Ngày lễ 30 tháng 4 | |
---|---|
Hà Nội treo biểu ngữ mừng Ngày lễ 30 tháng 4 | |
Tên chính thức | Ngày Chiến thắng[1] |
Tên gọi khác | Ngày Giải phóng miền Nam Ngày Thống nhất đất nước (cách gọi của nhà cầm quyền) Ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ (cách gọi của phương Tây) Tháng Tư Đen, Quốc Hận (cách gọi của cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa) |
Cử hành bởi | Người Việt |
Kiểu | Toàn quốc |
Ý nghĩa | Đánh dấu ngày chế độ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo cơ sở để thống nhất Việt Nam năm 1976 thông qua tổng tuyển cử |
Ngày | 30 tháng 4 |
Cử hành | Người Việt |
Liên quan đến | Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 |
Tần suất | hằng năm |
Ngày lễ 30 tháng 4, tên chính thức là Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Chiến thắng, Ngày Thống nhất là một ngày lễ quốc gia của Việt Nam, đánh dấu sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.[2][3] Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Sự kiện 30 tháng 4 diễn ra sau khi tất cả công dân và binh lính Mỹ cùng với hàng ngàn người Việt phục vụ cho chính thể Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn. Năm 1976, Việt Nam chính thức tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất và Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh.
Hằng năm, tại Việt Nam có rất nhiều hoạt động được tổ chức để kỷ niệm ngày này. Nó còn là ngày nghỉ lễ quốc gia, được ghi trong các văn bản pháp luật với tên gọi "Ngày Chiến thắng".[4][cần nguồn tốt hơn]
Trong khi đó, tại một số cộng đồng người Việt hải ngoại, gồm những người đã từng phục vụ cho Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà, có tư tưởng chống chính phủ hiện tại của Việt Nam thì gọi đây là ngày Tháng Tư đen,[5][6][7] Ngày Sài Gòn thất thủ,[8][9][10] hoặc Ngày Quốc Hận.[11][12][13]