Kính Mẫn

Kính Mẫn
敬敏
Thân vương nhà Thanh
Hòa Thạc Túc Thân vương
Tại vị18211852
Tiền nhiệmVĩnh Tích
Kế nhiệmHoa Phong
Thông tin chung
Sinh1774
Mất1852 (77–78 tuổi)
Phối ngẫuxem văn bản
Hậu duệxem văn bản
Tên đầy đủ
Ái Tân Giác La Kính Mẫn (愛新覺羅 敬敏)
Thụy hiệu
Hòa Thạc Túc Thận Thân vương
(和碩肅愼親王)
Hoàng tộcÁi Tân Giác La
Thân phụVĩnh Tích
Thân mẫuNa Mộc Đô Lỗ thị

Kính Mẫn (tiếng Mãn: ᡤᡳᠩᠮᡳᠶᡝᠨ, Möllendorff: gingmiyen, tiếng Trung: 敬敏; 17741852) là một hoàng thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, người thừa kế 1 trong 12 tước vị Thiết mạo tử vương. Ông là một trong các Thiết mạo tử vương được trọng dụng thời Đạo Quang, thường xuyên nhậm những chức vụ có thực quyền, thay mặt Hoàng đế thực hiện nhiều lễ tế quan trọng trong năm. Những lúc Đạo Quang Đế cần đến các lăng bái tế, Kính Mẫn luôn được lệnh ở lại kinh thành để xử lý công việc.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Kính Mẫn sinh vào giờ Ngọ, ngày 3 tháng 12 (âm lịch) năm Càn Long thứ 38 (1774), trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là con trai trưởng của Túc Cung Thân vương Vĩnh Tích, mẹ ông là Đích Phúc tấn Na Mộc Đô Lỗ thị (那木都鲁氏).[1] Năm Càn Long thứ 60 (1795), ông được phong làm Bất nhập Bát phân Phụ quốc công.[2] Sau khi Gia Khánh Đế lên ngôi, ông được phong làm Tán trật đại thần, Phó Đô thống Hán quân Tương Lam kỳ nhưng bị cách chức vào năm Gia Khánh thứ 5.[3] Đến năm thứ 7 (1802), ông lại được phong làm Phó Đô thống Hán quân Chính Hồng kỳ.[4]

Năm Đạo Quang nguyên niên (1821), cha ông qua đời, ông được thế tập tước vị Túc Thân vương đời thứ 7.[5] Năm thứ 2 (1822), tháng 2, ông thay quyền Đô thống Mông Cổ Tương Hoàng kỳ.[6] Tháng 4, nhậm chức Đô thống Hán quân Tương Hoàng kỳ.[7] Tháng 6, quản lý sự vụ Chính Hồng kỳ Giác La học (覺羅學). Tháng 11 cùng năm, ông lại được điều làm Đô thống Mông Cổ Chính Lam kỳ.[8] Năm thứ 4 (1824), tiết Xuân phân vào tháng 3 [9] và tiết Thu phân vào tháng 8 ,[10] ông được lệnh thay mặt làm lễ tế. Năm thứ 8 (1828), tháng 8, nhậm chức Tông Nhân phủ Tả Tông chính (左宗正).[11][12] Tháng 11, ông thay quyền Đô thống Hán quân Chính Hoàng kỳ.[13] Năm thứ 9 (1829), tháng 5, ông nhậm chức Nội đại thần (內大臣),[14] được ban thưởng Tam nhãn Hoa linh.[a] Tháng 8, ông thay quyền Đô thống Hán quân Chính Lam kỳ. Đến tiết Thu phân, ông tiếp tục được lệnh thay mặt làm lễ tế.[15]

