Dương Văn Minh

Dương Văn Minh
Dương Văn Minh năm 1964
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ
28 tháng 4 năm 1975 – 30 tháng 4 năm 1975
2 ngày
Thủ tướngVũ Văn Mẫu
Phó Tổng thốngNguyễn Văn Huyền
Tiền nhiệmTrần Văn Hương
Kế nhiệmChế độ sụp đổ
Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng
Nhiệm kỳ
2 tháng 11 năm 1963 – 30 tháng 1 năm 1964
Tiền nhiệmNgô Đình Diệm
(Tổng thống)
Kế nhiệmNguyễn Khánh
Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thái Lan
Nhiệm kỳ
Tháng 12 năm 1964 – Tháng 8 năm 1968
Tiền nhiệmThái Quang Hoàng
Cố vấn Quân sự cho Tổng thống
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1963 – Tháng 11 năm 1963
Tổng thốngNgô Đình Diệm
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân, Bộ Tổng Tham mưu
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1961 – Tháng 12 năm 1962
Tổng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1960 – Tháng 1 năm 1961
Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Quân khu 1 và Quân khu 5
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1959 – Tháng 1 năm 1960
Tư lệnh Quân khu Thủ đô
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1957 – Tháng 8 năm 1958
Chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn
Nhiệm kỳ
Tháng 11 năm 1954 – Tháng 1 năm 1957
Tham mưu trưởng Đệ nhất Quân khu Nam Việt
Nhiệm kỳ
Tháng 7 năm 1952 – Tháng 12 năm 1952
Chánh võ phòng Thủ hiến Nam Việt
Nhiệm kỳ
Tháng 1 năm 1952 – Tháng 7 năm 1952
Thông tin cá nhân
Sinh(1916-02-16)16 tháng 2 năm 1916
Mỹ Tho, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
(nay là Tỉnh Tiền Giang)
Mất6 tháng 8 năm 2001(2001-08-06) (85 tuổi)
Pasadena, California, Hoa Kỳ
Quan hệ
Con cái
  • Dương Thị Xuân Mai
  • Dương Minh Đức
  • Dương Minh Tâm
MẹNguyễn Thị Kỷ
ChaDương Văn Mâu
Alma mater
Tặng thưởng Bảo quốc Huân chương đệ Nhất hạng
Phục vụ trong quân đội
Biệt danhMinh Lớn, Big Minh
Thuộc Liên bang Đông Dương
Nam Việt Nam
Phục vụ Lục quân Pháp
Quân đội Quốc gia Việt Nam
 Lục quân Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1940–1964
Cấp bậc Đại tướng
Đơn vị Đệ nhất Quân khu[a]
Quân khu Thủ đô[b]
Đệ ngũ Quân khu[c]
Bộ Quốc phòng
Bộ Tổng Tham mưu
Phủ Tổng thống
Chỉ huyChủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng (Tháng 11 năm 1963–Tháng 1 năm 1964)
Tham chiến

Dương Văn Minh (16 tháng 2 năm 1916 – 6 tháng 8 năm 2001) là một cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở Trường Sĩ quan Võ bị Quốc gia Việt Nam do Chính quyền Pháp tại Liên bang Đông Dương mở ra ở miền Đông Nam phần Việt Nam với mục đích đào tạo người bản xứ trở thành sĩ quan phục vụ cho Quân đội Thuộc địa Pháp. Thời gian tại ngũ, ông được đảm trách những chức vụ chuyên về lĩnh vực Chỉ huy và Tham mưu. Ông là một trong số ít sĩ quan được phong cấp tướng thời Đệ nhất Cộng hòa (Thiếu tướng năm 1955) và cũng là một trong 5 quân nhân được thăng cấp Đại tướng trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là một chính khách từng giữ vị trí Quốc trưởng trong giai đoạn (1963-1964) và là Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

Giữ chức vụ Tổng thống trong thời gian 2 ngày (từ 28 tháng 4 đến 30 tháng 4 năm 1975), nhờ sự vận động của em trai là Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, Đại tá Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam), nên ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông đã kêu gọi các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa còn lại ngừng bắn và đầu hàng vô điều kiện theo yêu cầu của Quân Giải phóng miền Nam khi họ bắt đầu tấn công vào Sài Gòn, để tránh thương vong cho người dân và sự tàn phá đổ nát cho thành phố. Sau đó, ông tiếp tục làm cố vấn cho Chính phủ mới trước khi sang nước ngoài để sống với con cái.

Tiểu sử và binh nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 19 tháng 2 năm 1916 trong một gia đình trung nông tại Mỹ Tho, miền Tây Nam phần Việt Nam.[1] Thời niên thiếu ông học trường College de Mytho,[2] sau đó lên Sài Gòn học tiếp tại trường Collège Chasseloup-Laubat[3] cùng một lớp với tướng Trần Văn Đôn. Năm 1938, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài toàn phần Pháp (Part II). Sau đó ông được bổ dụng làm Công chức thuộc ngạch Thư ký Hành chính, tùng sự tại Sài Gòn. Thời trẻ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu và ham mê thể thao. Do có thể hình to lớn, ông được bạn bè đặt cho biệt danh "Minh Cồ (Big Minh)".[4]

Quân đội Thuộc địa và Liên hiệp Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1939, ông nhập ngũ vào Quân đội Thuộc địa Pháp, mang số quân: 36/100.225. Ngày 9 tháng 1 năm 1940, ông được đơn vị cho theo học khóa 1 Trường Sĩ quan Thủ Dầu Một (trường được đặt ở Phú Lợi). Đầu năm 1941 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy Bộ binh.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Ông đang phục vụ tại Cap St. Jacques thì bị Nhật bắt và đưa về Sài Gòn giam giữ tại khám Catinat.[5] Năm 1946, Pháp tái chiếm Nam Kỳ, ông được trả tự do và tái phục vụ ở Trung đoàn 11 Bộ binh của Quân đội Pháp giữ chức vụ Trung đội trưởng. Hai tháng sau, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Giữa năm 1948, chuyển biên chế sang Quân đội Liên hiệp Pháp ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Đại đội trưởng trong Tiểu đoàn Bộ binh Việt Nam.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 8 năm 1950, chuyển ngạch sang Quân đội Quốc gia mới thành lập, ông được thăng cấp Đại úy. Năm 1951, ông được chuyển sang Dinh Thủ hiến Nam Việt Thái Lập Thành, giữ chức vụ Chánh võ phòng, tháng 12 cuối năm ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm.

Đầu tháng 7 năm 1952, ông được cử làm Tham mưu trưởng Đệ nhất Quân khu Nam Việt dưới quyền Tư lệnh Quân khu là Đại tá Lê Văn Tỵ. Cuối năm, ông được cử đi du học lớp Tham mưu cao cấp tại Trường Tham mưu Paris sau khi bàn giao chức Tham mưu trưởng lại cho Thiếu tá Trần Văn Minh. Đầu năm 1953 mãn khóa học về nước tùng sự tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia. Tháng 11 năm 1954, ông được thăng cấp Trung tá và được cử giữ chức Chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau khi người Pháp thất trận Điện Biên Phủ, ông là một trong những sĩ quan cao cấp ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm nắm quyền, loại trừ vai trò của Quốc trưởng Bảo Đại. Vì vậy ngày 1 tháng 5 năm 1955, ông được Thủ tướng Diệm cử làm Chỉ huy trưởng chiến dịch Bảo vệ Thủ đô Sài Gòn-Chợ Lớn, chống lại quân Bình Xuyên của tướng Lê Văn Viễn tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn và phụ cận. Ngày 5 tháng 5 ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Ngày 21 tháng 9 cùng năm, ông được Thủ tướng Diệm cử làm Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Diệu, truy kích và tiêu diệt các lực lượng tàn quân Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 1 tháng 11 năm 1955, ông được tân Quốc trưởng Ngô Đình Diệm thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Đầu năm 1956, sau khi hoàn tất việc dẹp loạn Bình Xuyên, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ rồi tiếp đến Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu để bình định miền Tây, đánh dẹp Lực lượng Quân sự Giáo phái Hòa Hảo của các tướng Năm LửaBa Cụt. Ngày 26 tháng 10, ông được Tổng thống Diệm chỉ định làm Tổng Chỉ huy cuộc duyệt binh mừng lễ kỷ niệm Đệ nhất Chu niên ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa trên Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Ngày 8 tháng 12 cuối năm, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Đầu năm 1957, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Từ tháng 7 đến tháng 11, ông có 3 lần hướng dẫn phái đoàn Quân sự du hành quan sát tại các Quốc gia Nhật Bản (12 tháng 7), Úc (1 tháng 9) và Hàn Quốc. Đầu tháng 8 năm 1958, bàn giao chức vụ Tư lệnh Quân khu Thủ đô lại cho Đại tá Nguyễn Văn Y[6] để đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu Cao cấp (khóa 58-2) tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leaveworth, Kansas, Hoa Kỳ với thời gian thụ huấn 16 tuần. Đầu tháng 1 năm 1959 mãn khóa học về nước, ông được giao cho chức vụ Tư lệnh tổng quát 3 Quân khu gồm: Quân khu Thủ đô, Quân khu 1 và Quân khu 5 (Đệ nhất và Đệ ngũ Quân khu)[7].

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, sự tín nhiệm của ông đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giảm sút. Ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ không có thực quyền. Đầu năm 1960, ông được cử làm Tổng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng. Qua đầu năm 1961, giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân tại Bộ Tổng Tham mưu, Phụ tá cho ông là Thiếu tướng Lê Văn Kim. Giữa năm 1962, ông được cử hướng dẫn Phái đoàn Quân sự du hành quan sát cuộc thao dượt Hải quân Liên phòng Đông Nam Á. Ngày 8 tháng 12, Bộ Tư lệnh Hành quân Bộ Tổng Tham mưu giải tán. Đầu năm 1963, ông được chuyển về Phủ Tổng thống giữ chức vụ Cố vấn Quân sự cho Tổng thống.[8]

Đảo chính 1963 và những thăng trầm sau đó

[sửa | sửa mã nguồn]
Trung tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng

Vốn đã có bất mãn tồn tại, cộng thêm là một tín đồ Phật giáo, ông đã nhiều lần biểu hiện thái độ không hài lòng với những biện pháp trấn áp Phật giáo của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông đóng vai trò chính với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cùng với các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu...

Từ khi hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại (ngày 2/11/1963), ông và các tướng tá đồng sự của ông không ai công khai thừa nhận mình có tham gia quyết định giết Tổng thống, có thể vì 2 lẽ:

  • Việc sát hại Nguyên thủ đứng đầu Chính phủ như Tổng thống Diệm là hành động làm phản ở mức cao nhất, điều vượt quá sức tưởng tượng của nhiều quan chức Việt Nam Cộng hòa thời đó.
  • Các tướng tá tham gia đảo chánh trong chừng mực nào đó hầu hết đều có mang ơn Tổng thống Diệm trên con đường thăng tiến binh nghiệp của mình, nhưng họ "bất đắc dĩ" phải hạ thủ là để "sát nhất miêu cứu vạn thử" (giết một con mèo để cứu muôn con chuột), và cần phải "nhổ cỏ tận gốc" đề phòng nhóm thân Tổng thống Diệm lưu vong ở nước ngoài sẽ có thể tái tập hợp lực lượng, kết hợp với ngoại quốc hoặc thành phần trong nước để tìm cách phục hồi quyền lực, trả thù nhóm đảo chính.

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, tướng Nguyễn Khánh cầm đầu Cuộc Chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964 lật đổ Chính quyền Quân sự này và giành quyền cai trị Việt Nam Cộng hòa. Ông bị thất thế về chính trị, mặc dù vẫn được giữ chức vụ Quốc trưởng, với chức vụ này, ông là một trong 3 lãnh đạo Quốc gia cho chế độ được xưng là "Tam đầu chế":

Ngày 24 tháng 11 năm 1964, ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng cấp Đại tướng (cùng với tướng Nguyễn Khánh). Tháng 12 năm 1964, ông bị ép đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thái Lan thay thế Trung tướng Thái Quang Hoàng. Ngày 21 tháng 3 năm 1965[9], ông nhận được quyết định giải ngũ của Hội đồng Quân lực. Tuy nhiên, ông vẫn được giữ làm Đại sứ tại Thái Lan cho đến năm 1968 mới được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho hồi hương.[10]

Năm 1971, ông trở lại chính trường để đối đầu với đương kim Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người được Mỹ ủng hộ, trong cuộc tranh cử Tổng thống. Tuy được nhiều người cho rằng rất có thể ông là lãnh đạo của "Lực lượng thứ ba", có thể đàm phán hòa bình với quân Giải phóng để tránh việc chiến tranh tiếp diễn lâu dài, nhưng nỗ lực của ông đã bị Tổng thống Thiệu cản trở. Cuối cùng, ông đã rút ra khỏi cuộc tranh cử sau khi tuyên bố rằng cuộc bầu cử chỉ là "trò múa rối". Tổng thống Thiệu hiển nhiên tái đắc cử tổng thống năm đó do ông ta là ứng cử viên duy nhất, không phải cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào.

Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Với sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Nam Cộng hòa sau khi Mỹ rút quân, ông lại trở thành một nhân vật quan trọng cho chức vụ Tổng thống. Sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, rồi Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, ngày 28 tháng 4 năm 1975, ông chính thức nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Theo hồi ký các tướng tá của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu dân biểu Lý Quí Chung, thì sáng ngày 28 tháng 4, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tới gặp Tổng thống Dương Văn Minh và đề nghị Việt Nam Cộng hòa kêu gọi Trung Quốc đem quân tấn công vào Việt Nam để cứu Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang trong cơn nguy kịch. Một nhân viên ngoại giao Trung Quốc đề nghị Quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 Chiến thuật, hứa hẹn Trung Quốc sẽ đem quân đánh vào biên giới miền Bắc Việt Nam để giải vây. Bản thân ông, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam thông qua em trai là Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, Đại tá Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam) và gia đình thuyết phục từ trước, đã từ chối và nói:

8h sáng ngày 30 tháng 4, ông và phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ông Mẫu ngồi soạn lời tuyên bố, mất khoảng một tiếng đồng hồ. Đến 9h, giao cho ông đọc vào máy ghi âm. Trong lúc ông thâu băng lời tuyên bố, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng, gọi điện cho Tư lệnh Quân đoàn IV là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và yêu cầu tướng Nam cố gắng thi hành lệnh Tổng thống sẽ phát trên Đài Vô tuyến Việt Nam. Tướng Hạnh cũng đến Đài phát thanh để ra nhật lệnh cho quân đội và các lực lượng vũ trang buông súng thi hành lệnh của Tổng thống. Tuyên bố của ông, nhật lệnh của tướng Hạnh được truyền đi trên Đài Vô tuyến Việt Nam lúc 9h30:[12]

Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu (thì) ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Trung úy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên.

Phạm Xuân Thệ (phải) đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh.

Cùng lúc này, Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2Biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt ông Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của Nội các chính quyền Sài Gòn. Dương Văn Minh nói: "Tôi chờ các ông tới để bàn giao chính quyền", Phạm Xuân Thệ trả lời: "Các ông đã không còn gì để bàn giao. Thay mặt Cách mạng, tôi đề nghị ông ra lệnh đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu không cần thiết". Ông đồng ý.

Khoảng 12 giờ trưa, Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Beorries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh. Đến đài Phát thanh, tất cả lên phòng ghi âm bé tí xíu rộng khoảng 20 m vuông. Trong lúc đứng đợi, một nhân viên của Đài giật chân dung Nguyễn Văn Thiệu trên tường, ném qua cửa sổ xuống sân. Không khí căng thẳng thay đổi khi đại uý Thệ thay đổi thái độ, vui vẻ nói[13]:

Anh Minh, anh yên tâm ! Chúng tôi chiến đấu cho dân tộc, vì vậy chúng tôi buộc phải đánh bại những kẻ cam tâm bán nước. Nhưng bây giờ chúng tôi đã vào đây, không ai làm gì anh đâu và cũng không ai sẽ bắt tội anh.

Chính uỷ Tùng muốn tướng Minh đọc qua những lời thảo trước khi ghi âm. Song không tìm thấy một chiếc máy ghi âm nào trong Đài Phát thanh do toà nhà vừa trải qua một trận hôi của. Chỉ còn chiếc máy ghi âm nhỏ của báo Spiegel. Việc thu âm tiến hành đến ba lần. Lần thứ nhất ông Minh không đọc tiếp khi đến dòng chữ "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống Chính quyền Sài Gòn...". Ông chỉ muốn giản lược là "Tướng Minh" và không muốn nhắc đến chức vị Tổng thống mới tiếp nhận được hai ngày. Cuối cùng mọi người nhất trí với lời văn: "Tôi, tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tất cả binh sĩ hạ vũ khí đầu hàng..."[13]

Tại đài phát thanh, ông thay mặt toàn bộ Nội các của Chính quyền Sài Gòn đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Thay mặt các đơn vị quân Giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng. Chiến tranh kết thúc. Chính Quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức sụp đổ.

Sau ngày 30 tháng 4, ông không phải đi cải tạo và sống tại Sài Gòn. Ông còn được mời làm cố vấn cho Chính phủ mới. Có hình ảnh cho thấy ông thường xuyên đi bầu cử như một công dân chế độ mới.

Tháng 10 năm 1981, chính quyền Việt Nam cho phép ông được xuất cảnh sang Pháp chữa bệnh và đoàn tụ gia đình. Năm 1988, ông chuyển sang Hoa Kỳ, sống với vợ chồng người con gái tại Pasadena, California và định cư luôn tại đây.

Ngày 9 tháng 8 năm 2001, ông qua đời tại nơi định cư, hưởng thọ 85 tuổi.

Huy chương

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Con trai của ông, Dương Minh Đức, trong một buổi phỏng vấn đã nói về cha mình:[14]

"Tôi rất yêu quý ba tôi… Thứ nhất, ông là vị tướng sống trong sạch, không chấp nhận chuyện tham nhũng; thứ hai, trong nguyên tắc tìm giải pháp hòa bình cho đất nước Việt Nam, theo ông phải do chính người Việt Nam tự giải quyết. Tôi hiểu quan điểm của ba tôi luôn đặt dân tộc và sinh mệnh nhân dân trên hết. Chính vì vậy, ông không ngại đứng ra đảm nhận vai trò Tổng thống trong buổi hoàng hôn của một chế độ…. Ba tôi là người luôn chủ trương hòa giải, hòa bình dân tộc và ông đã bác bỏ ý kiến của một số người yêu cầu "tử thủ" Sài Gòn. Tôi tin rằng đây là quan điểm xuyên suốt trong cuộc đời chính trị của ông "yêu nước trước hết là phải cứu dân"" (theo tạp chí Hồn Việt, 1.6.2009).

Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận từng ở nhờ thời gian khá dài trong tư gia của tướng Dương Văn Minh thì ông Minh là "loại người trầm lắng, suy tư dù gốc của ông là một quân nhân. Triết lý của ông là triết lý trầm lắng của Phật giáo, ông không đua chen, không sân si; ông thuộc vào loại thấy đủ biết đủ, thấy nhàn biết nhàn. Đó là một loại triết lý pha lẫn giữa Phật giáoLão giáo. Ông sống khá bình dị, hòa mình với mọi người, đa số bạn bè bà con đều thương ông."

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Thân phụ là Dương Văn Mâu (tức Dương Văn Mau, nguyên danh là Dương Văn Huề), cựu công chức Hành chính, tùng sự tại dinh Phó soái Nam Kỳ, hàm Đốc phủ sứ. Thân mẫu của ông là Phan Xuân Lý. Dương Văn Minh là con trai trưởng trong gia đình, "Anh Hai" theo cách gọi miền Nam), sau ông còn có 3 em trai và 3 em gái.

Ông có hai bào đệ là:

Vợ ông là Trần Thị Lang, ông bà có ba người con (2 trai, 1 gái):

  • Dương Thị Xuân Mai (Phu quân: Nguyễn Hồng Đài, sinh năm 1931, tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức K1. Sau cùng là Đại tá Trưởng khối Kế hoạch của Tổng cục Tiếp vận. Hiện cùng gia đình định cư ở Hoa Kỳ).
  • Dương Minh Đức (định cư ở Pháp).
  • Dương Minh Tâm (định cư ở Pháp).
  1. ^ Đệ nhất Quân khu là một trong 4 Quân khu thời Quân đội Quốc gia thành lập từ 1 tháng 7 năm 1952, và là một trong 6 Quân khu dưới thời Đệ nhất Cộng hòa từ năm 1956 đến năm 1959. Kể từ ngày 1 tháng 3 năm 1959 được điều chỉnh trở thành Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật.
  2. ^ Quân khu Thủ đô là một trong 6 Quân khu dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa) từ 26 tháng 10 năm 1956 đến 1 tháng 6 năm 1961. Sau đó được điều chỉnh thành Biệt khu Thủ đô trực thuộc Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật. Tướng Dương Văn Minh có hai lần chỉ huy đơn vị này:
    • Lần thứ nhất: Trung tá Chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn – Chợ Lớn (1954) gồm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh và hai Quận Cần Đước, Cần Giuộc (hai Quận này về sau trực thuộc tỉnh Long An).
    • Lần thứ hai: Trung tướng Tư lệnh Quân khu Thủ đô (1957–1958).
  3. ^ Đệ ngũ Quân khu (Miền Tây Nam phần – Đồng bằng sông Cửu Long) là một trong 6 Quân khu thời Đệ nhất Cộng hòa. Ngày 1 tháng 6 năm 1961 sáp nhập vào Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật. Ngày 1 tháng 1 năm 1963, tái lập trở thành Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Có tài liệu cho rằng nơi sinh của tướng Dương Văn Minh có thể là Long An hoặc Vĩnh Long.
  2. ^ Trường College de Mytho, sau được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu.
  3. ^ Trường Collège Chasseloup-Labat, sau đổi tên thành trường Trung học Lê Quý Đôn.
  4. ^ Sau này tướng Dương Văn Minh còn có thêm biệt danh "Minh Lớn" khi ông mang cấp Trung tướng là để phân biệt với tướng Trần Văn Minh cũng mang cấp Trung tướng cùng thời với ông và vị tướng này được gọi với biệt danh là "Minh Nhỏ".
  5. ^ Sau Cách mạng tháng 8, ông tham gia Lực lượng Vũ trang chống Pháp tái chiếm Nam Bộ, còn gia đình ông tản cư về Chợ Đệm ở Tân An. Tuy nhiên các mặt trận nhanh chóng tan vỡ, ông cùng đơn vị rút khỏi Sài Gòn. Năm 1946, trong một lần về thăm nhà, do đơn vị rút đi bất ngờ, ông bị kẹt lại chưa tìm được đơn vị thì bị quân Pháp bắt được. Ông bị giam chung cùng với ông Nguyễn Ngọc Thơ, sau đó bị những trận đòn của các viên chức cảnh sát Pháp đánh gãy hai chiếc răng cửa. Nhiều năm sau này ông vẫn không trồng răng giả để giữ kỷ niệm về những trận đòn này. Vì vậy nhiều bạn bè trong quân đội còn gọi ông là "Minh Sún".
  6. ^ Đại tá Nguyễn Văn Y sinh năm 1922 tại Tây Ninh, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, chức vụ sau cùng là Tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, giải ngũ năm 1964. Từ trần tại Hoa Kỳ năm 2012
  7. ^ Thời điểm này, Tư lệnh Quân khu Thủ đô là Đại tá Nguyễn Văn Y, Tư lệnh Đệ nhất Quân khu là Đại tá Nguyễn Văn Là nhưng cả hai đều dưới quyền Tướng Dương Văn Minh, tướng Minh Tư lệnh Đệ ngũ Quân khu tân lập đồng thời kiêm Tổng tư lệnh cả ba Quân khu, trong đó có Quân khu Thủ đô và Đệ nhất Quân khu.
  8. ^ Ngay từ năm 1962, do nắm được những bất mãn của tướng Dương Văn Minh đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần vận động sự ủng hộ của ông thông qua các tiếp xúc bí mật của người em trai là Dương Thanh Nhựt, một sĩ quân Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật trở vào Nam.
  9. ^ Sắc lệnh số 119/QT/SL ngày 24/5/1965.
  10. ^ Năm 1967, tướng Dương Văn Minh làm đơn xin về nước để tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 1967-1971 nhưng Quốc hội bác đơn vì không hợp lệ.
  11. ^ Nguyễn Hữu Thái. Hồi ức "Dương Văn Minh và tôi" năm 2008.
  12. ^ “Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ cuối: Ngày lịch sử”.
  13. ^ a b 30/04/1975: Tổng thống Dương Văn Minh nói 'Theo Tây, Mỹ mãi chưa đủ sao giờ lại theo Tàu?
  14. ^ VietnamNet, "Ba tôi luôn chủ trương hòa giải, hòa bình dân tộc". 09:52' 29/04/2007

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Liên kết

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Review] Socrates thân yêu – Cửu Nguyệt Hy
[Review] Socrates thân yêu – Cửu Nguyệt Hy
Thực sự sau khi đọc xong truyện này, mình chỉ muốn nam chính chết đi. Nếu ảnh chết đi, cái kết sẽ đẹp hơn biết mấy
Bạn không thể mất tiền vì Trade nếu... không Trade
Bạn không thể mất tiền vì Trade nếu... không Trade
Nghe thấy rất nhiều tin tốt về một dự án tưởng như sẽ là tương lai với backers xịn, KOLs lớn tâng bốc lên mây, bạn lập tức mua vào và chờ ngày x10 x100
Danh sách Gift Code Illusion Connect
Danh sách Gift Code Illusion Connect
Tổng hợp gift code trong game Illusion Connect
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Inferiority complex (Mặc cảm tự ti)
Trong xã hội loài người, việc cảm thấy thua kém trước người giỏi hơn mình là chuyện bình thường. Bởi cảm xúc xấu hổ, thua kém người