Động Hoa Lư

Động Hoa Lư là động ở xã Gia Hưng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. [1][2][3]

Động Hoa Lư còn có tên là thung Lau[4]. Động được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại quyết định số 51/VH-QD (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 1 tháng 12 năm 1996.

Động Hoa Lư trên bản đồ Việt Nam
Động Hoa Lư
Động Hoa Lư
Động Hoa Lư (Việt Nam)
Động Hoa Lư nhìn từ đỉnh lối vào
Phong cảnh đầm Cút ở bên ngoài động Hoa Lư

Trong lịch sử động Hoa Lư là căn cứ đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn thế kỷ X. Động nằm cách Cố đô Hoa Lư khoảng 15 km và cách thành phố Ninh Bình 20 km đường bộ về phía Bắc.

Động được hiểu là một địa danh hoặc vùng đất, di tích này là một thung lũng rộng khoảng 16 mẫu nằm lộ thiên được bao bọc bởi các ngọn núi vòng cung. Bốn bề động Hoa Lư được núi đá bao quanh vô cùng kiên cố, chỉ có một lối vào duy nhất là một quèn nhỏ cao khoảng 30 m. Bao bên ngoài động là đầm Cút, dài khoảng 3 km rộng 500m, như con hào thiên nhiên chắn giữ. Từ đây có thể tiến ra sông Đáy.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh

Đại Việt sử ký toàn thư chép động Hoa Lư là nơi sinh của vua Đinh Tiên Hoàng, các nhà nghiên cứu cho biết động Hoa Lư xưa bao gồm cả vùng đất quê cha Đinh Bộ Lĩnh ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình và khu căn cứ quân sự động Hoa Lư hiện nay ở xã Gia Hưng, Gia Viễn.[5] Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

"Đại Hữu sinh vương - Điềm Dương sinh thánh"
(Làng Đại Hữu sinh vua Đinh Tiên Hoàng - Làng Điềm Dương sinh thánh Nguyễn Minh Không).

Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ về ở cạnh đền sơn thần, nay là đền Long Viên (vườn rồng) thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, Nho Quan, Ninh Bình, Nơi đây chính là quê mẹ ông. Hàng ngày Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu ở cánh đồng Rộc Xéo, tập trận cờ lau ở động Hoa Lư (thung Lau), thung Lá, thung Lụi. Tất cả các vùng này ở hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Bôi thuộc xã Gia Thủy, Nho Quan và xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Vì các địa danh trên rất gần động Hoa Lư Gia Viễn nên hầu hết các sách sử khẳng định ông sinh ra ở động Hoa Lư.

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Về tên gọi Hoa Lư, các nhà nghiên cứu hán nôm khẳng định rằng: Hoa Lư là một danh từ riêng chỉ một vùng đất chứ không phải tên người, tên vật hay thần linh. Hiện vẫn tồn tại rất nhiều cách hiểu khác nhau về danh xưng này:[6]

Hoa Lư là hoa lau

Chữ hoa viết là hoa (花) nghĩa ở đây hiểu là bông hoa, còn nếu viết hoa (華) nghĩa hiểu là phồn hoa, rực rỡ. Tuy vậy có lúc hai chữ hoa này dùng ngang nhau. Chữ (蘆) "lư" còn đọc là "lô" hay "lau" là: bông lau. "Hoa lư" (花蘆) với nghĩa là hoa lau, theo lô gích ngữ pháp tiếng Hán phải viết là Lư Hoa (蘆花) như cách viết hồng hoa (紅花) mai hoa (梅花) thì khi dịch sang tiếng Việt mới là hoa lau, hoa hồng, hoa mai được. Cho nên với cách viết Hoa Lư (花蘆) thì dịch ra tiếng Việt sẽ là Lư Hoa chứ không phải là Hoa Lư. Điều này theo Giáo sư Trần Quốc Vượng giải thích đây là quá trình Việt hoá Hán ngữ buổi đầu. Có thể đây là viết theo văn phạm tiếng Việt. Cảnh quan Hoa Lư là một vùng toàn núi đá vôi, có rất nhiều lau lách mà gọi tên là Hoa Lư. Qua các tư liệu thư tịch, dã sử, văn bia ghi chép lại: Trong tập Hoa động đồ trung thập vịnh (mười bài vịnh trong bức vẽ động hoa) của Phạm Văn Nghị thế kỉ XIX ở bài Đinh miếu vịnh có ghi:五基兵陣蘆旗出"Ngũ cơ binh trận lư kì xuất" (Năm đội binh mã cờ lau xuất hiện). Trong bia dựng năm Chính Hòa 17 (1696) "Tiền triều tăng tu điện miếu công đức bi ký"[7] ghi: 恬應黃龍蘆旗嚴令"Điềm ứng Hoàng Long, lư kì nghiêm lệnh" (Điềm ứng rồng vàng, cờ lau nghiêm lệnh).

Hoa Lư là cổng làng Hoa

Theo cách viết Hoa Lư (華閭) thì chữ Lư (閭) mang nghĩa là cổng làng, được viết bằng chữ (門) bên ngoài chữ lữ (呂) bên trong. Vì thế cho nên chữ Lư ở đây có người hiểu là cổng làng.

Hoa Lư là cái lò hoa

Theo cách viết (華鑪) người ta hiểu Hoa Lư là cái lò hoa vì thấy viết ở một số hoành phi, câu đối, ngay cả bức đại tự ở động Hoa Lư cũng viết Hoa Lư động (華鑪洞) vậy là xuất hiện cách viết chữ Lư (鑪) có bộ kim bên cạnh. Cho nên có ý kiến cho rằng Hoa Lư với nghĩa cái lò hoa.

Hoa Lư còn hiểu theo các nghĩa là: đồ nấu cơm có hoa, là đồ đựng lúa (華蘆) hay Hoa Lư là miệng con lừa hoa được viết (華驢) v.v.. Tùy theo chữ viết và cách lý giải khác nhau nghĩa nào cũng có cái hay cái thâm thúy của bậc tiền nhân, song Hoa Lư cho đến nay thường được hiểu là Hoa Lau.

Hành trình

[sửa | sửa mã nguồn]

Cùng với cố đô Hoa Lư ở huyện Hoa Lư, các di tích động Hoa Lư, thung Lá, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh thuộc huyện Gia Viễn là những di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Trong các di tích trên thì đền thung Lá đã được đầu tư xây dựng xong. Đây là nơi thờ mẹ của Đinh Bộ Lĩnh. Thung Lá ngay cạnh Thung Lau, cũng nằm lọt giữa thành núi cao ngất, tương truyền xưa kia có một nữ vương chuyên bói lá rất giỏi, thường xem lá cho Vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân hay làm một việc gì đó. Nơi này cũng có nhiều cây thuốc chữa bệnh tốt nên khi nghĩa quân Vua Đinh bị thương đều được bí mật đưa về đây cứu chữa. Người ta cũng kể rằng, Thung Lá là vùng rừng linh thiêng nên mọi người đều vào đây thắp hương trước khi đi rừng. Thung Lá có đền thờ Mẫu hậu vua Đinh và thờ Vương bà bí ẩn đã có nhiều công lao giúp Vua Đinh dẹp loạn. Động Hoa Lư đang được xây dựng, tu bổ để trở thành một điểm du lịch lịch sử.

Có ý kiến cho rằng[8] nếu trước đây, du khách đến Ninh Bình thăm cố đô Hoa Lư sau đó đi Bích Động hoặc nhà thờ đá Phát Diệm, thì hiện nay du khách tham quan tuyến di tích liên quan đến Vua Đinh Tiên Hoàng với điểm đến là quê hương của vua Đinh, làng Đại Hữu, sau tới động Hoa Lư là căn cứ khởi nghĩa ban đầu của vua, tiếp đó là kinh đô Hoa Lư.

