, đơn cử như phiên bản Hội An có hai đầu rất nhọn đặc trưng của miền Trung.[74]

Tên gọi Hình ảnh Nguồn gốc Miêu tả
Bánh mì thịt Thành phố Hồ Chí Minh Là biến tấu phổ biến nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ổ bánh được xẻ dọc và nhét thịt, chả, bơ, pa tê, giò thủ, thịt nguội cùng một ít hành ngò, rau, đồ chua và ớt vào bên trong.[32][75][76] Thông dụng nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh là tên gọi "bánh mì heo quay", còn "bánh mì thịt" thường đi liền với thịt nguội.[77]
Bánh mì bì Thành phố Hồ Chí Minh Ám chỉ đến loại bánh mì kẹp thịt hoặc da heo cắt sợi nhỏ. Để tăng thêm độ hấp dẫn của món bì, người bán sẽ chan thêm nước mắm vào bánh mì sao cho đậm đà, vừa vị.[78] Cách ăn của món này tương tự như cơm tấm: người bán rạch đôi ổ bánh, quết mỡ hành dọc thân, cho bì, đồ chua, dưa leo, ngò, rồi chan muỗng nước mắm có độ sệt và vị chua ngọt như dùng trong cơm tấm.[79]
Bánh mì bò kho Miền Nam Việt Nam Tức bánh mì không chấm và ăn kèm với bò kho.[80] Khi ấy, người ăn sẽ xé bánh thành từng miếng nhỏ rồi chấm nước xốt kho sền sệt kèm với thịt bò và rau húng quế.[81]
Bánh mì bò né Thành phố Hồ Chí Minh Là bánh mì ăn kèm với bò né – món ăn có nhiều thành phần gồm thịt bò thái lát, khoai tây, pa tê, trứng ốp la và salad.[82] Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì khi thưởng thức món này, thực khách phải né ra để khỏi dính dầu nóng bị bắn ra từ chảo gang nóng hổi.[71]
Bánh mì bột lọc Thừa Thiên Huế Có phần nhân là bánh bột lọc (làm từ tôm, thịt và gia vị được bao lại bởi bột rồi hấp chín), cho thêm một ít ớt trái xắt sợi, ít rau rồi rưới chút nước chấm và thưởng thức.[83][84] Loại nước chấm dùng cho món này là nước mắm tỏi ớt,[85] trong khi bánh mì mà người ta sử dụng thường là loại dài, nhiều ruột.[71] Thực khách có thể bắt gặp những xe bán bánh mì bột lọc ở dọc các con đường tại Đà Nẵng, HuếNghệ An.[50]
Bánh mì cá mòi Việt Nam Là loại bánh mì ăn kèm với cá mòi, thường là cá hộp xốt cà.[86] Bên cạnh đó, người ăn cũng có thể chủ động gia giảm các loại đồ ăn kèm thêm như thêm trứng ốp la, xíu mại, thịt bò, xúc xích,... tuỳ vào sở thích và lượng thực phẩm có sẵn tại nhà.[87][88]
Bánh mì cá sấu An Giang Có hình dạng cá sấu với cân nặng gần 2 kg, dài từ 60–70 cm, là ý tưởng của một lò bánh mì ở Long Xuyên, An Giang. Thợ làm bánh vẫn dùng bột mì như công thức truyền thống, sau đó dùng tay tạo hình rồi dùng dao, kéo đắp thêm các chi tiết như vảy, mắt và mũi. Bánh nướng chín, ra khỏi lò được rắc thêm mè và quét một lớp bơ sầu riêng.[89][90]
Bánh mì cắt Thành phố Hồ Chí Minh Với phiên bản này, bánh mì sẽ được phết một lớp pa tê mỏng rồi cán sơ qua để bánh dẹp ra, sau đó cắt thành từng miếng vừa ăn, cho vào hộp và thêm rất nhiều loại đồ ăn kèm khác nhau như chả, nem, giò thủ, ngò, dưa leo hoặc ớt.[85]
Bánh mì cóc Thành phố Hồ Chí Minh Là loại bánh mì có hình dáng giống như con cóc và bề ngoài khá tương đồng với hamburger, bề dài cỡ 1 gang tay, kích thước chiếm khoảng 60% so với bánh mì thường. Phiên bản này kẹp thịt và pa tê như bánh mì thịt nguyên mẫu, hiện tại được biết đến nhiều nhất khi bán ở tiệm bánh Đức Phát và Bánh mì Cóc Cô Bích.[91]
Bánh mì chả cá Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa)... Là phiên bản kẹp với chả cá chiên, ngày càng được biết đến rộng rãi ở Thành phố Hồ Chí Minh[92] và Nha Trang. Tại Nha Trang, bánh rất mỏng và không sử dụng bơ.[93] Chả cá tươi được nặn theo hình thuôn dài, chiên phồng vàng trong chảo dầu sôi, sau đó kẹp vào bánh mì giòn rồi thêm đồ chua, dưa leo, ngò hoặc rau răm, tùy khẩu vị mà cho tương ớt, nước tương hoặc muối tiêu vào trong ổ bánh.[94]
Bánh mì chảo Hà Nội[95] Gồm bánh mì không nhân giòn, khi ăn sẽ được dọn lên cùng với một chảo hoặc khay gang có đầy đủ pa tê, bít tết, trứng ốp la,...[92][93][96]
Bánh mì dân tổ Hà Nội Phiên bản này thường được bán vào lúc nửa đêm ở Hà Nội, do có nhiều thanh niên đi chơi đêm về muộn nên đã ghé qua thưởng thức món ăn, từ đó hình thành nên cái tên "bánh mì dân tổ" được biết đến rộng rãi bởi người dân thủ đô.[97] Người chế biến sẽ xào các nguyên liệu gồm chả, xúc xích, trứng, bò khô, pa tê kèm với rau sống cùng các loại gia vị và cho vào bánh.[98]
Bánh mì đậu hũ Việt Nam Là loại bánh dành cho người ăn chay.[61]
Bánh mì hấp Thành phố Hồ Chí Minh Được cải biến bởi người dân ngày xưa khi họ đang cố tìm ra cách chế biến để giúp bánh mì không bị khô và ngán.[99] Theo đó, người làm bánh sẽ hấp bánh mì cùng nước dừa và lá dứa,[100] sau đó cho thịt bằm, sắn sợi, mỡ hành cùng hành phi vào ổ bánh để tăng phần hấp dẫn cho món ăn.[101][102]
Bánh mì hến Thừa Thiên Huế,[103] Thành phố Hồ Chí Minh Bánh mì có nhân là hến xào với hành, tỏi, dầu hào, xốt me và ớt. Đặc biệt, người nấu thường hay dùng bơ (thay vì dầu) để xào món hến.[104]
Bánh mì gà tây Hoa Kỳ Thường được chế biến vào ngày Lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ. Trước hết người ta sẽ đánh đều các thành phần của xốt aioli nam việt quất lại với nhau, sau đó nhồi gà tây vào ổ bánh rồi phủ lên trên những hạt đậu xanh muối chua.[105]
Bánh mì kẹp kem Việt Nam Là món bánh mì kẹp kem ký và đậu phộng giã nhỏ. Người chế biến rạch giữa ổ bánh rồi múc vào những muỗng kem dừa, vani hoặc khoai môn (tùy theo lựa chọn của người ăn), sau đó rắc lên những hạt đậu phộng.[106]
Bánh mì khô bò đen Thành phố Hồ Chí Minh[107] Là loại bánh mì nhân khô bò đen (làm từ lá lách, gan bò tẩm ướp cẩn thận), nước xốt, đậu phộng và rau răm.[104][108] Phiên bản này giống như một món ăn vặt được biến tấu lại để vui miệng hơn là ăn no bụng như bữa sáng.[109]
Bánh mì nướng muối ớt An Giang[110] Món ăn này bắt nguồn từ người Khmer, khi họ chế biến bánh mì bằng cách quét muối ớt lên ổ bánh rồi nướng trên bếp than. Sau này, bánh mì nướng muối ớt được biến tấu khác đi, tùy theo người bán và khẩu vị của thực khách ở từng khu vực. Đầu tiên, người bán sẽ quết mỡ, sau đó thêm phần nước xốt được pha chế đặc biệt. Những miếng bánh có vị mặn của muối ớt được nướng trên than hồng, ăn kèm với phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, mayonnaise, xúc xích cùng pa tê.[111][112]
Bánh mì ốp la Việt Nam Là loại bánh mì kẹp trứng gà ốp la. Trứng được chiên trên những chiếc chảo gang nhỏ sao cho sắc nét lớp viền, nửa sống nửa chín lòng đỏ, ăn kèm dưa chua, nước tương hoặc tương ớt,... Do có cách chế biến đơn giản, nhanh gọn nên biến thể này có mặt ở hầu hết các tiệm bán bánh mì.[78]
Bánh mì phá lấu Thành phố Hồ Chí Minh[113] Tức món bánh mì có phần nhân phá lấu, gồm bao tử, phèo, tai, mũi heo được tẩm ướp gia vị kỹ càng,[104] kèm với đó là dưa leo và đầu hành lá cay nồng, được rưới lên một loại nước xốt đặc biệt làm từ nước phá lấu và tương ớt cay.[114]
Bánh mì que Hải Phòng Thứ bánh có nguồn gốc từ Hải Phòng[115] này mang hình dáng của một chiếc que, có thể thấm đẫm vị thịt hòa quyện với rau, rất ngon khi ăn với xốt. Do luôn được nướng nóng nên vỏ bánh giòn rụm khi thưởng thức.[7]
Bánh mì thanh long Thành phố Hồ Chí Minh[116] Là loại bánh mì làm từ trái thanh long, được tạo ra nhằm "cứu vớt" nông sản xuất khẩu trong thời kỳ dịch bệnh. Bột bánh được nhào trộn cùng ruột thanh long đỏ nghiền nhuyễn, sau đó tạo hình và nướng như thông thường.[89] Theo đó, thanh long xay nhuyễn sẽ thay thế được 60% lượng nước làm bánh. Bánh có vỏ và ruột hồng, lấm tấm hạt đen, khi ăn có vị thơm nhẹ,[89] mùi và vị đều rất thanh.[117] Sau khi bỏ vỏ, nghiền nát và đông lạnh, loại quả này có thể dự trữ để làm bánh mì.[104][118] Ngoài ra, món này còn có ba hương vị là bánh mì thanh long, thanh long bơ và thanh long nhân khoai môn.[89]
Bánh mì than Quảng Ninh Như tên gọi, món ăn này có màu đen như than với ý tưởng bắt nguồn từ những chiếc bánh mì lót dạ của công nhân hầm mỏ. Vỏ bánh được tạo màu từ bầu mực của con mực và tinh than tre, còn chả thì làm từ mực mai giã tay, chiên nóng, cắt thành từng miếng nhỏ rồi rưới lên nước xốt rau củ.[89] Nước xốt của bánh có vị chua, làm từ các loại rau củ như hành tây, cà chua, cà rốt, kinh giới,... cùng đầu tôm ninh trong một tiếng rồi đem đi xay nhuyễn.[119]
Bánh mì tóp mỡ Hà Nội Chứa các phần nhân đặc trưng như pa tê, thịt, xúc xích, dưa chuột nhưng lại bổ sung thêm tóp mỡ. Bản thân tóp mơ đã được rút hết mỡ nên chỉ còn lại phần bì chứa nhiều collagen nên lúc ăn sẽ không bị ngấy.[104]
Bánh mì xíu Quảng Trị Đề cập đến loại bánh mì nhân thịt xíu (thịt lợn rim mặn ngọt với xì dầu, gần giống với xá xíu), bỏ thêm chút rau răm và chan ớt chưng hoặc nước xíu (nước thịt).[120]
Bánh mì xíu mại Đà Lạt (Lâm Đồng) Loại bánh mì có nhân thịt xíu mại ăn kèm với xốt cà.[121] Bánh mì xíu mại Sài Gòn thường có vị ngọt, khác với vị cay của biến tấu ở Đà Lạt — nơi bánh có lớp vỏ dày hơn một chút. Người ta sẽ dọn kèm một chén xíu mại còn bốc khói, nước xốt sền sệt phủ lên những viên xíu mại và chả cây, da heo.[7] Khi ăn, bánh mì được cắt ra thành từng miếng nhỏ, chấm vào chén nước dùng xíu mại, cho thêm một chút sa tế nhằm tạo ra vị cay cay cho món ăn.[122]
Bánh mì xíu mại trứng muối Thành phố Hồ Chí Minh[123] Là loại bánh mì xíu mại bổ sung thêm vài viên xíu mại trứng muối, làm chiếc bánh trông có vẻ dày dặn hơn. Ngoài ra, bánh còn có các phần nhân khác như mỡ hành, thịt nướng, tóp mỡ[104][124] hoặc bì, đồ chua và dưa leo để tăng thêm hương vị cho món ăn.[109] Đây thường là lựa chọn cho bữa sáng hoặc bữa khuya của thực khách.[50]
Bánh mì xíu mại khô Thành phố Hồ Chí Minh Có xíu mại được bọc trong lớp vỏ hoành thánh rồi hấp trong xửng tre. Ngoài ra, loại này không cần ăn kèm đồ chua, rau, dưa chuột,... mà chỉ phết chút tương ớt hoặc nước tương.[104]
Bánh mì xốt cá nục Thành phố Hồ Chí Minh Bánh mì ăn kèm với cá nục được nấu rục xương. Theo đó, người bán chọn cá nục con tươi, làm sạch rồi hầm nhiều giờ với nước dừa rồi nêm nếm theo công thức riêng. Tiếp đến, họ sẽ để cá chín trên nồi than giữ ấm để không bị tanh. Khi khách gọi món, người bán mới lấy cá ra, tán thịt đều khắp ổ bánh, đồng thời cho thêm dưa chua, dưa leo, nước xốt cá và nước mắm ớt cay.[94]
Bánh mì yêu nước Hội An (Quảng Nam)[125] Có hình quốc kỳ Việt Nam, gồm một chiếc bánh màu đỏ có đính thêm ngôi sao vàng. Màu đỏ của vỏ được làm từ nước củ dền, trong khi ngôi sao vàng thì được tạo màu bằng bột nghệ. Loại bánh này có nhiều kiểu nhân khác nhau cho thực khách lựa chọn, chẳng hạn như bò gừng phân phối, pa tê truyền thống, gà đổi mới, tóp mỡ bao cấp cùng trứng chiên lướt hành.[126]

Các tiệm bánh mì tiêu biểu

[sửa | sửa mã nguồn]
Bánh mì Phượng

Trước khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, một số tiệm bánh mì ở miền Nam đã trở nên phổ biến với người dân, đơn cử như Bánh mì Ba Lẹ, Bánh mì Nguyễn Ngọ và Bánh mì Như Lan (mở cửa vào năm 1968).[20][29] Sau này, những người Việt định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới dần thành lập nên các thương hiệu bánh mì và nhận được sự quan tâm đông đảo từ thực khách nước bạn.[127] Ngược lại, một số người nước ngoài khi đến Việt Nam cũng cho ra mắt những cửa hàng bánh mì để bán cho người bản xứ, chẳng hạn như tiệm bánh Oni Oni của một thanh niên người Nhật chuyên kinh doanh các loại bánh mang phong cách Fusion,[a] gồm bốn loại nhân: gà nướng, gà chiên, gà cốt-lếtkorokke.[128] Bên cạnh đó, các chi nhánh của McDonald'sParis Baguette ở thị trường nước này cũng cung cấp món bánh mì.[129][130] Sau đây là một số tiệm bánh mì tiêu biểu:

  • Bánh mì Hòa Mã: tiệm bánh định hình món bánh mì Việt Nam của ông Hòa và bà Tịnh được thành lập vào năm 1958 tại số 511 đường Phan Đình Phùng. Sau đó, tiệm đã dời địa chỉ sang đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc Quận 3.[16] Vào buổi đầu thành lập, nơi này đã gây ấn tượng với nhiều người khi sáng tạo ra phương pháp ăn mới lạ: dùng bánh mì kiểu Pháp kẹp chung với pa tê, thịt, chà bông và dưa chua,...[131]
  • Bánh mì Huynh Hoa: có vị trí tọa lạc trên đường Lê Thị Riêng ở Quận 1, là địa điểm ẩm thực được đông đảo người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm. Mặc dù mỗi ổ bánh do thương hiệu bán ra đều có phần nhân bên trong khá phong phú và đa dạng, tuy nhiên mức giá kèm theo lại không rẻ.[132] Vào tháng 11 năm 2023, Bánh mì Huynh Hoa cùng sáu đại diện ẩm thực Việt Nam khác đã được vinh danh trên màn hình quảng cáo LED đặt ở Quảng trường Thời Đại.[133]
  • Bánh mì Như Lan: đắt khách ở Sài Gòn từ trước 1975, ngày nay đây vẫn là một trong những địa điểm có nổi bật đối với du khách nước ngoài cũng như cư dân địa phương.[20] Bánh mì Như Lan cũng có chi nhánh tại Mỹ.[61]
  • Bánh mì Nguyên Sinh: là một trong những nhà hàng đầu tiên do người Việt làm chủ, được thành lập từ năm 1942. Sau nhiều lần đổi địa điểm, hiện nay nhà hàng tọa lạc ở phố Lý Quốc Sư thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và có thêm một chi nhánh ở Đội Cấn.[134] Món bánh mì ở đây vẫn giữ nguyên phong cách của người Pháp, đó là ăn kèm với đồ nguội và bảo quản ở nhiệt độ thấp để đảm bảo hương vị cho món ăn.[12]
  • Bánh mì phố Huế: là tiệm bánh mì lâu đời, thường gắn liền trong ký ức của nhiều người Hà Nội.[135] Nơi đây từng được phóng viên đài BBC ghé thăm và nhận về khen ngợi từ chuyên gia ẩm thực Geoffrey Deetz với món bánh mì pa tê cổ truyền.[55]
  • Bánh mì Phượng: là tiệm bánh tọa lạc trên đường Phan Châu Trinh ở phố cổ Hội An, thu hút các du khách nước ngoài nhờ loại nước xốt đặc trưng và sự cầu kỳ trong chế biến,...[136][137] Đầu bếp Anthony Bourdain khi đi đến Việt Nam trong chuyến thăm của tổng thống Barack Obama đã gọi bánh mì Phượng là tiệm bán bánh mì ngon nhất thế giới.[138][139] Hiện tiệm bánh cũng đã nhượng quyền thương hiệu sang Hàn Quốc ở khu Yeonnam-dong thuộc quận Mapo-gu, Seoul.[140]
  • Bánh mì Madam Khánh: đối trọng của tiệm Bánh mì Phượng ở Hội An, do bà Nguyễn Thị Lộc mở vào năm 1975.[141] Nơi đây mang lại dấu ấn cho thực khách nhờ hương vị của món ăn, ngoài ra còn được nhiều du khách nước ngoài đặt cho biệt danh "The Banhmi Queen" (Nữ hoàng bánh mì).[142][143]

Trên thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ những năm 1950, bánh mì Việt Nam có thể được tìm thấy trong các cộng đồng du học sinh và di dân Việt sống tại Pháp.[13] Tác giả Song Thao, một người Việt định cư ở quốc gia này, đã nhận định rằng "Bánh mì là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Pháp–Việt. Đó là một cuộc hôn nhân hoàn hảo".[25] Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người miền Nam đã di cư sang Hoa Kỳ, châu ÂuÚc, mang theo công thức bánh mì kẹp thịt của người Việt vượt qua biên giới và trải dài khắp toàn cầu.[4][144] Có thể nói, bánh mì Việt Nam hầu như xuất hiện ở mọi quốc gia có kiều bào người Việt sinh sống vì dễ chế biến và sở hữu những nguyên liệu dễ tìm.[145] Rất nhiều phiên bản của món ăn có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, từ các quầy bánh trên đường phố, khu chợ cho đến cả nhà hàng.[146][147]

Châu Á–Thái Bình Dương

[sửa | sửa mã nguồn]
Bánh mì khao jee pâté ăn kèm với xốt Jeow bong đặc trưng của Lào

Món bánh mì của Việt Nam được cải biên sang nền ẩm thực Lào với cái tên khao jee pâté[b][148] và sang Campuchia với tên gọi num pang.[c][149][150] Vào tháng 10 năm 2019, đầu bếp nhận sao Michelin Palash Mitra đã tạo ra bánh mì nhồi gà tandoori cắt nhỏ tại Hồng Kông.[151] Ngoài ra, cửa hàng Mr. V ở Thượng Hải cũng bán món Obscene Double Triple – loại bánh mì ăn kèm giò thủ, lạp xưởng và thịt đông tiêu hột.[13] Ở Malaysia, có một thương hiệu mang tên Ô Bánh Mì đã trở thành địa điểm yêu thích của người dân địa phương.[152] Đối với Hàn Quốc, bánh mì có thể dễ dàng được tìm thấy ở những quán cà phê nổi tiếng cho đến các cửa hàng tiện lợi.[153] Tại Nhật Bản, món ăn này có thể xuất hiện từ khoảng năm 2000 và ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại các khu vực đô thị như Tokyo, Kanagawa, AichiGunma.[154][155][156] Đặc biệt, cửa hàng Bánh mì Xin chào do hai cựu lưu học sinh người Việt thành lập đã vinh dự được xuất hiện trên nhiều mặt báo, tạp chí và truyền hình của xứ sở hoa anh đào, trong đó phải kể đến NHK.[157] Tính đến năm 2023, cửa hàng đã phát triển thành mạng lưới với 15 chi nhánh nằm trên khắp đất nước Nhật Bản.[158] Vào cuối tháng 11 cùng năm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và các quan khách Nhật Bản đã có dịp ghé qua cửa hiệu này và thưởng thức món bánh trứ danh của Việt Nam.[159][160]

Thực đơn quán bánh mì Xin Chào tại Tokyo

Trước đây, nhiều người Việt nhập cư đến Úc đã phổ biến món bánh mì thông qua các tiệm bánh châu Á nằm trên khắp các tiểu bang New South WalesVictoria.[17] Vào khoảng cuối năm 2021, quán cà phê Third Wave Café ở thành phố Melbourne đã cho ra mắt món bánh mì được biến tấu lại để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương. Với chiều dài lên tới 60 cm, chiếc bánh mì được mô tả là "lớn nhất thế giới" và có giá bán 53,9 đô la, đủ cho 2–3 người cùng ăn.[161] Mặc dù giá thành của món bánh cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung, nhưng thực khách khắp nơi vẫn đổ xô đến và xếp hàng dài trước cửa quán để chờ thưởng thức.[162]

Cũng vào thời điểm đó, món bánh mì của nhà hàng Duck Duck Goose Eat tại New Zealand đã vinh dự được xướng tên trong danh sách "100 món ăn biểu tượng của Auckland".[163] Đồng thời, bản thân nhà hàng còn xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách những quán ăn được mong đợi nhất ở Auckland trong ấn phẩm Auckland Unlimited phát hành ngày 26 tháng 11.[164] Bánh mì Việt Nam do Duck Duck Goose Eat chế biến sử dụng loại bánh có lớp vỏ mỏng, giòn và phần ruột thơm mềm, cùng với đó là phần nhân đa dạng từ thịt lợn nướng cho tới thịt gà lá chanh ăn kèm các loại dưa góp muối và rau mùi.[165]

Có không ít người dân châu Âu đã phải lòng món bánh mì đến từ Việt Nam. Ở thành phố Luân Đôn thuộc xứ sở sương mù, Kêu là chi nhánh thuộc chuỗi cửa hàng Cây Tre và Việt Grill, gồm bốn địa điểm tọa lạc trên nhiều tuyến phố với sản phẩm kinh doanh chủ yếu là bánh mì. Ngoài ra, thành phố này cũng có nhiều cửa hàng Việt Nam được yêu thích như Bánh mì Bay, Bánh mì 11 và Bánh mì Hội An,...[166][167] Tại Đan Mạch, một nhà hàng mang tên Bánh Mì được thành lập sau khi bốn người mang quốc tịch nước này trở về từ chuyến du lịch ở Việt Nam.[168] Bên cạnh đó, với mong muốn giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam tới châu Âu, một người tên Lê Hùng đã cùng anh trai mình mở cửa hàng bánh tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech với sự trợ giúp của một đầu bếp người Việt.[166][169] Ở Đức, nhà hàng Bánh mì Stable thuộc địa phận Berlin đã thu hút không ít du khách đến với nơi đây nhờ sở hữu một không gian đậm chất Việt Nam.[170] Mặc dù vậy, món bánh phải mất một thời gian khá lâu mới tìm được chỗ đứng tại thành phố do chịu sự cạnh tranh gay gắt từ loại bánh mì kẹp Panini vốn rất nổi tiếng với cư dân địa phương.[171] Ngoài ra, một siêu thị nằm trong chuỗi hệ thống của công ty Kinhdo ở thành phố Hamburg cũng được biết đến rộng rãi với món ăn này.[172]

Trước đây, tiệm Hoa Nam ở quận 13 của Paris đã bán món bánh mì bọc giấy nến trong một khoảng thời gian dài, mặc dù xu hướng ăn bánh mì hiện nay thể hiện rõ ở các quán bobo (viết tắt của bourgeoisbohemian) ở hữu ngạn sông Seine như Sai Gon Sandwich và Bulma.[173] Sau này, những người Việt sống tại Pháp kinh doanh bánh mì nhiều đến nỗi người ta không còn gọi nó là "bread" hay "baguette" nữa.[174] Tại thủ đô Paris, rất nhiều cửa hàng bánh mì đã mọc lên khắp nơi và ngày càng trở nên đa dạng, đồng thời người ta cũng sáng tạo ra những biến tấu khác nhau của món ăn, chẳng hạn như "banh mi dog", gồm ổ bánh brioche nhồi cùng thịt lợn xé nhỏ, rau chua và xốt mayonnaise xanh.[175]

Cape Town – thủ đô của Cộng hòa Nam Phi, nhà hàng do chị Nguyễn Thị Mỹ Yến quản lý là nơi chuyên cung cấp những món ăn nổi tiếng của Việt Nam, bao gồm nem, bánh bao, bánh cuốn, phở và bánh mì.[176] Trong khi đó, ở Uganda, nơi cách nước Úc khoảng 11.000 km, có một cửa hàng được thành lập nên với nghĩa vụ giới thiệu món bánh mì đến với người dân nơi đây, đồng thời còn bài trí hai bức ảnh cỡ lớn cho thấy Thủ tướng Malcolm Turnbull đang thưởng thức món bánh khi ông còn là nguyên thủ Úc trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.[177]

Bắc Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]
Bên trong một tiệm bánh Lee's Sandwiches

Ngày nay, mỗi thành phố ở Bắc Mỹ đều có cửa hàng hoặc thương hiệu bánh mì riêng,[173] đồng thời còn sở hữu những biến tấu đặc trưng của nơi đó.[69][178] Do có thành phần chế biến quen thuộc với những người dân nơi đây nên món ăn được đón nhận rất nồng nhiệt.[151] Lee's Sandwiches được xem là một trong những doanh nghiệp làm cho bánh mì và cà phê sữa đá Việt Nam thịnh hành đối với người Mỹ nói chung.[179][180][181] Không lâu sau đó, những người tị nạn tại Hoa Kỳ đã mở nhà hàng, tiệm bánh và cửa hiệu món Việt, cung cấp tất cả các món ăn từ quê nhà.[13] Cho đến những năm 1990, bánh mì vẫn được bán chủ yếu ở các khu Little Saigon tại California cùng một số tiểu bang miền Nam khác.[182] Dần dà, hàng chục cửa hiệu bánh mì lần lượt mọc lên ở Nam California, đồng thời các đầu bếp nơi đây cũng sáng tạo ra những phiên bản mới lạ để đưa vào thực đơn mang đi của họ.[183] Đối với New York, phải mất một thời gian khá lâu thì món ăn ấy mới thực sự xuất hiện tại khu vực này.[149] Đôi khi nó còn được ví như món bánh mì kẹp của địa phương.[184] Trong các khu của người Ba Lan ở New York, người ta thường dùng xúc xích Kielbasa để thay cho chả lụa truyền thống.[185] Đầu bếp gốc Việt Fred Hua cũng sáng tạo ra món bánh mì phở độc đáo, sử dụng những thành phần đặc trưng trong món nước phổ biến của người Việt: thịt bò được ướp hương hồi, quế, thêm vào đó là vài cọng rau húnggiá đỗ giòn.[149] Tại New Orleans, một công thức của món "po' boy kiểu Việt" đã chiến thắng giải thưởng dành cho po' boy ngon nhất năm 2009 tại Lễ hội Po-Boy phố Oak thường niên.[186] Do thành phố này có lượng lớn người nhập cư gốc Việt nên có thể đây là lý do của sự tương đồng rõ rệt giữa bánh mì Việt Nam với bánh po' boy.[187] Ngoài ra, một nhà hàng ở Philadelphia cũng bán một loại bánh mì kẹp tương tự, gọi là "hoagie kiểu Việt Nam".[188]

Cũng tại New Orleans, Tiệm bánh Đông Phương được biết đến với món bánh mì phân phối cho các nhà hàng trong thành phố.[189][190] Sau năm 1975, Võ Văn Lẹ đã di cư sang Hoa Kỳ rồi sau đó cùng với Lâm Quốc Thanh thành lập Cửa hàng Ba Lẹ đình đám.[191][192] Tại Los Angeles, một cửa hàng lưu động tên Nom Nom Truck đã tạo dựng tên tuổi với món gà nướng sả, được bán theo kiểu bánh mì kẹp hoặc dưới dạng "taco Việt Nam".[193] Trung tâm mua sắm Eden Center ở Bắc Virginia cũng tồn tại một số cửa hiệu nổi tiếng chuyên về bánh mì.[61]Toronto, tiệm bánh Nguyên Hương đã có tuổi đời hơn 30 năm. Từ một địa điểm ban đầu, nay Nguyên Hương đã có khoảng 6 cửa hàng trên khắp các khu vực khác nhau của Toronto cũng như các vùng phụ cận. Ngoài ra, thành phố này còn có rất nhiều địa chỉ nổi tiếng khác như bánh mì Ba Lẹ ở Dundas, bánh mì Quê Hương ở Finch hay Hoa Hồng ở Gerrad.[194]

Không ít chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh phổ biến đã đưa vào danh mục thực đơn của họ món bánh mì cùng những cái tên khác đến từ Việt Nam. Yum! Brands từng điều hành chuỗi quán cà phê Bánh Shop chuyên về bánh mì.[60][195][196] Hơn nữa, chuỗi ShopHouse Southeast Asian Kitchen thuộc sở hữu của Chipotle trước đây cũng từng kinh doanh món ăn này. Trong khi đó, Jack in the Box thì cung cấp một loại bánh mì kẹp gà rán "lấy cảm hứng từ bánh mì Việt Nam" nằm trong loạt sản phẩm Food Truck Series.[197] Tính đến năm 2017, bánh mì Việt Nam chiếm khoảng 2% thực đơn các loại bánh mì kẹp trong những nhà hàng ở Hoa Kỳ, tăng gần gấp 5 lần so với năm 2013.[198]

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]
Một bức ký họa về bánh mì

Cho tới nay, bánh mì vẫn là món ăn phổ biến được yêu thích của người Việt Nam, đặc biệt là giới sinh viên và người lao động.[76] Nhiều người cho rằng bánh mì là một món quà, và hình ảnh của thứ thức quà làm từ bột mì đó đã trở thành một phần gắn liền với ký ức tuổi thơ không thể nào quên đối với họ.[199][200] Bánh mì chủ yếu để ăn nhẹ vào buổi sáng, nhưng chúng cũng có thể được phục vụ đến tận nửa đêm do tính tiện dụng, nhanh gọn[53][201] và có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu.[29] Ngoài ra, loại bánh này còn xuất hiện trong các bữa tiệc hoặc mâm cơm gia đình, ăn cùng với các thứ đồ ăn như bò kho hoặc cà ri. Đối với các tiệm phở, hủ tiếu thì bánh mì dùng để đáp ứng khẩu vị của một số người, đồng thời được xem như một món ăn kèm chống đói;[41] có nơi còn nặn bánh mì theo hình các con vật và hoa quả để kích thích người mua.[6] Mặt khác, thỉnh thoảng món ăn này còn được người ta lấy cảm hứng để sáng tạo nên những từ lóng, ví dụ như "bánh mì đêm" vốn dùng để chỉ những người nam hành nghề mại dâm trong giai đoạn 1990–2010.[202]

Bánh mì Việt Nam là đề tài thường xuyên được khai thác trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là từ năm 2020 trở đi, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như văn chương,[203] phim ảnh truyền hình,[204] âm nhạc,[205] hội họa[206] và nhiếp ảnh.[207] Một vài tác phẩm trong số đó đã trở nên nổi tiếng và nhận về nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng, chẳng hạn như các ca khúc "Bánh mì không" và "Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì",[208] tuy nhiên cũng có trường hợp làm dấy nên tranh cãi và phân cực ở phía người xem.[209] Bên cạnh đó, một số hội thảo, lễ hội và các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh cũng xoay quanh món bánh này,[210] thậm chí còn có ý kiến đề xuất việc lấy ngày 24 tháng 3 làm "Ngày bánh mì Việt Nam".[211][212] Đây cũng là thời điểm mà bánh mì được Google Doodle tổ chức tôn vinh giữa đại dịch COVID-19 trên trang chủ ở nhiều quốc gia vào năm 2020,[213] cũng như xuất hiện trong từ điển Từ điển tiếng Anh Oxford cách đó 9 năm về trước.[214][215] Ngoài ra, bánh mì còn được đưa vào một số từ điển khác như Merriam-Webster,[216] Từ điển tiếng Anh Collins[217] hoặc Từ điển Di sản Hoa Kỳ về Ngôn ngữ Anh.[218]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]
Thực khách đang chờ mua bánh mì tại một cửa hàng ở Nhật Bản

