Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Nam Trung (chữ Hán: 南中, bính âm: Nanzhong) là một khu vực địa lý cổ xưa với cương vực bao gồm các địa danh hiện đại ngày nay như Vân Nam, Quý Châu, và miền nam Tứ Xuyên ở khu vực miền nam Trung Quốc. Khu vực này là quê hương của các bộ lạc thuộc tộc Nam Man thời Tam Quốc. Nam Trung được biết đến nhiều nhất trong lịch sử với cuộc nổi loạn, do Mạnh Hoạch cầm đầu vào năm năm 225 sau Công nguyên, cuộc nổi loạn ở Nam Trung đã khiến cho thừa tướng nhà Thục là Gia Cát Lượng phải dẫn quân vào tận vùng Vân Nam để bình loạn và áp dụng các chính sách vỗ về làm yên lòng các bộ lạc. Câu chuyện Gia Cát Lượng bảy lần bắt, bảy lượt tha Mạnh Hoạch rất phổ biến trong văn hóa Trung Quốc qua tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa.
Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, vùng đất và con người ở Nam Trung được mô tả thông qua cách nhìn của một người ở Trung Nguyên nên có cách nhìn khá phiến diện, là một xứ sở rừng rú, man di, chưa được giáo hóa, có những tập tục kỳ lạ. Tam Quốc diễn nghĩa đã dành 05 hồi, từ hồi 87 đến hồi 91 để mô tả chi tiết và cụ thể địa lý và con người Nam Trung thông qua cuộc chinh phạt của Gia Cát Lượng.
Theo các nhân vật nhà Thục Hán thì Nam Trung là một xứ ma thiêng nước độc, cây cối không mọc được. Vương Liên thì cho rằng: Đất nam Man xa cách, nhân dân không biết vương hoá là gì, thu phục thật khó. Mã Tốc cũng nêu lên rằng: Nam Man cậy có đất xa, núi hiểm, không phục đã lâu, tuy hôm nay phá xong, ngày mai tất lại làm phản. Quân rợ không tuân vương hóa, người rợ thường giết lẫn nhau, mang lòng ngờ vực, không tin nhau. Lúc tháng sáu, trời nắng chang chang, nóng hơn lửa đốt. Cái nóng phương Nam được vịnh thơ như sau: Núi đầm đều khô cháy, Lửa nóng tựa vầng dương, Biết đâu ngoài trời đất, Nóng bức thực khôn lường. Một số địa danh được nhắc đến trong vùng Nam Trung là:
Là sông hiểm trở nơi Mạnh Hoạch đóng quân, sông này không có một chiếc thuyền bè nào, mà nước thì chảy xiết, cách sông Lưu Thủy một trăm năm mươi dặm, phía hạ lưu Sa Khẩu cửa sông Lư Thủy thì nước chảy từ từ nước nông. Tuy nhiên khi trời nắng chang chang, khí độc tụ cả trên bề mặt sông, ban ngày lại càng nhiều hơn, người nào lội xuống nước hoặc uống phải, thì sẽ trúng độc mà chết (Mã Đại từng cho quân sĩ cởi trần, lội ào sang, lội đến nửa chừng, quân sĩ đều ngã gục cả xuống sông người nào cũng hộc máu mồm, máu mũi mà chết).
Muốn lội, phải chờ lúc đêm thanh, khí độc không bốc lên, mà phải ăn no rồi lội thì mới không bị trúng độc. Theo Mạnh Hoạch thì ở con sông này, xưa nay vẫn có ác thần gây tai quái, kẻ đi lại phải cúng tế mới yên, hễ ác thần ra oai, mỗi năm phải dùng bốn mươi chín đầu lâu người và trâu đen, dê trắng mà tế thì tự nhiên sông lặng gió êm, lại được mùa luôn mấy vụ nữa
Người Nam Man ở Nam Trung được mô tả rất chi tiết trong Tam Quốc diễn nghĩa, theo đó, người thuộc bộ lạc của Mạnh Hoạch thì có một số người là những người mắt xanh, mặt đen, tóc vàng, râu đỏ, tai đeo vòng vàng, đầu tóc bù xù, chân không giày dép gì cả, người nào cũng to lớn lực lưỡng. Các bộ lạc Man phương ở tám vùng Phiên thì có khoảng mười vạn quân hung tợn, dùng toàn mộc và mã tấu, quân thủ hạ thì múa may đao mộc, hung hăng xông xáo, thậm chí Quân Man còn cởi trần truồng đến thẳng cửa trại quân Thục chửi mắng. Quân Man của Mạnh Hoạch còn thạo nghề bắn cung nỏ, mỗi cái nỏ bắn ra mười phát tên một lúc, trên đầu tên lại tẩm thuốc độc, ai trúng phải tên, da thịt nát ruỗng ra, thấu đến ngũ tạng rồi chết.
Ở Động Ngân Hà của Mạnh Hoạch có tục lệ bốn mùa giết trâu, mổ ngựa cúng tế, gọi là "bốc qủy". Mỗi năm có lệ bắt người nước Thục hoặc người làng khác giết thịt tế thần. Người có bệnh không dùng thuốc thang, chỉ mời đồng cốt cầu cúng, gọi là "thuốc qủy". Ở đó không có hình pháp gì, hễ ai phạm tội là chém. Có con gái lớn, cho ra tắm ngoài suối, rồi trai gái tùy ý kén chọn lấy nhau, cha mẹ mặc lòng không cấm, gọi là "học nghề". Mỗi năm hai vụ, nước nôi điều hòa thì giồng thóc lúa. Năm mất mùa, giết thịt rắn nấu canh, và ăn thịt voi trừ bữa. Trong từng thung, nhà nào thần thế hơn cả gọi là chúa động, hạng thứ nhì gọi là tù trưởng. Mỗi tháng, ngày mồng một và ngày rằm, có họp chợ trong thành Tam Giang, mua bán đổi chác gì cứ đến cả đấy.
Quân sĩ dưới quyền của chúa động Ngân Dã thì tinh binh đều mặc thiết giáp, giỏi nghề trèo non vượt suối, bọn gái Man, múa đao che mộc cực giỏi, người nào cũng xõa tóc, đi chân không. Quân sĩ động Bát Nạp của Mộc Lộc thì tinh kỳ, khí giới của quân Man đều khác cách cả. Quân sĩ nhiều người không mặc áo sống, trần truồng như nhộng, mặt mũi đen sì, mình đeo bốn con dao nhọn. Trong quân không đánh trống, chỉ rung chuông làm hiệu.
Ở nước Ô Qua thì không có nhà cửa, mọi người ở cả trong hang núi và "ở đấy không có luân lý gì". Quân thủ hạ của Ô Qua thì mặt mũi kỳ dị, hình thù quái gở, đều dùng mã tấu, mình toàn mặc áo giáp mây (Dây mây mọc ở trong khe núi, leo bám vào vách đá, người xứ ấy lấy tẩm vào trong dầu nửa năm, mới vớt ra phơi khô, phơi rồi lại tẩm, hơn mười lượt, rồi đem chế làm áo giáp). Mặc vào mình, lội xuống nước không chìm, tên bắn, dao chém cũng không thấu gọi là "quân giáp mây" (tuy nhiên, ao giáp mây tuy dao, tên không đâm thấu được, nhưng nó là đồ tẩm dầu, hễ gặp lửa là cháy), người Ô Qua uống nước sông Đào Hoa vào thì không bị trúng độc mà lại khỏe thêm ra.