Phạm Văn Nghị

Nội và ngoại thất đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị

Phạm Văn Nghị (chữ Hán: 范文誼, 1805-1884)[1] hiệu Nghĩa Trai; là một nhà giáo, nhà thơ và là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Phápthế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]
Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Phạm Văn Nghị trên Bia Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838), đặt tại Văn Thánh Miếu Huế, bia thứ 6 nhà bia Hữu vu.

Phạm Văn Nghị là người ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Là con của một ông đồ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ học, nên ông lần lượt đỗ: Tú tài (1826), cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838, lúc 33 tuổi), nên được người đời gọi là Hoàng Tam Đăng.

Thăng trầm chốn quan trường

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi đỗ đạt cao, ông được bổ làm Tu soạn viện Hàn lâm, rồi làm Tri phủ Lý Nhân. Ở đấy, hễ dân có việc tranh tụng, thì ông thường lấy điều nhân nghĩa để khuyên bảo; vậy mà, có lúc ông bị giáng đến ba cấp [2], sau lại được trở về Biên tu ở Quốc sử quán.

Năm 1845, ông cáo bệnh từ quan về nhà mở trường dạy học. Ở gần cửa biển Đại An, thấy đất gần cửa biển bỏ hoang, ông bèn chiêu tập người cùng làng đến khai khẩn, lập ấp, đặt tên mới là trại Sĩ Lâm (sau thành tổng Sĩ Lâm, nay là ba xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), ông lại được triều đình triệu ra giữ chức Đốc học Nam Định.

Nghĩa dũng sĩ phu

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng Bảy (âm lịch) năm Tự Đức thứ 11 (Mậu Ngọ, 1858), tàu chiến Pháp nổ súng đánh phá Sơn Trà (Đà Nẵng), dù đang có bệnh, ông vẫn quyết định tạm giao công việc cho bạn đồng khoa là Tiến sĩ Doãn Khuê, dâng lên vua "Trà Sơn kháng sớ" (Sớ kháng nghị việc Sơn Trà), rồi cùng với học trò và một số sĩ phu yêu nước ở Nam Định, lập ngay một đội quân nghĩa dũng gồm 365 người rồi xin vua cho vào Đà Nẵng đánh quân Pháp.

Nhưng khi đội quân nghĩa dũng tới Huế, thì quân Pháp đã rút khỏi nơi đó để vào đánh Gia Định. Vua Tự Đức không chuẩn y sớ của ông xin tiếp tục được vào Nam đánh đuổi ngoại xâm, mà chỉ ban lời khen ngợi, nên ông đành phải quay về [3]. Tuy vậy, nghĩa cử này đã làm rúng động cả sĩ phu Nam Bắc[4]

Về tới đất Bắc, ông tiếp tục làm chức vụ cũ. Khi ấy, có nhóm thổ phỉ người Trung Quốc tràn sang quấy nhiễu ở vùng Đông Bắc, ông đem ngay số nghĩa dũng vừa chiêu mộ được, đến đóng đồn phòng giữ khi yên mới thôi. Triều đình thăng ông làm Hàn Lâm viện Thị giảng Học sĩ, nhưng vì bệnh nên ông lại xin nghỉ.

Năm 1866, ông được sung chức Thương biện, đóng quân ở Hà Cát để trông coi vùng biển. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), triều đình thăng ông làm Thị độc Học sĩ, ban cho thẻ bài bằng vàng.

Mùa đông năm ấy, Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội, rồi đánh luôn Nam Định. Bấy giờ tuy đã 68 tuổi, Phạm Văn Nghị vẫn tổ chức dân binh chặn đánh quân Pháp ở ngã ba Độc Bộ. Do quân ít, chống không nổi, ông cho rút nghĩa quân về lập căn cứ ở Yên Hàn (Ý Yên, Nam Định).

Về ở ẩn

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệp ước Giáp Tuất được ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874, trong đó có điều khoản triều đình Huế phải giao đứt toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp. Biết được tin này, Phạm Văn Nghị buồn bực, viện cớ tuổi cao, xin về dưỡng lão, mặc dù ông vừa được sung làm Thương biện Nam Định.

Sau triều đình truy xét lại việc để thành Nam Định bị thất thủ, ông bị tước đoạt hết mọi chức tước, bổng lộc. Về ở ẩn, ông sống đạm bạc, nơi động Hoa Lư, Ninh Bình, lấy hiệu là "Liên Hoa Động chủ".

Năm 1884, ông mất vì già yếu, được vua Tự Đức chuẩn cho khai phục nguyên chức hàm cũ là Thị độc Học sĩ.

Ghi nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhân cách

[sửa | sửa mã nguồn]

Sử nhà Nguyễn chép:

Năm ông 70 tuổi, nhiều người có liễn đối, thơ mừng thọ, trong số đó có câu của Tống Duy Tân:

Phong lãng kỉ hồi, đại nghĩa ná tri đầu phát bạch,
Giang sơn vô dạng, cố viên nhưng hữu cúc hoa hoàng.
Dịch:
Sóng gió nhiều phen, nghĩa lớn sá chi đầu tóc bạc;
Giang sơn yên ổn, vườn xưa còn đấy luống hoa vàng.

Văn nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Văn Nghị viết nhiều và chủ yếu đều bằng chữ Hán. Tác phẩm gồm có:

  • Tự ký (Tự mình ghi chép)
  • Tùng Viên văn tập (Tập văn Tùng Niên)
  • Hoa động đồ trung thập vịnh (mười bài thơ vịnh cảnh đẹp động Hoa Lư)
  • Nghĩa Trai thi văn tập (Tập thơ văn Nghĩa Trai)

Và bài "Trừ văn hịch" (Hịch trừ muỗi).

Về chữ Nôm, ông có bài "Tứ thành thất thủ phú" (Phú kể lại việc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất) và một số bài thơ khác ông làm khi về ở ẩn.

Thơ văn yêu nước của ông biểu lộ thái độ căm thù quân xâm lược sâu sắc, đả kích không thương tiếc những quan lại yếu hèn. Nhưng cũng qua đó, người đọc cũng dễ dàng thấy ở ông một tấm lòng yêu dân thiết tha, lòng kính trọng những anh hùng liệt sĩ đã dám xả thân vì nghĩa lớn.

Về cuối đời, "thơ ông nặng về tư tưởng nhàn, song tấm lòng son sắt với dân, với nước thì không hề phai nhạt"...[5]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhờ công ông dạy dỗ, nhiều học trò của ông sau này đều đỗ đạt cao, trở thành người hữu ích như: Nguyễn Khuyến, Trần Bích San, Nguyễn Quang Bích, Đỗ Huy Liêu, Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Lã Xuân Oai, Vũ Hữu Lợi, Phạm Nhân Lý, Trần Văn Gia, Trần Đình Liêm,..

Phần các con ông, có: con trưởng là Phạm Văn Giảng, thi Hội đỗ Phó bảng, làm quan đến chức Bố chánh Thanh Hóa; các con thứ là Phạm Văn Hân, Phạm Văn Hàm, Phạm Văn Phả đều thi đậu cử nhân.

Tưởng nhớ

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Văn Nghị mất, có rất nhiều câu đối, thơ điếu. Giới thiệu hai câu:

Phu tử tiên thiên hạ chi ưu, kỷ độ thăng trầm thân thế;
Đệ tử thị tiên sinh do phụ, bách niên tồn một thủy chung.
Tạm dịch:
Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ;
Đệ tử coi thầy như cha, mất còn chung thủy mãi trăm năm.
(Tống Duy Tân)
Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc;
Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đối sầu nhan.
Tạm dịch:
Xưa chèo nghĩa buồm nhân, Độc Bộ cồn cồn sóng giận;
Nay băng đông sương giá, Hoa Lư ảm đạm cây sầu.
(Khuyết danh)[6]

TAM ĐĂNG HOÀNG GIÁP HẠ THỌ

Kiều sở Ngô châu thuyết đại phương/ Bách tùng trinh cốt ngạo hàn sương/ Dân niên sở thường khám thần đoán/ Bái khánh đình gian phủ liệt chương/ Nhất kiến Giang đồn, thiên địa khoát/ Bán song sơn động, thạch tuyền hương/ Tường kim kế tiết tri đa nhật/ Vị trụy tư văn chính mạch trường/

Môn sinh NGUYỄN QUANG BÍCH

Dịch thơ : Chót vót châu ta bậc đại phương / Bách tùng ngạo nghễ cợt phong sương / Sớ tâu tuổi hạc, lệnh trên nghỉ / Áo mũ sân hoè, lễ thọ dâng / Một kiếm sông ngăn, trời đất rộng / Nửa non động khép, đá thơm hương Bám tay ngày hãy còn dài lắm / Mạch chính nền văn vẫn vững vàng /