Năm thứ 10 (1830), tháng 3, ông thay quyền Đô thống Hán quân Tương Hoàng kỳ. Trong hai tháng, ông hai lần kiêm quản lý sự vụ Quan binh Nội vụ phủ Tam kỳ[16][17] và Quan binh Bao y Tam kỳ[18] thuộc Viên Minh Viên Bát kỳ. Tháng 10, quản lý sự vụ của Tông Nhân phủ Ngân khố (宗人府銀庫).[12] Năm thứ 11 (1831), tháng 5, Mã Ni Ba Đạt Lạt vì bệnh tật mà xin về hưu, ông liền thay quyền Chính Bạch kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần.[19] Tháng 6, ông liên tiếp được lệnh đến tế đàn Thái Tuế để thắp hương và cầu mưa.[20] Tháng 8, ông thay quyền Đô thông Hán quân Chính Hồng kỳ.[21] Năm thứ 12 (1832), tháng 7, ông được lệnh đến Địa đàn[b] để làm lễ.[22] Đến tiết Thu phân, ông tiếp tục được lệnh thay mặt Đạo Quang Đế đi làm lễ tế.[23] Tháng 11, nhậm chức Duyệt binh đại thần (閱兵大臣).[24] 1 năm sau, ông lại thay quyền Đô thống Mãn Châu Chính Lam kỳ.[25] Sau khi Hiếu Thận Thành Hoàng hậu qua đời, ông được lệnh làm Chính sứ cùng với Thuận Thừa Quận vương Xuân Sơn làm Phó sứ, mang sách bảo tiến hành sách thụy cho Đại hành Hoàng hậu.[26] Năm thứ 14 (1834), ông tiếp tục thay quyền Đô thống Mông Cổ Tương Lam kỳ.[27] Tháng 7, ông chính thức nhậm chức Đô thống Mãn Châu Chính Lam kỳ.[28][29] Tháng 10, ông lại thay quyền Đô thống Hán quân Tương Hồng kỳ.[30] 1 năm sau, ông nhậm chức Nhạc bộ quản lý Đại thần, thay quyền quản lý Nhạc bộ.[31] Sau khi Đạo Quang Đế đi bái tế Tây lăng vào tháng 8, ông cùng với Định Thân vương Dịch Thiệu, Đại học sĩ Trường Linh và Thượng thư Kỳ Anh được lệnh ở lại kinh thành làm việc.[32] Năm thứ 16 (1836), tháng 3, Đạo Quang Đế khởi hành đi Đông lăng, ông và Định Thân vương Dịch Thiệu, Đại học sĩ Trường LinhVăn Phu ở lại kinh thành xử lý chính sự.[33] Tháng 8, ông thay quyền Đô thống Hán quân Tương Lam kỳ.[34] Mùa xuân năm sau, ông lại thay mặt Hoàng đế đi tế lễ tiết Xuân phân.[35]

Năm thứ 18 (1838), tháng 3, Đạo Quang Đế đi Tây lăng bái tế, ông tiếp tục được lệnh ở lại kinh thành xử lý công việc cùng với Đôn Thân vương Miên Khải, Đại học sĩ Nguyễn Nguyên và Thượng thư Dịch Kinh.[36] Tháng 5, ông được lệnh đến Thiên Thần đàn[c] cầu mưa. Cũng trong tháng này, Miên Khải vì phạm tội mà bị cách chức Tông Nhân phủ Tông lệnh, Kính Mẫn được thăng từ Tả Tông chính lên nhậm chức Tông lệnh kiêm Ngọc Điệp quán Tổng tài, phụ trách biên soạn Ngọc điệp của Hoàng thất nhà Thanh.[37][38] Tháng 8 cùng năm, ông tiếp tục thay mặt Đạo Quang Đế làm lễ tế tiết Thu phân.[39] Năm thứ 19 (1839), tháng 2, Đạo Quang Đế đi Đông lăng để bái tế, ông được lệnh ở lại kinh thành cùng với Huệ Thân vương Miên Du, Đại học sĩ Phan Thế Ân và Thượng thư Dịch Kinh.[40] Tháng 5, ông lại được lệnh đến miếu Quan Công cầu mưa.[41] Không đầy nửa tháng, vì không tuân thủ quy tắc, đi trễ về sớm khi đang trực ban trong Tử Cấm Thành, ông bị cách chức Tông lệnh và Nội đại thần, bị phạt bổng lộc 6 năm.[42] Nhưng đến năm sau, lúc bố trí quan viên đi chuẩn bị tế lễ ở Cảnh lăng, Đạo Quang Đế có nói: "Đáng ra là do Kính Mẫn đi làm lễ, nhưng Kính Mẫn đã sắp 70, không cần phải đi nữa"; cũng từ đây mà mọi lễ tế của triều đình, Kính Mẫn đều được phép không cần đi xa để tham gia, cho thấy được sự coi trọng của Đạo Quang Đế đối với ông.[43]

