Tra quyền (chữ Hán:查拳) tên tiếng Anh phiên âm từ tiếng Hoa là Cha Quan hay Cha Chuan là một bộ môn quyền thuật miền Bắc Trung Hoa có rất sớm tương truyền xuất hiện từ thời nhà Đường từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.
Tra quyền còn gọi là Soa quyền (soa là một loại binh khí có cán dài, một đầu có hai mũi nhọn, "đinh hai") hay còn gọi Sáp quyền (sáp là cắm, đâm).[1]. Cũng có nhiều người cho rằng phải viết là "Tra quyền" [2] vì trong quyền pháp phần lớn dùng "tra pháp" chú ý ra tay tức là "tra" (là chỉ, chọc bằng ngón tay) và trong thương pháp có khẩu quyết "nhất tra, nhị nã, tam trát hoa" (một chọc, hai nắm, ba đâm hoa).
Có hai thuyết về nguồn gốc:
Thuyết thứ nhất cho rằng: đời Đường (hoặc có người bảo là cuối thời nhà Minh hay cuối thời nhà Thanh) có dân Hồi Tra Mật Nhĩ ở Tây vực từ phía Tây tới truyền quyền này ở Quán Huyện thuộc Lỗ Tây (phía Tây tỉnh Sơn Đông). Đời sau lấy họ này mà đặt thành tên dòng quyền.
Thuyết thứ hai do phái Thiếu Lâm phát triển mà có (xem sách "Quốc thuật sử" của Hứa Vũ Sinh) gần đây căn cứ vào "Trung Quốc Tra quyền" mà tác giả đã khảo chứng thì quyền Tra Mật Nhĩ truyền lại không phù hợp với sự thật lịch sử mà cho rằng đời vua Ung Chính nhà Thanh (tức vua Thanh Thế Tôn Dân Chân làm vua từ 1723 - 1736), có tiến sĩ võ người Quán Huyện tỉnh Sơn Đông là Sa Lượng, người vùng ấy tôn xưng là Sa Mật Nhĩ (Mật Nhĩ là do dân tộc Hồi để lại, từ đó tiếng Ba Tư có nghĩa là "trưởng quan".
Còn Tra Mật Nhĩ hay Sa Mật Nhĩ là chuyện còn nghi vấn) đã sáng tác ra, hình thành vào khoảng giữa đời Thanh. Ban đầu thịnh hành ở Sơn Đông, về sau nhà Tra quyền nổi tiếng là Dương Hồng Tu truyền dạy ở Tế Nam; Hoàng Bính (có chỗ ghi là Minh) Tinh lại truyền bá ở Hà Nam; Vu Chấn Thanh, Mã Kim Tiêu, Mã Vĩnh Thắng v.v... đi về phương Nam truyền quyền ở Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu. Quốc Thuật quán trung ương xưa từng đưa Tra quyền vào khóa trình, còn hiện tại thì lưu truyền cả nước.
Theo báo "Võ Lâm" của Trung Quốc có bài khảo cứu lại đưa ra thuyết Trường quyền do Cơ Long Phong sáng tác ra sau khi tham khảo các loại quyền thuật nổi tiếng của phương Bắc rồi chắt lọc, tinh tuyển, sáng tạo thêm thành ra trường quyền cách đây hơn ba trăm năm. Sau này, Cơ Long Phong truyền dạy lại cho các học trò, trong đó có người họ Tra, Hoa, Pháo, Hồng giỏi hơn cả, và rồi họ tự lập ra môn phái Trường quyền riêng.
Tra quyền có ba đặc điểm: 1. Tiết tấu rõ ràng, động thì nhanh, tĩnh thì vững. 2. Động tác gấp gáp, đường quyền rành rẽ. 3. Thế (hoàn) chỉnh, lực thuận, mắt nhanh tay lẹ.
Yêu cầu khi diễn luyện phải "đi như gió, đứng như đinh, lên như vượn, xuống như ưng, động như hổ mạnh, tĩnh như núi đồi, nhanh chậm xen nhau, cứng mềm giúp nhau, chiêu pháp rõ ráng, chuyển gấp dừng đột gột".
Bất kể là công thủ, tiến lùi đều mau mà không loạn, chậm mà không rời rạc, tư thế ngay ngắn thư triển. Tay, mắt, thân, bộ đều phải trên dưới theo nhau, sau trước nối nhau, trong ngoài hợp nhau, đồng thời phải có "tam tiết" (ba đốt), lục hợp (sáu hợp); "mười cần" tức là co, nhỏ, liên miên, mềm, khéo, ổn, mau, cứng, dòn, trơn tức là mười chữ yếu quyết công phòng.
Trong bài bản phần lớn có thoản, bảng, khiêu, dược, khởi, phục, chuyển, chiết (tạm dịch: tung, chồm, nhảy, vọt, lên, xuống, xoay, ngoắt).
Bài bản Tra quyền có 10 lộ (bài): lộ một mẫu tử (mẹ con), lộ hai hành thủ (đi tay), lộ ba phi cước (bay cước), lộ bốn khai bình (mở bằng), lộ năm quan đông, lộ sáu mai phục, lộ bảy mai hoa (hoa mai), lộ tám liên hoàn, lộ chín long bài ví (rồng vẫy đuôi), lộ mười xuyến quyền (quyền xoắn liền). Lộ một, hai đều có một bài quyền phụ. Về khí giới thì có tra đao, tra kiếm, tra câu (móc) v.v... là các thứ binh khí dài nhắn, đơn, đôi, lại còn đủ các bài múa đối luyện.
Bài Trường quyền quy định có hấp thu một bộ phận Tra quyền cũng thu nạp cả hệ thống giáo tài thông dụng của Viện thể dục toàn quốc (thành bài thi đấu ở cả trong nước TQ và trên toàn thế giới).