Trần Lê Văn hay tên thật là Trần Văn Lễ, bút danh Trần Lê Văn, Tú Trần (1923-2005), quê quán Vị Xuyên, Nam Định là một nhà thơ trong thập niên 1950 đến 1980, ông được coi là cây bút đa năng và dẻo dai, có mặt qua nhiều giai đoạn của văn đàn Việt Nam.
Ông là người cùng họ và cùng làng với thi hào Tú Xương (Trần Tế Xương), từ thời trẻ đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn, dù ông khiêm tốn tự nhận là "thường thường bậc trung" nhưng có thể nói là khá dày dặn.
Trần Lê Văn vừa có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp, đọc và dịch văn Pháp, vừa đủ sức biên tập, hiệu đính các sách chữ Hán và chữ Nôm. Một nhà thơ kiêm thông Đông Tây kim cổ.
Ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh với Pháp từ những ngày đầu khai chiến, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, có thơ in chung với Quang Dũng từ năm 1957 (tập Rừng biển quê hương) nhưng phải hơn 20 năm sau (1979) Trần Lê Văn mới có tập thơ in riêng "Giàn mướp hương" khá mỏng mảnh về số trang.
Những năm kháng chiến chống Pháp, công chúng đã biết đến một tiếng thơ rất khoẻ khoắn của Trần Lê Văn. Thơ ông giản dị không màu mè nhưng cũng như những bài thơ thời ấy, nó tươi rói sự sống và dễ đi vào trái tim bạn đọc. Ông và người bạn thân Quang Dũng có sự gặp gỡ ở cách làm thơ dung dị nhưng có sức truyền cảm lớn. Từ đó đến nay, nhiều bạn trẻ vẫn nhớ và thuộc thơ ông. Tập "Tiếng vọng" của ông ra đời, đầy hân hoan, ngập tràn tình yêu và niềm tin vào cuộc sống.
"Tiếng vọng", cũng là tập thơ sau cùng của ông, được in ra từ năm 1987. Giữa khoảng thời gian đó là những tập bút ký dày dặn, kĩ lưỡng, giàu chất thơ về thiên nhiên, đất nước: "Thung mơ Hương Tích" (1974, tái bản nhiều lần), "Sông núi Điện Biên" (1979, tái bản), "Gương mặt Hồ Tây" (1984)...
Ông còn dịch một số nhà thơ Pháp và giới thiệu nhiều tác giả Hán Nôm trung đại.[1]
Nhà văn Lê Bầu nhận định: "Thơ Văn có những bài thật xúc động và tôi thích cách làm thơ tài hoa của ông ấy...Tập "Tiếng vọng" ra đời trong hoàn cảnh bột phát đó nhưng mấy mươi bài thơ dày dặn ấy cũng phần nào khắc hoạ được chân dung Trần Lê Văn - một con người yêu cuộc sống đến hồn nhiên và sống rộng lòng với bè bạn".[2]
Ông mất vào ngày 21 tháng 4 năm 2005 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Ông mất trước ngày khai mạc Đại hội đại biểu nhà văn toàn quốc (Việt Nam) lần thứ VII.
Năm 2017, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Sông núi Điện Biên, Hà Nội hoa, Thung mơ Hương Tích.