Phúc Yên là một tỉnh cũ của Việt Nam.
Tỉnh Phúc Yên ra đời theo nghị định ngày 18 tháng 2 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương, do đổi tên từ tỉnh Phù Lỗ.
Tỉnh Phù Lỗ được thành lập ngày 6 tháng 10 năm 1901, bao gồm huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên, phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn) của tỉnh Bắc Ninh tách ra. Tỉnh lỵ đặt tại làng Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay là xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), đến ngày 10 tháng 12 năm 1903 chuyển về làng Tháp Miếu, tổng Bạch Trĩ, huyện Yên Lãng (nay là trung tâm thành phố Phúc Yên). Thị xã Phúc Yên được thành lập ngày 31 tháng 10 năm 1905, là tỉnh lỵ.
Ngày 12 tháng 2 năm 1902, lập thêm huyện Vĩnh Ninh từ một số tổng của 2 huyện Đông Khê và Yên Lãng.
Ngày 10 tháng 4 năm 1903, huyện Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.
Ngày 10 tháng 12 năm 1903, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên, do G. Fort làm công sứ đầu tiên[1]
Ngày 7 tháng 3 năm 1913, tỉnh Phúc Yên chuyển thành đại lý hành chính Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Yên, do Edouard Broni làm đại biện[2].
Ngày 31 tháng 3 năm 1923, tỉnh Phúc Yên được tái lập trên cơ sở đại lý Phúc Yên, About làm công sứ đầu tiên.
Sau cách mạng tháng Tám, chủ tịch đầu tiên của tỉnh Phúc Yên là Đàm Hữu Yến.
Từ đó cho đến năm 1950, tỉnh Phúc Yên bao gồm 2 phủ Đa Phúc, Yên Lãng và 2 huyện Đông Anh, Kim Anh.
Tuần phủ Phúc Yên đầu tiên là ông Vi Văn Định (1923-1927), sau đó là Phạm Khắc Khánh, Phan Kế Toại đến năm 1945 người cuối cùng là ông Bùi Văn Thiệp, cha của Giáo sư Bùi Trọng Liễu.
Trong kháng chiến chống Pháp, Phúc Yên thuộc Liên khu Việt Bắc.
Trước khi hợp nhất, tỉnh Phúc Yên có tỉnh lỵ là thị xã Phúc Yên và 4 huyện: Đa Phúc, Đông Anh, Kim Anh, Yên Lãng.
Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc.[3]
Năm 1952, chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp do Bảo Đại đứng đầu mà đại diện là Thủ hiến Bắc Việt cũng hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành một tỉnh mới nhưng lại lấy tên là tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Tên gọi này chỉ tồn tại đến giữa năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết và đất nước tạm thời bị chia đôi, theo đó chính quyền Quốc gia Việt Nam chuyển vào miền Nam.
Huyện Đa Phúc thời Trần gọi là Tân Phúc, thuộc châu Bắc Giang, phủ Bắc Giang; đời Lê đổi là Thiên Phúc rồi Tiên Phúc. Huyện Kim Anh có tên cũ là Kim Hoa. Cả ba huyện Đông Anh, Kim Anh, Đa Phúc trước kia đều thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thành phố Hà Nội. Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh đã nhập thành huyện Sóc Sơn.