Type 59 - Xe tăng hạng trung kiểu 59 | |
---|---|
Loại | Xe tăng chiến đấu chủ lực |
Nơi chế tạo | Trung Quốc |
Lược sử hoạt động | |
Phục vụ | 1959 - nay |
Sử dụng bởi | Trung Quốc Albania Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Việt Nam Cộng hòa Nhân dân Campuchia Campuchia Thái Lan Sri Lanka Myanmar CHDCND Triều Tiên Pakistan Bangladesh Sudan Tanzania Djibouti |
Lược sử chế tạo | |
Nhà sản xuất | Nhà máy công nghiệp số 1 Nội Mông, Trung Quốc |
Giai đoạn sản xuất | 1958-1980 |
Số lượng chế tạo | Ước tính 9.500 |
Thông số (Type-59) | |
Khối lượng | 36 tấn |
Chiều dài | 6,04 mét (19,8 ft) |
Chiều rộng | 3,27 mét (10,7 ft) |
Chiều cao | 2,59 mét (8 ft 6 in) |
Kíp chiến đấu | 4 |
Phương tiện bọc thép | 20 - 203 mm |
Vũ khí chính | Pháo K59 (Type 59) 100 mm |
Vũ khí phụ | 2 x Súng máy đồng trục Type 59T 7.62 mm,1 x Súng máy phòng không Type 54 12.7 mm |
Động cơ | Động cơ diesel Model 12150L V-12 520 mã lực (390 kW) |
Công suất/trọng lượng | 14,44 mã lực/tấn |
Hệ thống treo | Thanh xoắn |
Sức chứa nhiên liệu | 815 lít |
Tầm hoạt động | 450 km, 600 km với thùng dầu phụ |
Tốc độ | 50 km/h |
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Xe tăng hạng trung kiểu 59 (tiếng Anh: Type 59, tên công nghiệp tại Trung Quốc: WZ120) hay Xe tăng chủ lực kiểu 59 là một xe tăng chiến đấu chủ lực do Trung Quốc chế tạo, sản xuất dựa trên chiếc xe tăng T-54A của Liên Xô. Phiên bản thử nghiệm được sản xuất năm 1958 và được đưa vào sử dụng năm 1959, vì vậy nó có tên là Type 59. Việc sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 1963. Xấp xỉ 9.500 chiếc đã được sản xuất từ năm 1958-1980 và trong đó có khoảng 5.500 chiếc phục vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đến năm 2000 thì còn khoảng 5.000 chiếc còn phục vụ trong Quân đội Trung Quốc, đa số là các phiên bản Type 59-I và Type 59-II.[cần dẫn nguồn]
Type 59 ban đầu sử dụng pháo 100 mm, sau đó một vài phiên bản nâng cấp sử dụng pháo 105 mm. Các xe tăng Type 69 và Type 79 sau này của Trung Quốc cũng dựa trên Type 59 nên có nhiều nét tương đồng với dòng xe tăng T-54/55 của Liên Xô. Ở Việt Nam, Type 59 cũng có hoạt động trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và được gọi với cái tên là T-59 vì trông nó rất giống với T-54.[cần dẫn nguồn]
Về cơ bản T-59 giống với phiên bản T-54 đầu của Liên Xô là T-54A, tuy nhiên có một số khác biệt quan trọng. Kiểu 59 ban đầu không được trang bị đèn hồng ngoại nhìn đêm hoặc hệ thống làm ổn định súng chính của T-54.[cần dẫn nguồn]
Type-59 có khoang chiến đấu thông thường giống với các xe tăng Liên Xô thập niên 1950-1970 với vị trí điều khiển xe tăng ở phía trước, động cơ nằm ở phía sau. Tháp pháo có hình dạng mái vòm, tròn, lắp ở giữa thân.Thân xe được hàn thép với độ dày khác nhau từ 100 mm trên thân phía trước đến thấp hơn 20 mm ở sàn thân xe. Tháp pháo dày từ 60–200 mm.[cần dẫn nguồn]
Ghế lái xe nằm ở góc trái phía trước của thân xe,có 1 cửa sập nằm ngay phía trên vị trí lái xe.Lái xe có thể nhìn qua chắn trong khoang lái hoặc mở cửa sập để ngoi ra ngoài nhìn.Ghế chỉ huy nằm trong tháp pháo cùng vị trí với xạ thủ và chiến sĩ nạp đạn.Vị trí chỉ huy xe cũng có 1 cửa sập nằm ở bên trái,thủ pháo ngồi ở bên dưới chỉ huy nhưng lại ở góc phía trước.Chiến sĩ nạp đạn ngồi bên phải tháp pháo và cũng có 1 cửa sập ngay trên vị trí của anh.Tháp pháo có một tầng không xoay, gây khó khăn cho hoạt động của kíp lái.[cần dẫn nguồn]
Tháp pháo trang bị pháo K59 100 mm của Trung Quốc,có thể mang theo 34 viên đạn dự trữ.Bên trong còn có 1 súng máy đồng trục Type59T cỡ nòng 7,62 mm (sao chép súng máy SGMT của Liên Xô) với lượng đạn dự trữ là 3500 viên. Một súng máy Type-54 cỡ nòng 12,7 mm dùng để phòng không đặt trên nóc xe tăng,loại súng này cũng sao chép súng máy 12,7 mm DShKM của Liên Xô,dự trữ đạn 200 viên. Súng máy đồng trục lắp ở nóc chiếc Type 59 nhằm mục đích hỗ trợ hỏa lực cho xe tăng.[cần dẫn nguồn]
Tháp pháo Type 59 giống với T-54,có khả năng quay 360 độ trong vòng 21 giây. Ban đầu,Type 59 sử dụng kính ngắm sản xuất theo loại của Liên Xô nhưng sau này một số phiên bản lại sử dụng kính ngắm phương tây, nòng pháo có góc ngẩng từ 17 đến -4 độ, không thích hợp cho chiến thuật hull down tức ngắm bắn dưới thân xe tăng đối phương - nơi mà có vỏ thép thường mỏng. Các phiên bản sau này cho phép xe tăng có thể vừa chạy vừa bắn nhưng chỉ khi xe chạy với tốc độ vừa phải vì càng chạy nhanh độ chuẩn xác càng kém, ở các đời T-54B và T-55 trở đi, xe tăng Liên Xô cũng có khả năng tương tự. Ngoài ra còn có kính ngắm hồng ngoại cho xạ thủ và lái xe sử dụng trong đêm.[cần dẫn nguồn]
Type 59 sử dụng động cơ diesel Model 12150L V-12 có công suất 520 mã lực. Hộp số tay lái với cần nắm gạt về phía trước hoặc lùi. Xe tăng có 1 thùng Dầu chính mang tối đa 815 lít diesel giúp xe có tầm hoạt động 450 km, ngoài ra có thể mang thêm 400l diesel ở các thùng dầu phụ nâng tầm hoạt động lên mức tối đa 600 km hay xấp xỉ 430 km sử dụng nhiên liệu ở thùng dầu chính. Mỗi dãy bánh của xe tăng có 5 chiếc bánh,bánh thứ nhất và thứ hai cách rời nhau. Điều đáng chú ý ở đây là xe không có con lăn để lăn ngược trở lại. Hệ thống treo của Type 59 là thanh xoắn.[cần dẫn nguồn]
Đạn dự trữ nằm bên trong tháp pháo,gây nguy hiểm vì khi bị đối phương bắn trúng vị trí chứa đạn thì sẽ dễ dàng gây ra một vụ nổ thảm khốc giết chết toàn bộ kíp lái, khiến tỉ lệ sống sót của kíp lái thấp (tuy nhiên đây cũng là nhược điểm chung của phần lớn xe tăng thời đó). Type 59 tương tự như T-54A có độ nghiêng giáp lớn,giáp khá dày giúp nâng cao tỉ lệ sống sót của chiếc xe trên chiến trường.[cần dẫn nguồn]
Type 59 chính là kết quả của Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Trung-Xô. Liên Xô cấp giấy phép cho phía Trung Quốc sản xuất xe tăng T-54A với một cái tên khác. Ban đầu,những chiếc xe tăng T-54A này được nhập khẩu linh kiện từ Liên Xô và lắp ráp ở Trung Quốc, sau này thì Trung Quốc đã xây dựng được một dây chuyền sản xuất linh kiện 100% nội địa để lắp ráp T-54A ngay trong nước. Năm 1959,nó được chấp nhận hoạt động trong Quân đội Trung Quốc với cái tên Type 59.[cần dẫn nguồn]
Trong hơn 20 năm tiếp theo, Type 59 đóng vai trò là loại xe tăng chính của Lục quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau này, quan hệ Trung-Xô bắt đầu sứt mẻ, lạnh nhạt dần nên Hiệp ước Tương trợ Trung-Xô bị quên lãng do những bất đồng về ngoại giao và về cả kinh tế chính trị của cả hai bên. Những nguyên nhân trên đã đẫn đến Xung đột biên giới Trung-Xô vào năm 1969 kéo dài 9 tháng. Trong cuộc chiến này, phía Trung Quốc đã gặp rất nhiều bất lợi. Pháo binh, súng cối của Trung Quốc bao gồm những loại K59, K66, K55 cũng sao chép từ các loại pháo và súng cối của Liên Xô nhiều năm về trước nên mất lợi thế so với pháo binh Liên Xô đặc biệt là loại pháo phản lực BM-21 mà Trung Quốc không hề có. Tăng thiết giáp Trung Quốc cũng yếu thế hơn nhiều về trang bị. Chỉ với những xe bọc thép BTR-40, BTR-152, xe tăng Type 59 thì Trung Quốc lép vế hoàn toàn so với BTR-60, T-54B và T-62 của Liên Xô. Chính vì điều đó nên Quân đội Trung Quốc quyết định hiện đại hóa lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực. Dựa vào chiếc xe tăng T-62 tóm được của Liên Xô trong cuộc chiến mà Trung Quốc đã dựa vào và cho ra chiến Type 69 nhưng nền tảng vẫn là Type 59/T-54.
Những năm sau này, những loại xe tăng khác của Trung Quốc như Type 79, Type 80 cũng lấy nền tảng vẫn là Type 59. Hiện nay, vẫn còn khoảng gần 5000 chiếc Type 59 còn phục vụ trong Lục quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nhiều năm nữa,chúng sẽ được thay thế bởi những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực đời mới của Trung Quốc như Xe tăng chủ lực kiểu 96 và Xe tăng chủ lực kiểu 98.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hàng trăm xe tăng Xe tăng chủ lực kiểu 59 khi còn là đồng minh. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng nhiều xe tăng này trong Chiến tranh Việt Nam, chiếc Type 59 nổi bật nhất trong cuộc chiến này chính là chiếc xe tăng T-59 mang số hiệu 390 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975, là biểu tượng cho chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Type 59 của Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng những chiếc T-54/55 cũng tham gia chiến trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 chống lại các xe tăng Type 59 và Type 62, Type 63 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Vì vậy nên xe tăng ở 2 bên chiến tuyến nhìn y đúc nhau. Hiện nay còn khoảng 350 chiếc T-59 còn phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiếc Type 59 và T-54 đang biên chế trong Quân đội Nhân dân Việt Nam từng có kế hoạch hiện đại hóa lên phiên bản T-55M3 thay nòng pháo 100 mm cũ bằng pháo nòng xoắn 105 mm M68/L7 của Israel, bắn đạn APAM, hoặc đạn có thanh xuyên động năng, có ốp cách nhiệt, nâng cao tuổi thọ cũng như độ chính xác khi bắn. Trang bị súng máy hạng nặng NSV 12,7 mm do Việt Nam tự sản xuất có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp trên không. T-55M3 cũng được lắp thêm một súng máy đồng trục PKT 7,62 mm do Việt Nam tự sản xuất thay thế cho súng máy SGMT. Lắp đặt súng cối 60mm trên nóc xe giúp xe tấn công các mục tiêu ở các hầm công sự và nhà cao tầng mà pháo không thể bắn tới được cùng thiết bị cảm biến khí tượng MAWS6056B do công ty Idram của Thụy Sĩ chế tạo. Tuy nhiên phiên bản này chỉ dừng ở mức thử nghiệm.
Type 59 đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971. (Xem Trận Longewala)[cần dẫn nguồn]