Thành phần thứ ba hay Lực lượng thứ 3 là cụm từ được dùng để chỉ lực lượng chính trị ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam không ủng hộ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Lực lượng này tranh đấu cho hòa bình và kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc.[1]
Jean-Claude Pomonti, một phóng viên báo Le Monde, Pháp, cho là tên gọi "lực lượng thứ ba" đã được dùng vào năm 1960, sau khi một nhóm 18 chính khách Caravelle đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng cũng chống Cộng, đưa ra một bản tuyên ngôn đòi ông Diệm cải tổ chính quyền.[2] Theo ông André Menras, một giáo viên người Pháp, người đã treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên tượng Thủy quân Lục chiến trước Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn, nói rằng một lực lượng thứ ba là "một phong trào hòa bình đã hình thành và lớn mạnh từ năm 1963 trong cuộc đấu tranh chống các chính sách của Ngô Đình Diệm."[3]
Tên gọi "thành phần thứ ba" thì theo ký giả Jacques Decornoy của báo Le Monde đã xuất hiện vào mùa thu năm 1969 với một nhóm người chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và đi theo hướng hòa giải dân tộc mà ông Dương Văn Minh được coi là đại diện.[4]
Tên này được bắt đầu chính thức dùng là do đề nghị của chính phủ miền Bắc tại hòa đàm Paris về thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần, và khi Hiệp Định được ký ở Paris cuối tháng 1 năm 1973 thì điều 12 của Hiệp Định này có nói đến việc thiết lập một "Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau".