Phan Nhạc (chữ Hán: 潘岳, 247 – 300), tên tự là An Nhân, đời sau quen gọi là Phan An (潘安), người Trung Mưu, Huỳnh Dương.[1] Ông nổi tiếng là một nhà văn thời Tây Tấn và là một đại mỹ nam.
Ông nội Phan Nhạc là Phan Cấn, là thái thú An Bình. Cha Phan Nhạc là Phan Tỷ, làm chức Lang Da nội sử. Anh trai Phan Nhạc là Phan Thích làm chức Thị ngự sử, em trai Phan Nhạc là Phan Báo, làm chức quan huyện lệnh huyện Yến, Phan Cư làm Tư đồ duyện, Phan Sân chưa làm quan. [TT 1]
Phan Nhạc sớm nổi tiếng là có tài năng, được đồng hương khen là kỳ đồng, trở thành mạc liêu của Tuân Úc, Giả Sung, cử Tú tài. [TT 2]
Nhưng Phan Nhạc không được dùng, thành ra mất 10 năm không làm gì, rồi được nhận chức Hà Dương [5] huyện lệnh. Phan Nhạc thấy bọn danh sĩ cùng lứa là Sơn Đào, Vương Tế, Bùi Giai được Tấn Vũ đế sủng hạnh, ông rất lấy làm uất ức và bất mãn. [TT 3] Sau này ông được chuyển làm Hoài huyện lệnh. [TT 4] Ở cả hai nơi này, Phan Nhạc siêng năng làm việc, có chánh tích, nên được gọi về kinh đô, làm Thượng thư Độ chi lang, rồi thăng làm Đình úy bình. Sau đó Phan Nhạc phạm lỗi nên chịu miễn quan. [TT 5]
Ngoại thích Dương Tuấn phụ chánh, lấy Nhạc làm Thái phó chủ bộ. Sở vương Tư Mã Vĩ giết Dương Tuấn, bức hại thủ hạ của ông ta. Trưởng sử của Vĩ là Công Tôn Hoành thuở hàn vi từng được Phan Nhạc chu cấp, nên cầu xin cho ông, vì thế Nhạc chỉ bị trừ danh. Ít lâu sau, Phan Nhạc được làm Trường An lệnh, rồi được triệu về kinh, bổ làm Bác sĩ, chưa nhận chức thì mẹ mất, nên chịu miễn quan. Sau đó Phan Nhạc được làm Trứ tác lang, chuyển làm Tán kỵ thị lang, thăng làm Cấp sự hoàng môn thị lang. [TT 6]
Trong lúc tình hình nhiều biến động, Phan Nhạc bộc lộ tính khí khinh suất nóng nảy, liều lĩnh đầu cơ chánh trị, cùng bọn Thạch Sùng nịnh hót ngoại thích Giả Mật (cháu ngoại của Giả Sung), trở thành người đứng đầu của 24 người bạn của Mật. [TT 7]
Triệu vương Tư Mã Luân giết hoàng hậu Giả Nam Phong, giành quyền phụ chánh, trọng dụng tâm phúc là Tôn Tú. Khi xưa Tôn Tú từng làm tiểu lại ở quận Lang Da, Phan Nhạc ghét thói xảo quyệt của hắn, nhiều lần đánh đập làm nhục, khiến hắn ngậm hờn, vu cáo Phan Nhạc với bọn Thạch Sùng mưu phản, rồi tru di tam tộc của ông, đến phụ nữ cũng không tha. Nhà họ Phan chỉ có con trai của Phan Thích là Phan Bá Vũ trốn thoát, mẹ của Nhạc và con gái của Phan Báo được chiếu chỉ tha chết. [TT 8]
Trong thời gian làm Hoài huyện lệnh, Phan Nhạc dâng lên Thượng khách xá nghị (上客舍议), kiến nghị thu các quán trọ về để chánh quyền quản lý, nhằm ức chế thương nghiệp. Triều đình nghe theo. Sử cũ chép đầy đủ bản tấu nghị này. [TT 9]
Số lượng bài phú của Phan Nhạc ngày nay không còn nhiều, nhưng nội dung đa dạng, thông qua một số tác phẩm tiêu biểu có thể nắm được đại lược thăng trầm trên đường đời và diễn biến trong nội tâm của ông:
Năm Thái Thủy thứ 4 (268) [14], Nhạc mới 22 tuổi, làm Tịch điền phú (藉田赋) để ca ngợi Tấn Vũ đế tiến hành nghi thức cày cấy Tịch điền. [TT 10] Nhạc nối dài truyền thống từ đời Hán, gởi gắm hoài bão chính trị của mình vào phú, nhưng tác phẩm này lại khiến ông chịu sự ganh ghét của người đời.
Ít lâu sau khi cha vợ là Dương Triệu mất (275), người bạn thuở thiếu thời và cũng là anh em cọc chèo của Phan Nhạc là Nhâm Tử Hàm (tên là Nhâm Hộ, tự Tử Hàm, thường được gọi tên tự) mất, ông làm Quả phụ phú (寡妇赋) để miêu tả tình cảnh cô quạnh của cô em vợ [16]. Bài phú này được Nhạc trước tác trong khoảng thời gian 10 năm chẳng có việc gì để làm, khiến ông không khỏi liên tưởng đến hoàn cảnh của bản thân.
Sau khi giành được chánh tích ở 2 huyện, Nhạc được triệu về kinh nhận chức, ông lập tức viếng mộ cha vợ và 2 anh vợ (Dương Đàm, Dương Hâm), gặp lúc gió tuyết bời bời, mộ địa rét buốt, cảm thán không thôi, làm nên Hoài cựu phú (怀旧赋).[17]
Không lâu sau cái chết của ngoại thích Dương Tuấn (291), Nhạc nhận chức Trường An lệnh, rời Lạc Dương đi về phía tây, tại nhiệm sở làm Tây chinh phú (西征赋), thuật lại di tích, sự kiện và nhân vật lịch sử của nơi này. [TT 11] Bài phú miêu thuật những thay đổi của vùng đất Quan Trung qua các đời Tần, Sở, Hán, khéo léo bộc lộ tâm trạng bất an trước thời cuộc biến động.
Trong thời gian chịu miễn quan vì mẹ bệnh, Nhạc tổng kết sự nghiệp chánh trị của mình, cảm thấy thất vọng, bèn làm Nhàn cư phú (闲居赋), [TT 12] miêu tả điều kiện sống hết sức tiêu dao, vui vẻ của mình. Điều này hoàn toàn tương phản với hành vi của Nhạc về sau, nên tác phẩm này chỉ có trình độ nghệ thuật cao, còn chủ đề thì không thật lòng.
Nhạc rất giỏi thể văn Ai lụy, [TT 13] các thể con như Lụy (văn viếng vào ngày giỗ 1 năm), Ai từ (văn thương xót), Tế (văn điếu) đều có tác phẩm, ngày nay còn khoảng 20 bài, được Trương Phổ tập hợp trong Phan hoàng môn tập (潘黄门集, xem tại đây), đưa vào Hán Ngụy Lục triều bách tam gia tập (汉魏六朝百三家集).
Tác phẩm tiêu biểu là Dương Kinh Châu lụy (杨荆州诔, dành cho cha vợ là Dương Triệu) và Ai vĩnh thệ văn (哀永逝文, dành cho vợ).
Trịch quả mãn xa (掷果满车) hay trịch quả doanh xa (掷果盈车, ném trái cây đầy xe): Phan Nhạc là mỹ nam nổi tiếng, được sánh với ngọc, [TTTN 1] thiếu thời dạo chơi ở Lạc Dương, phụ nữ phát hiện, kéo nhau vây quanh, ném trái cây đầy xe. Đương thời các nhà văn nổi tiếng nhưng xấu trai là Trương Tái (张载), Tả Tư (左思) cũng học theo Nhạc mà dạo chơi, lại bị người đời sỉ vả, ném đá đến nỗi không thể ngẩng đầu lên. [TT 14][TTTN 2]
Bạch phát bi thu (白发悲秋, bạc đầu thương mùa thu): Phan Nhạc đã 32 tuổi mà hoạn lộ vẫn chưa thông, nhân thấy mình đã có vài sợi tóc bạc thì cảm khái, mượn điển cố Tống Ngọc, Giả Nghị thương xót mùa thu (bi thu) mà làm bài Thu hưng phú (秋兴赋) [20].
Vọng trần nhi bái (望尘而拜, thấy bụi thì vái): Phan Nhạc siểm nịnh Giả Mật, mới thấy bụi mù của xe ông ta thì đã vái chào. [TT 15]
Bạch thủ đồng sở quy (白首同所归, đầu bạc cùng chỗ về): Phan Nhạc bị giải đến pháp trường thì thấy Thạch Sùng đã ở đấy, than rằng khi xưa làm thơ ở vườn Kim Cốc [21], có câu “đầu bạc cùng chỗ về”, đến nay thì ứng nghiệm. [TT 16]
^Tấn thư, tlđd: Tổ là Cấn, An Bình thái thú. Phụ là Tỷ, Lang Da nội sử... anh trai là Thị ngự sử Thích, em trai là Yến lệnh Báo, Tư đồ duyện Cư, em Cư là Sân...
^Tấn thư, tlđd: Phan Nhạc, tự An Nhân, người Trung Mưu, Huỳnh Dương... Nhạc thiếu thời nhờ tài năng mà nổi danh [2], hương ấp đặt hiệu là kỳ đồng, bảo là cùng nhóm với Chung – Giả [3]. Sớm được vời vào phủ Tư không, Thái úy [4], cử Tú tài.
^Tấn thư, tlđd: Nhạc tài danh trùm đời, bị mọi người ghét, bèn nghỉ ngơi 10 năm. Ra làm Hà Dương lệnh, cậy tài nên uất ức bất đắc chí. Khi ấy bọn Thượng thư bộc xạ Sơn Đào, Lĩnh Lại bộ Vương Tế, Bùi Giai đều được đế đích thân đãi ngộ, Nhạc trong lòng không cho là phải, bèn đề lên các đạo (đường lát ván) làm ca dao rằng: “Đông các đạo, có bò lớn. Vương Tế thắng đai cổ, Bùi Giai thắng đai vế, Hòa Kiệu vội vàng theo sau không được nghỉ.” [6]
^Tấn thư, tlđd: Nhạc gồm coi 2 ấp, siêng ở chánh tích. Được điều bổ làm Thượng thư Độ chi lang, thăng Đình úy bình, do phạm lỗi bị miễn quan.
^Tấn thư, tlđd: Dương Tuấn phụ chánh, cao tuyển lại tá, dẫn Nhạc làm Thái phó chủ bộ. Tuấn bị tru, chịu trừ danh. Ban đầu, người Tiếu là Công Tôn Hoành thiếu thời cô bần, khách điền ở Hà Dương, khéo cổ cầm, rất giỏi thuộc văn. Nhạc đến làm Hà Dương lệnh, yêu tài nghệ của ông ta, đãi ông ta rất hậu. Đến nay, Hoành làm trưởng sử của Sở vương Vĩ, chuyên coi việc sát sanh. Khi ấy thủ hạ của Tuấn đều đang bị tố cáo, đồng thự chủ bộ Chu Chấn đã chịu lục (giết rồi phanh thây). Nhạc đêm ấy chạy chọt bên ngoài [7], Hoành nói với Vĩ, ông là giả lại, nên được miễn. Chưa lâu, được tuyển làm Trường An lệnh,... Được chinh bổ làm Bác sĩ, chưa triệu, do mẹ bệnh lập tức ra đi, quan bị miễn. Lại làm Trứ tác lang, chuyển làm Tán kỵ thị lang, thăng Cấp sự hoàng môn thị lang.
^Tấn thư, tlđd: Nhạc tính khinh suất nóng nảy, theo đuổi thế lợi, cùng bọn Thạch Sùng siểm nịnh Giả Mật, mỗi khi chầu chực ông ta ra ngoài, cùng Sùng luôn trông thấy bụi mù thì vái. Châm chọc văn của Mẫn Hoài, là lời của Nhạc đấy. 24 người bạn của Mật, Nhạc đứng đầu. Giới hạn Tấn thư của Mật [8], cũng là lời của Nhạc đấy. Mẹ ông mấy lần cười mà rằng: “Mày phải biết đủ, sao đầu cơ [9] không thôi vậy?” Nhưng Nhạc cuối cùng không thể cải.
^Tấn thư, tlđd: Ban đầu, Tỷ làm Lang Da nội sử, Tôn Tú làm tiểu sử giúp Nhạc, nhưng giảo quyệt làm vui. Nhạc ghét thói làm người của hắn, mấy lần đánh đập làm nhục hắn, Tú thường nuốt hờn. Đến khi Triệu vương Luân phụ chánh, Tú làm Trung thư lệnh. Nhạc ở tỉnh nội nói với Tú rằng: “Tôn lệnh còn nhớ việc ngày xưa quen biết chăng?” Đáp rằng: “Trong lòng chất chứa, ngày nào quên được.” Nhạc vì thế tự biết không tránh khỏi. Ít lâu sau Tú vu cáo Nhạc cùng Thạch Sùng, Âu Dương Kiến mưu phụng Hoài Nam vương Doãn, Tề vương Quýnh làm loạn, tru ông, di tam tộc. Nhạc sắp đến chợ, cùng mẹ từ biệt rằng: “Phụ a mẫu [10]!”... Mẹ của Nhạc cùng anh trai là Thị ngự sử Thích, em trai là Yến lệnh Báo, Tư đồ duyện Cư, em Cư là Sân, con trai của anh em, con gái của họ sinh ra, không kể lớn nhỏ đồng thời bị hại, chỉ có con trai của Thích là Bá Vũ đào nạn được miễn. Còn con gái của Báo và mẹ của ông ôm nhau kêu gào không thể khuyên giải, gặp chiếu tha tội.
^Tấn thư, tlđd: Chuyển làm Hoài lệnh. Khi ấy cho rằng Nghịch lữ [11] theo nghề buôn bỏ nghề nông [12], gian dâm vong mệnh, nhiều chỗ che giấu, bại loạn pháp độ, sắc nên trừ đi. 10 dặm 1 Quan lê, sai bần hộ trong dân [13] giữ lấy, vừa Sai lại quản lý, như khách xá thu tiền. Nhạc nghị rằng:... Lời xin dâng lên, triều đình nghe theo.
^Tấn thư, tlđd: Trong niên hiệu Thái Thủy, Vũ đế cung canh tịch điền [15], Nhạc làm phú để ca ngợi việc ấy, rằng:
^Tấn thư, tlđd: Chưa lâu, được tuyển làm Trường An lệnh, tác Tây chinh phú, thuật lại nhân vật sơn thủy của kinh đô, văn giản dị đến mức hoàn mỹ[18], lời nhiều không chép.
^Tấn thư, tlđd: Bởi sĩ hoạn không đạt, bèn tác Nhàn cư phú rằng:
^Tấn thư, tlđd:...từ tảo tuyệt lệ (đẹp), rất giỏi làm văn ai lụy.
^Tấn thư, tlđd: Nhạc được khen ngợi về tư nghi [19],... Thiếu thời thường giấu ná ra ngoài đường Lạc Dương, phụ nữ nhận ra ông, cùng nhau nắm tay vây quanh, lấy trái cây ném cho ông, đến khi đầy xe mới quay về. Khi ấy Trương Tái rất xấu, mỗi khi ra ngoài, trẻ con lấy gạch đá ném vào ông, chịu cúi rạp mà quay lại.
^Tấn thư, tlđd:...cùng bọn Thạch Sùng siểm nịnh Giả Mật, mỗi khi chầu chực ông ta ra ngoài, cùng Sùng luôn trông thấy bụi mù thì vái.
^Tấn thư, tlđd: Mới bị bắt, không được gặp nhau, Thạch Sùng đã đưa đến chợ, Nhạc đến sau, Sùng nói với ông rằng: “An Nhân, anh cũng bị thế này à!” Nhạc nói: “Có thể nói là ‘đầu bạc cùng chỗ về’.” Kim Cốc thi của Nhạc có lời rằng: “Hòa hợp với bạn Thạch, đầu bạc cùng chỗ về.” [22] bèn thành lời sấm.
^Lưu Nghĩa Khánh, tlđd: Phan An Nhân, Hạ Hầu Trạm đều có mỹ dung, thích đồng hành, người đương thời gọi họ là “liên bích”.
^Lưu Nghĩa Khánh, tlđd: Phan Nhạc khéo có tư dung, thần tình tốt. Thiếu thời giấu ná ra ngoài đường Lạc Dương, phụ nữ nhận ra, chẳng ai không nắm tay vây ông. Tả Thái Xung (tức Tả Tư) rất xấu, cũng bắt chước Nhạc rong chơi, vì thế đám đàn bà cùng nhau phỉ nhổ, chịu cúi rạp mà quay lại.
^Nguyên văn: 才颖见称/tài (tài giỏi) dĩnh (khác lạ) kiến (hiện ra) xưng (tâng bốc). Tài dĩnh nghĩa là tài năng xuất chúng; kiến xưng nghĩa là được người ta khen ngợi
^tức là Chung Quân (终军) và Giả Nghị (贾谊). Quân – Nghị đều sớm nổi danh, nên khái niệm “Chung Giả” được dùng để phiếm chỉ nhân tài trẻ tuổi
^Nguyên văn: 阁道东, 有大牛. 王济鞅, 裴楷鞧, 和峤刺促不得休/Các đạo đông, hữu đại ngưu. Vương Tể ưởng, Bùi Giai thu, Hòa Kiệu thứ xúc bất đắc hưu
^Nguyên văn: 取急/thủ cấp. Đời xưa gọi việc quan chức chạy đôn đáo lo việc riêng là thủ cấp. VD: Tư quy phú của Lục Cơ có câu: “余以 元康 六年冬取急归./Dư dĩ Nguyên Khang lục niên đông thủ cấp quy/Tôi vào mùa đông năm Nguyên Khang thứ 6 quay về.”
^Nguyên văn: 限断/hạn đoạn, nghĩa là thời điểm kết thúc của một bộ sử đương đại. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, việc đề xuất “hạn đoạn” đã có từ sớm: Tư Mã Thiên chép “Tôi thuật hoàng đế các đời về sau đến Thái Sơ thì xong, 130 năm.” Ban Cố chép “Khởi nguyên Cao Tổ, kết ở cái chết của Hiếu Bình, Vương Mãng.” Ở đây Tuân Úc, Vương Toản, Giả Mật đã tranh cãi về “hạn đoạn” của bộ sử nhà Tấn
^Nguyên văn: 干没/kiền một, nghĩa là đầu cơ để kiếm lợi ích. Hán thư – Trương Thang truyện có câu: “(Thang) ban đầu làm tiểu lại, ‘kiền một’, cùng tên tá điền Giáp của nhà giàu Trường An, thân thuộc của Ngư Ông Thúc giao dịch.” Nhan Sư Cổ chú Tư trị thông giám, dẫn Phục Kiền rằng: “Kiền một. Tìm kiếm thành – bại đấy.” Dẫn Như Thuần rằng: “Sớm chứa vật để đợi, đắc lợi là Kiền, thất lợi là Một.”
^Nguyên văn: 逆旅/nghịch lữ, tạm dịch là quán trọ. Nguồn gốc từ Tả truyện – Hi công năm thứ 2: “Nay Quắc làm việc bất đạo, ủng hộ nghịch lữ.” Đỗ Dự chú rằng: “Nghịch lữ, là khách xá đấy.” Thực tế “nghịch lữ” còn là nơi các thương nhân gặp gỡ rồi tiến hành giao dịch, bài thơ Bộ xuất hạ môn hành. Đông thập nguyệt (步出夏门行. 冬十月) của Tào Tháo có câu: “逆旅整设, 以通商贾/nghịch lữ chỉnh thiết, dĩ thông thương cổ.”
^Nguyên văn: 逐末废农/trục (đuổi theo) mạt (ngọn) phế nông. Theo Thiều Chửu: “sự gì không phải là căn bản cũng gọi là mạt. Như đi buôn gọi là 逐末/trục mạt, theo đuổi nghề mọn, vì ngày xưa trọng nghề làm ruộng mà khinh nghề đi buôn vậy.”
^Nguyên văn: 老小贫户/lão tiểu bần hộ. Lão tiểu nghĩa đen là người già và trẻ em, nghĩa bóng là nhân dân hay trăm họ (VD: Hán thư – Hàn Duyên Thọ truyện: “Lại dân mấy ngàn người tiễn đến Vị Thành, lão tiểu đẩy xe rùa, tranh nhau góp rượu thịt.”), ở đây dùng nghĩa thứ 2
^Nguyên văn: 躬耕藉田. 躬耕/cung (tự mình, đích thân) canh (cày cấy); đời xưa đế vương vào đầu mùa xuân đưa quần thần đến tịch điền tiến hành nghi thức cày ruộng gieo giống để khuyến nông. Nguồn gốc từ Lễ ký – Nguyệt lệnh: “(Tháng đầu mùa xuân) thiên tử thân chở cầy và lưỡi cầy... soái tam công, cửu khanh, chư hầu, đại phu cung canh đế tịch. Thiên tử 3 lần đẩy, tam công 5 lần đẩy, khanh, chư hầu 9 lần đẩy.” 藉田 hay 籍田/tịch điền; Nhan Sư Cổ chú, dẫn Vi Chiêu chú rằng: “籍/tịch nghĩa là mượn đấy. Mượn sức dân để trị vì, để phụng tông miếu, vả lại còn để khuyến khích thiên hạ, khiến chăm làm nông vậy!”
^Căn cứ vào lời tựa của Dương Kinh Châu lụy thì Dương Triệu mất vào năm 275. Những thông tin khác dựa vào lời tựa của Quả phụ phú
^Những thông tin trên dựa vào lời tựa và nội dung của Hoài cựu phú
^Nguyên văn: 姿仪, nghĩa là dung mạo. VD: Lưu Nghĩa Khánh, tldd có câu “Hà Bình Thúc được khen ngợi về tư nghi, mặt rất trắng, Ngụy Minh đế ngờ ông đắp phấn.”
^Căn cứ vào lời tựa của bài: “Năm thứ 14 nhà Tấn (279), tôi được 32 lần xuân thu.” mà biết năm sinh của Phan Nhạc
^Vườn Kim Cốc thuộc về Thạch Sùng, là nơi Kim Cốc 24 hữu thường xuyên tụ họp. Cuộc họp mặt ở vườn Kim Cốc là hội thơ Trung Quốc đầu tiên được chánh sử ghi nhận, cũng là hội thơ đầu tiên phát hành tập thơ: Kim Cốc yến tập. Việc Thạch Sùng sáng tác bài tựa cho tập thơ này trở thành khuôn mẫu cho đời sau, tiêu biểu là Lan Đình tập tự, Đằng vương các tự,... Tiệc vườn Kim Cốc cũng là tiệc rượu đầu tiên ghi nhận hình thức phạt rượu (nếu không thể làm thơ) trong lịch sử văn học Trung Quốc
^Nguyên văn: “投分寄石友, 白首同所归/Đầu phân ký Thạch hữu, bạch thủ đồng sở quy.”
Tức là thương hiệu nào càng dễ mua, càng được nhớ đến trong nhiều bối cảnh mua hàng khác nhau thì sẽ càng được mua nhiều hơn và do đó có thị phần càng lớn