Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Các ví dụ và quan điểm trong bài viết này có thể không thể hiện tầm nhìn toàn cầu về chủ đề này. |
Giết người trái pháp luật, gọi ngắn là giết người hay sát nhân (tiếng Anh: murder), là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội được coi là tội giết người không thành (khi có lỗi cố ý trực tiếp) hoặc là tội cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp). Mục đích và động cơ phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người và được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt.
Lỗi của người phạm tội là cố ý. Có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp.
Hành vi khách quan của tội giết người có thể là hành động như: bóp cổ, đấm đá, bẻ cổ, bịt miệng, bịt mũi... hay sử dụng vũ khí hoặc chất độc tác động lên người khác (đâm, chém, bắn, bỏ thuốc độc,...). Hành vi khách quan của tội giết người còn có thể là không hành động. Đó là các trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc cụ thể nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng của người khác nhưng chủ thể đã không hành động và là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. Ví dụ: Người mẹ cố ý không cho con bú dẫn đến đứa trẻ bị chết là một trường hợp của không hành động. Hành vi giết người còn có thể thực hiện thông qua hành động của người không có năng lực trách nhiệm hình sự, ví dụ: một người đã thành niên xúi giục một cậu bé dưới 14 tuổi thực hiện hành vi giết người, thì hành vi xúi giục đó được coi là hành vi giết người và người có hành vi xúi giục là người thực hành trong tội giết người.
Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự (Việt Nam):
- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi: có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Từ đủ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Ghi chú: Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống. Cho nên việc "giết" một bào thai không được xem là hành vi giết người mà chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc là tình tiết tăng nặng trong trường hợp giết người là phụ nữ mà biết là ngươi đó đang mang thai.
Trong Luật Hình sự của các nước, hành vi giết người được quy định là một tội danh. Hành vi đó do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, là lỗi cố ý. Đối với họ, hình phạt họ phải chịu là rất nghiêm khắc (từ 07 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 01 năm đến 05 năm trong trường hợp chuẩn bị giết người mà bị phát hiện; ngoài ra còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm). Các khung tăng nặng hình phạt bao gồm:
Một số hành vi khác, cũng dẫn đến hậu quả chết người, nhưng không coi là hành vi của tội giết người như:
Trong những trường hợp có hành vi trái luật như thế người ta không quy định là tội giết người mà được quy định bằng một tội danh cụ thể, tương ứng với hành vi. Khung hình phạt đối với những tội danh này không nghiêm khắc bằng khung hình phạt của tội giết người.
Tội danh giết người trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015 được quy định trong chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) các điều từ 123 đến 126.
Lưu ý là tại Việt Nam thì người thực hiện hành vi trái luật làm người khác chết, dù xảy ra đồng thời cùng thời điểm với cái chết tự nhiên của nạn nhân, vẫn bị quy định là tội danh giết người.
Theo một thống kê gần đây cho thấy, ở Anh và Wales trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 854 vụ giết người.[cần dẫn nguồn]
Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Trường Đại học Luật TPHCM, [2019], Giáo trình Luật hình sự Việt Nam: Phần Các tội phạm (Quyển 1 và Quyển 2), Nxb CAND, Hà Nội.
Trường Đại học An ninh nhân dân, [2019], Đề cương bài giảng Phần Các tội phạm.