Vương hoàng hậu (Hán Tuyên Đế)

Hiếu Tuyên Vương Hoàng hậu
孝宣王皇后
Hán Tuyên Đế Hoàng hậu
Hoàng hậu nhà Hán
Tại vị64 TCN - 49 TCN
Tiền nhiệmPhế hậu Hoắc thị
Kế nhiệmHiếu Nguyên Vương hoàng hậu
Hoàng thái hậu nhà Hán
Tại vị49 TCN - 33 TCN
Tiền nhiệmHiếu Chiêu Thượng Quan Thái hậu
Kế nhiệmHiếu Nguyên Vương Thái hậu
Thái hoàng thái hậu nhà Hán
Tại vị33 TCN - 16 TCN
Tiền nhiệmHiếu Chiêu Thượng Quan Thái hoàng thái hậu
Kế nhiệmHiếu Nguyên Vương Thái hoàng thái hậu
Thông tin chung
Sinh?
Trường Lăng
Mất19 tháng 8 năm 16 TCN
An tángĐông viên, Đỗ lăng (杜陵)
Phối ngẫuHán Tuyên Đế
Lưu Tuân
Thụy hiệu
Hiếu Tuyên hoàng hậu
(孝宣皇后)
Thân phụVương Phụng Quang

Hiếu Tuyên Vương Hoàng hậu (chữ Hán: 孝宣王皇后, ? - 16 TCN), còn gọi là Cung Thành Thái hậu (邛成太后), là Hoàng hậu thứ ba của Hán Tuyên Đế, vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Dù được lập làm Hoàng hậu, Hiếu Tuyên Vương Hoàng hậu không được Hán Tuyên Đế sủng hạnh, và cũng không như nhiều Hoàng thái hậu khác của Tây Hán, bà không dựa vào vị trí ngoại thích của dòng họ mình để tác động chính trị, an bình ở trong nội cung. Trước sự mưu toan của nhà họ Hoắc hòng đưa Hoắc Thành Quân lật đổ Hoàng hậu Hứa Bình Quân, Vương Hoàng hậu nuôi dưỡng con trai Hứa hậu là Hán Nguyên Đế Lưu Thích trưởng thành, nên Nguyên Đế tôn trọng bà.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiếu Tuyên hoàng hậu Vương thị, không rõ tên gì, người huyện Trường Lăng (nay là Vị Thành, Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây), nguyên là con gái của Cung Thành hầu Vương Phụng Quang (王奉光).

Tổ tiên của Vương thị do có công phò giúp Hán Cao Tổ, nên được phong làm Quan nội hầu (關內侯), dời từ Bái huyện sang Trường Lăng cư trú. Tước vị Quan nội hầu của dòng họ Vương được truyền đến đời Vương Phụng Quang. Vốn Phụng Quang thích chơi đá gà, thường gặp Hoàng tằng tôn Lưu Bệnh Dĩ, cho nên quen biết. Đến tuổi cập kê, Vương thị được định hôn với một vài nhà quyền quý nhưng những người ấy lại chết vào ngày thành hôn, nên bà vẫn phải ở nhà[1].

Năm Nguyên Bình nguyên niên (74 TCN), Hoàng tằng tôn Lưu Bệnh Dĩ được đưa lên ngôi, tức Hán Tuyên Đế. Do có giao tình, Hán Tuyên Đế chọn Vương thị nhập cung, phong Tiệp dư[2].

Năm Bổn Thủy thứ 3 (71 TCN), Hoàng hậu Hứa Bình Quân của Hán Tuyên Đế bị vợ của Hoắc QuangHoắc Hiển hạ độc sát hại vì muốn đưa con gái là Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu. Hoắc Hoàng hậu cùng Hoắc phu nhân nhiều lần ám sát Thái tử Lưu Thích, con của Hứa hoàng hậu để dọn đường cho ngôi vị Thái tử.

Vô sủng lập Hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Địa Tiết thứ 4 (66 TCN), Hán Tuyên Đế phế truất Hoắc Hoàng hậu, đồng thời tiêu diệt toàn bộ nhà họ Hoắc vì tội ám sát Hứa hoàng hậu và âm mưu tạo phản, cả dòng họ hơn 1000 người đều bị xử trảm, Hoắc Hoàng hậu bị giam vào lãnh cung. Do lo sợ nếu lập một vị Hoàng hậu có con sẽ ảnh hưởng đến địa vị của Thái tử nên Tuyên Đế quyết định lấy Vương Tiệp dư vốn không con làm Hoàng hậu và giao cho việc nuôi dạy Thái tử.

Năm Nguyên Khang thứ 2 (64 TCN), ngày 26 tháng 2 (âm lịch), Vương Tiệp dư được chính thức sách lập làm Hoàng hậu. Hán Tuyên Đế mệnh Hoàng hậu nhận Thái tử làm Dưỡng tử, chịu trách nhiệm nuôi dạy Thái tử. Tuy đã trở thành Hoàng hậu, song Vương thị vẫn bị Hán Tuyên Đế lạnh nhạt, tuy nhiên Tuyên Đế vẫn không để cho bà chịu thiệt thòi, bèn phong cha bà Vương Phụng Quang làm Cung Thành hầu (邛成侯), gia tộc họ Vương thừa huy ân sủng[3][4][5].

Đến tuổi trưởng thành, Thái tử Lưu Thích lấy Tư Mã thị, phong làm Lương đệ (良娣). Không lâu sau, Tư Mã Lương đệ ốm qua đời, Lưu Thích rất đau buồn. Hán Tuyên Đế lo lắng, bèn sai Vương hoàng hậu chọn ra một số cung nữ cho thái tử để an ủi. Vương hoàng hậu chọn ra 5 người mang đến trước mặt Tuyên Đế và Thái tử. Thái tử Thích đau buồn vì cái chết của Tư Mã thị, cũng không quan tâm đến họ, do đó đích thân Vương hoàng hậu lựa chọn thái tử phi. Do thấy Vương Chính Quân, con gái đình úy sử Vương Cấm mặc áo khác những người còn lại mà đứng gần thái tử nhất, nên Vương hoàng hậu sai Vương Chính Quân vào hầu Thái tử.

Vinh quang cả đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Hoàng Long nguyên niên (49 TCN), Hán Tuyên Đế băng hà, Thái tử Lưu Thích lên ngôi, tức Hán Nguyên Đế. Khi lên ngôi, Hoàng đế tôn Vương hoàng hậu làm Hoàng thái hậu[6]. Năm Sơ Nguyên nguyên niên (48 TCN), phong anh trai Thái hậu là Thị trung Trung lang tướng Vương Thuấn (王舜) làm An Bình hầu (安平侯)[6][7].

Năm Cảnh Ninh nguyên niên (33 TCN), tháng 5, Hán Nguyên Đế băng hà, Thái tử Lưu Ngao nối ngôi, tức Hán Thành Đế, Hoàng thái hậu Vương thị được tôn làm Thái hoàng thái hậu[8]. Vương Thái hoàng thái hậu ít khi tham dự vào chính sự, cũng không được nhắc đến thường xuyên, bà sống an nhàn bình yên như một trưởng bối đức cao vọng trọng trong hậu cung Hán triều. Tuy không phải ruột thịt nhưng Hán Nguyên Đế vẫn rất kính trọng bà như mẹ đẻ, và Hán Thành Đế xem bà như tổ mẫu, vì thế luôn ban tước vị cho người trong họ của bà để hưởng vinh quang. Khi Thành Đế lên ngôi, em trai của Cung Thành Thái hậu là Vương Tuấn (王骏) được phong làm Quan nội hầu, thực ấp 1.000 hộ; Vương gia thế tộc Liệt hầu 2 người, Quan nội hầu 1 người. Con trai Vương Thuấn là Vương Chương (王章), cùng đường đệ Vương Hàm (王咸), đều làm đến Tả Hữu tướng quân. Đương thời đều gọi bà là Cung Thành Thái hậu (邛成太后) dựa trên tước phong của cha bà và cũng để phân biệt với Hoàng thái hậu Vương Chính Quân[9].

Năm Vĩnh Thủy nguyên niên (16 TCN), ngày 19 tháng 8 (âm lịch), Thái hoàng thái hậu Vương thị băng, thọ chừng 70 tuổi[10]. Bà được hợp táng cùng với Hán Tuyên Đế ở Đỗ Lăng (杜陵), xưng là Đông viên (東園)[11].

Từ khi vào cung, Vương thị làm Tiệp dư 10 năm, Hoàng hậu 15 năm, Hoàng thái hậu 16 năm và Thái hoàng thái hậu 17 năm, trải qua ba đời Đại Hán hoàng đế. Chính sự khiêm nhường không can chính của bà, đã khiến cuộc đời bà bình lặng, gia tộc hưng vượng tuy không quá hiển quý. Ban Cố khi viết Hán thư nhận định, từ đời Tây Hán khai quốc đến hết triều, ngoại thích ân phong rất nhiều, duy chỉ có nhà họ Bạc của Bạc Thái hậu, họ Đậu của Hiếu Văn Đậu hoàng hậu, họ Vương của Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu cùng họ Vương của Cung Thành Thái hậu là bảo toàn vinh hoa[12].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hán thư, các mục
    • Ngoại thích truyện
    • Nguyên Hậu truyện

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:孝宣王皇后。其先高祖时有功赐爵关内侯,自沛徙长陵,传爵至后父奉光。奉光少时好斗鸡,宣帝在民间数与奉光会,相识。奉光有女年十余岁,每当适人,所当适辄死,故久不行。
  2. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:及宣帝即位,召入后宫,稍进为婕妤。
  3. ^ 《汉书·卷八·宣帝纪第八》:二月乙丑,立皇后王氏。
  4. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:霍皇后废后,上怜许太子蚤失母,几为霍氏所害,于是乃选后宫素谨慎而无子者,遂立王婕妤为皇后,令母养太子。
  5. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:自为后后,希见,无宠。封父奉光为邛成侯。
  6. ^ a b 《汉书·卷九·元帝纪第九》:黄龙元年十二月,宣帝崩。癸巳,太子即皇帝位,谒高庙。尊皇太后曰太皇太后,皇后曰皇太后。
  7. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:立十六年,宣帝崩,元帝即位,为皇太后。封太后兄舜为安平侯。
  8. ^ 《汉书·卷十·成帝纪第十》:竟宁元年五月,元帝崩。六月已未,太子即皇帝位,谒高庙。尊皇太后曰太皇太后,皇后曰皇太后。
  9. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:元帝崩,成帝即位,为太皇太后。复爵太皇太后弟骏为关内侯,食邑千户。王氏列侯二人,关内侯一人。舜子章,章从弟咸,皆至左右将军。时成帝母亦姓王氏,故世号太皇太后为邛成太后。
  10. ^ 《汉书·卷十·成帝纪第十》:八月丁丑,太皇太后王氏崩。
  11. ^ 《汉书·卷九十七上·外戚传第六十七上》:邛成太后凡立四十九年,年七十余,永始元年崩,合葬杜陵,称东园。
  12. ^ 班固:序自汉兴,终于孝平,外戚后庭色宠著闻二十有余人,然其保位全家者,唯文、景、武帝太后及邛成后四人而已。