Nguyễn văn Huyền dịch

Để ghi nhớ công đức của Phạm Văn Nghị, nhân dân đã lập đền thờ ở Sĩ Lâm và ở Tam Đăng (cả hai nơi này đều được công nhận là di tích lịch sử văn hoá). Hàng năm lễ hội tưởng niệm được tổ chức tại Sĩ Lâm (xã Nghĩa Lâm) vào ngày 14 và 15 tháng Giêng (âm lịch), và tại Tam Đăng vào ngày 12 tháng Chạp (âm lịch).

Ngoài ra, tên ông còn được chọn để đặt tên cho nhiều đường phố trong cả nước Việt Nam, trong đó có tên đường trước cửa Trường THPT Phạm Văn Nghị đoạn từ ngã tư Mậu Lực đến cầu Yên Thắng; tên đường trước học viện cảnh sát, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; đường Phạm Văn Nghị ở thành phố Nam Định, thành phố Ninh Bình (đường Phạm Văn Nghị, phường Đông Thành), thành phố Đà Nẵng , thành phố Vũng Tàu (đường Phạm Văn Nghị, phường Thắng Nhất)..

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Năm mất ghi theo Từ điển Bách Khoa[1][liên kết hỏng] và website Họ Phạm [2][liên kết hỏng]. Sách Văn học yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh (tập 1)Việt sử giai thoại (tập 8) đều ghi ông mất năm 1881. Từ điển nhân vật lịch sử Việt NamHỏi đáp lịch sử (tập 4) đều ghi ông mất 1880.
  2. ^ Ghi theo Đại Nam chính biên liệt truyện (nhị tập, quyển 33) và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, sách đã dẫn. Cả hai sách đều không cho biết lý do Phạm Văn Nghị bị giáng.
  3. ^ Trên đường về, ông có sáng tác bài "Thoát lỗi ca" (Bài ca lui giặc) trong đó có nhiều câu thơ đầy tự hào và khí phách.
  4. ^ Ghi theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1377.
  5. ^ Triêu Dương, Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản. Thế giới, 2004, tr. 1377.
  6. ^ Chép theo Văn học yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (nhị tập, quyển 33). Nhà xuất bản Văn Học, 2004.
  • Triêu Dương, mục từ "Phạm Văn NGhị" in trong Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nhiều người soạn, Văn học yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh (tập 1), Hội VHNT tỉnh biên soạn (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981).
  • Nhiều người soạn (Huỳnh Lý chủ biên), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920. Nhà xuất bản. Văn học, 1984.
  • Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, 1992.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (tập 8). Nhà xuất bản. Giáo dục, 1998.
  • Nhiều người soạn, Hỏi đáp lịch sử (tập 4). Nhà xuất bản. Trẻ, 2007.
  • Và các website ghi ở phần Liên kết ngoài.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Zhihu] Anh đại thúc khiến tôi rung động từ thuở nhỏ
[Zhihu] Anh đại thúc khiến tôi rung động từ thuở nhỏ
Năm ấy, tôi 12 tuổi, anh 22 tuổi. Lần đó là dịp mẹ cùng mấy cô chú đồng nghiệp tổ chức họp mặt tại nhà, mẹ mang tôi theo
Download Princess Connect! Re:Dive Vietsub
Download Princess Connect! Re:Dive Vietsub
Chuyển thể từ game đi động cùng tên là câu chuyện về một anh chàng tỉnh dậy ở thế giới phép thuật không có ký ức gì và Cuộc phiêu lưu của chàng trai ấy và các nữ pháp sư xinh đẹp bắt đầu
Làm thế nào để biết bạn có bị trầm cảm hay không?
Làm thế nào để biết bạn có bị trầm cảm hay không?
Lo lắng và trầm cảm có một số biểu hiện tương đối giống nhau. Nhưng các triệu chứng chủ yếu là khác nhau
Violet Evergarden Gaiden: Eien to Jidou Shuki Ningyou Vietsub
Violet Evergarden Gaiden: Eien to Jidou Shuki Ningyou Vietsub
Violet Evergarden Ngoại Truyện: Sự vĩnh cửu và Hình nhân Ghi chép Tự động