Giải thích vùng rừng thiêng nước độc này được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm căn cứ khởi nghiệp, những người am hiểu lịch sử Ninh Bình cho biết nơi này độc đạo, không thể vào sâu hơn và là nơi có nhiều huyền thoại bí hiểm, không ai dám vào để đảm bảo tuyệt mật về quân sự. Khu vực Thung Lau, Thung Lá được vua Đinh giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ và khi cần thiết đưa ra giao chiến.

Đền vua Đinh, thánh Nguyễn

[sửa | sửa mã nguồn]
Ngôi đền cổ thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Nằm ở giữa động Hoa Lư là ngôi đền nhỏ 3 gian thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng với thánh Nguyễn Minh Không. Đền xây trên nền dinh luỹ xưa kia của ông. Hiện nay ngôi đền này đã được tu sửa và xây dựng với quy mô lớn hơn. Theo truyền thuyết thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cùng lũ trẻ ở đây thường bầy binh tập trận lây bông lau làm cờ.

Lễ hội động Hoa Lư

[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ hội truyền thống động Hoa Lư hay Lễ hội Vua Đinh là một lễ hội có sự tham gia của toàn thể nhân dân xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn.

Lễ hội tổ chức tại 4 địa điểm: Đình Trai; chùa Hưng Quốc; động Thung Lau; đền Thung Lá, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng giêng hàng năm. Đây là dịp để tri ân các bậc tiền nhân như Đinh Tiên Hoàng Đế, Thái hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không… Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ tế, rước, bên cạnh đó là những trò chơi dân gian như đấu vật, cờ lau tập trận, múa lân, hát chèo, hát dân ca tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân dự hội.

Lễ hội động Hoa Lư còn diễn ra vào ngày 8 tháng 10 âm lịch hàng năm với quy mô nhỏ hơn lễ hội cố đô Hoa Lư. Khi diễn ra lễ hội, người dân đều tổ chức rước chân nhang mẹ vua và mẫu bà từ thung Lá về thung Lau.

Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư và đền Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Phương. Dân gian vùng bắc Ninh Bình ghi lại việc thờ tự Vua Đinh ở hai nơi là Đại Hữu và Đào Ao trong câu:

"Đại Hữu làm sao, Đào Ao làm vậy".

Đại Hữu là quê của Đinh Bộ Lĩnh, còn Đào Ao (thuộc tổng Uy VIễn, tức vùng Uy Tế, ngày ngay gồm các xã Liên Sơn, Gia Hưng, Gia Phú của huyện Gia Viễn (nay là khu vực động Hoa Lư) là nơi Đinh Bộ Lĩnh được bầu làm Trưởng. Cả hai nơi này đều có đền thờ vua Đinh. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Khi Đại Hữu mở hội thì đền thờ vua Đinh ở Đào Ao (cổ) củng làm như vậy.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội, 2013.
  2. ^ Bản đồ tỷ lệ 1:50.000 tờ F-48-92-B. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, 2004.
  3. ^ Thông tư 06/2019/TT-BTNMT ngày 28/06/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Danh mục địa danh dân cư... phục vụ lập bản đồ tỉnh Ninh Bình. Thuvien Phapluat Online, 2019. Truy cập 15/08/2019.
  4. ^ Tu bổ, tôn tạo động Hoa Lư còn chậm
  5. ^ theo tác giả Nguyễn Văn Trò, Nhà xuất bản Văn Hóa Dân tộc, năm 1998
  6. ^ lư Di sản Hán Nôm ở cố đô Hoa Lư (TBHNH 2005)
  7. ^ Bia Chính Hòa 17 (1696) dựng trong nhà bia ở đền vua Đinh xã Trường Yên - Hoa Lư (UBKHXH Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nhà xuất bản. KHXH, H. 9/1978, tr.25)
  8. ^ Hành trình về nơi phát tích triều Đinh ở Ninh Bình[liên kết hỏng]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan