Thông thường các Vương gia truyền tước lại cho con trai mình, nhưng sẽ bị giáng xuống một cấp; chỉ có các Thiết mạo tử vương là được giữ nguyên tước vị khi truyền lại cho con. Trong lịch sử nhà Thanh, tổng cộng có 12 vị Thiết mạo tử vương.
Sau khi nhà Thanh được thành lập, một hệ thống các tước vị được ban ra, trong đó các tước vị của Hoàng tộc được hợp nhất thành một bộ phận gồm 14 cấp bậc (xem chi tiết Quý tộc nhà Thanh), trong đó Hòa Thạc Thân vương (和碩親王) là tước vị cao nhất, đứng đầu 14 tước vị.
Nhà Thanh phong tước chia làm hai loại: một loại là nhờ lập công trong chiến trận, gọi là Công phong (功封); loại kia là phong cho các con cháu Hoàng tộc trong tình huống bình thường, gọi là Ân phong (恩封). Phương thức tập tước cũng được chia làm hai loại: một là "Thừa tập đệ giáng" (世袭递降), với loại thừa tập này thì con cả thừa tước của cha nhưng giáng xuống một cấp, loại kia là "Thế tập võng thế" (世襲罔替), tức giữ nguyên tước hiệu mà truyền đi mãi mãi.
Với loại "Thế tập đệ giáng", đây là chính sách thường áp dụng nhất của nhà Thanh dành cho thành viên hoàng tộc, tức các Tông Thất. Nhưng việc giáng tước qua các đời cũng có giới hạn nhất định, cụ thể:
Từ Hoà Thạc Thân vương giáng xuống thành Phụng ân Trấn quốc công (奉恩镇國公), sẽ giữ nguyên vĩnh viễn;
Từ Đa La Quận vương giáng xuống thành Phụng ân Phụ quốc công (奉恩辅國公), sẽ giữ nguyên vĩnh viễn;
Còn nếu bị giáng xuống dưới Bất nhập Bát phân Trấn quốc công (不入八分镇國公), tước vị đến mức cuối cùng Phụng ân Tướng quân (奉恩將軍), truyền tiếp 3 đời là sẽ biến mất vĩnh viễn;
Khi dòng dõi một Vương gia không còn con trai nối dõi, Hoàng đế sẽ chỉ định một người nam khác trong Hoàng tộc thừa tự.
Trường hợp triều đình cho phép con cháu khi thừa tập được giữ nguyên tước vị của cha ông mình đã được ban, không thay đổi qua các đời, đó gọi là "Thế tập võng thế" và điều này chỉ thường áp dụng cho những hoàng tộc có quân công hiển hách. Nhà Thanh có 12 tước vị hàng Vương (bao gồm Thân vương và Quận vương) được truyền tước cho con cháu mà không bị giáng cấp, họ được gọi là 「Thiết mạo tử vương」. Trong số 12 Vương gia này có 8 vị được phong vào thời kì sơ lập của nhà Thanh do lập được chiến công, 4 vị còn lại được phong vào thời kì sau do đấu tranh chính trị giành được sự sủng ái của Hoàng đế mà được thụ phong.
Có 8 Thiết mạo tử vương được công phong vào thời sơ kì của nhà Thanh.
Sáu vị Hòa Thạc Thân vương:
Hoà Thạc Lễ Thân vương (和硕禮親王): Đại Thiện, con trai thứ 2 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm 1648 cải thành Hòa Thạc Tốn Thân vương (和碩巽親王). Năm 1659 cải thành Hòa Thạc Khang Thân vương (和碩康親王). Năm 1778 phục lại hào vị Hòa Thạc Lễ Thân vương.
Hoà Thạc Dự Thân vương (和硕豫親王): Đa Đạc, con trai thứ 15 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm 1652 cải thành Hòa Thạc Tín Thân vương (和碩信親王), Đa La Tín Quận vương (多羅信郡王). Năm 1778 phục lại hào vị Hòa Thạc Dự Thân vương.
Đa La Khắc Cần Quận vương (多罗克勤郡王): Nhạc Thác, con trai trưởng của Đại Thiện (con trai thứ hai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích). Năm 1638 cải thành Đa La Diễn Hi Quận vương (多羅衍僖郡王). Năm 1646 cải thành Đa La Bình Quận vương (多羅平郡王). Năm 1778 phục lại hào vị Đa La Khắc Cần Quận vương.