Năm thứ 21 (1841), ông thay quyền Đô thống Mông Cổ Tương Hồng kỳ.[44] 1 năm sau, ông nhậm chức Khâm thiên giám quản lý giám sự Vương đại thần, chịu trách nhiệm thay quyền quản lý Khâm thiên giám.[45] Năm thứ 23 (1843), ngày mừng thọ 70 tuổi của Kính Mẫn, ông một lần nữa được ban thưởng Tam nhãn Hoa linh, được Đạo Quang Đế đích thân đề chữ "Phúc thọ" và ban thưởng rất nhiều vải vóc và đồ chơi quý giá.[46] Tháng 8, ông thay quyển Đô thống Hán quân Tương Lam kỳ.[47] Năm thứ 24 (1844), ông cùng với Trịnh Thân vương Ô Nhĩ Cung A – hai người có tuổi tác lớn nhất trong các Thiết mạo tử vương cùng thế hệ với Đạo Quang Đế – lần lượt được Đạo Quang Đế cho phép không cần quản lý các yến tiệc và việc kê tra các đàn miếu thờ.[48] Cũng trong năm này, khi Đạo Quang Đế đi bái tế Đông lăng, Kính Mẫn tiếp tục được ở lại xử lý chính sự cùng với Huệ Thân vương Miên Du, Đại học sĩ Phan Thế Ân và Thượng thư Ân Quế.[49] Tháng 10, vì bị bệnh mà ông xin nghỉ, công việc Đô thống Mãn Châu Chính Lam kỳ của ông tạm cho Tăng Cách Lâm Thấm thay mặt giải quyết. Đến tháng 11, ông được cho phép ngồi kiệu trong Tử Cấm Thành.[50]

Năm thứ 28 (1848), tháng 11, thụ Đô thống Mông Cổ Tương Lam kỳ.[51] Năm thứ 30 (1850), sau khi Đạo Quang Đế qua đời, ngày 18 tháng 9 (âm lịch), Hàm Phong Đế đích thân đưa tiễn đến Mộ lăng, lại lệnh cho Kính Mẫn, Thuận Thừa Quận vương Xuân Sơn, Đại học sĩ Trác Bĩnh Điềm, Thượng thư Tái Thượng AA Lặc Thanh A ở lại kinh thành xử lý công việc.[52] Đến cuối năm, Hàm Phong Đế khởi hành đi Tây lăng, lại lệnh cho Kính Mẫn, Định Quận vương Tái Thuyên, Hiệp bạn Đại học sĩ Thượng thư Đỗ Thụ Điền, Thượng thư Bá TuấnA Lặc Thanh A ở lại kinh thành làm việc.[53] Năm Hàm Phong nguyên niên (1851), tháng 4, vì bị bệnh mà ông được xin trừ tất cả chức vụ, không quản lý công việc của Duyệt binh Đại thần.[54] Đến tháng 6, ông được phép cho tạm nghỉ các công việc, do Đô thống Hán quân Tương Lam kỳ là Hoa Sa Nạp tạm thay thế xử lý công việc của Đô thống Mông Cổ Tương Lam kỳ.[55] Năm thứ 2 (1852), tháng giêng, vì bệnh tình không khá hơn mà ông được giải trừ tất cả chức vụ nhưng vẫn được nhận toàn bộ bổng lộc.[56] Ngày 7 tháng 9 (âm lịch), giờ Sửu, ông qua đời, thọ 80 tuổi, được truy thụy là Túc Thận Thân vương (肃慎親王).[57] Hàm Phong Đế lệnh cho Thuần Thân vương Dịch Hoàn mang theo mười Thị vệ đến tế rượu trà cho Kính Mẫn, còn ban thưởng ba ngàn lượng bạc để lo liệu tang lễ.

Gia quyến[sửa | sửa mã nguồn]

Thê thiếp[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyên phối: Bái Đô Lỗ thị (拜都鲁氏), con gái của Đô thống Y Minh Đều (依明都).
  • Kế thất: Nữu Hỗ Lộc thị (钮祜禄氏), con gái của Tổng binh Sách Bố Thản (策布坦).
  • Trắc Phúc tấn:
    • Lang Giai thị (郎佳氏), con gái của Lang Phổ (郎普).
    • Tấn Giai thị (晋佳氏), con gái của Nhạc Thăng (岳升).
  • Thứ thiếp: Hà thị (何氏), con gái của Hà Diễn (何衍).

Con trai[sửa | sửa mã nguồn]

TT Tước hiệu Tên phiên âm Tên gốc Sinh Mất Mẹ Ghi chú
1 Phụ quốc Tướng quân Hoa Liên 華連 1792 1829 Đích Phúc tấn Bái Đô Lỗ thị Vô tự
2 Hoa Thụy 華瑞 1802 1821 Trắc Phúc tấn Lang Giai thị
3 Túc Khác Thân vương Hoa Phong 華豐 1804 1869 Có 13 con trai
4 Trấn quốc Tướng quân Hoa Trang 華莊 1811 1856 Có 6 con trai
5 Hoa Linh 華齡 1811 1813 Trắc Phúc tấn Tấn Giai thị Chết yểu

Con gái[sửa | sửa mã nguồn]

TT Tước hiệu Sinh Mất Mẹ Ghi chú
1 1804 1807 Trắc Phúc tấn Lang Giai thị
2 Huyện quân 1807 1831 Năm 1829 kết hôn với Đạt Đạt Thấm Nhất đẳng Đài cát Ô Cát Pha Âm (乌吉坡音)
3 1808 1826
4 Huyện quân 1810 1835 Năm 1834 kết hôn với Phí Mạc thị Tam đẳng hầu Văn Hậu (文厚)

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Hoa linh là lông khổng tước được gắn trên mũ của quan viên và tông thất, trên đó sẽ có các "nhãn" hình tròn, chia làm Đơn nhãn, Song nhãn và Tam nhãn.
  2. ^ Đàn ở đây là tế đàn thời cổ, nơi này ý chỉ một tế đàn dùng để thờ phụng thần Đất (địa).
  3. ^ Ở đây ý chỉ tế đàn thờ các vị thần trên trời.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Ngọc điệp, tr. 1682, Quyển 4, Giáp 4.
  2. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1799), Quyển 1493.
  3. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1824), Quyển 59.
  4. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1824), Quyển 105.
  5. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 27.
  6. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 37.
  7. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 40.
  8. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 46.
  9. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 65.
  10. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 72.
  11. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 141.
  12. ^ a b Phòng hồ sơ Minh - Thanh, Hồ sơ số 058049
  13. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 148.
  14. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 156.
  15. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 158.
  16. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 165.
  17. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 167.
  18. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 169.
  19. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 187.
  20. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 191.
  21. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 196.
  22. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 215.
  23. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 218.
  24. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 225.
  25. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 233.
  26. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 241.
  27. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 249.
  28. ^ Phòng hồ sơ Minh - Thanh, Hồ sơ số 157388.
  29. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 254.
  30. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 258.
  31. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 264.
  32. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 270.
  33. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 278.
  34. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 286.
  35. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 294.
  36. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 307.
  37. ^ Phòng hồ sơ Minh - Thanh, Hồ sơ số 154737.
  38. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 310.
  39. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 313.
  40. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 319.
  41. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 322.
  42. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 322.
  43. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 341.
  44. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 344.
  45. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 380.
  46. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 387.
  47. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 396.
  48. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 401.
  49. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 402.
  50. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 410.
  51. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856), Quyển 461.
  52. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 10.
  53. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 23.
  54. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 31.
  55. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 34.
  56. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 52.
  57. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866), Quyển 72.

Tài liệu[sửa | sửa mã nguồn]

  • Ngọc điệp. “Ái Tân Giác La Tông phổ”.
  • Phòng hồ sơ Minh - Thanh. “Nội các đại khố đương án”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2015.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1799). Khánh Quế, 慶桂; Đổng Cáo, 董誥 (biên tập). 高宗純皇帝實錄 [Cao Tông Thuần Hoàng đế Thực lục] (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2020.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1824). Tào Chấn Dong, 曹振鏞; Đới Quân Nguyên, 戴均元 (biên tập). 仁宗睿皇帝實錄 [Nhân Tông Duệ Hoàng đế Thực lục] (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2020.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856). Văn Khánh, 文庆; Hoa Sa Nạp, 花沙納 (biên tập). 宣宗成皇帝實錄 [Tuyên Tông Thành Hoàng đế Thực lục] (bằng tiếng Trung).
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1866). Cổ Trinh, 賈楨; Chu Tổ Bồi, 周祖培; Chu Thập Hồn Bố, 倭什珲布 (biên tập). 文宗顯皇帝實錄 [Văn Tông Hiển Hoàng đế Thực lục] (bằng tiếng Trung).
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Zhihu] Điều gì khiến bạn từ bỏ một mối quan hệ
[Zhihu] Điều gì khiến bạn từ bỏ một mối quan hệ
Khi nào ta nên từ bỏ một mối quan hệ
[Các tộc bài] Runick: Tiếng sấm truyền từ xứ sở Bắc Âu
[Các tộc bài] Runick: Tiếng sấm truyền từ xứ sở Bắc Âu
Trong sử thi Bắc Âu, có một nhân vật hiền triết cực kì nổi tiếng tên là Mímir (hay Mim) với hiểu biết thâm sâu và là 1 kho tàng kiến thức sống
Phân biệt Dũng Giả, Anh Hùng và Dũng Sĩ trong Tensura
Phân biệt Dũng Giả, Anh Hùng và Dũng Sĩ trong Tensura
Về cơ bản, Quả Trứng Dũng Giả cũng tương tự Hạt Giống Ma Vương, còn Chân Dũng Giả ngang với Chân Ma Vương.
Nhân vật Anya Forger - ∎ SPY×FAMILY ∎
Nhân vật Anya Forger - ∎ SPY×FAMILY ∎
Một siêu năng lực gia có khả năng đọc được tâm trí người khác, kết quả của một nghiên cứu thuộc tổ chức nào đó