Văn Khương

Văn Khương
文姜
Nữ công tước của Lỗ
Thông tin chung
Mất673 TCN
Phối ngẫuLỗ Hoàn công
Hậu duệLỗ Trang công (魯莊公)
Thúc Nha (叔牙)
Quý Hữu (季友)
Thân phụTề Hy công

Văn Khương (chữ Hán: 文姜; ? - 673 TCN), còn gọi là Tề Văn Khương (齊文姜), là một công chúa của nước Tề thời Xuân Thu và là phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công, các vị quân chủ của nước Lỗ trong lịch sử Trung Quốc.

Văn Khương cùng chị gái Tuyên Khương đều nổi tiếng có nhan sắc xinh đẹp đương thời. Việc loạn luân với người anh khác mẹ là Tề Tương công của Văn Khương đã dẫn đến việc Tương công giết chết chồng bà là Lỗ Hoàn công khi sự việc bị phanh phui. Vì sự việc tai tiếng trứ danh một thời này, Văn Khương được đời sau chép vào Nghiệt bế truyện (孽嬖傳) của Liệt nữ truyện.

Với nhan sắc diễm lệ và điển tích trứ danh, Văn Khương được liệt vào một trong Xuân Thu tứ đại mỹ nữ (春秋四大美女) bên cạnh Hạ Cơ, Tức QuyTây Thi.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Là dòng dõi Tề Thái công Khương Tử Nha, họ (Tính; 姓) của bà là "Khương" (姜) và "Văn" (文) là hiệu của bà[1][2]. Thời Tiên Tần, nữ giới thường không xưng tên, chỉ được ghi lại theo hiệu (thường là thụy hiệu, xưng hiệu hoặc tên nước) cùng họ, ví dụ Tây Thi chính là họ Thi và ở thôn Tây nên gọi như vậy, cũng có Tức Quy chính là họ Quy và gả cho Vua nước Tức nên gọi như vậy.

Theo lý giải của Đông Chu liệt quốc, một tiểu thuyết thời nhà Minh, Văn Khương có mặt hoa, mày liễu, nhan sắc tuyệt vời, lại thêm học hành thông thái, thi phú rất giỏi, nên đương thời người ta thường gọi bà là 「Văn Khương」. Căn cứ Sử ký, bà là con gái của Tề Hy công và là em gái của Tề Tương côngTề Hoàn công. Tề Tương công, chư Chư Hi, là anh cùng cha khác mẹ với Văn Khương, chỉ lớn hơn bà độ vài tuổi, diện mạo phương phi, ra chiều trang nhã, nhưng phải cái tính đam mê sắc dục. Từ nhỏ đến lớn, Chư Nhi và Văn Khương thường lui tới, gần gũi nhau, do đó trong tình anh em lại có ẩn thêm một mối tình luyến ái. Tề Hy công vốn chiều con không bắt buộc giữ gìn khuôn phép, nên về sau sanh điều tệ hại. Hai người đã lén tư thông với nhau[1][3][4][5].

Khi Văn Khương đến tuổi gả chồng, vì Tề Hy công muốn giao hảo với nước Lỗ nên hứa hôn Văn Khương với Lỗ Hoàn công. Trước đó, Tề Hy công có ý định để Văn Khương kết hôn với Thái tử nước TrịnhThái tử Hốt, Thái tử từ chối nói:「"Mỗi người đều có phối ngẫu của riêng mình. Tề Quốc là nước lớn, không thể là phối ngẫu của ta"」. Về sau bộ lạc Bắc Nhung xâm lấn nước Tề, nước Tề cầu viện nước Trịnh, Thái tử Hốt đem binh giải vây. Tề Hy công nhắc lại chuyện này, Thái tử vẫn từ chối, bảo:「"Trước kia không giúp nước Tề, ta cũng chưa dám cưới con gái Tề hầu. Hôm nay phụng mệnh của cha mà tới giải cứu nước Tề đang nguy khốn, lại nhân đó mà cưới vợ về, há chẳng phải dùng sức quân Trịnh để giải quyết chuyện cưới vợ của riêng ta ư? Bá tánh của nước Trịnh sẽ nghĩ ta như thế nào?"」. Liền từ biệt mà đi[6].

Năm Tề Hy công thứ 22 (709 TCN), cũng rơi vào năm thứ 3 thời Lỗ Hoàn công trị vì, chính Lỗ Hoàn công sai Công tử Huy sang nước Tề đón Văn Khương về, Văn Khương do đó trở thành Phu nhân. Tề Hy công đích thân đưa tiễn bà đến đất Khoan, và Lỗ Hoàn công cũng đến đất Khoan đón vợ[7]. Năm Lỗ Hoàn công thứ 6 (706 TCN), Văn Khương sinh ra một người con trai, người con này có ngày sinh trùng với cha, do đó được đặt tên là Cơ Đồng (姬同). Vì là Đích trưởng tử, Cơ Đồng được lập làm Thái tử của nước Lỗ[1][2]. Về sau, bà lại sinh thêm Công tử Hữu.

Làm loạn nước Lỗ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Lỗ Hoàn công thứ 18 (694 TCN), Văn Khương cùng chồng về thăm nước Tề. Trước đó, hai nước đã có xung đột, vì Lỗ Hoàn công lại ủng hộ nước Kỷ, quốc gia vốn có tư thù với nước Tề. Khi xưa, tổ tiên nước Kỷ gièm pha hại chết tổ 9 đời của Văn Khương là Tề Ai công. Hai nước giảng hòa, hai Vua anh vợ em rể là Tề Tương công và Lỗ Hoàn công lại gặp nhau ở đất Lạc. Văn Khương gặp lại anh Tề Tương công, nảy sinh tình cảm như cũ nên lại tư thông với nhau[3]. Lỗ Hoàn công biết chuyện rất giận, trách mắng Văn Khương và nói rằng Thái tử Đồng không phải con mình mà là con Tề Tương công[8].

Văn Khương nói lại với Tề Tương công. Nhà vua xấu hổ, tính chuyện giết Lỗ Hoàn công, bèn mời Lỗ Hoàn công đến dự tiệc, chuốc cho Hoàn công uống say. Sau đó, Tương công sai Công tử Bành Sinh (公子彭生) đưa Lỗ Hoàn công ra xe và dặn giết Hoàn công. Bành Sinh bế vua Lỗ lên xe, nhân đó bóp gãy xương sườn giết chết Lỗ Hoàn công. Khi xe vua Lỗ về đến nước, mọi người thấy Hoàn công đã chết, người nước Lỗ trách nước Tề, nói rằng:「"Vua nước tôi luôn kính uy danh Vua nước ngài, không dám an cư, luôn chu toàn về lễ nghi. Nay lễ nghi đã vẹn mà Vua nước tôi bỏ mình, lại không có chỗ nào kêu oan được. Nay thỉnh xin Bành Sinh, đưa hắn về để thanh trừng gièm pha trong các chư hầu"」. Khi đó, Tề Tương công bèn quy tội cho Bành Sinh, ra lệnh giết Bành Sinh để xin lỗi nước Lỗ[9].

Con trai Văn Khương và Lỗ Hoàn công là Thái tử Cơ Đồng lúc đó 13 tuổi lên nối ngôi, tức là Lỗ Trang công. Chồng chết, trở thành góa phụ, thế là Văn Khương công khai đi lại tư thông với anh ruột Tề Tương công, không thèm về nước Lỗ nữa[10]. Để hai nhà thêm thân, Văn Khương bắt Lỗ Trang công lấy con gái Tương công, đó là Ai Khương. Vì Ai Khương còn nhỏ, Lỗ Trang công bị muộn con, Văn Khương lại ép Trang công lấy cả em gái Ai Khương là Thúc Khương (叔姜).

Năm thứ 12 (686 TCN), Tề Tương công bị hai tướng Liên Xưng (連稱) và Quản Chí Phủ (管至父) làm binh biến giết chết. Dẫu vậy, Văn Khương vẫn lưu lại nước Lỗ, xa xa chỉ huy Lỗ Trang công điều hình chính sự. Không rõ bà qua đời khi nào, nhưng vào tháng giêng đầu năm Lỗ Trang công thứ 22 (672 TCN) có ghi lại việc ["Táng Tiểu quân Văn Khương nước tôi"; 葬我小君文姜], do đó ước chừng bà qua đời vào năm trước[11].

Ngoài Trang công, Văn Khương và Hoàn công còn có hai người con trai khác tên là Cơ Thúc Nha (姬叔牙) và Cơ Quý Hữu. Lỗ Hoàn công cũng có một người con trai lớn tuổi hơn tên là Khánh Phụ (慶父) với một thê thiếp. Khánh Phụ, Thúc Nha và Quý Hữu là những người sáng lập ra ba gia tộc hùng mạnh mà sau này nằm quyền kiểm soát nước Lỗ. Họ được gọi là Tam Hoàn (三桓) do đều là hậu duệ của Hoàn công. Gia tộc của Quý Hữu, được gọi là Quý Tôn thị (季孙氏), cuối cùng đã lập ra nước Phí (費国)[2][12].

Đông Chu liệt quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyện tình loạn luân giữa Văn Khương và Tề Tương công bị tác giả Phùng Mộng Long lên án trong tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng Đông Chu liệt quốc. Đặc biệt, hình ảnh Văn Khương được mô tả rất dâm dật. Tác giả quy trách nhiệm của việc anh em Văn Khương loạn luân là do Tề Hy công dạy con không nghiêm.

Sau cái chết của Lỗ Hoàn công, nước Lỗ ở vào tình thế khó trong quan hệ với nước Tề lớn mạnh và đang bị chèn ép. Đại phu nước Lỗ đã tham mưu cho vua con Lỗ Trang công cách xử lý vụ việc rất tài tình, khéo léo để giải quyết việc vua nước Lỗ bị chết ở nước ngoài một cách không minh bạch, để giữ thể diện cho nước Lỗ nhỏ bé trong quan hệ với nước Tề lớn mạnh, và trong chừng mực bớt đi cái xấu do chính phu nhân Văn Khương gây ra. Cũng trong sách này, sau khi Tề Tương công qua đời, bà sang nước Cử và tiếp tục tư thông với thầy thuốc nước Cử.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Hàn Triệu Kỳ (韩兆琦) biên tập (2010). Sử ký (史记) (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục (中华书局). tr. 2639–2646. ISBN 978-7-101-07272-3.
  2. ^ a b c Sử ký Tư Mã Thiên, quyển thứ 33: Lỗ Chu công thế gia
  3. ^ a b Sử ký Tư Mã Thiên, quyển thứ 32: Tề Thái công thế gia
  4. ^ Tả Khâu Minh (James Legge dịch sang tiếng Anh). “Quyển 2:Hoàn công”. Tả truyện (bằng tiếng zh và tiếng Anh). Đại học Virginia. Truy cập 16 tháng 5 năm 2012.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết) Chương XII.
  5. ^ 《史记·卷三十二·齐太公世家第二》: 四年,鲁桓公与夫人如齐。齐襄公故尝私通鲁夫人。鲁夫人者,襄公女弟也,自釐公时嫁为鲁桓公妇,及桓公来而襄公复通焉。鲁桓公知之,怒夫人,夫人以告齐襄公。齐襄公与鲁君饮,醉之,使力士彭生抱上鲁君车,因拉杀鲁桓公,桓公下车则死矣。鲁人以为让,而齐襄公杀彭生以谢鲁。
  6. ^ 《左傳·桓公六年》: 北戎伐齊,齊使乞師于鄭,鄭大子忽帥師救齊,六月,大敗戎師,獲其二帥,大良,少良,甲首三百,以獻於齊,於是諸侯之大夫戍齊,齊人饋之餼,使魯為其班,後鄭,鄭忽以其有功也,怒,故有郎之師,公之未昏於齊也,齊侯欲以文姜妻鄭大子,忽大子忽辭,人問其故,大子曰,人各有耦,齊大,非吾耦也,詩云,自求多福,在我而已,大國何為,君子曰,善自為謀,及其敗戎師也,齊侯又請妻之,固辭,人問其故,大子曰,無事於齊,吾猶不敢,今以君命,奔齊之急,而受室以歸,是以師昏也,民其謂我何,遂辭諸鄭伯。
  7. ^ 《史记·卷三十三·鲁周公世家第三》: 三年,使挥迎妇于齐为夫人。
  8. ^ Xuân Thu tam truyện, tập 1, tr 208
  9. ^ 《史记·卷三十三·鲁周公世家第三》:十八年春,公将有行,遂与夫人如齐。申繻谏止,公不听,遂如齐。齐襄公通桓公夫人。公怒夫人,夫人以告齐侯。夏四月丙子,齐襄公飨公,公醉,使公子彭生抱鲁桓公,因命彭生摺其胁,公死于车。鲁人告于齐曰:“寡君畏君之威,不敢宁居,来脩好礼。礼成而不反,无所归咎,请得彭生除丑於诸侯。”齐人杀彭生以说鲁。
  10. ^ 《史记·卷三十三·鲁周公世家第三》:立太子同,是为庄公。庄公母夫人因留齐,不敢归鲁。
  11. ^ 《左傳·莊公二十二年》: 二十二年,春,王正月,肆大眚。癸丑,葬我小君文姜。
  12. ^ Tả Khâu Minh (James Legge dịch sang tiếng Anh). “Quyển 3:Trang công”. Tả truyện (bằng tiếng zh và tiếng Anh). Đại học Virginia. Truy cập 16 tháng 5 năm 2012.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết) Chương II.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Đường nhỏ hóa mèo - Albedo x Sucrose
Đường nhỏ hóa mèo - Albedo x Sucrose
Albedo vuốt đôi tai nhỏ nhắn, hôn lên sống mũi nàng mèo thật nhẹ. Cô thế này có vẻ dễ vỡ
Spoiler Kimetsu no Yaiba chương 175: Genya và Hà Trụ nguy kịch, Kokushibo bị chặt đầu
Spoiler Kimetsu no Yaiba chương 175: Genya và Hà Trụ nguy kịch, Kokushibo bị chặt đầu
Kimetsu no Yaiba vẫn đang làm mưa làm gió trong cộng đồng fan manga bởi những diễn biến hấp dẫn tiếp theo.
Vay tiền - con dao hai lưỡi: Bạn có biết cách vay mượn tiền thế nào cho hiệu quả?
Vay tiền - con dao hai lưỡi: Bạn có biết cách vay mượn tiền thế nào cho hiệu quả?
Trong đầu tư, kinh doanh, vay còn được gọi là đòn bẩy tài chính, một công cụ rất hiệu quả được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng.
[Review] 500 ngày của mùa hè | (500) Days of Summer
[Review] 500 ngày của mùa hè | (500) Days of Summer
(500) days of summer hay 500 ngày của mùa hè chắc cũng chẳng còn lạ lẫm gì với mọi người nữa