Động - chùa Địch Lộng ở vùng đất thôn Địch Lộng, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.[1][2][3]
Động ở cách Quốc lộ 1 chưa tới 1 km, đi từ cầu Khuất theo bờ nam sông Đáy về hướng tây.
Động - chùa Địch Lộng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Việt Nam vào năm 1990[4]. Động - chùa Địch Lộng đẹp tới mức được giới vua chúa quyền quý xưa xếp vào nhóm "Nam thiên đệ nhất động". Nếu như vua Tự Đức ban tặng Hương Tích là Nam thiên đệ nhất động, chúa Trịnh Sâm ban tặng Bích Động là "Nam thiên đệ nhị động" thì Địch Lộng cũng được vua Minh Mạng ban tặng là "Nam thiên đệ tam động", có nghĩa động đẹp thứ ba ở trời Nam.[5]
Hang Địch Lộng nằm trong vùng rừng núi hoang vu rậm rạp. Đứng ở cửa động khi gió thổi vào nghe vi vu như tiếng sáo liền đặt tên Địch Lộng. Thấy trong động có nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ, dân xã Gia Thanh liền mở đường lập chùa thờ Phật năm Canh Thân, triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất, tức là năm 1740 với tên chữ Nham Sơn động Cổ Am Tự (có nghĩa là chùa Cổ Am ở động Nham Sơn)[4][6], đồng thời xây dựng thêm một ngôi đình ở đây, tạo thành một cụm kiến trúc chùa - đình như ngày nay.[7]
Động - Chùa Địch Lộng là quần thể di tích danh thắng gồm có đình đá (có 16 cột đá nguyên khối); đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng và ba gian chùa Hạ, khu vườn Phật và khu vườn tháp ở hai bên.[4]
Chùa trong hang Địch Lộng gồm hai khu vực được phân chia theo lối vào là Hang Sáng và Hang Tối.[6]
Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động mà trên cửa động đề 6 chữ: "Nham Sơn động, Cổ Am tự". Hai bên cửa động có hai tượng Hộ pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu; hai giếng ngọc quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi và tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử. Đứng tại sân này, phía bên phải là chùa mà với mái là vòm hang cao khoảng 20 m, sâu khoảng 30 – 40 m và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Tương truyền một lần trên đường trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng quyết định ghé thăm nơi đây. Lúc thuyền sắp phải qua Kẽm Trống, nhà vua được viên quan cận thần đọc cho nghe bài thơ Kẽm Trống của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cho là quá dung tục, vua bắt dân ở địa phương đào một con sông khác để thuyền không phải "chui" qua Kẽm Trống.
Chùa Địch Lộng thờ Phật cũng là cơ sở cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, chùa và động còn là nơi lưu giữ quân khí, sau chuyển thành xưởng sản xuất vũ khí của Bộ Quốc phòng, nơi đóng quân của Sư đoàn 320 trong chiến dịch phá phòng tuyến sông Đáy của địch. Cũng như núi Soi, đỉnh núi chùa còn là vọng tiền tiêu của quân và dân ta.[7]
Hàng năm cứ đến ngày 6,7 tháng 3 âm lịch, nhân dân xã Gia Thanh lại tổ chức lễ hội chùa Địch Lộng, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.[4]
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)[liên kết hỏng]