Minh Trí (thiền sư)

Thiền sư Minh Trí (明智, ? -1196), tên tục: Tô Thiền Trí (蘇禪智); là thiền sư Việt Nam thời nhà Lý, thuộc thế hệ thứ 10 thiền phái Vô Ngôn Thông[1].

Thân thế và hành trạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tô Thiền Trí là người làng Phù Cầm, nay thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ông vốn thông minh, đọc nhiều sách vở. Đến tuổi 20, gặp Đạo Huệ thượng sĩ bèn bỏ tục xuất gia [2].

Sau một thời gian tu tập với thiền sư Đạo Huệ, ông hiểu được yếu chỉ của đạo, và hiểu được ý chỉ của các bộ kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa và sách Truyền Đăng. Do chuyên cần tu trì và giảng dạy đồ chúng không biết mệt mỏi, nên được ban hiệu là Minh Trí[2].

Về sau thiền sư Minh Trí đến trụ trì chùa Phúc Thánh ở hương Điển Lãnh (nay thuộc Bắc Ninh) [3], tăng chúng theo học rất đông.

Đến năm 1196 đời vua Lý Cao Tông, sau khi nói kệ cho đồ chúng nghe, thiền sư Minh Trí lặng lẽ qua đời. Bài kệ ấy như sau:

Tùng phong thủy nguyệt minh
Vô ảnh diệc vô hình
Sắc thân giá cá thị
Không không tầm hưởng thanh.
Nghĩa là:
Thông reo trăng nước sáng
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân cũng thế vậy
Hư không tìm tiếng vang![4]

Một câu chuyện thiền

[sửa | sửa mã nguồn]

Một hôm thiền sư Minh Trí đang cắt cỏ, có vị tăng khoanh tay đến đứng bên cạnh. Sư ném chiếc liềm đến trước mặt vị tăng làm đứt một bụi cỏ.

Vị tăng hỏi: Cổ nhân dạy Hòa thượng chỉ cắt được một cái đó sao?

Thiền sư cầm chiếc liềm đưa lên, vị tăng nhận lấy rồi vung tay làm một động tác như cắt cỏ. Thiền Sư nói: Còn nhớ câu nói sau của ông không? Ông chỉ cắt được cái đấy, mà không cắt được cái kia sao?

Vị tăng ngẫm nghĩ, rồi bỏ đi.

Thiền sư Minh Trí kể lại cho tăng đồ nghe chuyện ấy. Một vị tăng đứng cạnh nói: Người nói là Văn Thù,[5], kẻ im lặng là Duy Ma[6].

Thiền sư nói: Không nói không im lặng, chẳng phải là ông sao?

Vị tăng ấy nhận là phải. Sư hỏi: Sao không hiện pháp thần thông?

Vị tăng đáp: Đệ tử không từ chối. Nhưng hiện pháp thần thông chỉ sợ hòa thượng thu vào trong đạo.

Thiền sư nói: Thế là ông chưa phải đã có con mắt ở ngoài giáo điển. Nói đoạn thiền sư đọc kệ rằng:

Giáo ngoại khả biệt truyền
Hy di Tổ, Phật uyên
Nhược nhân dục biện đích
Dương diệm mịch cầu yên.
Dịch:
Giáo ngoại khá riêng truyền
Phật, Tổ đạo uyên nguyên
Nếu mong thấy rõ đích
Hãy tìm mây khói lúc nắng xuân lên![7].

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo HT. Thích Thanh Từ,Thiền sư Việt Nam, tr. 191.
  2. ^ a b Theo Thiền uyển tập anh (bản dịch của GS. Lê Mạnh Thát, mục "Thiền sư Minh Trí").
  3. ^ Theo GS. Lê Mạnh Thát thì hương Điển Lãnh tức làng Khương Tự, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xem chú thích [1] phần nói về Thiền sư Minh Trí [1][liên kết hỏng].
  4. ^ Chép theo Thiền uyển tập anh, bản dịch của Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga.
  5. ^ Văn thù tức Văn-thù-sư-lợi, là đệ tử của Phật Thích-ca, và là một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ trong Phật giáo.
  6. ^ Duy Ma tức Duy-ma-cật. Theo kinh Duy-ma-cật sở thuyết kinh thì đây là một trưởng lão giàu có, giỏi tranh luận, sống cuộc đời thế tục không ràng buộc. Tuy ông chỉ là một cư sĩ, nhưng trình độ Phật học và chứng đắc không thua kém gì các vị Bồ Tát.
  7. ^ Theo Thiền uyển tập anh (tham khảo từ hai bản dịch: của Lê Mạnh Thát, và của Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga).
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan