Giang Văn Minh

Giang Văn Minh
江文明
Công bộ Tả thị lang
Tên chữQuốc Hoa
Tên hiệuVăn Chung
Thụy hiệuVăn Trung
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1573
Nơi sinh
làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội).
Mất
Thụy hiệu
Văn Trung
Ngày mất
1638 (64–65 tuổi)
Nơi mất
Bắc Kinh
Nguyên nhân mất
khi đi sứ sang nhà Minh, vì đối đáp cứng cỏi nên bị vua Minh Tư Tông hành hình
An nghỉxã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
Giới tínhnam
Học vấnThám hoa khoa thi năm 1628
Chức quanCông bộ Tả thị lang (truy tặng sau khi mất)
Tước vịVinh Quận công
Dân tộcViệt
Quốc giaĐại Việt
Thời kỳNhà Lê Trung hưng

Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 - 1638[1]) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông nổi tiếng qua câu chuyện sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi (tuy nhiên đây chỉ là giai thoại, còn chính sử cả Trung Quốc và Việt Nam đều không có ghi lại việc này).

Cuộc đời và sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây[2], (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội[3]. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông[4]. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi[5][6]. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630)[7][8], Thái bộc tự khanh (1631)[9][10].

Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống[11] nhà Minh[1]. Sau khi chết, ông được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công.[1]

Giai thoại

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài[12]. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.

Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ" để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.

Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:

"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục""
("銅柱至今苔已綠")

Nghĩa là:

"Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc."[13] hay "Đồng trụ đến giờ rêu mọc rậm"[4]

Vế đối này nhắc tới việc chiếc cột đồng Mã Viện vẫn còn ở đâu đó sau một thời gian dài và đã mọc rêu, chính là nói đến việc Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, ngụ ý nhà Minh vẫn đang kiểm soát Đại Việt.

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
("藤江自古血猶紅")

Nghĩa là:

Bạch Đằng thuở trước máu còn loang[13]

Vế đối này vừa chỉnh, vừa nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên Sông Bạch Đằng, hàm ý rằng các cuộc xâm lược Đại Việt của triều đình phương Bắc luôn chuốc lấy thất bại. Hơn nữa, cột đồng Mã Viện là một thứ mơ hồ không chắc đã có thật, còn sông Bạch Đằng thì hiển hiện như một vết nhơ trong lịch sử xâm lược của triều đình phương Bắc.

Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế Minh Tư Tông trước đông đảo văn võ bá quan nhà Minh và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông và sợ bị Đại Việt trả thù khi mà tình hình nhà Minh lúc đó đang ngày càng nguy cấp do các cuộc nổi dậy trong nước cũng như sự xâm lược của nhà Hậu Kim (tiền thân của nhà Mãn Thanh) nên Minh Tư Tông không muốn có thêm một đối thủ nào nữa và đã cho ướp xác ông bằng thủy ngân và đưa thi hài ông về nước[14][15].

Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông[14] và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công[1], ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (chữ Hán: 使不辱君命,可謂千古英雄 tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Trong điếu văn của vua Lê có câu:

  • Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
  • Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh.

Tức là: Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.

Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán quàn.

Tuy nhiên câu chuyện trên chỉ là giai thoại, xuất hiện lần đầu trong “Gia phả họ Giang” do ông Giang Văn Hiển, thuộc đời thứ 10 của họ Giang viết năm 1849. Trong đọan kể về giai thoại trên, ông Giang Văn Hiển còn viết lầm là vua Minh Hy Tông ra lệnh (Thực ra Minh Hy Tông chết năm 1627, còn Giang Văn Minh chết năm 1638 vào thời Minh Tư Tông). Đối chiếu với chính sử Trung Quốc và Đại Việt cũng đều không ghi lại chuyện này. Do đó tính xác thực của giai thọai trên đã bị phủ nhận.

Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.[14]

Nhiều địa phương của Việt Nam đặt tên đường phố theo tên của ông.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hoa Nghiêm tự bi: trên tấm bia của chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có ghi người soạn văn bia năm Dương Hòa thứ 2 (1636) là Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh.[17]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Viện Sử học (2007). Trần Thị Vinh (biên tập). Lịch sử Việt Nam, tập 4: Từ thế thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. ISBN 978-604-944-927-7.
  • Trần Hồng Đức (2002). Nguyễn Khắc Oánh (biên tập). Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (ấn bản thứ 2). Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc. tr. 104–105. ISBN 978-604-89-2297-9.
  • Sử quán triều Hậu Lê (1697). Ngô Sĩ Liên; Vũ Quỳnh; Phạm Công Trứ; Lê Hy; Nguyễn Quý Đức (biên tập). Đại Việt sử ký toàn thư. ISBN 9786046997566.
  • Ngô Sĩ Liên (2017). Đại Việt sử ký toàn thư (PDF). Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch . Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 9786046997566.
  1. ^ a b c d Viện nghiên cứu Hán - Nôm. “Văn miếu Hà Nội: Văn bia số 32 - Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628)”. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2009.
  2. ^ Kiều Thu Hoạch (18 tháng 5 năm 2016). “Kẻ Mía - đôi dòng tản mạn”. Tạp chí Di sản. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2020.
  3. ^ Trần Hồng Đức 2002, tr. 104 (xuất bản), 126 (bản điện tử)
  4. ^ a b Trần Hồng Đức 2002, tr. 105 (xuất bản), 126 (bản điện tử)
  5. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 25b, Bản kỷ tục biên - Quyển XVIII
  6. ^ Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 667 (bản điện tử), Bản kỷ tục biên - Quyển 18
  7. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 28a, Bản kỷ tục biên - Quyển XVIII
  8. ^ Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 668 (bản điện tử), Bản kỷ tục biên - Quyển 18
  9. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 30a, Bản kỷ tục biên - Quyển XVIII
  10. ^ Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 669 (bản điện tử), Bản kỷ tục biên - Quyển 18
  11. ^ Tuế cống tức việc đi cống nạp hằng năm.
  12. ^ Viện Sử học 2007, tr. 106
  13. ^ a b Phạm Duy Trưởng (5 tháng 2 năm 2015). “Khí phách tiền nhân qua câu đối”. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.
  14. ^ a b c “Giang Văn Minh: vị sứ thần bất khuất”. 5 tháng 9 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2020.
  15. ^ Mông Phụ - tên đất, tên người[liên kết hỏng] (14/11/2008)
  16. ^ Tên các đường phố, làng xã Hà Nội thế kỷ 19-20 qua những lần thay đổiLưu trữ 2009-02-24 tại Wayback Machine Phố Giang Văn Minh, tên mới đặt cho con đường từ phố Cát Linh - Kim Mã vào Núi Bò thôn Vạn Phúc (năm 1986). Đường Giảng Võ, đường phố mới mở trên cơ sở bức luỹ đất cũ, thuộc thôn Giảng Võ. Phố Kim Mã, đất làng Kim Mã, Vạn Phúc, Giảng Võ, Ngọc Khánh. Chỗ đầu phố, xưa kia là cửa ô Thanh Bảo, có bến ô tô Kim Mã.
  17. ^ Hoàng Văn Lâu (2000). “Chùa Hoa Nghiêm và bài văn bia của Thám hoa Giang Văn Minh”. Thông báo Hán Nôm học (2000): 228-231. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2022. Đã định rõ hơn một tham số trong |ngày truy cập=|access-date= (trợ giúp)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]