Theo đánh giá của một số tờ báo Hoa Kỳ chuyên về ẩm thực, bánh mì kẹp thịt bày bán ở những cửa hàng người Việt là món ăn có hương vị và đặc điểm tương phản: vỏ ngoài giòn rụm nhưng phần ruột bên trong lại mềm, còn nhân bánh vừa đậm đà lại vừa cay nồng.[219] Một nghiên cứu do các chuyên gia ngành Khoa học thực phẩm tại Đại học Leeds thực hiện đã dẫn đến kết luận "kết cấu miếng thịt và độ giòn khi còn nóng còn thú vị hơn cả mùi vị của miếng thịt kẹp trong bánh".[220] Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng thứ bánh này là sự pha trộn tuyệt vời giữa nguyên liệu của Pháp và Việt Nam.[221] Nhiều nhà chuyên môn về ẩm thực đã gọi đây là món ăn có đủ cả "Đông Tây, kim cổ": ổ bánh và pa tê được du nhập từ phương Tây, chả là loại thực phẩm vốn quen thuộc ở phương Đông, đồ chua là món truyền thống, trong khi thịt nguội lại là thức ăn hiện đại.[222] Có thể nói, bánh mì Việt Nam chính là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa.[223]

Báo giới quốc tế đã công nhận rằng bánh mì là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới,[224] đồng thời còn lọt top những món bánh mì kẹp ngon nhất toàn cầu.[225] Cây viết Léo Bourdin của báo Le Monde đã nhận định đây là đối thủ đáng gờm của món hamburger đến từ Mỹ,[226] trong khi Dave Johnson thuộc CNN thì đưa nó vào hạng mục "tân người hùng bánh mì kẹp ở Hoa Kỳ".[227] Ngoài ra, biên tập viên Steve Thomas từ tờ South China Morning Post còn liệt kê món ăn này vào danh sách bữa sáng tiêu biểu của châu Á.[62] Bánh mì cũng là món ăn thường xuyên được đề xuất đối với những khách du lịch ghé thăm Việt Nam.[228][229] Năm 2009, đầu bếp Anthony Bourdain khi đến Hội An và thưởng thức chiếc bánh mì trên phố Phan Chu Trinh, đã bày tỏ sự kinh ngạc rồi nhận định "Đây quả thực là một bản giao hưởng của bánh mì" trong lúc ông tự tay cắt ổ bánh, rưới nước xốt, phết bơ, pa tê và kẹp vào bên trong những lát thịt nướng, chả lụa,... Dù chỉ xuất hiện vẻn vẹn 2 phút trong chương trình No Reservation của đài CNN, thế nhưng bánh mì Việt Nam đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới.[131][230] Hơn nữa, món bánh này còn được xem như một trong những biểu tượng của nền ẩm thực Việt Nam.[12] Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã gọi đây là một hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt, được thể hiện qua những đặc điểm như "Cấu trúc hóa lại hình thức ẩm thực theo văn hóa bản địa; từ tính cá nhân đến tính cộng đồng, xã hội hóa; từ tính nguyên tắc đến tính linh hoạt hóa trong văn hóa ẩm thực; cuối cùng là tính dung hòa, tổng hợp trong ổ bánh mì Việt Nam".[211]

Trong bài viết mang tiêu đề The world's best street food[d] xuất bản vào tháng 12 năm 2012 trên tờ The Guardian, tác giả Richard Johnson đã nhận định rằng:

Một bí mật ít được biết đến là chiếc bánh mì kẹp ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí là thành phố New York, mà nằm trên các ngõ đường của Việt Nam. Món ăn bắt đầu với một ổ baguette nhỏ được nướng trên than. Sau khi điểm qua một lớp mayonnaise và ít pa tê, lớp vỏ giòn rụm của bánh đã ngập tràn những miếng thịt, rau giòn ngâm cùng các loại rau tươi. Sau đó món ăn ấy thường được nêm thêm vài giọt nước tương và gia vị ớt cay.[231]

Năm 2014, tác giả Andrea Nguyen đã xuất bản cuốn sách The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches, được NPR nêu danh là một trong những sách dạy nấu ăn tốt nhất trong năm.[232] Với sự trợ giúp của Andrea Nguyen, đầu bếp Robyn Eckhardt đã có một chuyến du hành khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để xác định những địa chỉ bán bánh mì thịt ngon nhất và sau đó thảo ra bài viết Finding Saigon's best banh mi [e] trên nhật báo The Wall Street Journal.[233]

Năm 2018, trang web của Bright Side đã công nhận loại bánh mì khổng lồ ở tỉnh An Giang là một trong mười lăm món ăn kỳ lạ nhất thế giới.[234] Ngày 10 tháng 11 năm 2017, sau khi đến thăm Việt Nam và có dịp thưởng thức bánh mì, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân của mình rằng "Đây là lần đầu tiên tôi được ăn món này. Tôi thích hương vị tươi ngon của đồ ăn Việt Nam".[235] Ngoài ông Turnbull, nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng tỏ ra thích thú với món bánh ấy.[236][237][238] Vào tháng 12 năm 2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức có quyết định xác lập 10 Kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam, trong đó bánh mì Sài Gòn được xếp ở hạng mục đặc sản châu Á.[239] Cùng lúc đó, bánh mì cũng được độc giả bình chọn ở vị trí khá cao trong danh sách "100 món ăn ngon nhất thế giới" do trang hướng dẫn du lịch trực tuyến TasteAtlas thực hiện.[240]

Dù được khen ngợi rộng rãi, song bánh mì Việt Nam cũng nhận về một số đánh giá trái chiều, trong số đó phải kể đến việc 20 du khách Hàn Quốc được đưa đi cách ly ở Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Khi ấy, họ đã chê rằng khu cách ly Việt Nam nghèo nàn và chỉ cho ăn "vài mẩu bánh mì".[241] Sau đó, đài YTN của Hàn Quốc đã đưa tin về vụ này và hứng chịu những chỉ trích từ cộng đồng.[242] Trong một bài đăng trên nhật báo Los Angeles Times, tác giả Austin Bush cho biết bánh mì từng bị báo chí chế giễu và dị nghị do sự kém chất lượng trong khâu chế biến, nhại lại món baguette của Pháp hoặc bắt nguồn từ những tuyên bố sai lầm về bột gạo.[243] Mặt khác, Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hương từ Trường Đại học Văn Hiến lại nhận định rằng dù bánh mì là món ăn nổi tiếng và được du khách quốc tế yêu thích, song ngành Du lịch vẫn chưa tận dụng được những lợi thế đó để đưa vào khai thác, phục vụ du lịch một cách hiệu quả.[244] Doanh nhân Kao Siêu Lực thì nhận xét món bánh có một số nhược điểm như cồng kềnh trong khâu vận chuyển và có tuổi thọ ngắn, từ đó khiến cho công đoạn bảo quản trở nên khó khăn hơn.[116]

Ảnh hưởng xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Những chiếc bánh mì yêu nước được chia sẻ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng.[245]

Bánh mì là loại đồ ăn thường xuyên xuất hiện trong những đợt thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.[246][247] Nhiều tủ bánh mì 0 đồng đã được dựng nên để ủng hộ người dân,[248] ngoài ra món bánh này còn tạo công ăn việc làm, sinh kế vỉa hè,... cho không ít người.[249][250] Bánh mì cũng trở nên đặc biệt thông dụng trong đại dịch COVID-19[251][252] và được dùng làm phương tiện "giải cứu" nông sản, chẳng hạn như bánh mì thanh long.[253] Nhiều người trẻ đã khởi nghiệp với xe bánh mì vì có chi phí không quá cao, lại có thể thực hiện ở ngay địa phương mình mà không nhất thiết phải đến các đô thị lớn.[254][255] Một số những doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng làm giàu từ bánh mì khi mở những cửa hàng riêng tại những quốc gia đó và thu hút được nhiều thực khách.[256] Thỉnh thoảng, món ăn này còn gắn liền với những hình ảnh gây xúc động với nhiều người, ví dụ như một người lính cứu hỏa Việt Nam lót dạ bằng ổ bánh khi anh đang hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023.[257]

Vào năm 2016, dư luận đã xôn xao khi xảy ra trường hợp hai thiếu niên bị tuyên phạt 9 tháng tù chỉ vì cướp bánh mì để chống đói, trong đó tổng trị giá số thức ăn bị cướp là 45.000 đồng.[258] Vào ngày 19 tháng 7 năm 2021, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi hình lại một tổ kiểm tra liên ngành tại Nha Trang xử phạt một thanh niên vi phạm Chỉ thị 16.[f][260] Trong đoạn clip đó, thái độ của một cán bộ và lời giải thích "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu" đã khiến cộng đồng mạng bức xúc.[261] Sau vụ việc này, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.[262] Kế đến, một số tỉnh thành cũng lần lượt công bố danh mục về các loại mặt hàng trên.[263][264]

An toàn vệ sinh thực phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều trang truyền thông, báo chí từng lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng bắt nguồn từ những chiếc bánh mì không đảm bảo vệ sinh. Theo đó, không ít người kinh doanh bánh mì đã sử dụng những dụng cụ khá đơn giản, không đáp ứng vệ sinh, đồng thời người chế biến còn không đeo găng tay và dùng giấy báo cũ, bẩn để gói bánh. Bên cạnh đó, nơi bán bánh mì còn nằm ở những chỗ gần đường có nhiều khói bụi, sản phẩm không được che đậy cẩn thận.[20][265] Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất bánh cũng bị xử phạt do vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.[266] Chính những yếu tố trên đã dẫn đến hệ lụy khiến không ít người phải nhập viện hoặc thậm chí là tử vong do ngộ độc thực phẩm.[267] Trong một bài viết trên báo Người lao động, cây bút Phạm Hồ đã viện dẫn sự kém chất lượng của các thành phần trong bánh mì rồi suy rộng ra hàng loạt món ăn phổ biến hằng ngày khác, từ đó nêu bật lên tình trạng đáng báo động về vấn đề an toàn thực phẩm.[222] Mặt khác, hoạt động sản xuất của những lò bánh mì cũng có thể gây ảnh hưởng đến môi trường do sự vô trách nhiệm của người kinh doanh.[268]

Đối với nước Úc, ngộ độc bánh mì là một thực trạng đáng lo ngại đối với người dân nơi đây. Hầu hết chính quyền địa phương đều đưa ra những khuyến cáo về việc không sử dụng bơ tươi làm từ trứng gà, bởi khuẩn salmonella từ vỏ trứng có thể xâm nhập vào bơ khi chế biến. Mặc dù đã có đề nghị dùng bơ công nghiệp cho món bánh, tuy nhiên hiếm có cửa hàng Việt Nam nào tuân thủ theo yêu cầu trên. Rốt cuộc, rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm đã xảy ra do tiêu thụ bánh mì, trong đó vụ nghiêm trọng nhất diễn ra vào đầu năm 2003 tại nhà hàng Thạnh Phú ở Footscray thuộc thành phố Melbourne, với 213 người đổ bệnh, 22 người nhập viện và một người thiệt mạng.[269]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phong cách ẩm thực kết hợp nhiều yếu tố về nguyên liệu và cách chế biến giữa nhiều quốc gia, nhiều nền ẩm thực khác nhau.
  2. ^ Tiếng Lào: ເຂົ້າ ຈີ່
  3. ^ Tiếng Khmer: នំបុ័ង
  4. ^ Tạm dịch: Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
  5. ^ Tạm dịch: Đi tìm bánh mì ngon nhất Sài Gòn.
  6. ^ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 – gọi tắt là Chỉ thị 16, là một biện pháp do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề ra nhằm đối phó với Đại dịch COVID-19, trong đó yêu cầu mọi người thực hiện giãn cách xã hội trong một quãng thời gian nhất định.[259]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ de Rhodes 2020, tr. 25
  2. ^ Taberd 1838, tr. 153
  3. ^ a b Minh Tự (6 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 1: Tàu to, súng lớn và... bánh mì”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2024.
  4. ^ a b c Đỗ Trang; Ngọc Diệp (1 tháng 12 năm 2018). “Bánh mì Việt Nam - nét văn hóa chỉ của người Việt”. Pháp luật. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  5. ^ Thanh Nguyễn. “Lịch sử của bánh mì – một trong những món ăn nhanh nhất thế giới”. Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  6. ^ a b Vũ Đoàn (8 tháng 4 năm 2020). “Những thông tin bất ngờ về bánh mì Việt Nam- món ăn nổi tiếng thế giới”. Pháp luật. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 6 tháng 8 năm 2021.
  7. ^ a b c d e f g h i Phong Linh (14 tháng 4 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam, hành trình từ ổ bánh "thượng lưu" cho đến món ăn đường phố làm kinh ngạc cả thế giới”. Vietnam Tourism. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2021. Truy cập 9 tháng 3 năm 2021.
  8. ^ a b K. M (1 tháng 10 năm 2016). “Bánh mì: Dấu ấn ẩm thực Pháp ở Việt Nam”. Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 19 tháng 3 năm 2021.
  9. ^ a b c d Nguyên Nga; Ngọc Dương (11 tháng 10 năm 2022). “Bánh mì Việt Nam: Chưa bao giờ khiến người đam mê ẩm thực thất vọng”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 2 năm 2023. Truy cập 6 tháng 2 năm 2024.
  10. ^ a b c Minh Tự (15 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 10: Ổ bánh nhỏ như bàn tay con gái”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  11. ^ a b Nguyễn Ngọc Tiến (26 tháng 5 năm 2019). “Bánh mỳ Hà Nội xưa”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  12. ^ a b c d “Đi đâu ? ăn gì ?: Bánh mì Hà Nội xưa và nay”. Phóng sự VTV. 25 tháng 6 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2021. Truy cập 28 tháng 8 năm 2021.
  13. ^ a b c d e Andrew Lâm (19 tháng 2 năm 2020). “Câu chuyện bánh mì”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  14. ^ Andrea Nguyen 2014, tr. 2
  15. ^ Andrew Lam 2015, tr. 66
  16. ^ a b c Tường Minh (20 tháng 7 năm 2021). “Bánh mỳ có mặt ở Việt Nam từ bao giờ?”. Lao động. Lưu trữ bản gốc 27 tháng 8 năm 2021. Truy cập 28 tháng 7 năm 2021.
  17. ^ a b Guest Author (12 tháng 8 năm 2020). “Banh Mi: The Vietnamese Sandwich”. South East Asia Backpacker (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 17 tháng 8 năm 2021. Truy cập 17 tháng 8 năm 2021.
  18. ^ a b c Vũ Thế Long (11 tháng 4 năm 2020). “Sống chậm cuối tuần: Bánh mì Việt Nam, bánh mì Sài Gòn”. Báo Hà Tĩnh. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  19. ^ a b Hinson, Tamara (31 tháng 5 năm 2019). “In search of Ho Chi Minh City's best banh mi – how sandwich is being reinvented by Vietnamese chefs”. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2024. Truy cập 21 tháng 2 năm 2024.
  20. ^ a b c d e f g h Stanley, Simon (21 tháng 6 năm 2016). “The sandwich that ate the world”. Roads & Kingdoms (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2024. Truy cập 21 tháng 2 năm 2024.
  21. ^ Thanh Niên (12 tháng 10 năm 2022). “Tôn vinh văn hóa bánh mì Việt”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  22. ^ Phạm Vũ (3 tháng 2 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 2: Bánh mì - từ ghét đến thương”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 4 tháng 1 năm 2024.
  23. ^ Lê Văn Nghĩa (11 tháng 1 năm 2017). “Chuyện xưa – chuyện nay: Bánh mì Sài Gòn trong thơ”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập 3 tháng 4 năm 2018.
  24. ^ Vũ Hồng Liên 2016, tr. 148
  25. ^ a b Minh Tự (11 tháng 1 năm 2017). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 3: Chiếc bánh chứa đầy tâm hồn Việt”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  26. ^ Nguyễn Quang Diệu (22 tháng 7 năm 2021). “Chuyện hay về ổ bánh mì trong văn hóa Đông Tây xưa và nay”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 28 tháng 7 năm 2021.
  27. ^ Nguyễn Quang Diệu (23 tháng 7 năm 2021). “Bánh mì nhân nghĩa và bánh mì từng đưa người ra... tòa án”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 3 tháng 8 năm 2021.
  28. ^ a b c Phạm Vũ (9 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 4: Ổ bánh mì thăng trầm với đất nước”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  29. ^ a b c d e f Phạm Vũ (12 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 7: Đi tìm hương vị 'Banh mi Saigon'. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  30. ^ Pike, Matthew (2 tháng 1 năm 2018). “The Curious History of Vietnam's Bánh Mì Sandwich”. The Culture Trip. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  31. ^ Denk, Felix (1 tháng 11 năm 2019). “Imbisskultur: Banh Mi” [Văn hóa ăn vặt: Bánh mì]. Der Tagesspiegel (bằng tiếng Đức). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 5 năm 2023. Truy cập 5 tháng 3 năm 2024.
  32. ^ a b c Eckhardt, Robyn (30 tháng 7 năm 2010). “Saigon's Banh Mi”. The Wall Street Journal (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  33. ^ Rosemary (5 tháng 1 năm 2021). “Banh Mi – The Best Vietnamese Sandwich to Fall in Love With”. Authentic Food Quest (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2021. Truy cập 2 tháng 3 năm 2021.
  34. ^ Phong Vinh (21 tháng 11 năm 2015). “Bánh mì Hòa Mã 50 năm ở Sài Gòn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2018. Truy cập 3 tháng 4 năm 2018.
  35. ^ Hạ Vũ (24 tháng 3 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam - Món ăn đường phố được thế giới gọi tên”. VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  36. ^ P. V. (ngày 5 tháng 6 năm 2013). “Vào hẻm tìm ăn bánh mì cụ Lý”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2018.
  37. ^ “Xe bánh mì phá lấu 60 năm tại góc phố Sài Gòn”. Ngôi sao. 8 tháng 8 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2018.
  38. ^ Vũ Hồng Liên 2016, tr. 150
  39. ^ Andrew Lam 2015, tr. 67
  40. ^ a b Nguyên Nga; Hà Mai (9 tháng 10 năm 2022). “Hành trình bánh mì Việt Nam”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 9 tháng 10 năm 2022.
  41. ^ a b c Nguyễn Thái Hải (14 tháng 5 năm 2021). “Từ bánh mì Baguette tới bánh mì Việt”. Báo Đồng Nai. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2021. Truy cập 15 tháng 5 năm 2021.
  42. ^ “Bánh mì kẹp – món ăn bình dân của Việt Nam khiến thế giới 'phát cuồng'. VietnamPlus. 19 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  43. ^ Quốc Việt (11 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 6: Lò bánh mì Sài Gòn ra Hà Nội”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  44. ^ Nguyễn Trương Quý (13 tháng 3 năm 2022). “Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 8: Bánh mì Hà Nội, từ lầu son đến vỉa hè”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  45. ^ Anh Phương (26 tháng 2 năm 2020). “Lý do bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới”. Thời đại. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  46. ^ Levine, Ed (1 tháng 12 năm 2004). “Lo, a New Age of Heroes”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2016. Truy cập 3 tháng 3 năm 2024.
  47. ^ a b Duy Ngô (26 tháng 8 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam: Sự giao thoa kỳ diệu giữa văn hoá ẩm thực Đông – Tây”. WhereToVietnam. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 6 năm 2016.
  48. ^ “Bánh mì Việt Nam thêm một lần được ca ngợi, khuyên nên thưởng thức”. Nhà báo & Công luận. 13 tháng 9 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 17 tháng 1 năm 2024.
  49. ^ Nhiều tác giả 2019, tr. 60
  50. ^ a b c Hiền Linh (15 tháng 9 năm 2021). “Điểm trái ngược thú vị trong 'gu' ăn bánh mì của người Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2021. Truy cập 9 tháng 10 năm 2021.
  51. ^ Gia Mỹ (27 tháng 3 năm 2020). “Tự hào bánh mì Sài Gòn”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ – Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  52. ^ Hằng Hà (8 tháng 12 năm 2020). “Bánh mì chấm sữa thuần Việt 'gây bão' cư dân mạng quốc tế vì ngạc nhiên”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2020. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  53. ^ a b c Tuyết Loan (23 tháng 3 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam và những khúc biến tấu”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2020.
  54. ^ “Đi tìm bánh mì thịt ngon nhất Sài Gòn”. VietNamNet. 16 tháng 4 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2021. Truy cập 27 tháng 7 năm 2017.
  55. ^ a b c Farley, David (12 tháng 10 năm 2014). “Is the banh mi the world's best sandwich?”. BBC (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ 1 tháng 12 năm 2021. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  56. ^ Rough 2023, tr. 62
  57. ^ a b c Phạm Lân Huỳnh (18 tháng 11 năm 2019). “Bánh mì Sài Gòn”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2021. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  58. ^ a b Andrea Nguyen 2006, tr. 76
  59. ^ Young, Daniel (25 tháng 9 năm 1996). “East meets West in 'Nam Sandwich France's influence on Indochina helps to baguette Viet fave”. New York Daily News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 23 tháng 3 năm 2020. Truy cập 6 tháng 3 năm 2024.
  60. ^ a b Andrew Lam 2015, tr. 65
  61. ^ a b c d Nicholls, Walter (6 tháng 2 năm 2008). “The Banh Mi of My Dreams”. The Washington Post (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 1 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2021.
  62. ^ a b Thomas, Steve (27 tháng 3 năm 2021). “Asia's best breakfasts: from hoppers in Sri Lanka to Vietnam's banh mi”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 5 tháng 4 năm 2021.
  63. ^ Mai Thụy (1 tháng 3 năm 2020). “Người Việt bỗng thấy thương cái áo bình dân mà bánh mì đang khoác”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2020. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  64. ^ Đoàn Nhạn; Quỳnh Gian (13 tháng 1 năm 2021). “Bánh mì nhân đầy thịt chả mời cô chú ve chai, hàng rong... ngày giá rét”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2021. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  65. ^ Hồng Nhung (28 tháng 9 năm 2023). “Báo quốc tế ca ngợi ẩm thực của Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt”. Tổ quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  66. ^ Uyen Luu (26 tháng 10 năm 2020). “Uyen Luu's banh mi with five-spice crispy pork belly, pickled carrot, chilli, coriander and cucumber”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  67. ^ Swinnerton, Robbie (14 tháng 10 năm 2017). “Banh Mi Bakery: Flavor and consistency straight out of Saigon”. The Japan Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  68. ^ Lê Ri 2019, tr. 117
  69. ^ a b “This year's must-eat: 'bánh mì'. The Independent (bằng tiếng Anh). 26 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  70. ^ a b c Hà Trang (16 tháng 10 năm 2022). “Hương vị bánh mì 3 miền Bắc - Trung - Nam qua review của 1 blogger người Anh”. Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  71. ^ a b c Lan Hương (17 tháng 6 năm 2021). “Khác biệt bánh mì khắp ba miền”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  72. ^ Ngọc Lan (10 tháng 5 năm 2013). “Chuyện kinh doanh bánh mì tại Little Saigon (kỳ 2)”. Nguoi Viet Daily News. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2018. Truy cập 10 tháng 4 năm 2018.
  73. ^ Bích Loan (31 tháng 5 năm 2023). “Tiệm bánh mì "nhân cơm tấm" độc lạ đang cực nổi tiếng tại TP.HCM”. Tổ quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  74. ^ Nhiều tác giả 2019, tr. 176
  75. ^ Andrea Nguyen (17 tháng 6 năm 2009). “Master Banh Mi Sandwich Recipe”. Viet World Kitchen (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ 30 tháng 3 năm 2010. Truy cập 11 tháng 8 năm 2021.
  76. ^ a b Ngữ Yên (20 tháng 10 năm 2012). “Bánh mì "tàu ngầm" Sài Gòn nức tiếng thế giới”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 1 năm 2013. Truy cập 6 tháng 8 năm 2021.
  77. ^ Nguyễn Thị Kim Oanh và đồng nghiệp, tr. 37
  78. ^ a b “10 loại nhân bánh mì yêu thích của người Sài Gòn”. VietNamNet. 27 tháng 11 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 12 năm 2018. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  79. ^ “Bánh mì bì - món ăn sáng gắn với bao thế hệ người Sài Gòn”. VietNamNet. 9 tháng 1 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2017. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  80. ^ Lê Ri 2019, tr. 45; Phạm Ngọc Khánh 2021, tr. 27.
  81. ^ Huy Hoàng (27 tháng 7 năm 2023). “Món quen thuộc của người Việt đi đâu cũng thấy lọt "Top ngon nhất thế giới". Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 17 tháng 1 năm 2024.
  82. ^ Má Lúm (21 tháng 12 năm 2016). “Bò né - món ăn thú vị từ cái tên của người Sài Gòn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  83. ^ Hữu Thành (4 tháng 4 năm 2020). “Vì sao ăn bánh mì với bột lọc?”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2020. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  84. ^ An Duy (30 tháng 5 năm 2020). “Bánh mì nhân bột lọc độc đáo của miền Trung gây thương nhớ”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  85. ^ a b Như Trúc (30 tháng 5 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam: Có gì đặc biệt mà đủ sức "cưa đổ cả thế giới" và xuất hiện trên trang chủ Google?”. Tổ quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  86. ^ Trác Thúy Miêu (28 tháng 12 năm 2019). “Ruột đặc bơ thơm”. Người đô thị. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  87. ^ “Gợi ý 7 cách chế biến cá mòi đóng hộp nhanh chóng, tiện lợi mà ngon miệng”. Phunutoday. 14 tháng 1 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 17 tháng 1 năm 2024.
  88. ^ Nancy Nguyen 2018, tr. 61
  89. ^ a b c d e Ngân Dương. “Những kiểu biến tấu bánh mì năm 2020”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  90. ^ Duy Tân (19 tháng 7 năm 2020). “Bánh mì cá sấu khổng lồ gây sốt ở miền Tây”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 4 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  91. ^ Trần Kim Anh (10 tháng 5 năm 2020). “Bánh mì cóc Sài Gòn và chuyện bà chủ đứng 'gắp thịt' cả thời thanh xuân”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  92. ^ a b “Đi khắp Việt Nam thưởng thức các loại bánh mì ngon tuyệt”. VietNamNet. 10 tháng 11 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 9 tháng 3 năm 2021.
  93. ^ a b Huy Phương; Đàm Vũ Đức (28 tháng 6 năm 2015). “Hành trình tìm bánh mì ngon nhất Việt Nam”. Elleman. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2016. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  94. ^ a b Huỳnh Nhi (6 tháng 8 năm 2021). “8 kiểu bánh mì Sài Gòn 'gây thương nhớ' mùa dịch”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2021. Truy cập 6 tháng 8 năm 2021.
  95. ^ Vân Lam (15 tháng 8 năm 2020). “Bánh mì chảo trong ký ức ẩm thực Hà Nội xưa”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2024. Truy cập 15 tháng 2 năm 2024.
  96. ^ T V.D (15 tháng 8 năm 2020). “Bánh mì chảo: món lạ trong ký ức vị giác Hà Nội”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 9 tháng 3 năm 2021.
  97. ^ “Xếp hàng lúc 2h sáng để chờ mua bánh mì "dân tổ". Dân Trí. 6 tháng 11 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2024. Truy cập 25 tháng 2 năm 2024.
  98. ^ Chí Long (13 tháng 9 năm 2022). “6 phiên bản bánh mỳ độc đáo tại Hà Nội”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2024. Truy cập 25 tháng 2 năm 2024.
  99. ^ “Bánh mì hấp - vừa nhớ vừa thương”. Infonet. 15 tháng 8 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 1 năm 2024.
  100. ^ Duy Hoàng (10 tháng 3 năm 2024). “Những món ăn vặt được biến tấu từ một loại bánh khiến khách Tây tấm tắc khen ngon”. Dân Việt. Truy cập 28 tháng 3 năm 2024.
  101. ^ Lê Hồng Hạnh (2 tháng 12 năm 2018). “Bánh mì hấp gia truyền lạ miệng, khách ăn bỗng thành 'người đẹp' ở Sài Gòn”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 1 năm 2024.
  102. ^ Chu Thị Hồng Anh 2015, tr. 163
  103. ^ Tuệ Minh. “Bánh mỳ hến xứ Huế”. HueTourism. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  104. ^ a b c d e f g Như Quỳnh (28 tháng 2 năm 2020). “Những loại bánh mì có nhân siêu lạ nhưng ngon nức tiếng ở Việt Nam”. An ninh thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  105. ^ Nancy Nguyen 2018, tr. 43
  106. ^ Rachel Phạm (21 tháng 6 năm 2021). “Bánh mì kẹp kem và tiếng leng keng gọi ký ức tuổi thơ ùa về của thế hệ 7X-8X”. VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 11 tháng 8 năm 2021.
  107. ^ “Hấp dẫn biến tấu bánh mì khô bò ở Sài Gòn”. Thanh Niên. 15 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  108. ^ Thảo Nguyên (4 tháng 11 năm 2020). “Các loại bánh mì độc lạ giới trẻ Sài Gòn cực kỳ yêu thích”. Kiến Thức. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập 8 tháng 5 năm 2021.
  109. ^ a b Hạ Trân (18 tháng 9 năm 2022). “Ngoài pa-tê và thịt nguội, bánh mì Việt Nam có thêm nhiều biến tấu lạ miệng nhưng ngon khó cưỡng”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  110. ^ Mr. True (15 tháng 5 năm 2016). “Bánh mì nướng muối ớt - món ăn 'siêu hot' ở Sài Gòn”. Ngôi sao. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  111. ^ Bảo Trân (2 tháng 4 năm 2020). “Bánh mì Việt và những màn biến tấu độc lạ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2020. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  112. ^ Xuân Quỳnh; Huỳnh Khanh (3 tháng 2 năm 2021). “Bánh mì yêu nước”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 26 tháng 3 năm 2021.
  113. ^ Thanh Hải (20 tháng 12 năm 2013). “Độc lạ bánh mì phá lấu nức tiếng TPHCM, khó tìm ở Hà Nội”. Du lịch. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  114. ^ Chánh Niệm (8 tháng 6 năm 2019). “7 loại bánh mì trứ danh chỉ nhắc đã thèm ở TP.HCM”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  115. ^ Tú Anh (28 tháng 12 năm 2020). “What makes "Banh mi" different from worldwide sandwich?”. HanoiTimes (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2021. Truy cập 20 tháng 3 năm 2021.
  116. ^ a b Thái Lộc; Ngọc Hiển (25 tháng 3 năm 2023). “Doanh nhân Kao Siêu Lực: Bánh mì ngon thôi chưa đủ, mà phải đẹp”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 2 năm 2024. Truy cập 18 tháng 2 năm 2024.
  117. ^ Vũ Hạnh Kim (14 tháng 2 năm 2020). “Bánh mì thanh long”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  118. ^ Dương Kha (27 tháng 2 năm 2020). “Phóng viên nước ngoài ca ngợi hết lời bánh mì thanh long của Việt Nam”. Thời đại. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  119. ^ Bảo Ngân (19 tháng 8 năm 2020). “Bánh mì đen như than ở Quảng Ninh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 12 tháng 3 năm 2021.
  120. ^ Trà Linh (4 tháng 3 năm 2015). “Chân chất bánh mì xíu Quảng Trị”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 20 tháng 3 năm 2021.
  121. ^ Nancy Nguyen 2018, tr. 30
  122. ^ Trà Linh (17 tháng 7 năm 2021). “5 phiên bản bánh mì đặc sản thơm ngon của ẩm thực Việt Nam”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  123. ^ Phương Anh (2 tháng 4 năm 2023). “6 thành phố Việt Nam 'đến là phải ăn bánh mì'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2023. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  124. ^ Lan Hương (3 tháng 3 năm 2020). “Bánh mì xíu mại trứng muối”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 3 tháng 8 năm 2021.
  125. ^ Như Trang (9 tháng 1 năm 2021). “Độc đáo "bánh mì yêu nước" ở Hội An”. Báo Quảng Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  126. ^ Ngân Dương (29 tháng 10 năm 2020). 'Bánh mì yêu nước' gây sốt”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 19 tháng 3 năm 2021.
  127. ^ Lan Hương (4 tháng 3 năm 2020). “Bánh mì Việt trên khắp thế giới”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2021. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  128. ^ Như Võ (5 tháng 3 năm 2020). “Người Nhật làm bánh mì Việt biến tấu tưởng không ngon mà ngon không tưởng”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2021. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  129. ^ Ives, Mike (7 tháng 2 năm 2014). “McDonald's Opens in Vietnam, Bringing Big Mac to Fans of Banh Mi”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập 15 tháng 4 năm 2018.
  130. ^ Davis, Brett (26 tháng 10 năm 2016). “How Vietnam's Dining Habits Are Changing With International Brands”. Forbes (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  131. ^ a b Rachel Phạm (21 tháng 7 năm 2021). “Ẩm thực Việt: Từ vay mượn món Tây, bánh mì Việt thành đặc sản vươn tầm quốc tế”. VTC. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2021. Truy cập 7 tháng 8 năm 2021.
  132. ^ Thảo Trinh (17 tháng 12 năm 2021). “Những quán bánh mì ở Sài Gòn, khách muốn ăn phải xếp hàng cả tiếng”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  133. ^ “Bún bò Huế An Cựu - Bánh mì Huynh Hoa: Từ ẩm thực địa phương bước ra quốc tế, xuất hiện tự hào tại Quảng trường Thời đại”. Nhịp sống kinh tế. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  134. ^ “Hiệu bánh mì trường tồn suốt 80 năm ở Thủ đô, giá lên tới 120 nghìn đồng 1 cái”. VietNamNet. 1 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  135. ^ “7 địa chỉ bánh mì nổi tiếng không thể bỏ qua ở Hà Nội”. VietNamNet. 20 tháng 2 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 2 năm 2024. Truy cập 18 tháng 2 năm 2024.
  136. ^ Phong Vinh (30 tháng 3 năm 2016). “Tiệm bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 4 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  137. ^ Huyền Trần (10 tháng 8 năm 2016). “Bánh mì Phượng - món ngon nức tiếng ở phố cổ Hội An”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  138. ^ Khuê Việt Trường (24 tháng 6 năm 2019). “Đến Hội An, bạn đã xếp hàng mua bánh mì Phượng chưa?”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  139. ^ Phương My (26 tháng 5 năm 2016). “Vì sao "bánh mì Phượng" Hội An nổi tiếng khắp thế giới?”. VTV. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 8 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  140. ^ Lan Anh (4 tháng 10 năm 2019). “Bánh mì Phượng Hội An tạo cơn sốt tại xứ sở Kim Chi”. Tạp chí Công thương. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2020. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  141. ^ “Cuộc 'săn' những hàng bánh mì ngon nhất Việt Nam của khách Tây”. Đầu tư chứng khoán. 7 tháng 10 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 7 tháng 8 năm 2021.
  142. ^ “Cận cảnh 2 tiệm bánh mì ở Hội An ngon nổi tiếng thế giới”. VietNamNet. 8 tháng 1 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2024. Truy cập 27 tháng 2 năm 2024.
  143. ^ Springer, Kate (24 tháng 9 năm 2018). “On the hunt for Vietnam's best banh mi”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  144. ^ Quỳnh Trung (31 tháng 12 năm 2017). “Bánh mì Việt: 'Hiện tượng' của thế giới”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  145. ^ “Bánh mì kẹp – món ăn bình dân của Việt Nam khiến thế giới 'phát cuồng'. VietnamPlus. 19 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2020. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  146. ^ Hall, Louis (24 tháng 3 năm 2020). “Bahn Mi: Five things you didn't know about the unique sandwich”. The Independent (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  147. ^ “Das Bánh mì schaffte den linguistischen Ritterschlag” [Bánh mì đạt được danh phận về mặt ngôn ngữ]. Die Welt (bằng tiếng Đức). 24 tháng 3 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  148. ^ Food & Drink (5 tháng 8 năm 2020). “Best Sandwiches Around the World: A Guide to 80 Types of Sandwiches” (bằng tiếng Anh). Thrillist. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2024.
  149. ^ a b c Moskin, Julia (7 tháng 4 năm 2009). “Building on Layers of Tradition”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2021. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  150. ^ “Around New York City in 9 extraordinary sandwiches”. CNN (bằng tiếng Anh). 6 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  151. ^ a b Reinfrank, Alkira; Chan, Bernice (27 tháng 10 năm 2019). “Story of the banh mi: Vietnam's super sandwich that took on the world”. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  152. ^ Nhiều tác giả (14 tháng 4 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam, hành trình từ ổ bánh "thượng lưu" cho đến món ăn đường phố làm kinh ngạc cả thế giới”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  153. ^ Moon-young Baik (18 tháng 11 năm 2018). “샌드위치가 물린다면 오늘 점심, 베트남 '반미'는 어때” [Nếu bạn đang thèm một chiếc sandwich, vậy món Bánh mì Việt Nam cho bữa trưa hôm nay thì sao?]. Hankyoreh (bằng tiếng Hàn). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2024. Truy cập 3 tháng 3 năm 2024.
  154. ^ Mainichi Shimbun (16 tháng 2 năm 2024). “「バインミー」人気拡大中 コロナ禍が追い風、日本独自アレンジも” ["Bánh mì" ngày càng phổ biến nhờ đại dịch COVID-19...]. Mainichi Shimbun (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2024.
  155. ^ Yota Takahashi (14 tháng 11 năm 2020). “決め手は「パクチー」?ベトナム発の次世代ランチ「バインミー」が流行中” [Liệu rau mùi có phải là nhân tố quyết định? Bánh Mì, bữa ăn trưa của thế hệ tiếp theo đến từ Việt Nam, đang dần trở nên phổ biến]. Gendai (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2024.
  156. ^ “実はがっつり? 野菜たっぷりベトナム風サンドイッチ” [...Món sandwich nhiều rau của người Việt Nam]. Nikkei (bằng tiếng Nhật). 28 tháng 9 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2024.
  157. ^ Công Nhật (17 tháng 7 năm 2020). “Bánh mì Xin chào của người Việt nổi danh trên nhiều kênh báo chí hàng đầu Nhật Bản”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2024. Truy cập 5 tháng 1 năm 2024.
  158. ^ Song Linh (28 tháng 11 năm 2023). “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm mô hình khởi nghiệp của người Việt Nam tại Nhật Bản”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập 10 tháng 1 năm 2024.
  159. ^ Thông tấn xã Việt Nam (28 tháng 11 năm 2023). “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thưởng thức bánh mì "Xin chào" trên đất Nhật”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 1 năm 2024.
  160. ^ Đức Trung (4 tháng 12 năm 2023). “Anh em xứ Quảng khiến người Nhật trầm trồ về bánh mì Việt”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 2 năm 2024.
  161. ^ Huy Hoàng (29 tháng 11 năm 2021). “Bánh mỳ Việt cỡ đại giá 1,2 triệu đồng/chiếc, khách xếp hàng dài đợi mua”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  162. ^ Hương Vũ (28 tháng 11 năm 2021). “Bánh mì Việt 'bản giới hạn': Giá hơn 1 triệu đồng/ ổ, khách xếp hàng dài đợi mua”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  163. ^ Lincoln Tan (26 tháng 11 năm 2021). “100 Iconic Eats for food-loving Aucklanders to discover as eateries prepare to reopen under the new traffic light system”. The New Zealand Herald (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 2 năm 2024. Truy cập 22 tháng 2 năm 2024.
  164. ^ Đỗ An (1 tháng 12 năm 2021). “Bánh mỳ Việt trở thành 'món ăn biểu tượng' của thành phố lớn nhất New Zealand”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  165. ^ Thạch An (1 tháng 12 năm 2021). “Khi bánh mì Việt trở thành món ăn biểu tượng của thành phố cực nam thế giới”. Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  166. ^ a b Lan Hương (4 tháng 3 năm 2020). “Bánh mì Việt Nam trên khắp thế giới”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  167. ^ Missing, Jake (17 tháng 1 năm 2023). “The Best Bánh Mì In London”. The Infatuation (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2023. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  168. ^ Hồng Quang (13 tháng 2 năm 2022). “Bánh mì Việt chinh phục trời Âu”. VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  169. ^ Nguyệt Phạm (29 tháng 10 năm 2023). “Hương vị Việt trên đất Czech”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 17 tháng 1 năm 2024.
  170. ^ Như Trúc (7 tháng 8 năm 2022). “Việt Nam có 6 tiệm bánh mì "xuất ngoại" vang dội, khách nước ngoài phải xếp hàng dài chờ đến lượt”. Tổ quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  171. ^ Small, Sabrina (21 tháng 12 năm 2010). “Berlin's Version Of The Bánh mì: It's Not A Panini”. NPR (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  172. ^ Cao An Biên (2 tháng 11 năm 2022). “Chủ nhà hàng Việt Nam ở Hamburg: Tự hào người Đức mê bánh mì”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2024. Truy cập 7 tháng 1 năm 2024.
  173. ^ a b Andrew Lâm (14 tháng 7 năm 2015). “Bánh Mì: The Rise of the Vietnamese Sandwich”. HuffPost (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2023. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  174. ^ Pajon, Léo (17 tháng 7 năm 2023). “Le banh mi est le produit du métissage et de la colonisation” [Bánh mì là sản phẩm của quá trình lai tạo và thuộc địa hóa]. Le Monde (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2023. Truy cập 11 tháng 2 năm 2024.
  175. ^ “In pursuit of the best traditional bánh mì sandwiches in Paris”. Le Fooding (bằng tiếng Anh). 22 tháng 3 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 5 năm 2023. Truy cập 11 tháng 2 năm 2024.
  176. ^ Hồng Minh (9 tháng 7 năm 2023). “A taste of Vietnamese street food in South Africa”. Việt Nam News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  177. ^ Fallon, Amy (19 tháng 4 năm 2023). “Aussie stunned by bizarre sight in Africa”. Escape (bằng tiếng Anh). Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  178. ^ Knowlton, Andrew (4 tháng 8 năm 2008). “What's the Next Great Sandwich?”. Bon Appétit (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  179. ^ V. Khang (22 tháng 10 năm 2012). “Bánh mì Việt gây sốt tại Mỹ”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  180. ^ 'Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới?'. VietNamNet. 19 tháng 10 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2018. Truy cập 11 tháng 3 năm 2021.
  181. ^ Ngô Trí Minh (23 tháng 12 năm 2012). “Rạng danh bánh mì Việt”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 20 tháng 3 năm 2021.
  182. ^ Andrew Lam 2015, tr. 68
  183. ^ Addison, Bill (8 tháng 5 năm 2020). “Eight great places for takeout banh mi”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2024. Truy cập 16 tháng 2 năm 2024.
  184. ^ “Bánh mì Việt trên đất Mỹ”. Thanh Niên. 7 tháng 10 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2022.
  185. ^ Wilson 2010, tr. 94
  186. ^ McNulty, Ian (15 tháng 7 năm 2010). “The Vietnamese Po-Boy” (bằng tiếng Anh). WWNO. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2012.
  187. ^ Cramby 2015, tr. 140
  188. ^ Richmond, Alex (20 tháng 7 năm 2006). “Vietnamese Hoagies Now on the Menu”. Philadelphia City News (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ 1 tháng 10 năm 2015.
  189. ^ Woodward, Alex (10 tháng 4 năm 2015). “New Orleans' best sandwiches: So much more than meat and bread”. CNN (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2023. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  190. ^ Farrel, Kevin (14 tháng 8 năm 2018). “How the Vietnamese banh mi became New Orleans' 'other' sandwich”. USA Today (bằng tiếng Anh). Truy cập 8 tháng 3 năm 2024.
  191. ^ “Our story”. Ba Le Sandwiches (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2019.
  192. ^ “Bánh mỳ Ba - Lê nổi danh tại Mỹ”. VnExpress. 31 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 15 tháng 3 năm 2021.
  193. ^ Michelman, Jordan (7 tháng 2 năm 2011). “The Vietnamese Sandwich: Banh Mi in America”. The New York Times Style Magazine (bằng tiếng Anh). Truy cập 8 tháng 3 năm 2024.
  194. ^ Công Nhật; Lê Nam; Trúc Quỳnh (19 tháng 8 năm 2018). “Nếm bánh mì - nếm Việt Nam”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2020. Truy cập 18 tháng 3 năm 2021.
  195. ^ Bích Ngọc (5 tháng 6 năm 2014). “Bánh mì Việt Nam "đắt sô" tại Mỹ”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 25 tháng 3 năm 2021.
  196. ^ Horovitz, Bruce (14 tháng 9 năm 2014). “Yum opens new Banh Shop concept”. USA Today (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  197. ^ Wiesberg, Lori (29 tháng 1 năm 2018). “Jack vs. Martha: A Jack in the Box fast food showdown begins”. The San Diego Union-Tribune (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập 15 tháng 4 năm 2018.
  198. ^ Salisbury, Ian (20 tháng 7 năm 2017). “This Is America's Hottest Sandwich Right Now”. Money (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2021. Truy cập 15 tháng 4 năm 2018.
  199. ^ Trương Điện Thắng (4 tháng 2 năm 2022). “Bánh mì Việt Nam trên đường lưu lạc”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 10 tháng 1 năm 2024.
  200. ^ Thái Lê (28 tháng 5 năm 2023). “Củ khoai và những ổ bánh mì”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2024. Truy cập 17 tháng 1 năm 2024.
  201. ^ Hill, Kayla (16 tháng 6 năm 2020). “How Vietnam's meaty banh mi sandwich went global – and then went vegan to thrill yet more fans”. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2024. Truy cập 21 tháng 2 năm 2024.
  202. ^ Cụm nguồn nói về từ lóng "bánh mì đêm":
  203. ^ Danh sách các nguồn dẫn trong văn chương:
  204. ^ Danh sách các nguồn dẫn trong điện ảnh và truyền hình:
  205. ^ Danh sách các nguồn dẫn trong âm nhạc:
  206. ^ Danh sách các nguồn dẫn trong hội họa:
  207. ^ Danh sách các nguồn dẫn trong nhiếp ảnh:
  208. ^ Loạt bài về những tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt:
  209. ^ Thùy Trang (22 tháng 11 năm 2022). “Bộ ảnh về bánh mì Việt Nam bị "ném đá" vì phản cảm”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  210. ^ Danh sách các nguồn dẫn:
  211. ^ a b Nguyên Vân (1 tháng 1 năm 2023). “Đề xuất 24.3 là Ngày bánh mì Việt Nam”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  212. ^ Lan Phương (24 tháng 3 năm 2023). “Ngày Bánh mì Việt Nam (24-3) và những điều thú vị có thể bạn chưa biết”. Báo Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 1 năm 2024.
  213. ^ Đăng Nguyên (24 tháng 3 năm 2020). “Những điều thú vị về tác giả vẽ bánh mì Việt Nam trên Google Doodle”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021.
  214. ^ “Banh mi”. Từ điển tiếng Anh Oxford. Nhà xuất bản Đại học Oxford. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2021.
  215. ^ Nguyễn Thủy (24 tháng 3 năm 2020). “Google Doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2021. Truy cập 11 tháng 8 năm 2021.
  216. ^ “Banh mi”. Merriam-Webster. Encyclopædia Britannica, Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2017. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  217. ^ “Banh mi”. Từ điển tiếng Anh Collins. HarperCollins. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 11 năm 2017. Truy cập 9 tháng 5 năm 2017.
  218. ^ “Banh mi”. Từ điển Di sản Hoa Kỳ về Ngôn ngữ Anh (ấn bản thứ 5). Houghton Mifflin Harcourt. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 9 năm 2020. Truy cập 9 tháng 5 năm 2017.
  219. ^ Tố Loan (21 tháng 5 năm 2005). “Hương vị bánh mì Việt Nam”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2021. Truy cập 18 tháng 3 năm 2021.
  220. ^ Dương Nhã Văn (23 tháng 1 năm 2021). “Bánh mì Sài Gòn, nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Sài Gòn”. Nét đẹp Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2021. Truy cập 13 tháng 3 năm 2021.
  221. ^ Stark, Elizabeth; Campbell, Brian (22 tháng 10 năm 2014). “Best Sandwiches Around the World, From Banh Mi to Zapiekanka”. Condé Nast Traveller (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  222. ^ a b Phạm Hồ (17 tháng 9 năm 2023). “An toàn thực phẩm nhìn từ ổ bánh mì”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  223. ^ Tiểu Tùng (25 tháng 3 năm 2024). “13 năm bánh mì vào từ điển Oxford”. Tuổi Trẻ. Truy cập 25 tháng 3 năm 2024.
  224. ^ Cụm nguồn dẫn chứng:
  225. ^ Cụm nguồn dẫn chứng:
  226. ^ Bourdin, Léo (5 tháng 11 năm 2021). “Le bánh mì peut-il remplacer le burger ?” [Bánh mì có thể thay thế bánh burger không?]. Le Monde (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 3 năm 2021.
  227. ^ Johnson, Dave (1 tháng 5 năm 2015). “America's new sandwich heroes (inspired abroad)”. CNN (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập 18 tháng 2 năm 2024.
  228. ^ “10 Vietnamese dishes every visitor should try”. CNN (bằng tiếng Anh). 23 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  229. ^ Aldridge, Eleanor (13 tháng 12 năm 2023). “10 Vietnamese foods you need to try”. Rough Guides (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2023. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  230. ^ Linh Anh (24 tháng 3 năm 2020). “Thương nhớ bánh mì”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2021. Truy cập 3 tháng 8 năm 2021.
  231. ^ Richard, Johnson (24 tháng 2 năm 2012). “The world's best street food”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2018. Truy cập 27 tháng 10 năm 2016.
  232. ^ T. Susan Chang (10 tháng 12 năm 2014). “Best Cookbooks Of 2014 Offer Tastes And Tales From Around The Globe”. NPR (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2022. Truy cập 19 tháng 2 năm 2024.
  233. ^ Eckhardt, Robyn (19 tháng 2 năm 2014). “Finding Saigon's Best Banh Mi”. The Wall Street Journal (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2024.
  234. ^ “15 Weird Foods That Appeared in 2018”. Bright Side. 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  235. ^ Trần Thường (14 tháng 11 năm 2017). “Khi các nguyên thủ khám phá ẩm thực vỉa hè Việt Nam”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  236. ^ Khánh Vy (5 tháng 6 năm 2023). “Món ăn bình dân đậm chất Việt Nam được các nguyên thủ quốc gia tìm kiếm mỗi khi ghé thăm: người chọn bánh mì, bia hơi, người thích bún chả, cà phê”. Nhịp sống thị trường. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  237. ^ Vũ Dũng (28 tháng 11 năm 2017). “Chủ tịch nước và Phu nhân thưởng thức Bánh mỳ Xin Chào của người Việt ở Tokyo”. VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  238. ^ Trần Thường; Phạm Hải (8 tháng 12 năm 2023). “Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus thưởng thức cà phê, bánh mì que”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2024. Truy cập 9 tháng 2 năm 2024.
  239. ^ T. Linh (6 tháng 12 năm 2023). “Bánh mỳ, cốm làng Vòng trong 10 Kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập 18 tháng 8 năm 2019.
  240. ^ “100 Best Dishes in the World”. TasteAtlas (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập 28 tháng 1 năm 2024.
  241. ^ Thiên Điểu (4 tháng 3 năm 2020). “Đưa tin khách Hàn chê khu cách ly Việt Nam: Đài YTN Hàn Quốc 'lấy làm tiếc' và 'sẽ thận trọng'. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 3 năm 2020. Truy cập 13 tháng 8 năm 2021.
  242. ^ K. T (27 tháng 2 năm 2020). “Cư dân mạng Việt Nam phẫn nộ chuyện du khách Hàn rời Đà Nẵng rồi 'chê trách'. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 8 năm 2021. Truy cập 13 tháng 8 năm 2021.
  243. ^ Bush, Austin (8 tháng 5 năm 2020). “The satisfying sound of bread: baking banh mi loaves in Saigon”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 8 tháng 5 năm 2020. Truy cập 16 tháng 2 năm 2024.
  244. ^ Huỳnh Thơ; Trần Minh (1 tháng 4 năm 2023). “Bánh mì Việt Nam - Hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt của người Việt”. PLO. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  245. ^ Phương Cúc (7 tháng 1 năm 2021). 'Bánh mì yêu nước' ấm lòng người lao động nghèo ở Đà Nẵng”. VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2024. Truy cập 2 tháng 7 năm 2024.
  246. ^ Thùy Liên; Cao Thủy (18 tháng 2 năm 2016). "Bánh mì từ thiện chia sẻ yêu thương". Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  247. ^ Nguyễn Nam (13 tháng 7 năm 2020). “Tủ bánh mì ấm tình người”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  248. ^ Hoàng Lam (17 tháng 7 năm 2016). “Bánh mì 0 đồng cho người lao động nghèo”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  249. ^ Duy Tân (12 tháng 10 năm 2022). “Xe bánh mì của cụ 81 tuổi bị Parkinson: Bán chỉ 20 ổ/ngày, gói ghém cuộc sống”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập 10 tháng 1 năm 2024.
  250. ^ Hương Nhi (10 tháng 10 năm 2022). “Bánh mì 'không nhà' bán nửa thế kỷ giúp người mẹ già nuôi con tâm thần”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập 10 tháng 1 năm 2024.
  251. ^ Kim Anh (23 tháng 6 năm 2020). “Trao tận tay bánh mì miễn phí cho người gặp khó khăn do COVID-19”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  252. ^ Linh Anh (20 tháng 7 năm 2021). “Bánh mì có tội tình gì?”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 2 năm 2024. Truy cập 18 tháng 2 năm 2024.
  253. ^ Taylor, Kate (26 tháng 2 năm 2020). “People in Vietnam are flocking to a bakery that sells pink bread invented to use up the tons of dragon fruit going unsold because of the coronavirus outbreak”. Business Insider. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2024. Truy cập 20 tháng 2 năm 2024.
  254. ^ Bảo Vy (1 tháng 5 năm 2020). “Khởi nghiệp với bánh mì, 'chiêu' nào dễ thành công?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  255. ^ Thái Phương; Vương Ngọc (10 tháng 4 năm 2023). “Truyền cảm hứng khởi nghiệp từ xe bánh mì”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  256. ^ Minh Duyên (1 tháng 4 năm 2023). “Khúc biến tấu bánh mì Việt”. Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 4 năm 2023. Truy cập 18 tháng 2 năm 2024.
  257. ^ Thảo Nhân (19 tháng 2 năm 2023). “Phía sau tấm ảnh lính cứu hỏa Việt Nam ăn bánh mì giữa đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  258. ^ Ngọc Lê (19 tháng 5 năm 2016). 'Cướp bánh mì để chống đói': Trả hồ sơ, làm rõ tình tiết”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2024. Truy cập 6 tháng 1 năm 2024.
  259. ^ “Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”. Bộ Y tế Việt Nam. 31 tháng 3 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  260. ^ Hiền Lương (20 tháng 7 năm 2021). 'Bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu' và nỗi buồn mất việc của nạn nhân”. Thanh Niên. Truy cập 4 tháng 3 năm 2024.
  261. ^ Danh sách các nguồn dẫn:
  262. ^ Minh Chiến (19 tháng 7 năm 2021). “Sau vụ 'bánh mì', Khánh Hòa ra hướng dẫn về mặt hàng thiết yếu”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2021. Truy cập 19 tháng 7 năm 2021.
  263. ^ Tâm Quân (20 tháng 7 năm 2021). “Sóc Trăng công bố danh mục các loại hàng hóa thiết yếu”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  264. ^ C. Linh (21 tháng 7 năm 2021). “Cần Thơ công bố danh mục hàng thiết yếu gồm 4 nhóm, trong đó có bánh mì”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập 8 tháng 1 năm 2024.
  265. ^ Phan Thanh Hải (21 tháng 7 năm 2018). “Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những bánh mì được bán dạo”. Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Quảng Trị. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2021. Truy cập 24 tháng 8 năm 2021.
  266. ^ Cụm nguồn dẫn chứng cho các trường hợp xử phạt do vi phạm vi định vệ sinh an toàn thực phẩm:
  267. ^ Danh sách các nguồn dẫn:
  268. ^ “Lò bánh mì làm khổ dân”. Hội Thú y Việt Nam. 25 tháng 2 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2024. Truy cập 17 tháng 2 năm 2024.
  269. ^ Hồ Nguyên Thảo (8 tháng 1 năm 2024). “Tiệm bánh mì Việt và thói quen an toàn vệ sinh thực phẩm”. The Saigon Times. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập 12 tháng 1 năm 2024.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Tạp chí

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan