Sông Cầu | |
Sông Nguyệt Đức, sông Phú Lương | |
Sông | |
Sông Cầu đoạn chảy qua Xóm 1, làng Thổ Hà, Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang
| |
Quốc gia | Việt Nam |
---|---|
Tỉnh | Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang |
Các phụ lưu | |
- hữu ngạn | sông Đu, sông Công, sông Cà Lồ |
Nguồn | |
- Vị trí | Núi Phia Boóc, Văn Ôn, Phương Viên, Chợ Đồn, Bắc Kạn |
- Cao độ | 1.170 m (3.839 ft) |
Cửa sông | Ngã ba Lác |
- vị trí | Lục Đầu Giang, Bắc Giang, Bắc Giang, Việt Nam |
- tọa độ | 21°7′26″B 106°17′52″Đ / 21,12389°B 106,29778°Đ |
Chiều dài | 290 km (180 mi) |
Lưu vực | 6.030 km2 (2.328 dặm vuông Anh) |
Lưu lượng | |
- trung bình | 153 m3/s (5.403 cu ft/s) |
Sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Phú Lương (Phú Lương Giang, 富良江), sông Thị Cầu, sông Nguyệt Đức hay mỹ danh dòng sông quan họ), là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc Việt Nam [1][2][3].
Lưu vực sông Cầu là một trong năm con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam (Hồng, Đà, Lô, Cầu, Đáy) và cũng là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nằm trong lưu vực của nó.
Sông Cầu bắt nguồn từ phía Nam đỉnh Phia Boóc (cao 1.578 m) của dãy Văn Ôn trong địa phận xã Phương Viên và xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn, chảy ngoằn ngoèo giữa hai dãy núi Ngân Sơn và dãy núi Sông Gâm theo hướng bắc tây bắc-nam đông nam tới địa phận xã Dương Phong, huyện Bạch Thông rồi đổi hướng để chảy theo hướng tây tây nam-đông đông bắc qua thành phố Bắc Kạn tới xã Mỹ Thanh huyện Bạch Thông. Tại đây nó đổi hướng để chảy theo hướng đông bắc-tây nam. Tại xã Nông Hạ huyện Chợ Mới nó nhận một chi lưu phía hữu ngạn, chảy về từ xã Mai Lạp cùng huyện theo hướng tây bắc-đông nam. Tới địa phận thị trấn Chợ Mới, nó nhận một chi lưu nữa phía hữu ngạn rồi đổi hướng sang tây bắc-đông nam. Tới địa phận xã Vân Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), nhận một chi lưu phía tả ngạn rồi đổi hướng sang bắc đông bắc-nam tây nam. Tới xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên nhận tiếp một chi lưu phía hữu ngạn là sông Đu rồi chảy qua lòng thành phố. Chảy tới xã Nga My huyện Phú Bình thì đổi sang hướng đông bắc-tây nam tới phường Thuận Thành, thành phố Phổ Yên nhận tiếp một chi lưu là sông Công. Tới ranh giới xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa và xã Việt Long huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nó nhận một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn là sông Cà Lồ rồi chảy tiếp về phía đông qua ranh giới của thị xã Việt Yên - Bắc Giang và huyện Yên Phong - Bắc Ninh rồi hợp lưu với sông Thương tại ngã ba Lác (nơi giáp ranh giữa Đồng Phúc, Đức Long và Phả Lại) để tạo thành sông Thái Bình.
Sông Cầu có diện tích lưu vực khoảng 6.030 km², với chiều dài khoảng 290 km, độ cao bình quân lưu vực: 190 m, độ dốc bình quân 16,1%, chiều rộng lưu vực trung bình: 31 km, mật độ lưới sông 0,95 km/km² và hệ số uốn khúc 2,02.
Lưu vực sông Cầu có dòng chính là sông Cầu với chiều dài 290 km bắt nguồn từ núi Văn Ôn (Vạn On) ở độ cao 1.170 m và đổ vào sông Thái Bình ở Phả Lại. Trong lưu vực sông Cầu có tới 26 phụ lưu cấp một với tổng chiều dài 670 km và 41 phụ lưu cấp hai với tổng chiều dài 645 km và hàng trăm km sông cấp ba, bốn và các sông suối ngắn dưới 10 km. Lưu vực sông Cầu nằm trong vùng mưa lớn (1.500-2.700 mm/năm) của các tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Tổng lưu lượng nước hàng năm đạt đến 4,2 tỷ m³. Sông Cầu được điều tiết bằng hồ Núi Cốc trên sông Công (một chi lưu của nó) với dung tích hàng trăm triệu m³.
Chế độ thủy văn của các sông trong lưu vực sông Cầu được chia thành 2 mùa:
Lưu lượng dòng chảy trung bình các tháng trong năm chênh lệch nhau tới 10 lần, mực nước cao và thấp nhất chênh nhau khá lớn, có thể tới 5–6 m.
Do việc khai thác và phát triển chưa hợp lý như phát triển công nghiệp và khai khoáng ồ ạt, chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn cũng như phát triển làng nghề chưa có quy hoạch cụ thể và việc xử lý nước thải còn bị coi nhẹ v.v nên nguồn nước, cảnh quan và hệ sinh thái của sông Cầu cũng như lưu vực đang bị suy thoái và có nguy cơ cạn kiệt, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, giảm giá trị sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống, môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Ngày 23 tháng 6 năm 2001, tại thị xã Bắc Giang đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 6 tỉnh (thuộc đề án sông Cầu) lần thứ 4 nhằm tìm ra giải pháp toàn diện cho các vấn đề kể trên. Tại hội nghị đã ký "Thỏa ước về hợp tác bảo vệ và khai thác bền vững sông Cầu và lưu vực sông Cầu".
Hiện trên sông Cầu có các cây cầu bắc qua:
Năm 1077 trên sông Như Nguyệt, quân đội nhà Lý do danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đã đánh bại đội quân xâm lược của nhà Bắc Tống gồm 100.000 quân do Quách Quỳ chỉ huy.
Trong truyền thuyết, vị thần cai quản sông Cầu là Đức thánh Tam Giang, do hai tướng Trương Hống, Trương Hát của Triệu Việt Vương sau khi chết được phong thần. Sau này hai ông đã hiển linh giúp Nam Tấn Vương đánh Lý Huy, các quân Việt Nam đánh quân phương Bắc (thời Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt...). Đồng thời hai ông cũng cai quản cả sông Long Nhỡn (sông Thương), sông Đuống.
Phần sông Cầu đoạn chảy qua ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tập trung hầu hết các làng quan họ của vùng văn hóa Kinh Bắc. Do đó mà sông Cầu được gọi là dòng sông quan họ trong thơ ca và trong bài hát nổi tiếng của Phan Lạc Hoa mang tên "Tình yêu trên dòng sông quan họ":