Thủ khoa nho học Việt Nam (còn gọi là Đình nguyên) là những người đỗ cao nhất trong các khoa thi nho học thời phong kiến ở Đại Việt (còn gọi là thủ khoa Đại Việt, trong các triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Mạc), và Đại Nam của nhà Nguyễn (còn gọi là Đình nguyên thời Nguyễn). Danh hiệu này không bao gồm các thủ khoa các kỳ thi tiến sĩ võ trong các triều đại Việt Nam và các kỳ thi Phật học thời nhà Lý.
Các khoa thi tiến sĩ nho học đầu tiên có tên là khoa thi Minh kinh bác học. Khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên được mở ra dưới thời nhà Lý năm 1075, người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh. Đến thời nhà Trần, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì trong các năm 1232, 1239 có mở các kỳ thi Thái học sinh (tên gọi các khoa thi tiến sĩ nho học dưới triều nhà Trần và nhà Hồ).
Thủ khoa nho học Việt Nam, trước khi có danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho 3 vị trí đầu tiên từ đời vua Trần Thái Tông (năm 1246 hoặc 1247?), chưa có danh hiệu chính thức, tạm gọi họ là các thủ khoa Đại Việt. Hiện tại, thống kê theo các nguồn khác nhau có khoảng 9 người đỗ đầu trong các kỳ thi này. Một số tài liệu vẫn xếp 7 người trong số này (trừ Lưu Diễm và Vương Giát) vào danh sách các trạng nguyên Việt Nam.
Thời nhà Hồ, quốc hiệu là Đại Ngu, nhưng vì thời gian tồn tại quá ngắn kẹp giữa quốc hiệu Đại Việt và chỉ tổ chức được 2 khoa thi Thái học sinh với 2 thủ khoa, nên có thể xếp chung vào nhóm thủ khoa Đại Việt.
Thời nhà Hậu Lê các khoa thi nho học được phân cấp thành 3 cấp từ thấp tới cao là: thi Hương (cấp địa phương), thi Hội (cấp quốc gia), thi Đình (cấp quốc gia). Thủ khoa tiến sĩ nho học là người đỗ đầu kỳ thi Đình (Đình nguyên), là kỳ thi do nhà vua tổ chức cho các tân tiến sĩ đã đỗ trong kỳ thi Hội để chọn tam khôi và phân hạng tiến sĩ. (Việc phân hạng tiến sĩ thành 3 bậc: đệ nhất giáp (tam khôi), đệ nhị giáp, đệ tam giáp lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông. đến nhà Hậu Lê năm 1484 niên hiệu Hồng Đức thứ 15, Lê Thánh Tông lập lại đặt thành: tiến sĩ cập đệ, tiến sĩ xuất thân và đồng tiến sĩ xuất thân.[1]) Tuy vậy, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú vẫn kể đến tên những thủ khoa của các kỳ thi Hội vào trong phần số người đỗ các khoa, mục khoa mục chí.
Dưới đây là danh sách chỉ bao gồm những thủ khoa Đại Việt trước khi có danh hiệu trạng nguyên chính thức.
Thứ tự | Tên | Năm sinh năm mất |
Quê | Năm đỗ | Đời vua | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | Lê Văn Thịnh | 1038?-? | Bắc Ninh | 1075 | Lý Nhân Tông | Thủ khoa Minh kinh bác học |
2 | Mạc Hiển Tích | Hải Dương | 1086 | Lý Nhân Tông | Thủ khoa Minh kinh bác học | |
3 | Bùi Quốc Khái | Hải Dương | 1185 | Lý Cao Tông | Thủ khoa Minh kinh bác học | |
4 | Phạm Công Bình[2] | Vĩnh Phúc | 1213 | Lý Huệ Tông | ||
5 | Trương Hanh | Hải Dương | 1232 | Trần Thái Tông | Đệ nhất giáp Thái học sinh | |
6 | Lưu Diễm | Thanh Hóa | 1232 | Trần Thái Tông | Đệ nhất giáp Thái học sinh | |
7 | Nguyễn Quan Quang[2] | Bắc Ninh | 1234 hay 1246? | Trần Thái Tông | ||
8 | Lưu Miễn | Thanh Hóa | 1239 | Trần Thái Tông | Đệ nhất giáp Thái học sinh | |
9 | Vương Giát | ? | 1239 | Trần Thái Tông | Đệ nhất giáp Thái học sinh |
Từ khi có danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) vào đời vua Trần Thái Tông), thì các thủ khoa Đại Việt được chính thức gọi là Trạng nguyên (Trạng nguyên Việt Nam cũng chính là Đình nguyên tức thủ khoa Đại Việt). Tuy vậy, không phải mọi khoa thi đều có trạng nguyên nên thủ khoa Đại Việt không hoàn toàn đồng nhất với Trạng nguyên Việt Nam.
Theo một số tài liệu, trong đó có cuốn Những ông nghè ông cống triều Nguyễn của Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan và Lan Phương, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1995, dựa vào hai công trình Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa, 1993 và Quốc triều hương khoa lục, Nhà xuất bản TP HCM, 1993 thì từ khi bắt đầu mở khoa thi (1075) đến khi chấm dứt (khoa thi cuối cùng tổ chức năm 1919), tổng cộng có 184 khoa thi với 2.785 vị đỗ đại khoa (đỗ tiến sĩ và tính cả phó bảng), trong đó có 56 trạng nguyên (bao gồm cả bảy vị trong danh sách trên và 49 trạng nguyên chính thức).
Tuy nhiên, tác giả Vũ Xuân Thảo trong bài Vài số liệu, tư liệu chưa chính xác trong cuốn "Những ông nghè ông cống triều Nguyễn" đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 67, tháng 9 năm 1999 đã cho rằng con số trên không chính xác. Theo ông thì từ năm 1075 đến năm 1919 có tổng cộng có 185 khoa thi với 2.898 vị đỗ đại khoa (tính từ phó bảng trở lên), trong đó chỉ có 47 trạng nguyên. Cũng theo tác giả này thì trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Quan Quang, đỗ khoa Bính Ngọ (1246), nhưng trong chính sử không thấy ghi chép là năm 1246 có mở kỳ thi nào.
Đến thời nhà Nguyễn, Đại Việt được đổi tên thành Việt Nam, sau đó lại đổi thành Đại Nam. Các kỳ thi tiến sĩ nho học thời Nguyễn chỉ bắt đầu từ năm Minh Mạng khi quốc hiệu Việt Nam đã được đổi thành Đại Nam. Kỳ thi Đình không lấy trạng nguyên nên những người đỗ cao nhất chỉ được ban tới bảng nhãn hay thấp hơn.
Khoa bảng | ||
---|---|---|
Thi Hương | Thi Hội | Thi Đình |
Giải nguyên | Hội nguyên | Đình nguyên |
Hương cống Sinh đồ |
Thái học sinh Phó bảng |
Trạng nguyên Bảng nhãn Thám hoa Hoàng giáp Đồng tiến sĩ xuất thân |