Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Hoàng Sa. Hiện nay, Trung Quốc đang quản lý đảo này.
Trong thời gian đảo Hoàng Sa nằm dưới sự quản lý trực tiếp của người Việt và thực dân Pháp, nhiều công trình dân sự lẫn quân sự đã được xây dựng tại đây nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Hải đăng: được xây dựng ở phía bắc của đảo. "Đèn hiệu này thấy xa chừng 12 hải lý, thuộc loại hải đăng chớp tắt có chu kỳ mà "thời khoảng sáng" dài hơn "thời khoảng tắt" (hải đồ ghi: Occ - 12)."[2]
Cầu tàu: được xây dựng ở phía nam của đảo. Có một rạch nước khá sâu dẫn từ ngoài biển vào cầu tàu. Cầu tàu là điểm cuối của một đường goòng bằng sắt dài 180 m[2] nhằm phục vụ hoạt động khai thác phân chim. Từ năm 1956 đến năm 1964, Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành đã chở vào đất liền khoảng 100.000 tấn[3]
Đường sá: có ba con đường chủ chốt trên đảo
Đường chính hướng nam-bắc nối từ cầu tàu vào giữa đảo, rộng khoảng 2 m. Điểm cuối là một giếng nước (có vị lợ, nằm phía bên phải của đồn binh và nhà của trạm khí tượng).
Đường từ sau nhà của trạm khí tượng đến cuối đảo, song song với đường chính.
Đường từ giếng nước hướng lên phía bắc của đảo.[1]
Kế hoạch xây sân bay: Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà đã gửi người khảo sát các đảo ở Hoàng Sa để xây dựng một sân bay nhỏ đủ khả năng tiếp nhận máy bay vận tải C-7 Caribou và một số máy bay có khả năng hạ/cất cánh với đường băng ngắn nhưng không thành vì diễn ra trận Hải chiến Hoàng Sa.[2][4]
Khẳng định chủ quyền: Pháp xây một bia chủ quyền ở gần giữa đảo vào năm 1938[2] nhằm xác nhận lại chủ quyền chính thức của Việt Nam từ năm 1816 và của Pháp khi nước này đô hộ Việt Nam.
Đo đạc khí tượng: trạm khí tượng trên đảo bắt đầu hoạt động khoảng từ năm 1938 với số hiệu 48.860 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (sau này là Tổ chức Khí tượng Thế giới) cấp phát. Mỗi ngày các nhân viên "đo 8 obs (kỳ quan trắc): gió, mưa, mây, nắng, nhiệt độ nước biển, độ ẩm, khí áp,...thả bóng thám không hai lần: 6 giờ sáng và 12 giờ trưa"[4] rồi truyền thông tin về Nha Khí tượng Sài Gòn qua đàm thoại vô tuyến (lúc đầu bằng mã Morse[5]). Ty khí tượng tại đảo Hoàng Sa hoạt động tương đối liên tục, trừ vài năm chiến tranh khi Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, và chỉ dừng lại khi Trung Quốc chiếm đảo sau trận Hải chiến Hoàng Sa.[2] Sau này, Trung Quốc đã đăng ký tên trạm là Sanhu với số hiệu 59.985.[6]
Từ đầu thập niên 1930, các nhà cửa quân sự như đồn binh, nhà ở của binh lính được thiết lập. Lính Pháp và lính khố xanh thường dùng xà lúp đi tuần cả đảo này và các đảo khác.[1] Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Nhật xây nhiều lô cốt với tường rất dày ở cả bốn góc đảo.[4] Đến thời Việt Nam Cộng hoà, lúc đầu có một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến nhận nhiệm vụ bảo vệ các đảo, sau giảm xuống thành một đại đội và từ ngày 5 tháng 10 năm 1959, chỉ còn một trung đội thủy quân lục chiến 30 người và các Bảo an viên thuộc Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam (sau này là địa phương quân tiểu khu Quảng Nam) đóng trên đảo; vì thiếu phương tiện nên họ chỉ đồn trú trên đảo Hoàng Sa khiến các đảo khác bị bỏ không.[1]
Từ khi chiếm đảo năm 1974, Trung Quốc đã dựng lên các công trình mới dành cho cả quân sự và nghề cá.[2]
^ abcdefTrần Thế Đức (1975). “Hoàng Sa qua những nhân chứng”. Tập san Sử Địa. Sài Gòn: Nhà in Văn Hữu. 29.
^ abcdefghVũ Hữu San (1995). Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa. Hoa Kỳ: Nhà xuất bản Quê Hương.
^Trần Hữu Châu (1975). “Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt phát cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn Nhật-Việt vào mùa thu năm 1973”. Tập san Sử Địa. Sài Gòn: Nhà in Văn Hữu. 29.
^ abcNguyễn Thị Thu Sương (2009). “Hoàng Sa một thời tuổi trẻ”. Tạp chí Non Nước. Đà Nẵng. 151. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2012.